Kỷ niệm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975 – Một đoạn đường vào Đakto

901

Tô Hoàng

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đi qua những cánh rừng vào đầu mùa khô luôn có cảm giác của người vừa tắm gội xong được xỏ tay vào một tấm áo còn thơm mùi nắng.

 

Nhà văn Tô Hoàng

Chúng tôi đã lên đến đỉnh dốc, cái dốc thứ tư trong hơn hai tiếng đồng hồ ra đi sớm nay. Tiểu đoàn trưởng Hoàng Anh Tài rẽ cây đi xuống sườn đồi rồi dừng lại dưới một gốc cây sến già cao chất ngất. Anh ngửa cổ, bụm tay, hú hai tiếng ngắn. Đám lá sến chao động ánh nắng, hai khuôn mặt hồng hào ló ra nom như hai trái cây chín tới:
– Thủ trưởng Tài đấy ạ? Tiểu đoàn ta lên đến đây rồi cơ à?
– Chưa, mình lên trước. Có tình hình gì không, các bạn?
Tài cúi xuống xắn quần, cởi dép.
Giữa túm lá sến trên cao, một chiếc thang dây bện bằng những sợi song mây đã lên nước mở tung ra, thả từ từ dọc theo thân cây xuống gần chạm đất. Anh tiểu đoàn trưởng nắm lấy đầu thang thoăn thoắt leo lên. Sợi dây chao lắc dưới sức nặng của Tài, trong cơn gió lồng lộng thổi qua đỉnh đồi.

Ngồi trên ngọn cây được một lát. Tài cúi xuống gọi tôi:
– Lên đây, anh ơi! Lên mà ngắm rừng núi Đakto. Nhớ cởi dép ra anh nhé. Chao, rừng núi đất nước mình…

Tiếng gọi của Tài giục giã, tha thiết quá xua tan trong tôi cảm giác choáng ngợp khi tôi nhìn sợi dây chạy thun thút lên cao vẫn đang còn chao lắc.

Chúng tôi ngồi trên mấy dóng gỗ gác ngang một chạc ba chắc khỏe. Đang đi dưới vòm xanh rậm rịt của rừng đại ngàn, phút chốc được lên cao, được phóng tầm mắt nhìn xa, thấy rộng, quả là một điều thú vị bất ngờ. Buổi sáng đã đủ thời gian để ánh nắng đánh tan những đám mù tự dưới khe sâu, hút khô cả những hạt bụi nước nhỏ li ti lẫn trong không khí, rừng núi sáng bừng, long lanh như vừa được rửa sạch sau một trận mưa nhiều nước. Nếu không có tiếng máy bay ầm ì, tiếng đại bác địch bắn cầm canh, đài quan sát chúng tôi đang ngồi chẳng khác gì một con thuyền bồng bềnh trôi giữa những lớp sóng đồi, sóng núi. Núi chạy lên hướng Bắc. Núi tỏa về hướng Nam. Núi cao dần theo hướng Tây, bắt mạch với dãy Trường Sơn hùng vĩ. Núi thoải xuống hướng Đông, chắc hẳn để rồi được ngâm bàn chân đá nứt nẻ giữa mơn man sóng xanh của biển cả. Ngay phía dưới điểm cao đặt đài quan sát, triền đồi phơi bộ mặt khốc liệt của những trận đánh mới xảy ra vào cuối mùa mưa năm ngoái: những cây cổ thụ gẫy cành, cụt ngọn, những vạt cỏ gianh cháy nham nhở, những hẻm đá lở lói hố bom, hố đạn. Dải đồi xa hơn núi màu vàng chanh, phơ phất chỗ này, chỗ kia đôi ba cột khói xám, khói bom hay khói đốt nương vào mùa rẫy? Xa nữa, núi đồi cồn lên, võng xuống, uốn lượn mịn màng, tựa hồ như có bàn tay nhân hậu nào đã thoa vuốt qua, xóa đi dấu vết bom đạn để trả lại cho rừng vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí.

