Lưu Thị Phụng
(Vanchuongphuongnam.vn) – Trời đã sang đông. Trong phút giao mùa, nỗi nhớ quê ùa về khiến tôi cứ nao nao trong dạ. Thời ấy, làng của mẹ rộng thênh thang. Từ nhà nọ sang nhà kia chỉ men theo bờ ao, đi mãi nên thành đường. Những chùm hoa bèo màu lam tím rập rờn trong làn gió, phả ra một vùng sáng làm rạng rỡ cả góc làng. Bóng tre soi tóc bên bờ ao, nhuộm một màu xanh huyền diệu, phủ lên quê tôi một vẻ lãng đãng bình yên trong làn khói rơm ban chiều.
Mẹ mang bầu tôi được ba tháng thì bố xin chuyển việc của cả hai người về quê nội. Tôi lớn lên trong sự sôi động của thành phố đang phát triển từng ngày. Nhưng năm nào, cũng được bố mẹ cho về quê ngoại vào những dịp giỗ chạp và nghỉ hè. Theo các bạn đi chăn trâu là niềm vui sướng không gì tả nổi của một đứa trẻ sống ở thành phố như tôi. Nhưng nhìn tôi lẽo đẽo theo đuôi con trâu cũng là một sự hiếu kỳ của đám trẻ sinh ra và lớn lên ở làng. Điều đó đã tạo ra một sự tương tác và khăng khít giữa chúng tôi. Từ một đứa trẻ được chạm dần với nhiều thứ văn minh của thành phố, lại được cưng chiều từ lúc mới lọt lòng, tôi bỗng trở nên ngoan hiền, chăm chỉ nghe lũ bạn làng sai khiến. Và trong mắt tôi, chúng rất đáng yêu, rất đáng để ngưỡng mộ.
Lúc về quê, những trò chơi đánh khăng, đánh đáo với lũ bạn, rồi tập tành cắt cỏ cho trâu, băm bèo nấu cám ở nhà cậu mợ đã làm cho tôi “khôn dần ra”. Và “lao động” như thế khiến tôi ăn uống thấy ngon miệng hơn, nhanh đói hơn. Cảm giác được nhấm nháp một chút gì ngòn ngọt, cay cay hay nong nóng thường xuất hiện. Chiều đứa cháu từ thành phố về, mợ hay nấu cho tôi lúc thì bát chè sắn dây với long nhãn điểm những hạt đỗ vàng rộm lấm tấm như những bông hoa dại ven đường, lúc tô mì nóng hôi hổi chua cay đượm phong vị cua đồng. Nhưng có lẽ, nhớ nhất phải kể đến món ốc xào vùng đồng chiêm quê mẹ mà chính tôi cũng được tham gia.
Từ trong nhà, nghe eo éo tiếng lũ bạn gọi: “Mang rổ đi xúc ốc nhá”. Tôi ngỡ ngàng tự hỏi ốc nhiều đến xúc được sao? Vớ vội cái rổ, tôi le te bám theo lũ bạn. Cả bọn kéo nhau ra bờ ao ngay làng, dùng một đoạn sào chắc chắn buộc ngang miệng rổ trông như một cái vợt. Rồi nhẹ nhàng lùa “cái vợt” ấy xuống đám bèo và nhấc lên. Nhặt cụm bèo ra, những con ốc nhồi vàng hươm lông lốc nằm yên vị trong đó. Chỉ mươi lần vợt thế, đã được đầy một rổ. Tôi tròn hết cả mắt, ngỡ việc bắt ốc thế có gì rất gần với câu chuyện cổ tích của lũ trẻ trên thành phố.
Những chùm rễ tua tủa của bèo như thiết bị lọc nước. Vì thế ao luôn trong xanh, ốc sống ở đây sạch sẽ không như ốc ngoài đồng. Nhưng ốc nhồi là loại có nhiều nhớt. Ban trưa mợ tôi đã giữ lại chậu nước vo gạo để chúng tôi bỏ một ít muối, bẻ thêm mấy quả ớt thóc rồi đổ ốc vào ngâm. Đám ốc mở cái vảy trên miệng, thò ra nhấm nháp. Dù nước vo gạo như là nguồn dưỡng chất, nhưng gặp phải vị mặn của muối, hơi cay của ớt, bao nhiêu nhớt nhãi trong chúng tự đùn ra bằng hết rồi thụt vào cố thủ trong lớp vỏ, thứ mà chúng ngỡ đấy là cái hầm trú ẩn kiên cố nhất.
Loài ốc có khả năng giải nhiệt cơ thể, hợp với người máu nóng, nhuận tràng nhưng nhạt thịt nên không ai cho nước vào để luộc ốc bao giờ. Sau khi rửa sạch sẽ, chỉ cần cho một chút muối, đôi quả ớt thóc, mấy củ xả, nắm lá bưởi, chút gì chua chua rồi chụm củi đun xôi, ốc sẽ tự tiết ra nước. Khi vảy ốc như những tấm áo giáp che chắn cho ốc mở miệng ra, mùi lá bưởi thơm lừng, đảo lên hoặc bê cả nồi xóc chỉ đôi lần là chín. Các cụ gọi thế là xào ốc. Ốc chín tới mới giòn. Đun kỹ quá sẽ dai.
