Mộc Quán – Soạn giả tiền phong cải lương

865

Nguyễn Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Cải lương và đàn ca tài tử Nam bộ là mô hình nghệ thuật sân khấu truyền thống, được hình thành chính thức từ năm 1918 và phát triển đỉnh cao vào ba thập niên đầu của nửa sau thế kỷ 20 ở Nam bộ. Nếu nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892-1976) ở Bạc Liêu đã làm cho sân khấu Cải lương thăng hoa với bản Dạ cổ hoài lang (tiếng trống khuya nhớ chồng) – tiền thân bài ca vua vọng cổ, thì người đầu tiên đã chắp cánh cho bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc này là soạn giả lớn đất Cần Thơ là Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền. Trong 50 năm cầm bút soạn tuồng cho nhiều đoàn hát, ông đã để lại gần 90 vở tuồng và 3 truyện thơ. Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền đã đặt nền tảng cho Sân khấu Cải lương dân tộc, chắp cánh cho bài ca vua Vọng cổ của Cao Văn Lầu bay cao nên được suy tôn là Hậu tổ Cải lương nơi miền đất mới phương Nam. Năm 2018, khu kỷ niệm danh nhân văn hóa Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền sau ba năm triển khai đã được thiết kế xây dựng tại một khu đất khang trang tại quận Thốt Nốt, Thành phố Cần Thơ, được Nhà nước công nhận di tích lịch sử.


Soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền.

Cách nội ô thành phố Cần Thơ theo quốc lộ hướng về biên giới Tây Nam khoảng 40 km, Thốt Nốt nổi tiếng là một quận lỵ trù mật với cù lao Tân Lộc xanh tươi cây lành trái ngọt, nằm kề bên dòng sông Hậu hiền hòa bốn mùa lặng sóng và đậm đặc cá tôm. Miền địa linh nhân kiệt màu mỡ này không những là quê hương của nhà chính trị mang tâm hồn nghệ sĩ Mai Văn Bộ (1918-2002)- một danh nhân văn hóa tên tuổi lẫy lừng của ngôi sao ba cánh trong không gian văn nghệ phương Nam như Hoàng Mai Lưu, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ, Lưu Hữu Phước… mà còn có họa sĩ Văn Thanh, nhạc sĩ Hồ Hoàng (sinh năm 1955)… và soạn giả lớn của sân khấu cải lương Nam bộ Nguyễn Trọng Quyền. Trong nhiều đợt đi thực tế theo đoàn văn nghệ sĩ Tây Đô về tác nghiệp tại quận lỵ ven sông này, tôi đã có cơ hội tìm hiểu thêm về thân thế và sự nghiệp một chân dung lớn của nền nghệ thuật sân khấu dân tộc qua thế hệ hậu duệ của soạn giả tại nơi đây.

Nguyễn Trọng Quyền (1876-1953) là tên thật của soạn giả Mộc Quán. Soạn giả còn có các bút danh khác là Thốc Sơn, Hưng Hoành, Cái Sơn Bô Lão. Ông là người làng Thạnh Hòa – Trung Nhứt, tổng Định Mỹ, quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ. Xuất thân từ một gia đình trí thức Nho học, cha là Nguyễn Văn Tường và mẹ là Trương Thị Thạnh, từ thuở nhỏ học chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp bậc tiêu học tại quê nhà. Bước chân ra đời, Nguyễn Trọng Quyền vừa mở lớp dạy học tại nhà, vừa tự học thêm tiếng Hán, tiếng Quảng Đông với bạn bè và qua sách vở. Nhờ có kiến thức rộng, ông gặp nhiều thuận lợi trong việc sáng tác văn học theo phong cách cổ Trung Quốc. Nguyễn Trọng Quyền trước tiên làm thơ, viết văn xuôi… về sau mới bắt đầu soạn tuồng, không hoàn toàn giống một hình thức kịch bản sân khấu của phương Tây. Trong lúc các soạn giả tân học ảnh hưởng kịch nghệ Pháp như Trần Hữu Trang (1906-1966), Nguyễn Thành Châu (1906-1977), Lê Hoài Nở (1909-2000),… Nguyễn Trọng Quyền ảnh hưởng Nho học, theo trường phái sáng tác phương Đông cụ thể là Trung Quốc, có khuynh hướng soạn tuồng lịch sử, dã sử, kiếm hiệp như Trương Duy Toản, Nguyễn Công Mạnh (Mười Giảng)… Từ đó, Nguyễn Trọng Quyền có khả năng và điều kiện để sớm trở thành soạn giả sáng giá về loại tuồng Tàu.

Năm 1920, do máu văn nghệ đánh thức, Nguyễn Trọng Quyền thôi làm nghề gõ đầu trẻ tài tử tại nhà để đi làm thư ký cho hãng rượu Phước Hiệp của ông Vương Thiệu, trước kia vốn là nghệ sĩ của một đoàn hát Tiều. Từ đây trong các buổi giao lưu gặp gỡ có tổ chức văn nghệ tại hãng rượu, ông Vương Thiệu thường rước đoàn hát Tiều về phục vụ. Nguyễn Trọng Quyền có cơ hội làm quen với những nghệ sĩ này để trau giồi thêm tiếng Tiều, tiếng Quảng trên nền tảng chữ Nho đã biết và học thêm ở họ đàn cò và hát Tiều. Nhờ đó, kiến thức về văn hóa và nghệ thuật của Nguyễn Trọng Quyền ngày càng thành thạo cô đặc thêm. Từ đây, ông quyết định chia tay hẳn nghề cạo giấy để chuyển sang viết chuyên nghiệp tuồng Tàu. Vào thời điểm này, nghệ thuật cải lương xuất hiện trên sân khấu các nơi như một cô gái xuân hay một cô dâu mới, rạng rỡ hấp dẫn với tất cả nét diễm lệ tân kỳ bất cứ ai cũng không thể thờ ơ. Nhiều đoàn hát đua nhau dựng bảng mới tới tấp ra đời: các gánh của Thầy Năm Tú (Mỹ Tho), Nam Đồng Ban (Hai Cu, Mỹ Tho), Tái Đồn Ban, Văn Hí Ban… Trong số đó có gánh Tập Ích Ban (Cần Thơ) do Vương Có vốn là con của ông Vương Thiệu, đứng ra thành lập và mời Nguyễn Trọng Quyền (1921) làm thầy tuồng (soạn giả). Và sự nghiệp của soạn giả lớn Nguyễn Trọng Quyền chính thức bắt đầu từ đó.