Anh tiểu đoàn trưởng trao ống nhòm cho tôi. Ở cuối tầm nhìn, tôi nhận ra dãy núi tím ngắt kéo một đường vạch xám như muốn phân định ranh giới giữa khoảng trời và mặt đất. Trên dãy núi ấy có các ngọn Ngọc Rinh Rong, Ngọc Rinh Rua, Ngọc Tinh Tong, Ngọc Kring… Anh, chính anh đã tham gia chiến dịch đánh quỵ lữ đoàn dù Mỹ số 173 vào thu đông năm 1967, chắc anh để lại nhiều chiến công và kỷ niệm trên từng ngọn núi kia? Còn tôi, âm thanh của những mỏm núi xa lạ ấy, vô tình cứ ngân nga bên tai tiếng chiêng, tiếng cồng của những buôn làng tôi đã có dịp ghé qua đúng ngày vào hội.

Bên kia dãy núi tím ngắt là con đường chiến lược số 18 chi chít ken dày đồn bót, trận địa pháo, sân bay, khu dồn dân, sở chỉ huy hành quân… rải dọc theo hai bên đường từ Tân Cảnh, qua Đakto, ĐakMot, Chi Lê, lên Plây-cần, thọc ra vùng Ba Biên giới tạo thành tuyến phòng thủ vỏ cứng của địch ở vùng Tây Bắc tỉnh KonTum.

Trên nền trời xanh ngắt chói chang ánh nắng, một cụm mây bông vừa trôi đến, phủ bóng rợp xuống cánh rừng. Hoàng Anh Tài vỗ vai tôi, thích thú:
– Anh xem, đám mây kia chỉ nhỉnh hơn cái quạt, thế mà bóng râm của nó mới rộng lớn làm sao! Cứ với tốc độ hành quân của tiểu đoàn chúng tôi sáng nay, dễ chừng phải mất đến hai, ba ngày chưa chắc đã ra khỏi khoảnh thẫm màu kia được…

Tôi gật đầu:
– Có theo anh lên đây mới hay, thì ra con đường vào Đakto là con đường vắt từ đỉnh núi này sang đỉnh núi khác.
– Đúng thế anh ạ. Cao nguyên là gì anh nhỉ? Là vùng đất cao so với mặt biển nhưng nhất thiết phải bằng phẳng, đúng không anh? Nếu thế khái niệm về cao nguyên chỉ đúng kể từ tỉnh Gia Lai trở vào thôi. Anh đã nghe câu ca “dốc Kon Tum, hùm Ban Mê Thuột” chưa? . Tôi đã chiến đấu ở vùng này sáu, bảy năm nay. Đánh thằng Ngụy, đứng trước yêu cầu bao vây chặt, tiêu diệt gọn từng tiểu đoàn, từng chiến đoàn địch, giải quyết cho tốt khâu cơ động để hợp vây trên địa bàn nhiều đồi núi này nổi lên thành một thử thách lớn đối với chúng tôi trong mấy năm trở lại đây. Không cơ động nhanh hơn địch, không bao vây được chúng mà đã nổ súng thì chỉ đạt kết quả làm địch tan rã gọn, chứ không thể tiêu diệt gọn chúng được đâu…
Câu chuyện về những con đường vào Đakto cứ với đà ấy cuốn hút cả hai chúng tôi…

***

Tiểu đoàn bộ binh của Hoàng Anh Tài đang đi qua một cánh rừng già. Rừng ken dày những cây gỗ lâu năm, thân cây hàng vòng tay ôm, ngửa mặt lên chưa nhìn thấy ngọn. Ánh nắng cày những vạt sáng trên cao, còn nền rừng vẫn ẩm ướt. Đàn phượng hoàng đất nghe động bước chân người vỗ cánh bay trên đầu như một trận lốc. Rừng trút cơn mưa lá, những chiếc lá màu nâu đỏ, dày bản, xoáy tròn trong không khí như những mảnh đồng dát.

Đại đội 1 và cơ quan tiểu đoàn bộ đã xuống khuất sườn dốc bên kia. Đi qua trước mặt tiểu đoàn trưởng lúc này là đội hình đại đội Hai, đơn vị chủ công của tiểu đoàn trong ngày N tới.

Có thể dễ dàng phân biệt các chiến sĩ trẻ mới bổ sung vào tiểu đoàn tháng trước với chiến sĩ đã dầy dạn, từng trải.

