Mối tình cuối cùng của văn hào Macxim Gorky

585

Maria Budberg đến Petrograd vào giữa mùa đông băng giá năm 1918 – 1919 với hy vọng cứu được căn hộ của mình. Ngôi nhà của cô tránh khỏi được số phận như những ngôi nhà chung quanh khác. Ủy ban Trợ tế đóng đại bản doanh ở đây. Trước ngày lễ Giáng sinh, một bức thư đến từ Estonia với ngôn từ lạnh lùng thông báo: “Một đám trai làng đã hành hung chồng cô đến chết. Chúng phóng hỏa đốt nhà cô. Chỉ có cô bảo mẫu cùng lũ trẻ trốn thoát và ẩn náu tại nhà hàng xóm”.


Macxim Gorky và Maria.

1. Giờ đây, Estonia đã tách khỏi nước Nga. Làm thế nào quay trở lại đó được? Chỉ có trời mới biết…

Maria đi lang thang khắp các phố mà không biết dừng chân ở đâu để nghỉ đêm. Liệu có thể sống sót được hay không giữa một thời buổi đảo điên thế này. “Sống sót” đối với Maria không chỉ đơn giản là một lời nói suông. Đó là mục đích là lẽ sống ở đời. Bằng bất kể giá nào và bất chấp tất cả.

Vừa ở thành phố được vài ngày thì Maria bị tống giam. Nguyên nhân thật đơn giản. Khi kiểm tra đồ tư nhân của cô, nhân viên Cheka phát hiện ra phiếu lương thực  giả. Mới đó mà đã gần một tháng trôi qua cô phải ngồi trong khám tối vừa hôi thối lại bẩn tưởi. Nhưng rồi, trong một đêm mất ngủ, cô bỗng nhớ đến Piter một người bạn cũ của chồng làm ở Bộ Ngoại giao. Cô yêu cầu các nhân viên Cheka cho được gặp ông. Họ không tin và cười cợt cô, thậm chí còn cho cô là hoang tưởng. Nhưng cô không hề lùi bước để chọc thủng bức tường bê-tông lì lợm của viên thanh tra. Sau cuộc gặp, không những cô được phóng thích mà người ta còn đề nghị cô làm việc trong Cheka. Tại sao cô phải từ chối? Cần phải sống bằng mọi giá cơ mà.

2. Mặc dù Maria thông thạo ba ngoại ngữ Anh, Pháp, Đức, song người ta chỉ xếp cô vào làm chân văn thư tại nhà xuất bản mới “Văn học thế giới”. Đánh máy lại bản thảo, nhận thư từ và trực điện thoại. Công việc chẳng có gì khó khăn cho phép cô dành nhiều thời gian quan sát một thế giới mới còn lạ lẫm. Ở đây mọi cái đều hướng về một cái tên sáng chói – Macxim Gorky. Cô bỏ thời gian nghiên cứu kỹ tập tài liệu chuẩn bị cho kỷ niệm lần thứ 60 sinh nhật nhà văn. Cô biết rất nhiều điều về ông, song tuyệt nhiên không thấy dòng nào nhắc tới đời tư của con người huyền thoại này. Cuối cùng, cô đành phải thỏa mãn với những tin đồn trong nhà xuất bản về những cuộc tình thoảng qua của Gorky. Điều này thật sự cô cũng không mấy bận tâm.

Maria quyết định sẽ làm tất cả để ông phải say mê mình.

