Một âm vang ‘Nghiêng ngả đại ngàn – Đảo điên cổ thụ’

716

TS Nguyễn Ái Học

(Đọc trường ca Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến)

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đó là âm vang tâm hồn của nhà báo – nhà thơ Đặng Bá Tiến trong trường ca Rừng cổ tích của anh, do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2012.


Bìa sách “Rừng cổ tích” của Đặng Bá Tiến.

Tiếng lòng nhức nhối của Đặng Bá Tiến hòa cùng với chất thơ hiện thực đã tạo nên khúc hát trầm hùng mà đau thương, uất hận của rừng núi Tây Nguyên giờ đây đang “lênh loang máu”, đang “tan hoang thành tro than lả tả” dưới bàn tay tàn bạo của lũ “lâm tặc” phá rừng!

Trường ca Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến có phải thế chăng đã trở thành khúc ca bi tráng, một âm vang “nghiêng ngả đại ngàn, đảo điên cổ thụ” như chính lời thơ anh viết, để rồi làm chấn động lương tri tất cả chúng ta – những người yêu mến rừng xanh đại ngàn –  “hồn cốt của non sông”, “hình hài đất nước”!

Trường ca Rừng cổ tích đặt tác giả của nó trước hai thử thách:

Thử thách thứ nhất: Đã gọi là trường ca thì phải có dung lượng lớn, nội dung lớn. Trường ca phải có “cốt truyện bên ngoài” và “cốt truyện bên trong”, có cốt truyện và có nhân vật trữ tình với sự vận động của một mạch tâm trạng nào đó. Đòi hỏi của tự sự trường ca như Biêlinxki nói: “nó không dung nạp văn xuôi của đời sống, nó chỉ chớp lấy những yếu tố mang chất thơ, chất lí tưởng của cuộc sống mà nội dung là những chiêm nghiệm sâu sắc nhất về thế giới và những vấn đề đạo đức cao sâu nhất của nhân loại…” (Dẫn theo Hoàng Ngọc Hiến – Mấy vấn đề đặc trưng thể loại và thi pháp của trường ca).

Thử thách thứ hai: Viết về đề tài “bảo vệ rừng”, “chống nạn phá rừng”… rất dễ rơi vào khô khan, minh họa, hô khẩu hiệu… những thứ xa lạ với văn chương đích thực vốn lấy hình tượng nghệ thuật mang tính thẩm mĩ tác động vào mĩ cảm của người đọc, theo cách nói của L.Tônxtôi là phải tạo nên những sự “kinh ngạc thán phục”, truyền đạt tư tưởng triết lý bằng “lây nhiễm cảm xúc”.

Đặng Bá Tiến đã vượt qua hai thử thách nêu trên để khẳng định sức sống cho tác phẩm của mình, tạo nên sức hấp dẫn mạnh mẽ cho trường ca Rừng cổ tích!

Vấn đề bản trường ca đề cập không thể nói là không lớn. Đó là nỗi đau trước nạn phá rừng, hủy hoại môi trường. Sâu xa, nhân bản hơn là nỗi đau trước sự vô cảm của con người trước cái đẹp của thiên nhiên, trước những giá trị lớn mà tự nhiên mang đến cho thế giới con người. Đó cũng là nỗi đau trước sự hủy hoại một nền văn hóa Tây Nguyên huyền thoại. Nhân vật trữ tình với sự vận động cảm xúc khá biện chứng đã thể hiện tư tưởng, tình cảm phong phú, những tình cảm lớn bay bổng gắn với “cốt truyện bên trong” được bao bọc bởi “cốt truyện bên ngoài” với mười chương (khúc). Khúc 1: Vùng kỉ niệm; khúc 2: Trở lại; khúc 3: Đam mê; khúc 4: Tình yêu; khúc 5: Nỗi đau; khúc 6: Đêm Bản Đôn; khúc 7: Giữ rừng; khúc 8: Hồi sinh; khúc 9: Hồi tường; khúc 10: Vĩ thanh.