Chiến sĩ cũ lên dốc với vẻ thanh thản, ba-lô, gùi đạn như dán chặt sau lưng, khẩu súng vác vai, dáng người hơi ngả về phía trước, giữa những trang bị lỉnh kỉnh, nặng nề, họ vẫn dành được một bên tay rảnh rang, phe phẩy cành lá xanh hoặc chiến khăn mặt bông xua đi cơn nóng nực. Chiến sĩ mới dáng đi tất tả, nhọc mệt hơn. Đối với anh em lúc này, mọi vật đều trở nên vướng víu: từ cái mũ đội trên đầu, con dao phát gài trên nắp ba-lô đến một cánh tay le quờ ra giữa lối đi. Sức nặng của trang bị như muốn kéo ngửa người về phía sau, hơi thở dồn, da mặt tái, anh em luôn phải đưa tay cố níu lấy một cành cây, một hốc đá như cần thêm sức để đẩy người lên.
Tôi nhận ra những người quen biết. Chưa phải là chỗ nghỉ, anh em vừa bước đi vừa đưa tay cho tôi bắt, những bàn tay ướt láng mồ hôi, nóng hập.
– Buộc lại quai gùi đi, mình chờ…
– Tớ đã nhắc cậu thay quai dép, cậu không nghe tớ.
– Khổ quá, em không còn một chiếc quai dự phòng nào cả. Phen này viết thư ra Bắc, nhất định em sẽ nói với u em gửi vào một trăm mét quai dép cho thỏa…
– Dốc ơi là dốc! Cố gắng lên! Sau này thống nhất ưu tiên cho mỗi cậu được lấy một cô.
Đại đội trưởng Doãn, vóc người gầy, da khô, hai mắt đỏ ké vì thiếu ngủ vừa dừng lại bên Tài.
– Mới đầu mùa nắng đã khiếp. Nắng này rồi mưa ập đến sớm đấy. Bi-đông anh Tài còn nước không? Các “tướng” lính mới chưa quen nhịn khát, lên dốc mà cứ miệng vò, bụng vại cả. Tôi giải thích luôn miệng, nhưng nghe các “tướng” ấy kêu khát, xót ruột quá, vẫn phải chìa bi-đông của mình ra. Từ sớm đến giờ tôi đã uống ngụm nào đâu!
Anh tiểu đoàn trưởng rút bi-đông trao cho Doãn. Doãn uống một ngụm nhỏ, chép miệng thèm thuồng.
– Sáng nay đại đội anh có cậu nào ốm nữa không?
– Thêm hai, anh ạ.
Đôi lông mày thanh tú trên gương mặt tiểu đoàn trưởng hơi nhíu lại. Những lúc như vậy nom anh già sớm mất mấy tuổi. Tổng cộng là bảy đồng chí ốm, phải không anh Doãn? Anh xem có cần tổ chức một bộ phận thu dung đưa anh em ốm đi sau không? Đi chung thế này, tôi lo ảnh hưởng đến tốc độ hành quân mất. Ngày mai đi đến kho Hang Đ, mỗi người sẽ lĩnh thêm năm ngày gạo nữa…
– Tôi đã nghĩ đến cách giải quyết ấy rồi. Hiềm một nỗi, anh đã biết, đại đội tôi có ba y tá, các anh đã điều lên phẫu tiểu đoàn hai. Giả sử vào đến nơi, được lệnh nổ súng ngay, còn lại một y tá chúng tôi biết xoay sở thế nào…

Câu chuyện giữa hai người chợt dừng lại. Trong tiếng gió chạy lao xao, tiếng va quệt nhau của những chùm lá trên cao, tiếng đại bác địch nổ lúc xa, lúc gần, tinh tai đã nhận ra tiếng lạch phạch của một tốp máy bay trực thăng địch từ phía trước vọng đến.
– Truyền xuống. Có tàu quạt. Dừng lại!
– Tàu quạt. Chú ý tàu quạt.
Sau mệnh lệnh của tiểu đoàn trưởng, có cảm giác như gió ngừng thổi, những chùm lá trên cao thôi va quệt vào nhau, hơi thở dồn nén lại trong lồng ngực… Cánh rừng phút chốc ngưng đọng, hơi nóng từ trên vòm cuốn ụp xuống, từ dưới lòng đồi phả lên. Nắng, nóng, quả tim mọi người co thắt; dù đi trong rừng kín chăng nữa, dưới kia vẫn là sợi dây dài đặc của năm, sáu trăm con người. Chỉ mãi đến khi tiểu đoàn trưởng cất tiếng : “Đi thôi!” cánh rừng mới như sống lại ồn ào, sinh sắc, rậm rịch bước chân người đi.