Giờ đây, cô nhìn về tương lai với một cái đầu lạnh lùng, tỉnh táo và tính toán. Tình yêu, lãng mạn hình như đã ở cả phía sau lưng rồi. Cô không có thời gian cho những tình cảm ủy mị đó. Gorky trở thành mục tiêu chính cho chương trình “tồn tại và sống sót”. Cũng chính trong Cheka, người ta khuyên cô nên “tiếp cận Gorky” gần hơn. Những yêu cầu này của lãnh đạo đã được cô thỉnh ý và thực hiện có bài bản. Làm việc được vài tháng, cô nhận được thẻ căn cước với họ tên thời con gái và nóng lòng sốt ruột chờ cái thời điểm mà cô được giới thiệu với Gorky. Nhưng thật trớ trêu, nhà văn không hề để mắt đến Maria. Cô buộc phải kìm nén và chờ đợi. Vốn cần cù và năng động, chẳng bao lâu cô đã được tiếng là một nhân viên mẫn cán. Trong thâm tâm, cô không hề lùi bước trước mục tiêu của mình. Cho đến một cuộc họp bất thường của tiểu ban kịch bản thì Gorky để ý đến cô như thể lần đầu tiên nhìn thấy. Đằng sau bộ ria mép lốm đốm bạc nổi tiếng, thoáng một nụ cười. Và rồi, ông chỉ nhìn thấy cô, tất cả những gì ông nói chỉ dành cho một người duy nhất trong phòng họp – Đó là Maria. Vì cô mà ông trở nên hùng biện và tỏa sáng hơn! Thật dễ để nhận ra điều này.

Một tuần sau, cô xuất hiện ở nhà ông trên phố Kronversky để giúp một số công việc văn chương lặt vặt, rồi ngay cả những việc nội trợ hằng ngày cũng không nề hà gì. Và cuối cùng, Maria chuyển hẳn đến ở và trở thành một người không thể thay thế trong phần cuộc đời còn lại của văn hào Gorky. Cô nắm bắt ngay được những điều nhỏ nhặt nhất mà Gorky quan tâm không giống như một thư ký lão luyện mà theo cách riêng của mình.

Những nỗ lực của cô đã nhanh chóng thu được kết quả. Gorky tự mình chấp nhận các quy tắc của một trò chơi.

Phòng của hai người ở liền kề nhau. Sáng sáng, cô đọc cho ông các bức thư của bạn đọc từ khắp các nơi gửi tới, sắp xếp lại các chồng bản thảo, dịch cho ông các bài báo nước ngoài. Song, cái quan trọng nhất là cô biết im lặng và lắng nghe. Im lặng, khe khẽ cắn đôi môi hồng và nhắc lại những điều ông nói. Rồi nhìn ông bằng một đôi mắt thông minh, lấp lánh.

Khi Wells, một nhà văn người Anh cùng con trai đến thăm nước Nga, Gorky mời họ sống tại căn hộ của mình. Còn Maria, theo sự phân công của điện Klemlin, làm phiên dịch chính thức của ông. Cô biết cách làm dịu đi sự thất vọng chán nản của khách khi chứng kiến cảnh hoang tàn đổ nát ở Petrograd và cũng nhã nhặn tỏ ra không biết đến cảm tình cá nhân của một văn sĩ tư bản đối với mình.

Ba năm sau, Gorky có việc ra nước ngoài, sang Ý. Ông cần phải đi chữa bệnh. Cũng như hầu hết các lãnh đạo của đất nước Nga Xô-viết, mỗi khi ốm đau, họ lại bí mật sang các nước tư bản chữa bệnh dưới một cái tên giả. Nhân cơ hội này, Maria cho phép mình quay trở lại Talin (thủ đô của Estonia). Sau khi visa hết hạn, cô quyết định làm hôn thú giả để được ở lại thêm với các con.

Biết được chuyện hôn nhân của Maria, Gorky vô cùng tức giận. Nhưng cuối cùng thì cũng phải nguôi ngoai khi hiểu ra mọi chuyện. Các khoản tiền nhuận bút ông vẫn gửi đều từ nhà băng của Đức cho cô. Maria phân chia món tiền này một cách trung thực, cho mình, con cái và người chồng hờ.

Nhưng rồi, theo như đã thỏa thuận, cô và Gorky có một cuộc hẹn ở Đức. Cô không vội vã đến thẳng đó mà ghé qua London. Tại đây, trong một hiệu làm đầu nổi tiếng, cô nhắm mắt để mặc cho người thợ phù phép mái tóc của mình. Cô lại cảm thấy như một thiếu nữ. Sau đó là một cuộc tản bộ qua các cửa hàng, cửa hiệu để tân trang lại tủ quần áo. Lúc cô bước lên tàu đến Heringsdorf thì đã biến thành một con người hoàn toàn khác hẳn.

