Một cách kể khác về 10 cô gái Đồng Lộc

148

Nhà hát Kịch nói Quân đội đã tổng duyệt vở diễn Vầng trăng trinh liệt từ kịch bản ban đầu có tên Mười cô gái Đồng Lộc của nhà văn Hà Đình Cẩn. Vở diễn được Đạo diễn- NSND Lê Hùng dàn dựng; chỉ đạo nghệ thuật Đại tá, NSƯT Lê Thị Mai Phương. Từ niềm cảm kích, xúc động trước sự hi sinh anh dũng của các cô gái ngã ba Đồng lộc, từ những chi tiết lấp lánh của kịch bản, đạo diễn đã khái quát hóa thành hình tượng nghệ thuật Vầng trăng trinh liệt!

Kịch bản Mười cô gái Đồng Lộc của tác giả Hà Đình Cẩn là được đánh giá cao trong Cuộc vận động sáng tác kịch bản về đề tài Lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ năm 2023 của Nhà hát Kịch nói Quân đội. Nội dung kịch bản xoay quanh cuộc sống, chiến đấu vô cùng gian khổ, khốc liệt của những cô gái Thanh niên xung phong (TNXP) trên mảnh đất Đồng Lộc gần như không lúc nào ngớt tiếng bom đạn cày xới trong cuộc chiến tranh chống Mĩ. Những cô gái mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau nhưng cùng chung một lí tưởng đó là tình yêu Tổ quốc, khát vọng hòa bình. Họ đã sẵn sàng hi sinh ước mơ, hi sinh tình yêu và hạnh phúc riêng tư, cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân cho ngày toàn thắng của đất nước. Đây là một kịch bản hay, với góc nhìn đầy nhân văn từ ngày hôm nay về chiến tranh, về tình yêu, tình đồng chí, trong đa dạng của tính cách, điểm nhìn khác nhau. Mặc dù đã có nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, sân khấu- điện ảnh… tái hiện lại sự hi sinh này, chính đạo diễn – NSND Lê Hùng như có duyên nợ, đã nhiều lần dàn dựng lại câu chuyện có thật về 10 cô gái Đồng lộc ở những thể loại sân khấu khác nhau, nhưng với Vầng trăng trinh liệt, ở ông như có sự thăng hoa của cảm xúc và sự cộng hưởng những tài năng sáng tạo.

Từ niềm cảm kích, xúc động trước sự hi sinh anh dũng của các cô gái ngã ba Đồng lộc, từ những chi tiết lấp lánh của kịch bản, đạo diễn đã khái quát hóa thành hình tượng nghệ thuật Vầng trăng trinh liệt! Ánh sáng sân khấu đã thể hiện rất rõ ý tưởng dàn dựng của vở diễn – trước và sau khi những 10 cô gái Đồng lộc nằm xuống: Ánh sáng diệu kì của thế giới tâm hồn, của tình yêu thương, của tình đồng chí đồng đội, của lí tưởng sống của những cô gái TNXP mở đường mảnh mai bằng xương bằng thịt chiến đấu với bom đạn, gió mưa, với những khó khăn riêng chung… để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Họ đẹp rạng rỡ như trăng rằm trắng trong (vầng trăng màu trắng), và thiêng liêng như “vầng trăng máu” của những linh hồn trinh liệt (vầng trăng màu đỏ)… Vở diễn đã huy động hầu hết diễn viên nữ trẻ – những gương mặt sáng đầy triển vọng của Nhà hát Kịch nói Quân đội: Nghệ sĩ Huyền Sâm (vai chị Võ Thị Tần), Vi Thường (vai Hồ Thị Cúc), Mỹ Linh (vai Dương Thị Xuân), và các nghệ sĩ Khánh Linh, Huyền Trang, Thu Huế, Lan Hương, Ngọc Anh, Nguyên Hằng, Nguyễn Thị Giang, Lê Huyền, Bình Yên, Mạnh Tuấn, Tô Bình, Huy Hùng… Bên cạnh đó là các gương mặt diễn viên quen thuộc của của Nhà hát: Nghệ sĩ Thu Ngà, Hà Hoàng Hiệp… Các diễn viên đã hóa thân trọn vẹn vào mỗi vai diễn, để lại những ấn tượng sâu sắc và mang lại những xúc cảm mạnh mẽ cho khán giả. Đó là sự đôn hậu, yêu thương của mệ Giang nhìn các con (những cô gái Đồng Lộc) ngủ, khi các con quây quần giữa những khoảng lặng chiến tranh, đến sự lo lắng, bất an khi linh cảm điều không lành với các con của nghệ sĩ Thu Ngà; sự lúng túng, đau đớn rồi quyết tâm hành động để cứu đồng đội nhưng không thể của nghệ sĩ Hà Hoàng Hiệp; vẻ đẹp thanh tân, trinh trắng của người con gái tắm dưới trăng dưới diễn xuất của nghệ sĩ Mỹ Linh trong ánh nhìn trộm của các chàng lính trẻ; nỗi buồn giận trước người yêu, sự nhiệt huyết hăng say làm nhiệm vụ, rồi hóa thân thành một cánh chim thiêng trong vũ điệu xúc động nghẹn ngào cùng bài hát “Cúc ơi!” dưới sự thể hiện của nghệ sĩ Vi Thường…

Với kết cấu mạch lạc của một câu chuyện lịch sử tưởng như đã quen thuộc nhưng mỗi cảnh diễn của Vầng trăng trinh liệt đều mang lại những cảm xúc thẩm mĩ thật tròn đầy cho khán giả. Theo đạo diễn – NSND Lê Hùng, tái hiện đúng lịch sử, đúng sự thật của lịch sử, nhưng từ sự thật đó phải làm sao cho thật đẹp, thật sinh động, đó quả là một thách thức. Nhưng có lẽ cũng chính thách thức ấy đã tạo ra động lực sáng tạo, để tác giả, đạo diễn và ekip dâng hiến cho khán giả những vẻ đẹp tuyệt vời của sân khấu. Vở diễn là một khúc ca bi tráng đầy chất thơ về mảnh đất anh hùng, về những liệt nữ anh hùng, như một nén tâm nhang thành kính dâng lên hương hồn “10 cô gái Ngã ba đồng lộc”.

Một số hình ảnh vở diễn Vầng trăng trinh liệt:

VŨ HOÀNG HẠNH/ VNQĐ