(Vanchuongphuongnam.vn) – Kết thúc tuần thực tế tại các tỉnh Miền Tây Nam Bộ, trải nghiệm thêm nhiều điều thú vị. Có những thắc mắc bấy lâu được giải đáp rõ hơn nhưng cũng có những câu hỏi lại nảy sinh và những vấn đề được đặt ra, dù không phải lần đầu đến Miền Tây. Những câu hỏi đã bao lâu nay về đất nước, con người, về văn hóa vùng miền vẫn còn lờ mờ trong đầu khi miền Tây rộng lớn, độ trải nghiệm chưa nhiều. Trong “ba tây” hiện nay, có lẽ Miền Tây Nam bộ trù phú và giàu sức sống hơn cả, tàng chứa trong nó những nét đẹp được định hình hơn ba trăm năm, kể từ thuở các chúa Nguyễn bình định xong về cơ bản miền Tây Nam Bộ. Và vì thế Tây Nam Bộ hấp dẫn du khách, nhất là đối với những người đất Bắc lần đầu hành du phương Nam.
Ảnh minh họa – Nguồn internet
Từ Sài Gòn xuôi về Miền Tây, xe lướt êm ru trên những con đường thoáng. Hai bên cây cối xanh tốt. Mùa mưa chưa bắt đầu, nắng vẫn nhuộm vàng trên cây trái, hoa cỏ. Những hàng dừa xanh cao vươn mình đón gió hiện ra trong tầm mắt. Đi đâu cũng những kênh rạch thuyền bè qua lại làm ăn chở bao phận người xuôi ngược giữa dòng đời.
Có một lần nào đó mình đọc những trang văn của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư viết về Miền Tây, mình thấy yêu lắm cuộc sống Miền Tây trong trang văn của chị. Lại xem “Mùa len trâu”, của đạo diễn Nguyễn Võ Tư Nghiêm, câu chuyện Miền Tây trong những thước phim cũng khá ám ảnh mình về đời sống gắn với sông nước của người dân nơi đây.
Đến Hậu Giang, nghe các anh Ban Tuyên giáo tỉnh ủy báo cáo về lịch sử đấu tranh cách mạng của vùng đất này. Hậu Giang một tỉnh trung tâm đồng bằng Sông Cửu Long. Con người nơi đây giàu truyền thống cách mạng nổi tiếng với Bà má Hậu Giang kiên trung, với những Trận đánh Tầm Vu quật khởi. Hậu Giang giàu tiềm năng về nông nghiệp, nhưng tỉnh vẫn còn nghèo. Gần 15 năm tách ra từ Cần Thơ, Hậu Giang từng bước khẳng định vị thế của mình, song vẫn còn nhiều thách thức phía trước. Sự biến đổi khí hậu đang tác động rất lớn đến sự phát triển của Hậu Giang nói riêng và Tây Nam Bộ nói chung. Nông nghiệp trồng trọt và nuôi trồng vẫn là nền tảng sản xuất truyền thống của Hậu Giang, nhưng để tạo ra giá trị cao từ nông nghiệp không lớn, trong khi đó bóng dáng của nông nghiệp công nghệ cao còn thiếu và yếu.
Thanh phố Vị Thanh trầm và chuyển động nhẹ nhàng, đi loanh quanh đã hết thành phố. Cách Cần Thơ 60 km, nhưng hai Thanh phố đã khác xa nhau nhiều lắm. Phần lớn du khách xuống đây thường nghỉ lại Cần Thơ. Rời Hậu Giang, rồi qua Cần Thơ, vẫn thoáng dư âm những điệu vần dịu ngọt của lời bài hát “Về Hậu Giang: “Một ngày về Hậu Giang, thơm biết mấy lúa gạo nàng Mau, ngon biết mấy khóm cầu Đúc Ngọt, thương biết mấy dáng mẹ trên đồng. Ngày về đây, nụ cười nào thật xinh, đẹp đẹp lắm, chiều về tan ca, duyên dáng lắm tóc thề bay bay, tiếng ai cười, rộn rã lòng nhau”.
Cần Thơ lâu nay vẫn được định danh là thủ phủ Miền Tây. Cần Thơ với mình không xa lạ, nhưng sau nhiều năm trở lại, chứng kiến một Cần Thơ thay đổi và hiện đại hơn trước gấp nhiều lần. Bến Ninh Kiều đêm sầm uất, câu hò điệu hát vấn víu mình. Ai đó nhắc mình câu vịnh cảnh của người xưa:
“Cần Thơ có bến Ninh Kiều
Có dòng sông đẹp với nhiều giai nhân”
Tha thẩn với Bến Ninh Kiều hóng gió, cứ ngỡ mình đang lạc vào một Cần Thơ từ lâu lắm rồi, chứ không phải của hôm nay.
Đêm sâu, từ khách sạn hóng ra bờ rạch Cái Khế, thấy cảnh nhiều ghe thuyền đỗ lại, các chủ tàu quây nhau bên tiệc rượu đơn sơ và hát. Tiếng hát lay động dòng sông, tiếng hát vọng vào khách sạn, tiếng hát nôn nao lòng du khách. Cứ cảm giác như người Miền Tây sinh ra để hát, hát về đêm sau những giờ lao động, hát ru mênh mông vườn tược, hát thổi hồn cho những dòng kênh chở phù sa bồi đắp cho cây trái.