Trong khi ngâm ốc, mợ tôi đã tranh thủ pha nước chấm. Để phục vụ đám trẻ trâu đáng yêu này, cậu tôi hối hả đạp xe ra phố huyện mua một chai nước mắm Cát Hải hương vị truyền thống, độ đạm cao rồi chặt một chùm gai bưởi đã già cứng mang về. Bọn tôi tíu tít quanh mợ. Đứa bóc tỏi, đứa cạo vỏ gừng, tôi thì bóc củ sả rồi đem tất cả rửa sạch sẽ. Mợ mang băm nhỏ các thứ cộng với một chút đường, mì chính, nước lọc, dấm hoa quả, và nước mắm hòa vào rồi đem đun sôi. Bát nước chấm ốc phải có vị mặn, vị chua, vị cay, vị ngọt, thơm mùi gừng mắm. Bát nước chấm sanh sánh màu vàng nhạt, điểm màu trắng của tỏi, của sả, màu đỏ của ớt, màu vàng tươi của gừng, màu xanh của lá chanh thái nhỏ, chỉ vừa mằn mặn, để khi ăn có thể thỉnh thoảng húp một tí cho đậm đà. Nhưng nếu mặn quá sẽ mất ngon. Nói tóm lại, ốc có ngon hay không còn phải do nước chấm. Và mợ tôi, quả xứng danh là một bà nội trợ đảm đang với món nước chấm ốc có nhẽ phải gọi là trên cả tuyệt vời. Vì mới chỉ húp suông thôi, tôi đã thấy ngon lắm rồi.
Chả cần bàn ghế như ở hàng quán, cả lũ ngồi xổm xúm xít quây quanh nồi ốc. Cái vỏ bọc như cái lô cốt mà bọn ốc nghĩ là nơi cố thủ vững chãi nhất đã sắp sửa trở thành hư vô bởi bàn tay điêu luyện của lũ trẻ làng. Một tay dùng chiếc gai bưởi dài và nhọn, gẩy nhẹ vẩy ốc ra, tay kia vê vê theo chiều xoắn là đã đi tong một đời con ốc rồi. Lúc đầu, hơi nóng của ốc quyện vào hương vị của bát nước chấm, miếng ốc vừa giòn sần sật, vừa mằn mặn, thơm thơm, cay cay. Nhưng rồi sau đó, đứa nào đứa nấy xuýt xoa suỵt soạt vì cay, vã cả mồ hôi, cho dù đêm qua, cơn gió mùa đã kịp ập về gõ cửa từng nhà.
Ốc tính hàn, ăn nhiều có thể lạnh bụng, nên cậu tôi nhắc thỉnh thoảng húp một ít nước ốc để “làm phép”. Nhớ những lần đầu được bố mẹ đưa đi ăn ốc, khi nghe mọi người nhắc đến cái cụm từ “nhạt như nước ốc”, tôi đã rất ngạc nhiên. Nhưng đấy chỉ là uống nguyên nước ốc, còn khi đã pha thêm chút nước chấm vào, tôi lại thấy ngon như được húp một bát canh gừng trong đám cỗ.
Ở thành phố, mỗi lần được bố mẹ dẫn đi ăn ốc, tôi thấy chủ quán mang ra những miếng kim loại hình tam giác bằng inocx màu trắng để khêu. Còn ở quê, mỗi lần cắm cái gai bưởi màu xanh vào con ốc, tôi luôn có cảm giác hương bưởi đã quyện lẫn trong miếng ốc vừa đươc mơi ra, thơm thơm thật tuyệt.
Thế rồi, tiếng suỵt soạt mỗi lúc một to dần. Cái xô nhựa để đựng vỏ ốc cũng mỗi lúc một đầy dần. Cậu mợ, bố mẹ tôi không tham gia, chỉ nhìn cả lũ nhấp nhổm khêu ốc, mà nhiều lúc còn phải cười ngặt nghẽo vì độ lầy lội của đám trẻ…
Nhưng cũng tới lúc cả nhà phải về thành phố. Bao công việc đang chờ bố mẹ. Còn tôi lại lao vào học hành, làm nốt những bài vở, hối hả cho chặng đua nước rút ở những kỳ thi phía trước. Nhưng mỗi chuyến về quê như thế đã trở thành hành trang quý giá để tôi mang về làm quà cho đám bạn trên thành phố.
Rồi cuộc đời với bao bươn trải vì mưu sinh. Nhưng mỗi lần nghĩ về quê mẹ là luôn trong tôi vẫn vẹn nguyên sự ngỡ ngàng và nôn nao nỗi nhớ… Nhớ những buổi sớm mai có cơn gió đồng lững thững thổi vu vơ. Nhớ sự ngỡ ngàng trước tia nắng sớm trải một lớp tơ hươm vàng lên từng con ngõ nhỏ. Mỗi lần bất chợt thấy, lại sững sờ trước vẻ lộng lẫy của giọt sương đêm đang xà xuống những bông hoa vừa kịp nở trước ban mai. Và tiết trời nhiều lúc lại cứ đỏng đảnh như cô gái đẹp được nuông chiều, hồn nhiên chiếm giữ không gian làm của riêng mình, chỉ dè xẻn sẻ chia… Tất cả đã tạo nên sắc thái riêng của một vùng quê, mang đến cảm giác mơ màng, dịu dàng mơn man trong tâm thức…
Giữa một buổi chiều đông, nhớ về quê ngoại, tôi bỗng thèm được trở về cùng lũ bạn đi “xúc ốc” như năm nao. Những cái Tý, con Hõn, thằng Tèo, thằng Lãn… giờ này hẳn đã lên ông lên bà? Những con ốc nhồi ao làng to tròn thơm mùi gừng xả quyện trong hương bưởi, bát nước chấm vàng sóng sánh mằn mặn chua cay… Nơi ấy có biết bao thứ luôn là món quà quê, luôn thắp lên trong tôi ký ức của một thời trẻ thơ thật đẹp.
L.T.P