Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình Việt Nam qua thơ ca

789

Lê Xuân

Nhân kỷ niệm Ngày gia đình Việt Nam 28-6-2020:

(Vanchuongphuongnam.vn) – Kể từ năm 2001, Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Gia Khiêm ký ban hành Quyết định 72/2001/QĐ-TTG chọn ngày 28 tháng 6 hàng năm là ngày gia đình Việt Nam đến nay đã 19 năm. Và mỗi năm các Ban, Bộ, Ngành, Đoàn thể Trung ương căn cứ tình hình thực tế và đặc thù của cơ quan, tổ chức tuyên truyền chủ đề Ngày Gia đình Việt Nam. Năm 2020 Chủ đề ngày gia đình Việt Nam năm 2020: “Bình an – Hạnh phúc”.

Nhà phê bình Lê Xuân

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở chúng ta: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Ngày gia đình Việt Nam là một ngày tôn vinh mái ấm gia đình, là ngày mọi người trong gia đình quan tâm đến nhau, xã hội quan tâm đến trẻ nhỏ và những người không có cha mẹ, cặp vợ chồng phải hiểu được giá trị mái ấm và cùng nhau vượt qua sóng gió để có một gia đình hạnh phúc “Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc“.

Không phải bây giờ chúng ta mới bàn đến các chủ đề này mà từ xa xưa cha ông ta đã đã khuyên các con cháu lôn giữ lấy đạo đức lối sống cao đẹp, hiếu thảo với ông bà cha mẹ, trên kính dưới nhường để gia đình hạnh phúc, trong ấm ngoài êm:

Anh em như thể tay chân

Rách lành đùm bọc khó khăn đỡ đần.

Hoặc dạy cháu con ghi nhớ công cha nghĩa mẹ:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ Mẹ kính Cha

Cho tròn chữ Hiếu mới là đạo con.

Các cụ dạy dâu con cần phải nhường nhịn, dẹp những mâu thuẫn:

Dâu con trong đạo gia đình

Thôi thì dẹp nỗi bất bình là xong.

Gia đình là tế bào của xã hội. Mỗi gia đình tốt sẽ góp phần làm cho xã hội tốt đẹp hơn Người với người sống để yêu nhau(Tố Hữu).

Để mỗi gia đình được “Bình an- Hạnh phúc” không gì hơn là các thành viên trong gia đình phải luôn giữ “hòa khí”, nhường nhịn nhau như ca dao đã dạy:

Chồng giận thì vợ bớt lời

Cơm sôi bớt lửa chẳng đời nào khê.

Hoặc người vợ nói nhẹ nhàng với chồng, an ủi chồng khi thấy chồng tức giận vô cớ:

Chồng giận thì vợ làm lành

Miệng cười tủm tỉm: Rằng anh giận gì?

Lại có những ông chồng luôn ngược đã vợ con, xem vợ là “ô-sin”, là “cơm nguội”, là “đồ cổ”, là “ti vi đời đầu”, là “sư tử Hà Đồng”… thì thật đáng trách, đáng lên án. Một triết gia người phương Tây đã nói: Niềm vui và hạnh phúc của mỗi con người có nhiều điểm giống nhau, nhưng nỗi đau và điều bất hạnh thì mỗi người mỗi khác. Trên trái đất này, có bao giờ nguôi tắt tiếng cười, tiếng khóc của trẻ thơ. Có tiếng khóc xé ruột mất cha, mất mẹ do cuộc chiến đem tới, lại có tiếng khóc đắng cay, tủi hờn như cứa vào tâm can trẻ thơ suốt đời phía sau những cuộc ly thân, ly dị của bố mẹ, và hậu quả các em phải gánh chịu.

Ta hãy nghe nỗi đau của một gia đình mà vợ chồng ly dị, con cái không có bố. Nhà thơ Nguyễn Thị Mai đã nói hộ tâm trạng của một gia đình “Nhà không có bố”

Nhà không có bố buồn sao

Cái đinh cũng thiếu, con dao thì cùn

Bơm xe chẳng hiểu cái  zun

Rát tay bật lửa đá cùn, xăng khô.

Không có bố, không thì giờ

Bữa ăn sớm muộn, chẳng chờ, chẳng mâm.

Ngày đông gió bấc mưa dầm

Đậy che mái dột âm thầm mẹ con.