Anh chiếc sĩ vừa lên đỉnh dốc đầu húi ngắn, cổ áo mở phanh phô bộ ngực vạm vỡ, lấm tấm mồ hôi. Đó là Được, tiểu đội trưởng tiểu đội cửa mở, một chàng thanh niên trực tính, nổi tiếng khắp tiểu đoàn với biệt tài cắt rào, gỡ mìn. Được gùi sau lưng hai quả mìn “ĐH-35” tròn trục như hai chiếc bánh xe bằng thép đúc, trên vác bó giá mìn, còn mang thêm cái ruột ghé gạo căng phồng quấn quanh sườn. Anh tiểu đội trưởng thở hổn hển, cười chào mọi người rồi ngồi phịch ngay xuống đất:
– Tôi xuống đón cậu Định đây! (Được dựa gùi và bó giá mìn vào một gốc cây cụt). Để cậu ta đi một mình họa tối cũng chưa đến.
– Ngồi nghỉ một lát đã. Định còn ở xa đây không?
– Dưới suối đá. Để tôi đi, đại đội trưởng!
Được lao trở xuống chân dốc.
– Thủ trưởng Doãn ơi, cho em bỏ bó rau khô này nhé?
– Nắng quá. Đưa mình đeo vậy.
– Vứt rau đi, mấy hôm nữa nấu canh bằng gộc tre à?
– Thế mang dầu thắp đi theo để làm gì, đại đội trưởng?
– Ờ để thắp đèn mà đào hầm chứ. Nay mai vào chiếm lĩnh không đào ban ngày được . Khoét xong cái hàm ếch, mình thắp đèn lên, đào vừa nhanh, sẻng lại không ăn vào chân.

