Một đêm ở bến đò – Truyện ngắn của Đào Ngọc Vinh

756

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hắn là người khách sau cùng ở bến đò khuya vắng teo này. Gã chèo đò ngáp dài rồi tò mò hỏi hắn về đâu. Hắn lắc đầu. Trên bờ, ánh đèn dầu hắt ra từ một quán ăn ế khách soi mờ mờ cảnh tay xe ôm ngủ gục ở chiếc bàn còn ngổn ngang những chén tô ly muỗng.

Nhà văn Đào Ngọc Vinh

Ngoài ra đến gió cũng không có để bến đò khuya bớt quạnh quẽ, u buồn. Hắn nặng nề quảy mớ tài sản là vài cuốn sách cũ trên lưng bước ơ hờ về phía quán ăn. Bà chủ quán với gương mặt bơ phờ vì mất ngủ đón hắn bằng một nụ cười không nguồn gốc.

     – Khuya quá, ế thấy mẹ. Đi xe hả, kêu ổng dậy, xỉn rồi.

     Bà vừa nói vừa bước ra nắm cổ áo tay xe ôm lay mạnh.

     – Chạy xe kìa cha nội, ngồi ám hoài buôn bán con mẹ gì!

     Tay xe ôm ú ớ nhướng đôi mắt ngái ngủ làu bàu.

    – Gì vậy mẹ? Hả, đi xe hả, đi đâu?

Hắn buông gọn một tiếng không. Tay xe ôm nhìn bà chủ đổ quạu.

     – Khuya rồi còn nổi cơn. Muốn đuổi khéo tôi chứ gì? Nè, bữa nay tôi nằm vạ ở đây cho bà tức chơi.

     – Ông treo cái “lì” cùng mình thì ai hơi nào tức cho mệt. Có ngủ thì lên bộ vạc tre kia nằm. Trúng gió trúng sương tôi mất mối rượu cũng uổng!

     Hắn định bước đi nhưng chợt nghe đói cồn cào. Mà đi thì đi đâu, hắn chưa biết. Chỉ biết là bây giờ hắn cần phải ăn. Hắn quẹo trở lại bước vào quán. Bà chủ xởi lởi hỏi hắn ăn gì. Gì cũng được miễn là hắn được ăn. Cái nhu cầu cần thiết ấy nhiều lúc hắn cũng quên, cái quên cố ý của kẻ tự bứt mình ra khỏi những thói quen bình thường để hành hạ thân xác.

     Hắn trệu trạo nuốt những cọng hủ tiếu như cái cối xay bị nghẹn. Tay xe ôm khật khưỡng bước vào ngồi đối diện với hắn, giọng nhừa nhựa.

     – Buồn vậy? Đi đâu vào giờ này?

     Hắn buông đủa nhìn trừng trừng vào mặt tay xe ôm, gằn giọng.

     – Còn chuyện gì hỏi nữa không?

     Tay xe ôm nhướng mắt ngạc nhiên:

     – Gì dữ vậy chú em. Cả thế giới này ai cũng qua một lần thất tình chứ có phải một mình chú mầy đâu. Hay bị vợ đuổi? Vậy thì càng bình thường.

     Bà chủ quán xen vào.

     – Người ta có vợ bị đuổi, tốt, ai như ông…

     Tay xe ôm nguýt ngang.

     – Còn bà suốt đời lấy ai mà đuổi?

     Hắn thở dài. Nghe họ trao đổi tự nhiên hắn thấy nhẹ nhõm và như được an ủi, cơn bực lắng xuống. Hắn nhìn người đàn ông nhỏ giọng.

     – Anh vẫn sống độc thân tới giờ này à?

     Bà chủ quán đặt hai ly trà đá xuống bàn nói mà không nhìn tay xe ôm.

     – Thằng chả là lính nguỵ, thương thầm nhớ trộm con mẹ Chủ tịch phụ nữ xã, người ta thăng quan tiến chức tới cấp tỉnh, thất tình mượn rượu giải sầu rồi ngồi làm thơ con… nhái.

     Tay xe ôm bưng ly trà hớp nhanh rồi dằn mạnh xuống bàn.

     – Ai  mượn bà khai? Bà tốt à? Yêu thằng cha lính nguỵ, chả tử trận, ngồi khóc hết thế kỷ! Vái trời bà ế chồng suốt đời cho bỏ ghét.

