Một “VI” người trong một “VI” thơ, hồn nhiên táo tợn giữa heo hút xứ người

1194

Hàn Chung

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một cô gái sống và làm thơ tình ở một miền đất heo hút của Canada xa xôi buồn quá nên đã nói đùa với tôi “Anh Nguyễn Hàn Chung à! Anh chuyên trị thơ tình hay là mình yêu nhau đi, anh em mình sẽ có nhiều cảm hứng viết…” Tôi cũng nói đùa với cô: “Thì em cứ get line đi, anh còn đang tất bật điêu đứng điên đảo vì người yêu anh nhiều quá, bao giờ em lớn hơn tí chút anh mới rắp ranh chứ bây giờ em còn nhỏ tuổi hơn con trai anh nữa mà! Anh chỉ thích yêu mấy bà già từ sáu chục trở lên thôi anh chán gái trẻ đẹp cỡ em lắm. Anh không biết chiều đàn bà…” Đùa thế để thấy cô gái này rất hồn nhiên phóng khoáng không câu nệ tiểu tiết như quý bà quý cô phàm thường trong thơ và cả trong đời. Cô ấy sinh năm 1979 có 12 năm ở Melbourne, Úc và sống ở Canada từ 2015, tiến sĩ ngành tài chính và hiện là giảng viên Đại học ở Canada. Tác phẩm: “Lật tung miền ký ức” (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2017. “VI” (thơ), NXB Hội Nhà văn, 2020.


Nhà thơ Trần Hạ Vi.

Thơ cô đã xuất bản rất nhiều trên các tạp chí văn chương trong và ngoài nước. Cô có bút danh là Trần Hạ Vi, tên thật là Nguyễn Yến Ngọc, quê xứ An Giang.

Tôi cũng đã đọc hai tập thơ của cô cho đến lúc này và những bài thơ trên Facebook. Ấn tượng ban đầu là sự tự nhiên trong hình tượng ngôn từ nhiều lúc đến thô ráp, nhưng nhờ đó mà tính chân thực đậm đặc, các khả năng của ngôn từ thi ca được mở rộng như một hiện tượng thuần túy tự thân. ”Nghệ thuật không biểu đạt gì ngoài bản thân nó… là thứ nhất, cao cả hơn cả cuộc đời là cái mà nó bắt chước“ (O.Wilde).

Cách đây mấy năm Trần Hạ Vi in tập thơ đầu tay “Lật tung miền ký ức” tôi có đọc và nêu lên một vài cảm nhận:

“Thơ Trần Hạ Vi có một cách tổ chức chất liệu ngữ nghĩa, cách tái tạo giọng nói thật sự riêng biệt: Giọng của một nhà thơ về những chủ đề vĩnh cữu ‘Tình yêu, ước mơ, hy vọng’… bằng một giọng thơ táo bạo rạo rực mê đắm của các động tác yêu muôn thuở nhưng vẫn tạo xung lực cho các câu thơ có khả năng hồn nhiên cuốn hút gợi thèm, dù sự mới lạ không nhiều…”

Thú thật ngày đó đọc xong tôi không có mấy hứng thú, khi thấy thơ cô vẫn là mô tip quen thuộc của các cô gái trẻ làm thơ tình tính chất trữ tình ứng với ngôi thứ nhất ở thì hiện tại mang đậm tính riêng của những người trẻ yêu nhau. Lần này tôi được hân hạnh đọc tập “VI” khi còn ở dạng bản thảo. Cô vẫn dùng những từ ngữ đôi lúc trần trụi một cách táo tợn về tình yêu đời thường giữa nhục dục và thánh thiện giữa suy ngẫm và mê đắm. Nhưng về nghệ thuật so với tập thơ đầu tay có sự tiến xa về kỹ thuật điêu luyện với nhiều sáng tạo mới mẻ đáng khen ngợi. Tôi rất vui khi cô đã cảm thấu thơ bớt đi cái giọng kể tả lê thê đơn thuần chữ nhiều mà ý ít như ngày trước. Cô đã tiến tới một “level” khác miêu tả thực tại theo lối lạ hóa cô đặc cái mâu thuẫn nội tại phơi bày những xung đột giữa tình cảm và lý tính. Ngôn ngữ thơ, hình tượng thơ vừa nhắm vào một đối tượng nhất định nhưng sự liên tưởng mở rộng có tính cách là lời nói của tha nhân.

Đọc “VI” tôi nghiêng về soi chiếu hình thức nghệ thuật bởi tôi nghĩ rằng nội dung “VI” sẽ được suy ra từ hình thức của ngôn từ nghệ thuật. Đó chính là hình thức của nội dung như Dostoievski từng khẳng định trong “Mấy vấn đề về thi pháp”.

Nói chung cô đã thực sự trở thành một nhà thơ đúng nghĩa của nó: Sáng tạo, táo bạo không mô phỏng bắt chước người cùng thời và đi trước. Mời các bạn hãy đọc kỹ “VI” trong tay quý vị để nắm được điều tôi nói có cường điệu lắm không? Tôi đơn cử một vài bài thơ sau:

Soi thơ

em soi từng bài thơ anh
tìm bóng em trong đó
bài này có vài chữ nhỏ
bài kia họa may được đôi câu

hỏi anh
anh chỉ cười trừ

thơ của anh là anh
em là một phần của anh
sao phải soi từng con chữ?
(trang 15)

Ghen

đang nói chuyện anh nhẹ nhàng
em nghĩ gì về anh ấy?

em chết đứng người
á khẩu
biên vội một câu
trống ngực thình thình

cuối cùng thì:
mỗi anh ấy chưa biết anh thôi!
(trang 57)

Cuộc đời yêu dấu 

ngày đầu tiên gặp anh
em sẽ khóc
những giọt nước mắt lăn ra như ngọc
dỗ dành nuôi sống cuộc tình xa

một trời phong ba
một vùng hư ảnh
anh hứng lấy em bằng hai bàn tay
anh giữ lấy em trong hai bàn tay

giọt ngọc em trong suốt
khuôn mặt em trong suốt
ánh mắt em trong suốt
giận hờn em trong suốt
nhìn em thấu cả cuộc đời anh

mái tóc không còn xanh
những khúc quanh gay gắt
em khóc nhòe nước mắt
ruột thắt
anh thương

những kết nối vô thường
trong cuộc đời huyền nhiệm
em không phải ảo ảnh xa xanh vời vợi

em chỉ là
cuộc đời yêu dấu
của anh.
(trang 81-82)

Phải chăng giọt ngọc là một hình ảnh ước lệ tượng trưng trong văn học cổ? Phải mà không phải. Nó đấy mà không phải nó. Cái tôi “Ngọc” náu nương vào hình ảnh thơ “VI” để sống để tồn tại khách quan, cái tôi nửa muốn phá bỏ bạo loạn lật đổ nửa muốn giữ gìn sợ hãi câm nín. Thơ VI hay người VI đã nhập làm một trong thơ giữa cái heo hút quanh năm lạnh giá miền Đông Canada. Không có thơ bầu bạn con chim yến nhỏ bé ấy làm sao sống cho qua mùa đông băng giá kinh hãi xứ người.

Houston, TX USA – những ngày trốn dịch mùa đông 12/2020
N.H.C