Chẳng nghe tiếng điếu rít giòn

Bia không mua uống, em còn bán chai

Nước đun sôi để nguội hoài

Nhà không có bố biết ai pha trà?…

Từ cái đinh, con dao, cái zun bơm xe, tới cái bật lửa, cái điếu cày, chai bia, bình trà, phích nước… tất cả trở nên vô nghĩa, trơ trọi, lạnh tanh.

Mong rằng xã hội hãy bớt những vụ ly hôn, ly thân để con trẻ bớt đi tiếng khóc, để tăng thêm tiếng cười, niềm vui và hạnh phúc. Điều đó phụ thuộc rất nhiều yếu tố mà trong đó mối quan hệ vợ chồng cần phải luôn tuân thủ bình đẳng, tôn trọng và dân chủ.

Song, cũng có những người vợ không chịu nổi sự áp đặt của người chồng mà tuyên bố dứt khoát:

Đất xấu vắt chẳng nên nồi
Anh đi lấy vợ để tôi lấy chồng.

Hoặc có cô thẳng thừng nói rõ:

Chồng gì anh, vợ gì tôi
Chẳng qua là cái nợ đời cầm tay.

Hạnh phúc của vợ chồng, của gia đình đôi khi chỉ vì một sự tự ái, một chút nghi ngờ thiếu cảm thông là có thể đổ vỡ. Nhưng đa số người vợ rất giàu lòng vị tha và có đức hy sinh. Có người đã tự hạ mình xuống tận cùng để giữ gìn hạnh phúc, thật xót xa:

Chàng ơi phụ thiếp làm chi
Thiếp như cơm nguội đỡ khi đói lòng.

Ngày nay cảnh mẹ chồng nàng dâu không còn căng thẳng như trước nữa mà đã có nhiều nàng dâu được cha mẹ chồng quý như con đẻ. Bởi vì người con dâu đó rất hiền lành, hiều thảo. Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh đã nói với mẹ chồng (Bà Vũ Thị Khánh- mẹ của nhà thơ Lưu Quang Vũ):

Mẹ không phải của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đó thôi

Mẹ tuy không đẻ không nuôi

Mà ơn ơn mẹ suốt đời chưa xong.

Lời nói ngọt ngào đó của nàng dâu mẹ chồng nào mà chẳng thấy mát lòng, hả dạ. Chứ chẳng như thời phong kiến, mối quan hệ giữa mẹ chồng nàng dâu luôn có mặt đối lập, bất hòa, vì không tìm được tiếng nói chung:

Thật thà cũng thể “lái trâu”

Thương nhau cũng thể “nàng dâu-mẹ chồng”

Lái trâu là những kẻ buôn bán trâu bò, luôn là “cò mồi” dối trá lừa lọc người mua được người đời gọi ngược là “thật thà”. Còn “mẹ chồng” được so sánh với “lái trâu’ thì liệu có thương nàng dâu không?

Tục ngữ có câu: “Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”, nhưng cũng rất khó để có thể hòa đồng tất cả. Song, càng bớt đi “hòn bấc ném đi, hòn chì ném lại” mà luôn cần phải “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “lời nói ngọt lọt đến xương”. Điều này người phụ nữ có một vai trò quan trọng để “giữ lửa” cho gia đình luôn luôn yên vui, hạnh phúc.
Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp góp phần xây dựng bản sắc văn hóa dân tộc. Những giá trị truyền thống quý báu như lòng yêu nước, yêu quê hương, yêu thương đùm bọc lẫn nhau, thủy chung, hiếu nghĩa, hiếu học, cần cù sáng tạo trong lao động, bất khuất, kiên cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã được gia đình Việt Nam giữ gìn, vun đắp và phát huy trong suốt quá trình lịch sử dựng nước và giữ nước. Qua nhiều thời kỳ phát triển, cấu trúc và quan hệ trong gia đình Việt Nam có những thay đổi, ít có gia đình sống “tứ đại đồng đường”. Trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, nhiều cấu trúc trong gia đình có thể thay đổi, như không thể ngày nào cũng ăn cơm chung cùng ông bà, cha mẹ ,vợ chồng, việc gì cũng họp gia đình, con cái đôi khi không thể ở nhà chăm sóc cha mẹ khi đi du học, hoặc công tác xa… Dẫu sao, gia đình vẫn là một nhân tố quan trọng, không thể thiếu trong sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước

                                                               L.X

                                                       (Hội Nhà văn Cần Thơ)