Trần Thị Bảo Thư
(Vanchuongphuongnam.vn) – Mới ngần này tuổi mà đã hay hoài niệm, chẳng trách các cụ cứ kể đi kể lại cái “Trận càn chữ O” bên bàn trà thuốc…
Ngày xưa, Giang nhớ mình lấy chồng khi còn trẻ lắm, khi vẫn còn nô nghịch với đám con nít lầng nhầng cùng xóm, vẫn còn trêu chọc cả cái khu tập thể nghèo ven sông Cấm, ở cấp độ “trẻ không tha, già không thương”, và cũng chính vì những trò nghịch tinh nghịch quái ấy mà số phận đưa đẩy Giang gặp người chồng đầu tiên, tự đeo cái “vòng kim cô” lên đầu.
Bốn năm đầu hai đứa con hơn nhau hai tuổi lần lượt ra đời, từ sáng đến đêm hoặc Giang khóc, hoặc con khóc. Giang bằng lòng lấy người đàn ông hơn mình một con giáp, chỉ vì gã có việc làm ổn định trong một xí nghiệp của nhà nước. Thời ấy dù chỉ là một cu-li hưởng chế độ bao cấp đã rất ổn, được cấp gạo, thực phẩm giá rẻ theo sổ, có lương hưu trí… Và điều quan trọng nữa quê gã tận Nam Định, Giang sẽ không phải làm dâu, gã sống và làm việc tại Hải Phòng – quê Giang, tiện mọi bề. Giang vẫn được ở cùng mẹ của mình, đó là mong ước của cô khi lấy chồng.
Gã được cả khu tập thể khen chịu khó làm ăn, chả va chạm với ai. Có vẻ ngoài hơi lù đù ít nói nên ai cũng bảo gã hiền lành. Giang chẳng để ý nhiều, cô không yêu gã, suy nghĩ của cô về việc lấy chồng thật đơn giản, chỉ cần đủ điều kiện cuộc sống thực tế như cô mong muốn là được.
Gia đình ở Nam Định không đồng ý cho gã lấy vợ thành phố, muốn gã về quê chọn vợ để sau này cha mẹ gã có con dâu phụng dưỡng. Các cụ nhà gã cũng đã chọn cho gã người con gái cùng làng, quê gã, một vùng quê thuần nông, người dân gắn bó bãi dâu ruộng lúa vẫn giữ những lề thói bất di bất dịch, cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Nhưng gã nhất quyết lấy Giang, còn cô với bản chất hiếu thắng chẳng khôn ngoan tí nào, đã mang đến sự thất bại ngay từ khi chấp nhận cuộc chung sống ấy.
Rồi con trai đầu lòng của họ chào đời cũng là lúc cuộc sống của Giang trở thành địa ngục, gã bộc lộ thói ghen tuông hung hãn, điên cuồng và bệnh hoạn. Không biết mục đích để sự hoang tưởng trở nên phong phú, hay để đòn ghen được bạo tàn hơn nữa mà gã tập uống rượu, làm một phiên bản lỗi Chí Phèo.
Cái máu rượu vào mặt đỏ, trông gã càng khủng khiếp. Giang không dám sang nhà hàng xóm, thậm chí không dám chào hỏi bất cứ người đàn ông nào là bạn bè, quen biết, khu xóm, mọi người ai cũng biết hoàn cảnh của Giang, ái ngại và tránh cho cô.
Cứ như vậy, hàng ngày Giang úp mặt vào tủi nhục, đau đớn. Hai đứa con lần lượt ra đời, Giang sinh con cũng như những chi tiết lắp ráp không thể thiếu, trong chuỗi tạo hình định mệnh khốn khổ của cô.
Là công nhân bốc cá cho Xí nghiệp đánh cá Hạ Long, công việc của Giang khá vất vả, hay phải làm ca đêm. Công nhân hợp đồng nên không có việc thường xuyên, mỗi khi tàu cặp cảng, việc nhiều thì công nhân hợp đồng mới phải bổ sung theo ca từ tối đến sáng, con của cô ở nhà với cha nó, vắng mẹ khát sữa quấy khóc, bị cha gào hét, phát lằn mông lằn má. Mỗi lần thế hàng xóm bức xúc mách lại cho Giang, lòng người mẹ như muối xát, cô đành phải bỏ công việc ca kíp, quay ra chạy chợ búa, buôn bán mớ rau, con tép để đêm đêm được ôm con, để tránh cho con bị đánh đập, bị hoảng hốt…
Giang cứ ngỡ cái “địa ngục trần gian” này cô còn chịu được là nhờ có hai thiên thần bé bỏng ở bên. Cô sống vì chúng, những buổi tối mưa dầm ôm mớ tã ướt qua bếp than nhà hàng xóm sấy nhờ. Những đêm chong đèn dầu bắt muỗi cho con ngủ, cái màn dùng thừa của người họ hàng cho cũng vá chằng vá đụp cũ nát, nhà dột, giường chiếu ẩm ướt. Nhìn hai con ngủ cô hình dung một tương lai tươi sáng hơn, các con sẽ đi học, sẽ lớn khôn và biết chia sẻ với cô, xoa dịu những lằn roi số phận trong trái tim cô…
Những buổi chợ, hai tay xách hai bao tải rau chạy theo xe bus cho kịp. Khi nắng rát đất, lúc mưa sũng giời, khi gió bấc thốc thổi, cô cũng đều có mặt ngoài ngoài chợ, cười cười nói nói, chào bó rau, mời mớ tép, khi đắt khi ế, những mong mua được cân gạo, lạng thịt về cho các con cuối buổi…
Những ngày dài thật dài, Giang chỉ ăn cơm với canh rau hái ở vườn nhà, không có cả bột ngọt để bát canh mềm hơn, dành chút tiền còm cõi nuôi con qua ngày đoạn tháng.
