Một cây bút phê bình văn học ở Đồng bằng sông Cửu Long

799

Phạm Đình Ân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng đất mới, gồm 13 tỉnh và thành phố, trong đó Tp Cần Thơ là đô thị loại I – trực thuộc Trung ương, là một khu kinh tế, văn hóa quan trọng. Cộng đồng cư dân ở đây ngoài người Kinh còn có người Hoa, Khmer. Đây là một vùng văn hóa phong phú, đa sắc tộc, độc đáo. Về văn học, hiện nay ĐBSCL cũng như các địa phương khác, còn ít tác giả viết nghiên cứu-phê bình. Khu vực này có hơn 52 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thì chỉ có nhà văn Võ Tấn Cường (Hội viên Hội Nhà văn VN ở Tiền Giang) và Lê Xuân (Hội Nhà văn Cần Thơ) viết thường xuyên và trở thành chuyên nghiệp. Có thể nói Lê Xuân là một cây bút kiên trì theo đuổi mảng phê bình văn học (PBVH)…

Nhà phê bình Lê Xuân

Ra đi từ xứ Thanh thuộc Bắc miền Trung, dừng chân ở Nghĩa Lộ thuộc Khu tự trị Tây Bắc mười lăm năm, anh vào Cần Thơ và “đậu” lại ở vùng đất “gạo trắng nước trong” này đã bốn mươi năm. Ngoài quê cha đất tổ là Thanh Hóa, anh luôn luôn coi Nghĩa Lộ (nay là tỉnh Yên Bái) là quê hương thứ hai, và Cần Thơ là quê hương thứ ba. Tất cả đều như máu thịt của mình.

Từ những ngày còn ngồi trên ghế nhà trường anh đã rất yêu thơ văn. Sự từng trải cuộc sống và niềm đam mê văn chương không những đã giúp anh trở thành một thầy giáo dạy văn giỏi mà còn là một cây bút viết nhiều thể loại. Nhưng anh tâm đắc và thành công hơn cả là ở mảng PBVH.

Lê Xuân (tên khai sinh là Lê Xuân Bột) – một cây bút PBVH ở ĐBSCL, đã quen thuộc, tạo được niềm tin đối với bạn nghề và độc giả nhiều năm nay. Buổi đầu, từ những năm 70, 80 của thế kỷ XX, khi còn dạy Văn ở trường Sư phạm Nghĩa Lộ hay sau này ở trường THPT chuyên Lý Tự Trọng Cần Thơ, nhiều độc giả và bạn đồng nghiệp đã lưu ý đến tác giả này. Đến nay, Lê Xuân đã trở thành một tác giả nghiên cứu phê bình văn hóa, văn được bạn đọc mến mộ.

Anh có hơn hai mươi đầu sách in chung và năm cuốn in riêng. Lê Xuân đã có 9 giải thưởng về văn học và báo chí, trong đó có giải thưởng do Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam trao cho cuốn “Tiếng nói tri âm”. Anh là hội viên của 4 hội: Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Hội VHNT các dân tộc Thiểu số Việt Nam, Hội Nhà văn TP Cần Thơ.

Về sách đã in, đáng chú ý nhất là ba cuốn: “Lời đồng vọng” (NXB Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, 2005) gồm 30 bài bình thơ. Cuốn sách đã được nhiều độc giả yêu thơ, sáng tác thơ hỏi tìm làm tài liệu tham khảo cần thiết. Cuốn “Tiếng nói tri âm” (NXB Hội Nhà văn, 2011) gồm 32 tiểu luận, phê bình. Sách được bố cục làm 4 phần. Phần 1- “Con nghe Bác tưởng nghe lời non nước” có 5 bài viết về Bác. Phần 2- “Ôi tiếng của cha ông thuở trước” có 4 bài viết về Nguyễn Trãi, Bùi Hữu Nghĩa, Phan Văn Trị, Nguyễn Đình Chiểu. Phần 3- “Đất nước của nhân dân, đất nước của ca dao thần thoại” có 5 bài viết về ca dao – dân ca. Phần 4- “Tiếng ngày xưa và cả tiếng mai sau” gồm 18 tiểu luận về thi pháp thơ và truyện. Đây là một cuốn sách nghiên cứu và phê bình văn học có nhiều cái mới, viết khá công phu. Trong bài “Yếu tố trào phúng trong thơ Bác”, tác giả nêu ra 8 cách thức nghệ thuật trào phúng mà Bác đã sử dụng. Ý kiến của anh khá sắc sảo: “Với Bác, cái trào phúng được nhìn nhận rất khoa học. Nó được kết hợp giữa cái hài truyền thống, dân gian với cái hài hiện đại, và được một tư tưởng tiến bộ khoa học, một trí tuệ sáng suốt dẫn dắt. Tiếng cười trong thơ Bác thể hiện được thế mạnh, tầm cao của Người “đứng trên đầu thù” mà phê phán, châm biếm. Nó khác xa với cái cười bất mãn, chán đời của một số người xưa”.