Mười chương của “Rừng cổ tích” bao bọc tâm hồn người đọc với những yếu tố đầy chất thơ qua những trải nghiệm đầy tinh tế, sâu sắc về vẻ đẹp của cây, của đá, của suối, của sông… đặc biệt là của con người với một vùng văn hóa Bản Đôn hết sức độc đáo, đa dạng. Tâm hồn ta được nhảy múa, uốn lượn, mơn trớn với bao vẻ đẹp của đại ngàn bí ẩn trong âm điệu quấn quýt giữa người với cảnh, giữa người với người, giữa chính nhân vật trữ tình với những kỉ niệm, đam mê, tình yêu, nỗi đau… của mình gắn bó với rừng.

Đặng Bá Tiến đã vượt qua sự “trói buộc” của đề tài khô khan. Tâm hồn thi sĩ được giải phóng khỏi “cái gọi là đề tài” để mặc sức thăng hoa với một dòng cảm xúc cuồn cuộn, xô đẩy, tuôn trào khiến cho mười chương của bản trường ca trở thành một giọng điệu nhất quán. Đó là tiếng yêu thương, thét, khóc… cho “nghiêng ngả đại ngàn – đảo điên cổ thụ” “Rừng ơi là rừng!”.

Mười chương như nhan đề tác phẩm, là bài ca dài về Rừng cổ tích. Âm hưởng bài ca lan tỏa như từng đợt sóng lay động tâm can. Mười chương khúc được chưng cất trên một nền tảng trữ tình cơ bản – tình cảm của một chàng trai miền xuôi lên Tây Nguyên gắn bó lâu bền, yêu thiết tha cháy bỏng từng gốc cây, dòng suối của rừng già Bản Đôn, Đắk Lắk. Đó cũng chính là nỗi đau đớn tột cùng của trái tim người cầm bút khi chứng kiến từng mảng rừng già bị phá trụi. Mất từng mảng rừng tưởng như mất từng mảng da thịt trên cơ thể nhà thơ. Nhưng đau đớn quặn thắt hơn trong sâu thẳm tâm hồn anh là một nền văn hóa Bản Đôn linh thiêng, huyền thoại đang bị hủy diệt tàn khốc. Những cảm xúc tột cùng ấy làm xuất thần những hình tượng thơ đầy sức ám ảnh trong bản trường ca. Đây là thành công đặc sắc của Đặng Bá Tiến.

Đẹp biết bao những buổi chiều giữa rừng Tây Nguyên “Ấy là những buổi chiều/ Bên này Sêrêpôk ẩn giữa lá xanh/ Ngắm những cô gái M’nông, Êđê bờ bên kia đùa nhau trên bến tắm/ Ngắm đàn voi đủng đỉnh hút nước, phun mưa như thủy tinh long lanh trong nắng/ Nghe tù và dìu dặt gọi trăng lên…” (Khúc 1: Vùng kỉ niệm). Yêu núi rừng Bản Đôn đến mức tưởng như lòng không kìm nén nổi: “Ôi Bản Đôn/ Ôi Yôk Đôn/ Ôi Sêrêpôk/ Nơi hơi thở thơm hương hoa bằng lăng, hoa dẻ/ Thơm mùi cá nướng tẩm mật ong mỗi bữa chiều về/ Thơm hương rượu cần bay lẫn hoàng hôn mê mê tỉnh tỉnh/ Nơi mỗi sáng voi dậm chân thậm thịch giã vào đất mẹ, giã vào hư không, giã trắng những nỗi niềm…/ Ba mươi chín giàn chiêng gọi Giàng rung vách núi…” (Khúc 4: Tình yêu)