3. Đây là những ngày tháng tuyệt vời nhất đối với Maria. Hai người lang thang rất lâu qua những con ngõ nhỏ của thành phố cổ. Những tòa biệt thự chìm trong cánh rừng thông vi vu tiếng gió từ biển thổi vào. Họ thầm thì trò chuyện và ngay cả im lặng cũng vẫn hiểu nhau. Cái quan trọng là họ ở bên nhau mà không bị bất cứ ai quấy rầy. Thời gian trước, Gorky hay phàn nàn là thiếu vắng cảm hứng sáng tác. Ở đây, mọi cái đều như sinh ra để cho sáng tạo. Maria cười và hỏi ông:

– Cảm hứng đến như thế nào ở nhà văn các anh?

Thay cho câu trả lời, Gorky quàng tay kéo cô sát vào mình.

Ba tháng sau, họ chuyển đến một nhà nghỉ ở ngoại ô Berlin.

Ngôi nhà hai tầng rộng lớn ngay bên bờ hồ. Những thân cây tùng xanh sẫm bao phủ chung quanh. Một không khí vui vẻ và thân thiện bao trùm lên mọi vật. Khuôn mặt cô rạng lên vẻ bình thản và dịu dàng. Đôi mắt to, sâu thẳm tràn trề sức sống. Cũng có thể, đây chỉ là ảo giác. Nhưng không hiểu làm sao, ông vẫn cứ muốn tin như vậy. Một người đàn ông đang già đi luôn tự động viên mình rằng cô ấy hạnh phúc. Gorky âu yếm nhìn người phụ nữ trẻ trung, rạng rỡ trong bộ váy áo sành điệu đúng mốt London. Một năm sau, họ chuyển sang Ý sống. Gorky phải lòng với đất nước này. Thời gian đầu, cuộc sống của họ hoàn toàn thuận buồm xuôi gió. Điều duy nhất khiến ông không hài lòng đó là những chuyến đi ngắn ngày của Maria về quê hương Estonia. Sau khi thu xếp chỗ ở đâu vào đấy cho ông, cô lại lên đường về quê với các con. Không nhận được bức thư nào như đã hứa, Gorky lồng lên vì ghen tuông. Ông chẳng giấu giếm gì với mọi người chung quanh: “Maria ở đâu? Sao mãi chẳng có tin tức gì của cô ấy nhỉ?”. Ông cố gắng bằng giọng nói ồm ồm đầy bực tức của mình để che lấp đi tâm trạng cô đơn khi thiếu vắng cô.

Gorky nóng lòng sốt ruột chờ đợi sự trở lại của người tình và trong đầu hiện lên một câu trong truyện ngắn của ông: “Trong mọi sự xỏ lá của số phận đối với con người, không có gì thê thảm bằng tình yêu không được đáp lại”.

Chính trong thời gian này, Gorky bắt đầu viết cuốn tiểu thuyết dài bốn tập ấp ủ đã lâu “Cuộc đời của Klim Samghin”. Thật bất ngờ đối với mọi người, ông dành tặng nó cho Maria. Để đạt được điều này, quả không dễ dàng chút nào. Không một người phụ nữ nào có diễm phúc đó, kể cả người vợ chính thức. Cô là gì đối với ông, một văn hào được cả thế giới biết đến? Chỉ đơn giản là người tình! Song, chính tình cảnh không lối thoát đã khiến cô phải bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, mê hoặc, quyến rũ để giành lấy trái tim văn nhân.