Cha của chúng không đưa tiền nuôi con, gã theo học hai năm nghành điều tra xét hỏi, rồi cũng không được làm việc vì vướng mắc lý lịch. Sự nghiệp thất bại, gã càng vùi vào rượu và hung hãn hơn. Tất cả khổ nhục Giang vẫn chịu được, hy vọng khi các con khôn lớn cha chúng nghĩ lại. Nhưng tạo hóa thật biết cách trêu đùa, sự bất hạnh của cuộc đời Giang mới chỉ dạo những nốt đầu trong bi khúc.
Con trai cô được bốn tuổi, thằng bé chậm nói nhưng rất kháu khỉnh, bập bẹ những câu đầu đời “con yêu mẹ, yêu mẹ…” còn ngọng nghịu, đủ khiến cô thấy bầu trời nhỏ lung linh đầy yêu thương trong mắt trẻ thơ. Nó là niềm vui, sự an ủi và hạnh phúc của Giang…
Vậy mà một chiều cuối thu nó đột ngột bỏ cô ra đi, đột ngột không cả tìm cho mình một căn bệnh làm cái cớ…
Không khóc nổi, không nghĩ gì nổi, Giang ôm con từ bệnh viện về nhà. Đi dọc ngõ sâu hun hút, cô bế con trên tay mà cứ nhớ cái hôm bế nó từ nhà hộ sinh cũng đi dọc con ngõ đó để về nhà. Hai tâm trạng làm sao mà so sánh. Ngõ dài quá, ước gì cứ thế mà đi, mẹ cô lặng lẽ bên cạnh, cuộc đời bà cũng đau đớn rách nát, bà cố choàng hơi ấm che chở cho cô, che góc này hở góc khác, nếu có thể tả nỗi niềm thương xót như một mảnh chăn, thì mảnh chăn ấy bất lực như lòng bà bấy giờ…
Từ bệnh viện Giang dặn mẹ, mẹ đừng khóc cháu kẻo xích lô người ta không chở đâu. Cứ làm như cháu được xuất viện thôi…
Minh họa (Ảnh: Internet).
Bầu trời chẳng thể ảm đạm hơn được nữa, những đám mây ven biển xám xịt chịu tang.
Gian tập thể 16m vuông đầy một nhà người. Hàng xóm mỗi người một tay, căng mảnh bạt làm rạp ngoài sân và kê chiếc giường nhỏ cho bé nằm. Tục lệ kiêng cữ không đưa người đã mất ở ngoài vào trong nhà, vì trong nhà còn có trẻ nhỏ, con gái của Giang mới được 15 tháng.
Cô đặt con trai xuống, tắm rửa cho nó, đắp chăn kín rồi mang quần áo vừa thay đi giặt cho con… Giặt chậm, thật chậm, thật sạch… Giang biết từ nay sẽ không bao giờ được giặt quần áo cho con trai nữa, đây là lần cuối, lần cuối được chăm sóc nó.
Tháng mười âm lịch trời se lạnh, đống lửa được ai đó đốt lên. Giang ngồi bên con hết một đêm, mà suy nghĩ, mà nói với nó, với mình rằng, con ở với mẹ cũng khổ, thôi con chịu khó nhé rồi sẽ có ngày con lại gặp mẹ, khi ấy chúng ta sẽ không phải xa nhau nữa, con trai. Nhờ suy nghĩ như vậy mà cô tỉnh táo hơn, sự hứa hẹn, đợi chờ bao giờ cũng cho người ta quyền hy vọng, quyền được vui…
Sau đám tang, gã hứa không bao giờ đánh đập vợ và uống rượu nữa. Nhưng đúng một tháng sau Giang đã phải ôm con gái bé ra khỏi nhà trong mưa dầm gió bấc, lòng cô chai cứng, tim buốt giá.
