“Một chiều xuân” – Truyện ngắn của Nguyễn Bá Hòa

592

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tốt nghiệp cao đẳng nghề sửa chữa ô tô, Khang đi xin việc nhiều nơi nhưng chỗ nhận việc thì lại quá xa nhà. Thôi cứ về giúp cha mẹ việc đồng áng rồi sẽ tính sau. Làm ruộng chăn nuôi cũng là niềm đam mê của Khang mà! Cánh đồng hai bên đường như bức tranh ẩn sâu trong tâm trí Khang từ thuở ấu thơ nay bỗng bày ra trước mắt, đẹp đến ngỡ ngàng.

Cánh đồng quê đã có trước ngày mẹ cha ra đời mà sao cứ trẻ mãi, mườn mượt dáng đôi mươi. Gió từ phía chân trời ươm mát trườn qua cánh đồng dờn dợn những đường cong quyến rũ gọi mời. Nắng nhuộm nắng, bâng khuâng, rạo rực, hắt lên từng ngọn lá đang rừng rựng đong đưa nồng thơm hương trời hương đất. Mùa chưa gặt đã đầy đẫy ấm no trong mắt mẹ mắt cha.

Cha Khang bị bệnh khớp, mẹ Khang nuôi hai đứa em, chăm sóc mấy sào ruộng, gia đình cần Khang lúc này. Nghĩ vậy, Khang thấy vui vẻ, bước chân thanh thoát hơn. Đường bê tông vào nhà nồng hăng mùi mới, sân nhà giàn mướp hoa vàng lay động, trái xanh đung đưa, yên ả đến thẫn thờ. Con Vàng ngủ bên cây rơm nghe bước chân giật mình sủa vang. Nhận ra người quen, nó vẫy đuôi, nhảy chồm lên ôm chầm lấy Khang. Cha mẹ và mấy đứa em mừng rỡ khi thấy Khang về. Khang là niềm hy vọng, là chỗ dựa của gia đình mà!

Trách nhiệm, nỗ lực, Khang bắt tay ngay vào việc. Ngày dọn vườn trồng cỏ, gọi người làm chuồng nuôi thỏ. Đêm tìm tài liệu học cách chăm sóc thỏ sinh sản, thỏ lấy thịt, tìm đầu ra, mối bán,… Chẳng bao lâu một trại thỏ nho nhỏ ra đời. Ở vùng quê, việc nuôi thỏ để kinh doanh lạ và mới. Nhờ lạ và mới mà những tháng ngày đầu tiên tuy vất vả nhưng bù lại gia đình có thêm thu nhập. Dần dần, nhiều người đến tham quan học tập. Khang tự tin mua thêm giống, phát triển thêm chuồng trại. Chẳng mấy chốc “Khang thỏ” được mọi người biết đến như một nông dân trẻ tài năng. Cơ quan báo đài đến quay phim chụp ảnh đưa tin, Khang trở thành thanh niên tiêu biểu trong khởi nghiệp và lập nghiệp.

Đến thời vụ, Khang cùng mẹ ra đồng. Cánh đồng hương hỏa đã gắn bó với mẹ với cha bao đời rồi không phụ bạc được. Cánh đồng đã nuôi anh em Khang khôn lớn, ở đó những bài học làm người, tình yêu, lẽ sống được hình thành. Mẹ Khang chẳng học nhiều nhưng dạy con khéo lắm. Khang yêu mẹ, yêu cánh đồng của mẹ!

Ai cũng khen Khang còn trẻ mà biết lo làm ăn, giúp cha mẹ, chả bù một số đứa xa lánh ruộng đồng ăn chơi đến hư hỏng. Bà Tam thì nói huỵch toẹt:

– Thằng Tri, con bà Ngân lấy cớ không xin được việc làm giả bộ hận đời phá làng phá xóm, thật uổng công ăn học.

Ở cái làng này nhà nào có chuyện chi ai mà không biết, nhưng vì cả nể, vì sợ thù vặt nên không ít người mặc kệ. Riêng bà Tam thì không yên lặng được. Thằng Tri cấu kết mấy đứa lưu manh cứ trắng trợn dòm ngó hăm dọa con Hạnh nhà bà!

Trại thỏ ngày càng phát triển, người ngưỡng mộ Khang rất nhiều, trong đó có bà Tam và con Hạnh. Hạnh vừa tốt nghiệp cấp ba, không thi đại học, đang tính chuyện học nghề. Thấy trại thỏ bài bản quá, hiệu quả kinh tế cũng khá, bà thưa chuyện với cha mẹ Khang cho con Hạnh qua phụ việc mong được học tập cách làm ăn. Đang lúc trang trại cần người, Khang mừng lắm, thuận ngay, mà cũng đã hứa với bà con rồi, Khang sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với mọi người mà.