4. Nửa năm trước đây, cảnh sát đã khám căn nhà họ đang ở. Nhất là trong căn phòng riêng của cô. Mọi vật bị đảo lộn, bới tung lên. Maria hiểu rằng cô đã rơi vào vòng theo dõi. Cô đã rất thận trọng song chắc vẫn còn sơ suất ở đâu đó. Cách đây không lâu, trong một chuyến đi du ngoạn gần biên giới Ý – Áo, chuyện khám xét lại xảy ra. Sự phản ứng dữ dội của Gorky cũng không đem lại kết quả như mong muốn. Mây đen đã vần vũ trên đầu. Maria linh cảm thấy nguy hiểm đang treo lơ lửng. Nhưng biết làm sao được? Song, bản tính của cô thích phiêu lưu mạo hiểm. Để ngăn chặn những câu hỏi không cần thiết và tạo lá chắn bảo vệ cho bản thân, Maria rất cần Gorky ký tặng cô bộ tiểu thuyết nổi tiếng này. Rồi, những chuyến đi sang phương Tây thường xuyên của cô khiến khuôn mặt và hình hài thay đổi theo hướng xấu. Nó mất đi vẻ mỹ miều và trở nên cau có, ảm đạm. Cô cũng tự hiểu rằng, mối quan hệ của họ ngày càng trở nên khô cứng và không chóng thì chầy sẽ chấm dứt. Cô đau lòng khi thấy Gorky chạy đi, chạy lại giữa Moskva và Ý. Bốn lần ông được đề cử tranh giải Nobel văn học đều không đem lại kết quả gì. Hội đồng Nobel không bỏ phiếu. Rồi, mối quan hệ cá nhân với Stalin cũng gặp sóng gió…

Sau này, Maria cũng rất hiếm khi sang Nga thăm viếng ông. Những chuyến đi ngắn cũng không xoa dịu đi được những cợn gợn hay nói đúng hơn là cặn đắng trong mối quan hệ của hai người.

Cuối cùng, Maria quyết định bỏ neo tại London. Cô nối lại mối quan hệ với nhà văn Wells và trên thực tế trở thành vợ ông ta. Để giữ gìn tự do cho bản thân, cả hai đều không có ý đính hôn chính thức. Wells thường giày vò vợ một câu hỏi: “Giữa cô và Gorky đã có chuyện gì?”. Câu trả lời bất di, bất dịch của cô là: “Chẳng có gì ngoài tình bạn”. Rồi cô mỉm cười rất bí ẩn và lái câu chuyện sang một chủ đề khác. Chính vì thế mà Wells lại càng ghen tuông với cô vì Gorky hơn. Nhưng chẳng bao lâu, mọi chuyện sẽ chấm dứt. Mùa xuân năm 1936, một người đàn ông lạ mặt đến từ Liên Xô và trao cho cô một bức thư của Gorky. Trước khi chết, ông muốn được chia tay với cô và nhờ chuyển về Nga mọi tài liệu, thư từ sổ sách. Người đàn ông đó nói rằng, tại biên giới Stalin đã chuẩn bị cho cô một toa tàu, vừa đưa về Moskva và ngược lại. Mọi người chờ các tài liệu lưu trữ của Gorky mà cô đã được ủy quyền giữ năm 1933. Thoạt tiên, Maria có một thái độ lừng khừng rất khó hiểu hoặc giả cô muốn kéo dài thời gian. Làm sao cô có thể thực hiện việc này được?! Khi Gorky đưa cho cô cất giữ những tài liệu này ở nhà mình và yêu cầu không đưa cho bất cứ ai kể cả… chính ông. Không thể đùa được với Moskva vì hơn ai hết cô biết cái giá phải trả. Nhưng Maria không hề muốn phản bội lại lời dặn của ông.

“Nhưng nếu mình không trao, họ sẽ dùng vũ lực” – Cô nghĩ bụng và đưa ra quyết định cuối cùng.

Vừa chân ướt, chân ráo tới Moskva, người ta đưa cô đến gặp Gorky ngay lập tức. Sau khi cô ra về, nhà văn trút hơi thở cuối cùng.

Maria sống với nhà văn Anh rất lâu. Sau khi Wells qua đời, Maria chỉ còn biết đánh bạn với sự cô đơn, rượu và những hồi ức vui buồn lẫn lộn.

* (Viện Ngôn ngữ & Văn học – Đại học Tổng hợp Kiev-Ukraine mang tên Taras Shevchenko).

Theo Vũ Tuấn Hoàng/Thời nay