     Bà chủ quán lườm tay xe ôm.

     – Kệ tui. Có thèm chảy nước dãi cũng ở không chơi chứ không lấy ông.

     Tay xe ôm bật cười khúc khắc.

     – Ủa, bộ tôi có hỏi cưới bà hả?

     Câu chuyện ngẫu nhiên nghe được của hai người kéo hắn trở lại trạng thái buồn bã. Hắn nhớ tới Thuỷ Tiên, nhớ tới lá thư hắn nhận sáng nay của  người bạn từ quận Cam ở Cali gởi về. Quá khứ sống lại, nhói đau. Tình yêu thơ mộng của hắn và Thuỷ Tiên bị số phận bóp chết một cách tàn nhẫn. Thuỷ Tiên thường nói với hắn:

     – Số phận không chen vào được tình yêu chúng ta. Đó là chiến tranh, bi kịch của nhiều cuộc đời được đẻ ra từ chiến tranh. Cũng vì nó mà bây giờ mới có cha anh và cha em, những người luôn đối đầu nhau dù cuộc chiến đã  núp đằng sau lịch sử.

     – Nhưng em đã quyết định “đi” rồi mà?

     – Không! Cha em hoang tưởng một thứ gì đó bên trong chiếc bong bóng màu, còn em thì không. Em quyết học xong đại học và ngồi chờ ông hối  hận.

    Hắn rịt chặt Thuỷ Tiên vào lòng. Hắn tin ở sự cương quyết của Thuỷ Tiên

, nàng sẽ không bỏ hắn cùng cha chạy trốn như những giấc mơ của hắn lúc gần đây. Hồi còn học cấp ba, khi biết cha Thuỷ Tiên chuẩn bị hồ sơ để  gia đình định cư ở Mỹ theo diện H.O hắn vừa thất vọng vừa bất lực. Cha hắn lại mừng. Ông là cán bộ cách mạng, một trong số ít người còn vị kỷ, thành kiến với những người đối lập nên ra sức cấm đoán tình yêu của hắn. Ngược lại, cha Thuỷ Tiên an phận với “thành tích” trong những ngày mang lon đại úy nguỵ được khoan hồng của mình. Tuy vậy ông vẫn âm thầm chờ cơ hội để chạy trốn quá khứ. Và điều đó đã đến, ông thở phào vì giải quyết được hai điều: Ném tội lỗi lại sau lưng và bứt đứa con gái cưng của mình ra khỏi sự liên hệ mà ông cho là “sự ràng buộc điên khùng!”

     – Làm gì nhìn tôi dữ vậy? Thằng cha vô duyên.

     Tay xe ôm chặc lưỡi:

     – Nói thiệt bà nghen, lần đầu tiên thức khuya như vầy tôi mới thấy bà đẹp.

     – Nổi cơn lên rồi à! Có muốn làm thơ thì chạy xa xa giùm cha nội. Cho ông biết, da mặt này đại bác bắn còn hỏng vô chứ đừng nói vài câu nịnh đầm!

     – Bà này – tay xe ôm ỡm ờ – đến giờ này còn phân biệt đối xử. Tôi đã lương thiện từ khuya, chỉ có tật hay uống rượu là tại rượu bà ngon. Mà nè, tay lính nguỵ của bà đã rã xương mất rồi, còn những tay lính nguỵ đang sống và làm lại cuộc đời, ê, bà sẽ có lỗi khi để thế giới này thêm một người độc thân đó.

     – Cái thằng cha mắc dịch! Uống cà phê nghen, thức gần sáng đêm rồi. Còn cậu kia nữa, mặt làm gì bù sụ như bị giựt hụi vậy, tươi lên chớ.

     Tay xe ôm ngó nhìn hắn, đưa bàn tay chai sần vỗ vào vai thân mật:

     – Thôi, buồn làm con mẹ gì, sáng mai rồi chợ vẫn đông, thiên hạ cũng không ai ở không rơi một giọt nước mắt vì cái buồn của kẻ khác. Uống cà phê đi rồi về đâu tôi chở, chỉ lấy nửa giá tiền.