Đài truyền hình đến quay phim chuẩn bị phát sóng chương trình thanh niên. Khang đương nhiên được biểu dương rồi. Hạnh cũng được phỏng vấn, con bé ăn hình lắm, nói năng lưu loát, các anh chị ở đài rất thích.

Phóng viên của đài không quên thông báo đến gia đình Khang: Chương trình phát sóng vào chiều chủ nhật, cả nhà nhớ mở ti vi xem nhé!

Khang không bao giờ quên được cái ngày ấy, ngay sau khi chương trình phát sóng, sáng hôm sau tai họa kinh hoàng ập đến gia đình Khang.

Dậy sớm ra vườn cắt cỏ, bỗng tiếng mẹ Khang thất thanh từ chuồng nuôi thỏ đẻ:

– Sao thỏ đâu hết rồi!

Linh tính như báo có điều chẳng lành, Khang ném vội lưỡi hái, chạy nhanh vào chuồng. Cảnh tượng kinh hoàng trước mắt mà mẹ Khang không nhìn thấy, những con thỏ nằm bất động. Khang bồng từng con lên xem, lạnh ngắt rồi, chắc đã chết từ tối hôm qua. Chạy qua các dãy chuồng trại khác, cũng vậy, tất cả đều chết sạch.

Mẹ khóc thảm thiết, cha lặng người.

– Cha mẹ đừng quá lo lắng, sẽ tìm ra nguyên nhân thôi! Con gọi Hạnh và anh chị em giúp việc thu dọn chuồng trại, còn đi báo với chính quyền nữa.

Nhìn bề ngoài là thế chứ ruột gan Khang rối bời. Mất trắng, mất sạch, những ngày tháng đến phải làm sao đây? Chân không đứng vững, nỗi đau lớn quá, tai họa ập đến nhanh quá cảm xúc cũng không theo kịp.

Một chiều, lại một chiều xuân, Khang lang thang trên cánh đồng, ra tận mép sông. Chẳng đợi nước ròng nước lớn, phía lở phía bồi, bên xuôi bên ngược, phù sa cứ mịn màng dịu êm. Phù sa lẫn trong những câu chuyện huyền thoại của mẹ, lẫn trong những bài ca dao cổ tích của bà, đã đi vào tâm tưởng người gieo trồng làm đất quê trở mềm, mỡ màu như tình yêu đôi lứa.

Có tiếng gọi, hình như tiếng Hạnh. Khang quay lại nhìn, đúng là Hạnh. Sao biết Khang ra đây mà tìm? Nhiều lần Hạnh nói với Khang, nếu Hạnh không đến làm ở trang trại, không cùng Khang lên ti vi thì bọn thằng Tri không hung hăng phá phách như vậy. Chẳng biết Hạnh nói đúng hay sai nhưng thấy nó cứ tỏ ra như người gây tai họa cho gia đình mình, Khang thấy thương quá, tội nghiệp quá. Hạnh cũng đau xót, tiếc của và thương hại Khang. Không khéo thì… Khang không dám nghĩ tiếp. Đi chậm lại chờ Hạnh.

Khang nhìn lên bầu trời tháng giêng trong veo, hít vào lồng ngực một hơi thật sâu. Áo mây tít tận trên cao, cánh đồng quê ngực trần con gái, chẳng thẹn thùng e lệ cứ trỗ đòng ngậm sữa. Những bông lúa mím chi đẩm sương phơi nắng lớn lên từng ngày như nụ cười thôn nữ chân chất rói tươi. Con đường làng trong tâm tưởng Khang cứ rộn lên bài đồng dao được mùa. Những cánh cò trong mắt Khang phơi trắng cánh đồng chiều. Bên tai Khang điệu hò câu lý ngân rung trong vắt như nước kênh chảy về từ bên kia bờ sáng tạo.

– Anh Khang, đồng quê mình điệu đàng thân thiết quá phải không anh?

– Dĩ nhiên rồi!

Mắt Hạnh đỏ hoe, chắc khóc nhiều lắm, vì sợ, vì lo, vì thương Khang nữa.

– Anh có dự tính chi không?

– Chưa bình tâm lại nên chưa tính toán chi!

Tự nhiên, Hạnh cầm tay Khang lắc mạnh:

– Làm lại từ đầu đi anh, cỏ vẫn còn đó, chuồng trại vẫn còn đó, chỉ cần mua con giống thôi!

– Anh phải xa quê thôi Hạnh ơi, xa nơi mình yêu quý chắc sẽ buồn lắm!

Hạnh thõng tay, sửng sốt:

– Anh định đi đâu sao?

– Đi xa, ra tận thành phố xin việc. Từ những năm trước người ta nhận anh vào làm rồi, nhưng lúc ấy còn do dự, nay thì phải đi thôi!