Đọc tiểu luận “Tiếng cười trào phúng trong thơ Phan Văn Trị”, những ai đã tìm hiểu về nhà thơ Nam Bộ này không thể không đồng tình với Lê Xuân. Tác giả viết: “Bút pháp trào phúng trong thơ Phan Văn Trị rất linh hoạt, vừa mang tính trí tụê vừa mang tính dân gian, nó có sự kết hợp chất thâm thuý của một nhà nho Á Đông với chất hiện đại của phương Tây. Tiếng cười trong thơ ông có lúc sảng khoái hả hê, có khi là tiếng cười gằn pha lẫn tiếng nghiến răng căm giận, có lúc ông lại trầm tĩnh để nhếch mép cười ruồi khinh bỉ. Tiếng cười ấy có đủ chất bi, chất hài, chất hùng để ông gởi vào đó tâm sự của mình.”.

Những yếu tố dân gian và ngôn ngữ trong nội dung các bài nghiên cứu, phê bình của anh hiện lên khá rõ nét. Say mê và nghiêm túc tìm hiểu “Chất dân gian trong Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi, anh đã khảo sát 254 bài thơ chữ Nôm của Nguyễn Trãi một cách tỉ mỉ và đối chiếu với 31 câu tục ngữ, thành ngữ, ca dao cụ thể, rồi đưa ra lời nhận xét rành mạch, tự tin: “Những câu thơ Nôm của Nguyễn Trãi có khi trần trụi, sần sùi như quặng quý còn vùi trong đất cát, có khi long lanh như ngọc bích đã qua tay người thợ kim hoàn chế tác. Nó mang vẻ đẹp của thơ Đường, thơ Tống đã được sáng tạo bằng ngôn ngữ nước nhà”.

Cũng trong cuốn này có một số tiểu luận công phu đặt liền nhau dành trọn cho văn hóa dân gian: Góp phần tìm hiểu thêm về dân ca; Ca dao về tình yêu dùng từ Hán ở Nam Bộ; Cây cầu trong ca dao-dân ca Nam Bộ; Thách cưới trong ca dao; Trầu cau trong ca dao… Riêng tiểu luận Ca dao về tình yêu dùng từ Hán ở Nam Bộ, tác giả đã có ý kiến riêng rất có giá trị, giúp độc giả tham khảo tính cách người Nam Bộ: “Tính cách ấy đã in dấu ấn đậm nét trong văn học dân gian miền Nam nói chung và ca dao nói riêng. Song, có một yếu tố dễ khu biệt giữa ca dao miền Nam với ca dao miền Bắc và miền Trung là ca dao miền Nam có số lượng từ Hán khá nhiều, nhất là trong mảng ca dao về đề tài tình yêu đôi lứa”. Lê Xuân đã giải thích hiện tượng này rất thuyết phục: “Ở vùng đất mới này các cư dân đã có sự giao lưu văn hóa và chung lưng đấu cật để sản xuất, chiến đấu, xây dựng cuộc sống. Họ cũng sớm được tiếp xúc với các dòng văn hóa do các thương gia Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, In-đô-nê-xi-a mang tới khi giao lưu buôn bán, và các giáo sĩ phương Tây tới truyền đạo Thiên chúa. Đặc biệt sự ảnh hưởng qua lại giữa người Việt và người Hoa”.