Giang quay về sau vài ngày tá túc nhà người bạn, nghĩ tới những bữa cơm cúng cho con trai hàng ngày không ai đơm xới, nhang lạnh khói tàn ai thắp cho con, và cô tính đến con đường sắp tới cho mình, một con đường hẳn hoi hơn, quang đãng hơn chứ không phải những cuộc chạy trốn loanh quanh nữa…
Và cứ thế, bằng nước mắt, bằng sự quẫy đạp với số phận, bằng những viên thuốc an thần để trốn đêm mất ngủ, mà chưa trốn được ác mộng… Giang sinh thêm đứa con gái nữa, đứa con gái bé bỏng được sinh ra từ giấc mơ của riêng cô, chắc ông trời thương tình, bù lại cho cô đứa con đầu đã mất.
Sinh thêm con gái, cũng là sức mạnh để Giang đòi tự do cho mình. Sau bao cố gắng, cô cũng đã ly hôn được với gã. Giang nuôi hai con nhỏ, một đứa bốn tuổi và hai tuổi. Cảm giác của cô khi đó sung sướng lắm, như con chim được bay lên bầu trời với chính đôi cánh của mình. Được hoàn toàn tự do, được giải phóng khỏi địa ngục trần gian mà tên cai ngục suốt ngày đỏ ngầu mắt rượu và tra khảo cả từng giấc mơ.
Nhưng ngày đó Giang đâu hiểu, cô chẳng qua chỉ rời khỏi một nhà tù này để đến một nhà tù khác rộng hơn, kiên cố hơn mà thôi…
Ly hôn xong tưởng đã được tự do, nhưng gã vẫn ở đó, trong căn nhà tập thể cũ nát của Giang, căn nhà tập thể của mẹ cô nhường cho con cháu, thản nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Vẫn ghen tuông, đánh đập, hạch hỏi cô đủ mọi điều. Chẳng biết đi đâu, dẫn hai con đến họ hàng cũng chỉ được một hai ngày là cùng. Giang gửi con lớn, bế con nhỏ lên một gia đình người chú ở tận Hải Dương vào ngày mưa bão, ga Tuấn Lương như chìm trong nước, trời mù mịt, làng Lê Xá lênh đênh…
Từ ga về đến nhà người chú ba bốn cây số đường đất. Ngày ấy vùng quê làm gì có xe ôm nhà nghỉ, bế con vội vã sợ tối ập, may mắn gặp được một đơn vị bộ đội xăng dầu, Giang mừng quá vào trú nhờ, các anh ấy cho hai mẹ con ăn, đốt lửa sưởi và đưa quần áo cho mượn để thay
Mưa vẫn không dứt, trời tối, các anh dành cho mẹ con cô một chiếc giường. Con gái bị nước mưa trở bệnh hâm hâm sốt, Giang nhai cơm mớn cho con, cơm bộ đội chẳng có gì lại khô nữa. Miếng cơm mặn chát nước mắt. Cả đêm nằm ôm con chờ sáng ở một nơi xa lạ mà chưa bao giờ cô hình dung trên bước đường mình đi sẽ có lần nghỉ chân như thế.
Trời sáng, mưa cũng tạnh. Tạm biệt những tấm lòng tử tế hai mẹ con đi tiếp. Ở chơi nhà chú ba ngày, nhớ con gái lớn, con bé lạ nhà buồn rười rượi. Giang bế con ra ga trở về nhà, với một quyết định trong lòng. Và quyết định đó đã đưa cô sang ngã rẽ khác, con đường mới chẳng kém chông gai nhưng nó được phủ bằng tấm nhiễu lấp lánh mà cô tưởng đó là hạnh phúc.
Thấy mẹ con cô bế nhau về, gảy tàn thuốc lào khỏi lõ điếu, gã cười khẩy rồi nhấn mồi thuốc mới, châm lửa rít hơi dài, tiếng chiếc điếu cày bị dập nứt kêu khành khạch khành khạch, tưởng không bao giờ dứt…
Thường những cơn ác mộng không lặp lại, không phụ thuộc vào ý thức, vào mong muốn của chủ thể lúc tỉnh táo. Nó là ánh phản quang của sự sợ hãi, dù thế nó chỉ xuất hiện lúc người ta vô thức là lúc ngủ say.
Nhưng ác mộng giữa đời thực, nó trộn lẫn cả nỗi đau thể xác và sự ám ảnh tinh thần, khiến Giang ước sao đó hoàn toàn chỉ là cơn ác mộng. Không phải là cô, không phải là gã, không phải là cái chết, chỉ là trò chơi bangbang chưa dứt của tuổi thơ… Rồi cô tỉnh lại và ra khỏi.