     Về đâu? Hắn tự đặt câu hỏi cho chính mình. Nơi đây hắn chỉ đến một lần, một lần duy nhứt để rồi từ đó âm hưởng của đêm cho nhận đầu tiên cũng là cuối cùng với Thuỷ Tiên mãi mãi là niềm đau, sự xót xa cay đắng.

                                                  *     *     *

     – Em thích ăn trái cây, cồn này có đủ loại, ăn cho thoả thích một lần đi, một tuần nữa là em phải mua nó bằng đô-la mà chưa chắc có.

Thuỷ Tiên ngã vào lòng Phương thì thào.

     – Anh… Em không muốn…

     – Đừng giải thích, anh tin! Chỉ tiếc là hai năm đại học đó của của em uổng phí một cách vô ích.

     Quay lại nhìn thật sâu vào mắt người yêu Thuỷ Tiên khẳng định:

     – Anh, em sẽ trở về, chắc như vậy! Điều em khổ tâm và rất lo cho anh là cha anh rồi sẽ vào tù, chuyện học của anh sẽ bị ảnh hưởng.

     Phương cuối đầu cố kìm nén những cảm xúc đang trào dâng trong lòng.

     – Anh không ngờ đồng tiền có một ma lực ghê gớm như vậy, nó đã thao túng cả những người vốn đầy bản lĩnh ngoài chiến trường như cha anh. Thật đau khi lăn lộn với cuộc chiến đấu gian khổ ông không gục ngã lại ngã gục trước những hấp lực ma quái của đồng tiền.

     – Đâu khác cha em. Ông nhủi trong ảo tưởng mà hy vọng, cái hy vọng mỏnh manh, chênh vênh được thiết kế đầy màu sắc ấy cũng lắm ma lực. Thương cho mẹ em, người đàn bà suốt đời chỉ luôn biết một tiếng: dạ!

     – Thôi mình về, tối rồi, em còn phải chuẩn bị cho chuyến đi.

     – Chuẩn bị? Em không mang theo gì hết cũng chẳng bỏ sót một điều gì, chỉ “gởi” tình yêu của em ở lại cho anh, để dành đó mai mốt em về…

     Phương vuốt nhẹ lên mái tóc người yêu và anh thấy hồi hộp. Sự xúc động và khao khát trỗi dậy trong anh một cách mãnh liệt. Và rồi, họ không gìn  giữ với nhau. Thời gian đồng loã, đêm mau chống dồn bóng chiều về phía chân trời. Khu du lịch vườn ỏi vắng tanh. Bà chủ ế khách từ chiều đi cầu kinh ở nhà thờ giao quán cho cô giúp việc đang ngồi mải mê đọc quyển tiểu thuyết tình cảm mua năm ngàn ngoài chợ.

                                                     *     *      *

     Hắn về đâu? Cái nơi kỷ niệm này đón hắn như một người khách lạ, nó hờ hững đến tàn nhẫn. Hắn đã bao lần bất lực trước cuộc đời và cũng đã bao lần  gượng dậy. Hắn đã cúi chào ngôi trường đại học Tổng hợp sau ba năm đèn sách để chạy trốn cái lý lịch đen của mình. Cái lý lịch mà hắn tự phê vào đó rằng cha là một tội phạm mười hai năm tù, người yêu là con của một sĩ quan nguỵ đang định cư ở Mỹ. Số phận đã bỏ trống phần lý lịch sau của hắn. Mẹ chết lúc hai tuổi, nội ngoại chết hết, cậu dì chú bác không có. Người thân duy nhứt của hắn là mình. Nhưng, nguyên nhân chính khiến hắn chia tay với đời sinh viên phát nguồn từ sự bặt tin của Thuỷ Tiên. Tiên chỉ gởi cho hắn đúng một lá thư, rồi thôi. Hắn hoài vọng một năm, tìm mọi nguyên nhân hợp lý nhứt để minh biện cho người yêu. Và khi sự chờ đợi đã đến mức tuyệt vọng, hắn buông tay dấn thân vào những đam mê cuồng loạn. Rượu, gái và mọi thứ phong cách vỉa hè được hắn nghiễm nhiên hấp thụ. Hắn chỉ tỉnh khi cách nay hai năm, hắn vào trại giam thăm cha. Nhìn đôi mắt không khóc được của người già lúc nào như cũng muốn bật ra câu ăn năn muộn màng, nhìn thân thể gầy guộc xanh xao của cha vẫn gượng niềm nở báo cho hắn tin vui rằng ông đã được giảm án một năm, hắn khóc. Người ở tù đã cố gắng từng ngày để được tự do, vậy mà hắn lại nhốt mình trong những ngày tháng thoải mái ở ngoài đời.