Là một thầy giáo dạy văn, suốt một đời đứng lớp, đồng thời là Hội viên Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Lê Xuân rất quan tâm đến ngôn ngữ văn chương. Ngòi bút nghiên cứu, phê bình của anh luôn luôn thiên về phương diện ngôn ngữ. Khi đọc thơ để bình, anh chú ý nhiều đến cách sử dụng hình ảnh thơ, ngôn ngữ thơ của tác giả. Lê Xuân say mê tìm ra cái hay của chữ và nghĩa. Viết về các vấn đề: Yếu tố trào phúng trong thơ Bác; Chất dân gian trong “Quốc âm thi tập” của Nguyễn Trãi; Tiếng cười trào phúng trong thơ Phan Văn Trị; Ca dao về tình yêu dùng từ Hán ở Nam Bộ; Phương ngữ Nam Bộ; Những con số thực và ảo trong văn chương v.v. cũng là viết về ngôn ngữ văn học đó thôi. Anh còn có riêng một bài “Bàn thêm về sự thần diệu của ngôn ngữ thơ”. Đây là những dòng viết tâm đắc của Lê Xuân: “Tính biểu cảm của ngôn ngữ thơ trước hết phải xuất phát từ xúc cảm chân tình, dào dạt của nhà thơ. Việc lựa chọn từ ngữ, hình ảnh để biểu đạt chỉ là phương tiện, là chất liệu. Nếu cố tạo ra niềm vui hay nỗi buồn giả tạo thì chỉ đánh lừa được những người không có năng lực thẩm định văn chương”. Không dừng ở lý thuyết, anh đã đưa ra nhiều dẫn chứng khá tiêu biểu và thú vị để phân tích và bình giá nhằm chứng minh cho luận điểm của mình. Nhắc đến bài “Hỏi” của Xuân Diệu với 16 câu hỏi tu từ là một thí dụ dễ gây ấn tượng đối với độc giả.

Đối với Lê Xuân, hai yếu tố dân gian và ngôn ngữ hầu như luôn luôn được anh quan tâm đồng thời. Chính vì thế, viết về dân gian thì không bỏ qua ngôn ngữ, viết về ngôn ngữ thì hay hướng tới dân gian. Ngôn ngữ của dân gian, dân gian trong ngôn ngữ, hai nội dung – yếu tố ấy, thường lồng ghép vào nhau, bổ sung cho nhau, nói thay cho nhau trong những tiểu luận của anh.

Sẽ là thiếu hụt nếu không nhắc cuốn “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa văn nghệ dân gian” (Khảo cứu – Phê bình, NXB Văn hóa Văn nghệ, 2020). Đó là những trang viết mới mẻ, lý thú của một nhà phê bình về vẻ đẹp của văn hoca văn nghệ dân gian nói chung và ĐBSCL nói riêng. Lê Xuân tự bạch:

“Lớn lên, trong quá trình “kiếm sống” tôi đã đặt chân tới nhiều miền của đất nước. Tôi ngộ ra một điều, ở đâu cũng vậy, ông cha ta dù cực khổ đến mấy vẫn lạc quan yêu đời, vẫn truyền dạy lại cháu con những bài học về lẽ sống, chiến đấu, lao động để hướng tới Nhân – Trí- Dũng, Đức – Tài – Tâm mà tránh xa Tham – Sân – Si. Tất cả điều đó, ta đều có thể tìm thấy trong kho tàng văn hóa, văn nghệ dân gian vô cùng phong phú của dân tộc. Nó in đậm dấu ấn trong lời ăn tiếng nói, trong chế biến và thưởng thức những món ăn dân dã, trong cách sinh hoạt, trong kiến trúc đình chùa, nhà cửa, trong các lễ hội ở làng xã, vùng miền, quốc gia… Tôi cảm ơn người thầy văn hóa dân gian đã giúp tôi lớn khôn về trí tuệ và tâm hồn. Vì thế, mỗi lần đọc một câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ, hay nghe một làn điệu dân ca, thưởng thức một món ăn, hoặc xem một mái đình, ngôi chùa, nhà cổ nào đó… tôi đều cố gắng ghi lại những cảm nhận của mình. Và như tìm được sự tiếp nối, đồng cảm giữa quá khứ với hiện tại trong dòng chảy văn hóa hôm nay. Một điệu hò dô huầy của xứ Thanh, một điệu chầu văn, cò lả, hay một làn hát xẩm, hát ghẹo, hát xoan của đồng bằng Bắc Bộ, một câu quan họ Bắc Ninh,  một giọng hò mái nhì, mái đẩy của xứ Huế, hoặc một câu hò, điệu lý Nam Bộ… luôn xao xuyến hồn tôi”.

Lê Xuân quá quen thuộc với con người, cảnh sắc, phong tục tập quán vùng ĐBSCL như chính nơi đây nhào nặn nên hồn cốt của anh vậy. Cuốn “Cảm nhận về vẻ đẹp văn hóa, văn nghệ dân gian” là sách được đọc giả đón nhận nhiệt tình .

Ngoài ra, điều đáng chú ý nữa là Lê Xuân đã có nhiều năm làm ở báo “Giáo dục & Thời đại” nên anh đã có nhiều bài báo, tiểu luận đề cập những vấn đề về hiện tượng văn học mang tính thời sự dạng “tranh luận văn học” khá thẳng thắn, có sức thuyết phục, chứng tỏ bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng và ý thức trách nhiệm của một cây bút nghiên cứu – phê bình chuyên nghiệp.

P.Đ.Â