Nhưng một ngày kia “Sau làn sóng di cư/ là bọn lâm tặc, là lũ mọt rừng trăm phương mò tới/ Chúng ngấu nghiến ăn rừng trong bóng tối/ ăn rừng giữa bạch nhật thanh thiên/ Chúng nuốt cả cây gỗ dài như sợi bún/chúng ngủ mê cũng thấy gỗ chập chờn/ chúng bán, mua cả rừng gỗ giản đơn/ bằng những dự án đỏ lòm con dấu/ và bấm tím những mưu đồ ẩn náu/chúng nháy mắt nhau là rừng đổ ào ào/Những cánh rừng đẫm máu thương đau/ Voi phơi xác cho quạ, diều mở tiệc/ Hổ báo cũng cùng đường mạt kiếp” (Khúc 5: Nỗi đau). Có nỗi đau nào hơn thế đối với rừng xanh. Nỗi đau trong tâm hồn nhà thơ lan tỏa đến từng cành cây, ngọn cỏ, hòn đá, bờ sông: “Sêrêpôk mùa khô đá đôi bờ lăn lóc/ Cỏ đôi bờ chết giấc giữa trời sao/ nước hắt hiu đâu còn sóng dạt dào/ trăng bức bối không còn chỗ tắm… Hoặc: Sông như con rắn đen bơ phờ nhịp thở/ Đợi cơn mưa xa lắc cuối trời/ đêm/ai buồn để tiếng chiêng rơi/ rơi vào hư không/ rơi vào thăm thẳm… Hoặc: Đâu còn bóng Kơ nia trên bến nước/ Đâu còn thác tung bờm như ngựa thần sải bước/ Đâu còn đàn voi đi rung chuyển đại ngàn…” (Khúc 6: Đêm Bản Đôn).

Trong giấc mơ rừng được “hồi sinh”, Đặng Bá Tiến cũng khắc họa được những hình tượng thơ thật gợi cảm “Đêm già làng/ Ngồi bên Sêrêpôk buông câu/ Cá lăng, cá cờ quẫy trăng nước xôn xao/ Cần trúc trĩu niềm vui/ Giỏ mây đầy ánh bạc”… (Khúc 8: Hồi sinh). Trong khúc “Vĩ thanh” mừng cho rừng thanh bình, sinh sôi nảy nở, tác giả đã chọn lọc được lối diễn tả mang giọng điệu quen thuộc và rất gần gũi với người Tây Nguyên: “Cây nghe tiếng tù và xanh biếc, đầy hoa/ Chim nghe tiếng tù và lời ca thêm thánh thót/ Voi nghe tiếng tù và ngà mọc dài thêm”… ( Khúc 10: Vĩ thanh)

Đặng Bá Tiến là nhà báo kì cựu của Tây Nguyên – từng đoạt giải thưởng của Đài tiếng nói Việt Nam với bút kí mang tên: Rừng ơi là rừng! Anh đồng thời cũng là nghệ sĩ nhiếp ảnh đoạt nhiều huy chương vàng, bạc, đồng ở Hồng Kông, Nhật Bản, Italia… Nhưng trong “căn cốt”, trong “não trạng” của mình, Đặng Bá Tiến là một thi sĩ. Yêu rừng, mơ với rừng, khóc cười, gào thét… với rừng. Đặng Bá Tiến đã mượn chất hiện thực ngồn ngộn của phóng sự báo chí, cái nhìn tinh tường, sắc nét  “chộp bắt” của nhà nhiếp ảnh, cảm xúc mãnh liệt và trí tưởng tượng phong phú của nhà thơ… để kết tinh nên vẻ đẹp độc đáo cho trường ca Rừng cổ tích.

Rừng cổ tích của Đặng Bá Tiến có tình yêu thiên nhiên tha thiết, yêu giang sơn đất nước, Tổ quốc của một công dân đầy trách nhiệm; có ý thức gìn giữ, bảo vệ môi trường sinh thái… của một “con người nhân loại”. Nhưng trước nhất và trên hết là một âm vang nghệ thuật đặc sắc đủ sức lay chuyển tâm hồn bao người đọc, đủ sức “nghiêng ngả đại ngàn – đảo điên cổ thụ”.

Ta như nghe trong âm vang ấy có tiếng hồn “rừng núi”, “tiếng thét gọi bầy” của tổ tiên cộng đồng anh em dân tộc Tây Nguyên tự “trăm năm xưa cổ” vọng về. Tiếng vọng linh thiêng ấy – với người Việt Nam, không ai có thể và không ai có quyền được làm ngơ!

N.A.H