Hạnh lặng thinh, gió thổi dọc thổi ngang, rối bời. Ngỡ chừng Hạnh không nghe, Khang nói rõ thêm:

– Ngày mai anh phải xin phép cha mẹ để đi, còn cách nào nữa đâu! Ước chi nhà thêm người để cha mẹ đỡ vất vả.

Hạnh nghe không sót lời nào nhưng vẫn lặng thinh. Vậy là Khang đã có kế hoạch, thế mà khi nãy anh bảo chưa tính toán chi. Không tin mình, không cần mình, mình lại tin anh, nhầm chăng?

– Về thôi anh!

Hương lúa hay hương tóc thoang thoảng mà ngây ngất. Hai bạn trẻ bên nhau, bước chân nặng nề chất chứa nỗi niềm. Qua con mương nhỏ, bỗng Khang cầm tay Hạnh, đường về nhà sao ngùi ngụi mến thương. Đến đường bê tông, Hạnh dừng lại:

– Người ta nhìn kìa!

Vẫn cầm chặt tay Hạnh, Khang buột miệng:

– Anh sẽ mua thỏ giống về cho Hạnh nuôi, anh có một quyển sổ ghi chép, Hạnh nghiên cứu kỹ, có gì không hiểu hay rắc rối gọi điện cho anh, có Hạnh anh đi sẽ yên tâm hơn, cha mẹ anh sẽ không còn buồn phiền nữa!

Hạnh tròn xoe mắt, có phải là Khang đã nói như vậy, Hạnh gật đầu, giật khỏi tay Khang vụt chạy, bỏ Khang lại với hương đồng cỏ nội ngào ngạt một góc xuân quê.

2. Xuống xe, nhìn trước nhìn sau, định tìm người đi nhờ một đoạn, thì Hạnh xuất hiện với chiếc xe máy. Chiếc xe đưa hai đứa qua khỏi cánh đồng, chờ mãi không thấy Hạnh nói gì, Khang lo lắng:

– Ở nhà có việc vui buồn sao không kể anh nghe!

Hạnh đập tay vào lưng Khang nũng nịu:

– Về nhà rồi sẽ biết, toàn chuyện vui không thôi!

Khang giả bộ năn nỉ:

– Bật mí một chút thôi! Anh cũng có chuyện vui muốn nói đây!

– Anh thấy đó, cánh đồng quê vẫn xanh tốt, cả nhà mình vẫn khỏe, trại thỏ vẫn hoạt động bình thường. Chuyện vui của anh là chuyện gì?

– Chuyến này anh về luôn không ra thành phố nữa!

Hạnh giật mình:

– Về luôn là sao?

Đường bê tông vào nhà làm từ lâu nhưng với Khang vẫn cứ nồng hăng mùi mới. Sân nhà hoa mướp vàng lay động, trái xanh đung đưa, yên bình đến tận từng hơi thở. Con Vàng ngủ bên cây rơm nghe tiếng xe quen vẫy đuôi mừng rỡ, thấy Khang nhảy chồm lên quấn quýt. Cha mẹ và mấy đứa em đón Khang về cũng như mọi lần, yêu thương và chờ đợi.

Hạnh nôn nóng giục Khang nói tiếp:

– Anh nói đi, sao lần này lại về luôn, công ty có chuyện gì không ổn hả?

Cha lo lắng, mẹ sốt ruột:

– Lại gặp rắc rối nữa hả con?

Khang vui vẻ:

– Cả nhà không biết tỉnh mình đã có nhà máy sản xuất ô tô rồi sao? Con đã xin được việc ở đó rồi, sáng đi chiều về, có xe đưa đón, ngày nghỉ phụ giúp Hạnh chăm thỏ hay ra đồng giúp mẹ.

Ít nói là thế mà cha Khang phải thốt lên:

– Tốt quá! Mẹ thằng Khang làm món gì cả nhà vui một chút, nhớ mời bà Tam qua chơi, tiện thể cha có chuyện muốn nói.

Khang nhìn Hạnh, Hạnh nhìn mấy đứa em. Cha nói chuyện gì đây chứ!

Con Vàng sủa rân, có người đến thăm trại hay mua thỏ rồi. Hạnh chạy ra đón, cha mẹ Khang nhìn theo mỉm cười sung sướng.

Khang nhận ra niềm vui trong mắt mọi người.

– Ra giúp con Hạnh một tay, xem chuồng trại luôn, mấy con thỏ chắc nhớ con lắm!
Như chỉ chờ có thế, Khang rủ mấy đứa em chạy tuốt ra vườn. Nắng xuân vàng ruộm như màu rơm, ngậy thơm mùi thương nhớ.

N.B.H