     Hắn quăng quá khứ mình sang một bên, rửa sạch bụi bặm giang hồ, vác nửa tấm bằng cử nhân văn khoa đi xin việc. May cho hắn, một toà soạn lớn ở thành phố thiếu người phát hành, hắn chui vào đó để duyên nợ văn chương có dịp trùng phùng.

     Truyện ngắn đầu tiên của hắn được đăng. Đó là câu chuyện tình của hắn và Thuỷ Tiên, câu chuyện của mối tình học trò đẹp, chuyện của đêm chia tay ở khu du lịch vườn ỏi. Hắn không chịu kết thúc câu chuyện ở đó. Hắn hư cấu thêm rằng cô gái sau khi sang Mỹ, phát hiện mình mang thai, bị ông cha độc đoán, gia trưởng đuổi ra khỏi nhà. Cô gái cố chịu đựng cảnh bơ vơ lạc lỏng ở xứ người. Rồi cô được một gã đồng hương giúp đỡ. Họ đồng cảnh đồng cảm rồi yêu nhau. Anh chàng ở lại Việt Nam đau khổ đứng bên lề ký ức của cô gái. Câu chyuện có cái kết buồn nhưng hắn hài lòng với tưởng tượng của mình vì dẫu sao hắn cũng đã “đẻ” cho mình một đứa con. Thật không ngờ, câu chuyện đời lại có vài chi tiếc khớp với tưởng tượng của hắn. Chỉ khác là cô gái đã chết sau ca phẩu thuật khó. Trong những lời trăng trối sau cùng của Thuỷ Tiên, bạn hắn viết: “Tiên vật vã đau đớn nhưng cũng gượng bảo mình đừng cho bạn hay mọi chuyện đã xảy ra sợ sẽ ảnh hưởng đến chuyện học của bạn. Tôn trọng những lời sau cùng của người chết, mình đã giấu bạn, mình xin lỗi. Bây giờ Nam, dòng máu của bạn đang sống với bà   ngoại nó rất ngoan…”

     Đọc xong thơ, mặt hắn trơ ra, cảm xúc như bị điện giựt một cái rồi tê liệt. Hắn quảy giỏ bước ra khỏi cơ quan và không biết bằng cách nào mình có mặt ở bến đò sang khu du lịch vườn ổi vào khuya này.

                                                    *     *     *

     – Uống đi cậu, cà phê nguội hết, hay có mệt thì lên bộ vạc tre kia nằm với ổng.

     Bà chủ quán nói sau khi đem mền đắp cho tay xe ôm đang cong queo ngủ.

     – Kể ra cũng tội, thằng chả thất tình con mẹ Chủ tịch phụ nữ xã mấy năm trời, lý lịch đen mà, ai chịu. Thôi thì rượu chè be bét, ăn uống thất thường ốm tong ốm teo. Rồi vào tù mấy tháng vì vác dao rượt chém thằng địa chính xã. Ai cũng tầm bậy, thằng địa chính nhậu xỉn chửi ổng là lính nguỵ mà được Nhà nước cấp đất cất nhà, ổng nóng tính, ra chuyện. Bây giờ thì đã làm ăn đàng hoàng chỉ tật hay uống rượu rồi chọc tức tôi. Đồ quỹ! Tôi kêu ổng dỡ nhà về đây ở, ổng không chịu, sợ thiên hạ đàm tiếu. Sợ con mẹ gì, già rồi, ai cũng độc thân, có lấy nhau thì người ta cũng “bỏ phiếu” tán thành. Nói cậu đừng cười, tuổi này mà có đứa con hủ hỉ chắc vui lắm. Ơ kìa, cậu đi đâu vậy, khỏi trả tiền.

     Hắn bước nhanh ra khỏi quán lầm lũi đi về hướng bến đò. Đằng đông  những tia sáng của một ngày thoát thai. Hắn ngước mặt và chợt nhận ra mặt trời vẫn mọc.

 Đ.N.V