Cuộc sống hàng ngày của gã như cái mô-tơ quay một chiều, mà nút vòng quay là cơn say mỗi đêm, là vằn mắt tía đỏ, là đổ đống một góc bàn.
Mỗi chiều đi làm về gã luôn xách chai rượu mua ở quán nước đầu ngõ, ngồi cạnh mâm cơm trên cái chiếu trải dưới đất giữa nhà, nói một mình, chửi một mình, chửi cái thằng gã gặp đi với vợ gã trong mơ, chửi chị hàng xóm lão ngờ xui vợ gã bỏ gã, chửi đường làng nhà gã tận Nam Định trơn như đổ mỡ trời mưa, khiến gã năm năm không về thăm bố mẹ…
Thời điểm này Giang phấn chấn vì những ý định ấp ủ nên cô chẳng thèm để ý, gã càng điên khùng thì quyết tâm của Giang càng lớn. Cô chờ thời cơ để thực sự giải thoát cho mình.
Hôm đó Giang nhắn mẹ về trông con giúp. Mẹ cô ở nhờ ngoại, bà không muốn ở nhà với cái cảnh ấy. Có mẹ trông con, trời vừa tối, Giang đạp xe đến nhà một chú bạn của mẹ, nhà chú nằm trong một con ngõ mang tên ông nội của chú, ngõ Tây Cao. Bạn của mẹ Giang là võ sư người Ấn Độ lai, cô kể với ông về hoàn cảnh của mình, nhờ ông giúp đỡ.
Với sự trải đời của người lớn tuổi, và sự nghĩa hiệp, cảm thông, ông coi Giang như con cháu trong nhà. Ông nói để ông thu xếp cho cô việc này ổn thỏa.
Theo kịch bản soạn ra, ông nhờ một đệ tử giả làm bạn trai của Giang, sẽ luôn ở bên mẹ con cô trong những ngày tới. Ông bảo, người đó là người danh chính ngôn thuận bảo vệ Giang, coi như cái việc “ván đóng thuyền” này sẽ khẳng định cho Giang quyền tự do.
Tối đó Chính, “người yêu” bất đắc dĩ đưa cô về. Con nhà võ nên anh rất tự tin, dọc đường anh hỏi kỹ về gã, về công việc, giờ giấc, thói quen…. hứa giúp Giang không phải vì thầy giao nhiệm vụ mà vì thương hoàn cảnh của cô.
Về tới nhà cũng muộn, gã chưa về, mẹ cô đã ngủ cùng hai cháu ngoại. Anh ở lại chờ gã, hai người bên nhau lặng im, cô hình dung đến một miền quê mới.
Mười giờ đêm có tiếng xe đạp lạch xạch, hơi rượu, hơi thuốc lá… Gã ngạc nhiên nhìn người đàn ông lạ, bằng cặp mắt con thú dành cho người thợ săn, lại cười khẩy, cái miệng vỏ don giật nhẹ để lộ sự kìm nén, chứ không mím chặt như khi chỉ có một mình cô với gã.
Chính không để gã kịp phản ứng, anh lên tiếng trước. Anh bảo rằng anh là bạn trai của Giang, từ nay anh sẽ quan tâm đặc biệt đến mẹ con cô. Anh cho gã biết, gã phải lập tức ra khỏi nhà cô.
Thăm dò, hằn học, biết là gặp đối thủ trên cơ, nên mọi chuyện của Giang ổn thỏa, tạm thời cô được sống những ngày bình yên.
Chính vẫn đi lại nhà Giang như người đàn ông thật sự của cô, như không hề có sự nhờ vả, sắp đặt, không có sân khấu, kịch bản… Cô không biết gì về thân thế anh, chỉ nghe anh kể anh đã có vợ, hai con, một trai một gái. Vợ anh là người anh lấy do thương hại, do anh tin người, do nhầm lẫn…
Cô trở nên sợ hãi tất cả, mất lòng tin với tất cả. Cô biết Chính muốn gần cô hơn, muốn là người đàn ông của cô thật sự chứ không phải giả vờ. Dĩ độc trị độc, không khéo bản thân cũng bị dính độc. Cuộc đời của cô như búi tơ vò, càng vo càng rối.
Giang ngày càng lo lắng, cô cảm nhận được sự bất an của trò cút bắt, chơi dao hai lưỡi, nghịch lửa… nếu cứ tiếp tục mối quan hệ không rõ ràng này. Nhìn hai con gái nhỏ, cô nghĩ đến phương trời nắng ấm của miền Nam qua lời mẹ kể, Giang bắt đầu thực hiện từng bước cho cuộc thiên di, chỉ có rời xa khỏi nơi đau khổ này, may ra cô mới thực sự được giải thoát…
T.T.B.T