Càng về trưa, càng đứng gió. Những bụi giềng dại, những vạt cây chó đẻ, những khóm lau sậy héo táp, lả ngọn theo lối người đi. Vầng mặt trời trên cao nguyên như một miếng thiếc nung chảy chạy loang loáng qua các kẽ lá thưa. Đại đội trưởng Doãn đứng bên đường, kiên nhẫn thuyết phục, động viên các chiến sĩ.
Đã nghe rõ tiếng Được oang oang:
– Đưa khẩu sung đây mình mang hộ. Điệu mãi
Tiếng anh chiến sĩ trẻ đáp lại nhũng nhẵng:
– Tôi mang được. Anh bảo tôi điệu à! Cho là thế. Cứ đợi đến lúc nổ súng, vàng thau mới rõ.
Được bước theo sau một chiến sĩ áo bỏ ngoài quần, mặt đỏ gay, bước đi chuệnh choạng. Nom thấy trong tốp người đứng trên đỉnh đồi có tiểu đoàn trưởng và đại đội trưởng Doãn, cậu ta lúng túng đưa tay vuốt mớ tóc rối bù, xõa xuống trán.
– Mệt lắm hả Định? – Doãn hỏi anh chiến sĩ mới tới – không khéo ốm to đấy. Ngồi nghỉ đã, lát nữa đội phẫu của tiểu đoàn đi qua, mình sẽ gửi cậu cho các anh ấy.
Như bị chạm nọc, Định vội nắm lấy bàn tay đại đội trưởng ấp lên trán mình, đôi mắt tròn xoe:
– Em không ốm đâu. Đại đội trưởng xem, trán em chẳng mát như nước suối Đá đấy thôi. Đại đội trưởng gửi em về phẫu tức thì giam em ở phía sau chứ gì? Chẳng dại. Em đi đây!
– Thì cứ ngồi xuống đã. Này, nghe mình nhé: Uống hai viên thuốc này đi. Thuốc trợ lực, ngọt đấy, không đắng đâu mà chưa chi đã nhắm mắt. Thế! Bây giờ hãy trả lời mình: Định muốn có mặt trong một trận hay trong suốt chiến dịch?
– Em muốn tham gia tất cả các trận, từ trận mở màn đến trận kết thúc.
– Chặt chẽ gớm! Lính “tú tài” có khác. Này, mình hỏi nhé: Nếu Định không chịu giữ sức, Định ốm to, liệu có dự được tất cả các trận không?
– Em đã nói là em không ốm!
– Lúc này Định đang ốm là gì!
– Em sốt đấy chứ. U em bảo, cơn sốt chống cắt cơn, trận ốm mới quật con người ta nằm liệt giường được…
Tài lắc đầu tủm tỉm cười. Rõ ràng anh đã sốt ruột vì cuộc đối đáp tay đôi kéo quá dài. Bắt gặp cử chỉ ấy, đại đội trưởng Doãn ngượng ngập, vành tay đỏ tía. Tôi thường được chứng kiến khá nhiều lần tình thương có phần thái quá của Doãn đối với các chiến sĩ trẻ, dù anh không nhiều hơn họ bao tuổi. Mấy hôm tôi về đại đội, tiểu đoàn bộ binh của Hoàng Anh Tài vừa huấn luyện trên thao trường, vừa gấp gáp chuẩn bị cho ngày bước vào chiến dịch. Doãn như bơi trong công việc. Họp, một ngày bốn năm cuộc họp: Lên sa bàn. Huấn luyện bộ đội. Đôn đốc bộ phận hậu cần nhận thêm gạo, đạn… Anh không dành cho mình lấy vài phút nghỉ ngơi. Nửa giờ sau bữa cơm trưa, hút chưa tàn điếu thuốc, Doãn đã xuống lán các bộ đội:
– Này, mang mấy tấm cót lát hầm ra phơi nắng đi. Từ nay đến hôm lên đường, mỗi cuộn cót dễ chừng cũng nhẹ bớt vài ba lạng nước đấy.
– Giá mìn buộc thế là không “ăn” rồi. Phái xếp một đầu bằng, lúc đi trong rừng mới khỏi vướng dây rợ.
– Đừng đóng thang bằng gỗ. Cố sục vào rừng tìm cho được le sọc xanh. Cái giống le ấy vừa nhẹ vừa cứng hơn gỗ nhiều.

Dĩ nhiên đối với tiểu đội đông chiến sĩ mới, Doãn thường tìm ra được nhiều điều chưa hoàn bị ấy hơn. Anh em chiến sĩ mới vui vẻ nghe lời chỉ dẫn của Doãn, họ còn thích thú hơn với đôi bàn tay khéo léo, thuần thục của anh. Thế rồi anh em kéo lên lán đại đội bộ vào bất cứ lúc nào Doãn có mặt ở nhà. Với những lời khẩn khoản nghiêm trang hoặc nũng nịu, họ nhờ anh mạng lại hộ cái túi đựng bi-đông nước, vá hộ cái ba-lô sờn đường chỉ, mài lưỡi sẻng, khoanh chiếc rọ mây đựng lựu đạn. Anh đại đội trưởng tiếp nhận những việc tẩn mẫn, hút rất nhiều thời gian ấy, với nụ cười nể nang rất dễ mến.

