Một cách nhìn “gần” về sáng tác văn học dân gian

681

Trần Ngọc Tuấn

(Vanchuongphuongnam.vn) – Truyện Tấm Cám: Đâu chỉ có “ở hiền gặp lành”!

Truyện cổ tích Tấm Cám từ lâu đã được đưa vào giảng dạy ở bộ môn Ngữ văn lớp 10, THPT. Có thể nói, đây được xem là truyện cổ tích thần kỳ hấp dẫn nhất, tiêu biểu nhất trong kho tàng truyện dân gian Việt Nam. Nó được nhiều đối tượng người đọc, người nghe yêu thích từ trước đến nay, nhất là hình tượng nhân vật Tấm. Cô được xem như là nguyên mẫu của sự hiền thảo, nết na, đảm đang, tháo vát…

Tuy nhiên, ở phần cuối của truyện này có một chi tiết tạo nên cách nhìn nhận, sự đánh giá khác nhau về tính toàn mỹ của tác phẩm vốn được xem là tuyên ngôn cho đạo lí của cha ông xưa “ở hiền gặp lành”, “cái thiện luôn chiến thắng cái ác”. Đó là sự trả thù khá man rợn của Tấm với mẹ con Cám!

1. Văn bản sách giáo khoa Ngữ văn 10 hiện hành chỉ mới dừng lại ở chỗ: Sau khi Cám bị Tấm sai quân lính đào một cái hố và dội nước sôi chết, mụ dì ghẻ thấy vậy cũng lăn đùng ra chết. Bản kể khác của Nguyễn Đổng Chi, trước đây, có thêm phần trả thù khá “quyết liệt” hơn như sau: Sau khi Cám chết, Tấm sai lính đem xác làm mắm bỏ vào một cái chĩnh rồi gửi về cho mụ dì ghẻ. Mụ ăn khen ngon. Một con quạ ở đâu bay đến đậu trên nóc nhà kêu rằng: “Ngon ngỏn ngòn ngon/Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng”. Mụ dì ghẻ chửi thầm rồi vác sào đuổi quạ. Nhưng đến khi ăn hết chĩnh mắm, mụ thấy đầu lâu con mình thì lăn đùng ra chết.

Trong phần hướng dẫn học bài của văn bản này ở Sách giáo khoa có câu hỏi khá hay, yêu cầu học sinh cho biết ý kiến của mình về sự trả thù của Tấm. Khi người dạy đặt vấn đề này, thì đa phần học viên đều không nhất trí với sự trả thù của Tấm và nghĩ ra một cách khác nhân bản hơn. Thế nhưng, với sự tồn tại hàng trăm năm nay, đủ để thấy sự trả thù ấy có lý do xác đáng của nó. Vậy, vấn đề là, giáo viên phải lý giải với học viên như thế nào cho hợp lẽ?

2. Trước hết, phải thấy rằng truyện Tấm Cám không phải chỉ thuần túy là truyện cổ tích thuyết minh cho luận đề “ở hiền gặp lành”. Chân lý này chỉ đúng ở phần đầu của truyện. Lúc đó, Tấm hiền lành, chăm chỉ nên được Bụt giúp đỡ. Phần sau của truyện, vai trò của Bụt mờ dần, Tấm phải tự thân biến hóa rất nhiều lần để sống và chống lại mẹ con Cám. Và phải tự bàn tay mình vun đắp lại hạnh phúc với vua qua sự khéo léo từ miếng trầu têm cánh phượng.

Sự vận động như thế cho thấy quan niệm của dân gian cũng thay đổi theo phần sau của câu chuyện. Đó là Tấm không thể “ở hiền” mãi để “gặp lành” được nữa, nếu không muốn mình cứ bị giết và phải tiếp tục biến hóa. Cần phải có một sự kết thúc dứt khoát để đem lại sự công bằng cho Tấm, để thỏa mãn “tâm lý căm giận” của dân gian khi theo dõi cốt chuyện. Và cũng để làm rõ một triết lý sống nữa là đã “ác giả’ thì phải gặp “ác báo”. Vì thế mà, bài học lương thiện từ “ở hiền gặp lành” đã chuyển đổi sang tầm triết lý mới, hiện đại hơn: Trong bối cảnh đấu tranh khốc liệt của xã hội xưa, một khi những “đơn thuốc” quen thuộc của đạo đức dân gian đã không còn tác dụng (bị lờn), thì cần phải có “phương thuốc” mới, hữu hiệu hơn. Tức nước thì phải vỡ bờ, con giun bị xéo quá thì tất phải… quằn. Vì vậy mà, truyện Tấm Cám đã đem đến một chiêm nghiệm mới có tính tự phản biện sâu sắc trong tư duy có tính biện chứng của dân gian ta: Không cứ phải bao giờ ở hiền cũng được gặp lành, mà phải biết đấu tranh để giành lấy phần thắng cho cái thiện! Phải biết “dĩ độc để trị độc”!

Nói đến đây tôi sực nhớ đến truyện ngắn Dì Hảo của nhà văn Nam Cao. Qua nhân vật người dì một đời thảo hiền như đất, thật thà như đếm, cam chịu, nhẫn nhịn hết mực, nhưng rút cuộc chỉ nhận về mình những thiệt thòi vô lý, những bất bình vừa đáng thương vừa đáng trách, hình như Nam Cao muốn đem đến cho người đọc một thông điệp: Không nên sống ác. Nhưng hãy cẩn thận, vì không phải bao giờ ở hiền cũng được gặp lành!

3. Xét về góc độ văn bản học, có thể nói, truyện Tấm Cám ra đời khá muộn, khi tư duy dân gian đạt đến một trình độ nhất định mới sáng tạo được truyện này. Chẳng hạn, các chi tiết được xây dựng rất hấp dẫn và đầy dụng ý, có tính thống nhất, chặt chẽ cao. Những lời thoại được diễn đạt bay bổng bằng văn vần, một điểm rất hiếm thấy trong truyện dân gian khác. Chính vì thế, phải chăng trong tâm thức sáng tác truyện Tấm Cám, tác giả dân gian không muốn chỉ lặp lại một quan niệm quá ư là quen thuộc trong típ truyện của dân gian về luận đề “ở hiền gặp lành”, mà phải khoác thêm tấm áo mới một quan niệm nhân sinh mới mẻ hơn.

Đó cũng là lý do để biện minh, lý giải cho hành động trả thù hợp lẽ của Tấm!

T.N.T