Rời Cần Thơ tiếp tục xuôi Kiên Giang. Buổi chiều thị xã Rạch Giá lao xao tiếng chim Yến. Nơi đây chim yến làm tổ trên những nhà cao tầng. Tiếng chim rộn ràng ngỡ như đang ở giữa một khu rừng còn giữ được vẻ nguyên sinh.
Thật duyên gặp bạn từ Trà Vinh qua đây dạy học. Đêm cùng mấy học sinh của anh ngồi cà phê hóng gió biển. Anh em giới thiệu về thành phố quê hương trong niềm tự hào. Đây là vùng lấn biển, Rạch Giá vì thế có một phần thành phố trẻ. Đêm ồn ã hơn ngày với những quán cafe đẹp và sang. Ngồi nghe tiếng sóng ì oạp vỗ bờ, cứ nghĩ thành phố này sẽ còn nới rộng ra trong nay mai chứ chưa phải dừng lại thế này.
Rời Rạch Giá qua Phú Quốc trên tàu Superdong. Gần 3 giờ lênh đênh trên biển, tàu cập đảo Phú Quốc. Với mảnh đất Kiên Giang có lẽ đây là điểm đến mong đợi nhất của du khách. Hòn đảo được vinh danh là Đảo Ngọc vẫn đượm nét hoang sơ nhưng cũng đang dần đổi thay bởi những công trình nhà hàng khách sạn, các tòa nhà nghỉ dưỡng cao tầng mọc lên theo các dự án bất động sản được đầu tư từ nhiều ông chủ lớn đến từ Hà Nội, Sài Gòn. Ra đây, du khách được tận hưởng nắng gió đảo trong cái cảm giác thích thú, khám phá. Cũng là đất nước mình đấy, nhưng Phú Quốc hồn hậu một nét riêng.
Đang mơ màng sau một sáng thăm thú trở về, thì nhận được điện thoại của bạn. Không hẹn mà gặp bạn từ TP HCM ra Phú Quốc công tác trong một dự án bảo tồn sinh vật biển với phía Hàn Quốc. Bạn Nam tiến khá thành công trong lĩnh vực công nghệ sinh học sống, làm việc và lấy vợ Nam. Bạn đã triển khai nghiên cứu một số đề tài trong khu vực này, có nhiều trải nghiệm với đất và người Miền Tây cũng đến hàng chục năm nay. Tranh thủ lên xe đến thăm bạn, hai giờ đồng hồ cuối chiều trong một khi resort thanh bình, ngồi với bạn, sau dăm ba câu hỏi thăm là câu chuyện khoa học. Mình nêu vài nhận xét về miền Tây như một lời mở để mong lắng nghe những chia sẻ của bạn.
Bạn nói, Miền Tây đang thay đổi, nhiều thứ không còn nằm trong trang sách viết trước đây về nơi này. Bạn dẫn dụ với mình những thay đổi của miền Tây về cách làm ăn, về văn hóa, con người trong sự do sánh Bắc Trung Nam. Cuối cùng thì chúng mình có chung một nhận thức: Sự phân chia Bắc, Trung hay Nam dẫu có nhưng cũng chỉ là tương đối, bởi hôm nay mọi thứ đang thay đổi và hội nhập, khó vùng miền nào bảo thủ biệt lập một nét riêng.
Tất nhiên cũng phải ghi nhận những đặc sắc Miền Tây, có những thứ đã trở thành hằng số văn hóa của một vùng miền, khó trộn lẫn. Đó là một Miền Tây đậm phong cách sinh hoạt dựa vào kênh rạch miệt vườn nổi tiếng với những cây trái nhiệt đới, với các món ăn đặc trưng sông nước. Đó là một Miền Tây với những cô thanh nữ thưa dạ ngọt ngào cứ ngỡ như các em chưa biết giận bao giờ. Đó còn là một Miền Tây với những điệu hát câu hò mênh mang sông nước, thổi vào hồn du khách nét diệu vợi đến nao lòng. Dù đổi thay và hội nhập sâu thế nào đi nữa nhưng phải chăng đó là những cái chất mà Miền Tây cần phải giữ để cuốn hút bạn bè.
Lúc này đây, ngồi giữa lòng Hà Nội viết đôi dòng cảm nhận miền Tây mà mình vẫn cảm giác mơ màng. Vùng đất ấy, cảm mà chưa thấu, hiểu mà chưa đủ sâu, ngỡ là biết nhiều nhưng vẫn còn quá ít. Có những điều không phải cứ nghiên cứu trên trang sách, mà cần lắm những hành du, trải nghiệm sống động đời thường. Tất nhiên cần có phải bằng óc quan sát, phép liên tưởng và đối sánh. Cảm thụ bằng cả khối óc lẫn tấm lòng.
Mỗi chuyến đi là một sự trải nghiệm, có những điểm từng đến nhưng không hẳn đã hiểu biết nhiều về nó, sẽ còn phải những chuyến đi dài, căng đôi mắt, lắng đôi tai theo cách của nhà nhân học, dân tộc học mới may ra mới hiểu nhiều hơn trong những tầng sâu.
Hẹn những lần gặp lại nhé Miền Tây!
P.T.H