Suốt 7 năm làm soạn giả cho gánh hát Tập Ích Ban, Mộc Quán viết rất nhiều tuồng cải lương xây dựng từ nội dung truyện Tàu và một số vở viết từ truyện dã sử Việt Nam. Dù ban đầu còn mang phong cách nghệ thuật Trung Quốc nhưng Nguyễn Trọng Quyền đã chịu khó phiên âm và dịch nghĩa, viết lời Việt cho đào kép dễ ca diễn, tức là theo phong cách ngôn ngữ của cải lương Nam bộ. Các bài bản ngoại cách tân đó đến nay đã trở thành bài cổ nhạc Việt Nam dù còn mang tên nhạc Tiều hay nhạc Quảng: Xang Ừ Líu, Khóc Hoàng Thiên, Tân Xái Phỉ,… Những vở tuồng nổi tiếng lúc này là: Châu Trần tiết nghĩa, Tây Sương ký, Thổ nhận oan ương…. Đặc biệt có vở Bội phu quả báo của Phạm Công Bình, được Mộc Quán nhuận sắc cải lương rất ăn khách lúc này.

Những năm tích cực viết tuồng thành công cho Tập Ích Ban, Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền khiến cho tên tuổi mình ngày càng bay cao và trở nên sáng giá luôn được các nghệ sĩ tiền phong và các đoàn hát lớn ân cần săn đón, trân trọng mời về hợp tác. Bắt đầu từ năm 1923, khi hợp tác với các đoàn hát, Mộc quán đã sáng tác một số lượng đáng kể cho các gánh như Huỳnh Kỳ của Phước Georges và Phùng Há ở Mỹ Tho (12 tuồng), Hữu Thanh của Nguyễn Bá Phương ở Thốt Nốt (1929- 5 tuồng), Phụng Hảo 3 của Phùng Há và Nguyễn Bửu ở Trà Vinh (1935- 7 tuồng). Năm 1937, tại Thốt Nốt, Mộc Quán đã viết 17 tuồng cho hai đoàn Hữu Thành và Kỳ Quan của Năm Hý, đoàn Ngự Bình của Tư Thới (1939 – 8 tuồng). Năm 1952, đoàn Phụng Hảo 4 của ông Châu Văn Sáu, còn gọi là bầu Nhơn và Phùng Há, Mộc Quán viết vở  hát nổi tiếng Luống cày rướm máu cho đoàn, lấy hát lấy bối cảnh từ đất nước hoa anh đào.

Ngày 21 tháng 9 năm 1953, đoàn hát Phụng Hảo 4 đang diễn rất ăn khách vở Luống cày rướm máu của Mộc Quán được một tuần tại rạp hát lớn Nguyễn Văn Hảo ở đường Trần Hưng Đạo. Bất ngờ, đoàn hát nhận hung tin soạn giả Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền đột ngột qua vì bị tai bến mạch máu não tại bệnh viện Châu Đốc…

Mang trọn vẹn hồn cốt một nhà giáo khi mới trên tuổi đôi mươi, Mộc Quán – Nguyễn Trọng Quyền dù ở nhiệm chính là thầy tuồng, ông vẫn hết lòng truyền dạy cho diễn viên những thể điệu ca diễn cải biên từ lối hát hí khúc của Trung Quốc. Từ đó, sự hiện diện của Mộc Quán ở các đoàn hát lúc ấy giờ mang ý nghĩa một sự sáng tạo tiến bộ nhằm làm đẹp làm mới thêm cho nghệ thuật sân khấu cải lương dân tộc. Nguyễn Trọng Quyền để lại hình ảnh đẹp của một người thầy đánh kính trong lòng nhiều nghệ sĩ tiền phong  được ông tận tâm dìu dắt. Về sau hầu hết họ đều trở thành những nghệ sĩ bậc thầy tài danh như Năm Châu, Phùng Há, Năm Phỉ, Ba Vân, Từ Anh, Bảy Nhiêu, Sáu Trâm, Tường Vi, Thanh Tao… đã ân tình kính trọng Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền như là nghĩa phụ của mình.

Tóm lại, suốt cuộc đời tận tụy cống hiến hết mình cho nghệ thuật cải lương dân tộc, với một tinh thần giáo dục và cách tân sáng tạo của một sọan giả tiền phong, Mộc Quán -Nguyễn Trọng Quyền đã lưu lại cho hậu thế một sự nghiệp nghệ thuật sân khấu cải lương rất khả kính. Sau khi ông mất, NSND Phùng Há dã tỏ lòng thành kính tri ân, đã đứng ra xây dựng trọng thể ngôi mộ cho thầy – cha nuôi của mình. Phương danh của Mộc Quán -Nguyễn Trọng Quyền được vinh dự đặt cho một cuộc thi mang tên Giọng ca Cải lương giải Mộc Quán Nguyễn Trọng Quyền từ năm 2001 do đài Phát thanh Truyền hình Cần Thơ phối hợp với các CLB Trung tâm Văn hóa các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức.

N.T