Trước ngày lên đường hai hôm, anh đại đội trưởng cho đơn vị kiểm tra trang bị lần cuối. Doãn xuống trung đội Hai với ý muốn tận mắt xem anh em mang theo những gì, sắp xếp, gói buộc ra sao. Anh đã làm xong việc ở hai tiểu đội, bên lán trung đội Một đột nhiên vẳng đến nhiều tiếng tranh cãi nhau điều gì, mỗi lúc một thêm gay gắt. Doãn ra sân, lách tấm liếp bước vào gian lán của tiểu đội sẽ làm nhiệm vụ đánh bộc phá, khai thông cửa mở. Gian lán không thắp đèn. Những thanh củi gộc xếp chụm đầu vào nhau đã bắt lửa, ngọn lửa cháy cao, tỏa ánh sáng đủ soi rõ những chiếc sạp xếp la liệt ba-lô, chăn võng, áo quần, súng đạn. Các chiến sĩ trong tiểu đội của Được ngồi chồm hổm trên đống trang bị của mình. Anh em cũng đang nóng lòng trông đợi đại đội trưởng đến.
Vừa thấy Doãn bước vào, tiểu đội trưởng Được ôm chồng sổ sách, giấy má giơ ra trước mặt anh, giọng chưa nguôi bực bội:
– Đại đội trưởng xem, ra phía trước mà cứ nằng nặc đòi mang những thứ này theo đây. Hỏi còn gạo ăn, còn ba cơ số đạn, liệu đủ sức mang đi hết được không? Tôi nói, các đồng chí ấy phản ứng với tôi, bảo mang theo thứ gì đi là tùy ý các cậu ấy.
Ngồi đối diện với Được là Định. Cậu ta giữ khư khư một cuốn sổ bìa ni-lông bìa xanh láng trong tay. Được vừa dứt lời, Định quay về phía các chiến sĩ mới như nói thay anh em:
– Sách Nga văn, lượng giác, các tập thơ, tiểu đội trưởng bảo chúng tôi để lại. Thôi được, còn thư từ, ảnh những người thân trong gia đình anh em, sổ nhật ký… nặng là bao? Việc gì mà phải để lại? Ví như quyển sổ này đây, dẫu có chết, quyển sổ cũng không rời ngực áo tôi đâu.

Đại đội trưởng Doãn ngồi xích lại gần Định. Anh cầm cuốn sổ trên tay Định, giở qua vài trang, giọng nói rẽ rành, êm nhẹ như thường ngày:
– Định này, mình và anh em đều biết cuốn sổ đây là vật kỷ niệm quý báu nhất đối với Định. Mấy ngày vừa qua bận quá chứ thư thả một tý, nếu Định đồng ý chúng mình sẽ đọc kỹ từng trang, như chúng ta vẫn thường đọc chung những lá thư gia đình gửi vào. Những lời dặn dò của các cụ, của anh chị và các em Định đều bổ ích chung đối với chúng mình. Đồng chí Được bảo Định gửi cuốn sổ lại hậu cứ, chứ có phải đem hủy nó đi đâu? Định không muốn rời cuốn sổ, vì sao? Mình nói nhé, theo mình, vì Định đã nghĩ đến điều rủi ro sớm quá. Đó là ý nghĩ cần phải từ bỏ ngay, nếu nó lảng vảng trong đầu óc chúng ta. Cuốn sổ của Định, những tập thư, những quyển sách kia sẽ được gìn giữ cẩn thận, còn tất cả chúng ta cũng sẽ nhất định trở về với những kỷ niệm thân yêu của mình. Lúc này chúng ta chỉ bàn xem nên bỏ lại thứ gì chưa cần mang đi, vì chúng ta còn lĩnh thêm đạn, thêm gạo, vì đường nhiều dốc, chúng ta lại đi rất khẩn trương…

***

Tiểu đội đi qua rừng le, giống le sọc xanh, tôi đã nghe anh em tán tụng nhiều lần. Vào tiết này le đã trút hết lá. Lá le khô trắng, phủ đầy mặt đất, khiến cả cánh rừng sáng bạc trong ánh nắng xiên khoai. Thỉnh thoảng một cậu nào lơ đãng đặt bước lên thảm lá phủ kín một đoạn khe cạn hay một miệng hố, lá le trụt xuống, kéo anh chàng xuống theo, êm ái, nhẹ nhàng như trò tụt đống rơm trong những năm thơ bé.

Tre, nứa, vầu, le đến bây giờ vẫn là bầu bạn thủy chung của người ra trận.
Đạn cối, đạn B.40, B.41 kẹp giữa những chiếc đòn tre gánh trên vai. Mìn định hướng, thuốc bộc phá chứa trong những chiếc sọt nứa. Thang vượt rào, vượt hào, cáng tải thương bằng tre. Những quả thủ pháo, lựu đạn nằm gọn trong những rọ mây xinh xắn đeo lắt lẻo bên sườn. Dây buộc rào là những sợi lạt giang mềm dẻo. Que thuốn mìn chuốt bằng gộc lồ ô…

Tiểu đoàn bộ binh của Hoàng Anh Tài năm nay sẽ tham gia đánh vào tuyến phòng thủ vỏ cứng của địch. Cái gia tài mang trên vai người ra trận, vì thế nặng hơn mọi năm.
Đang đi như chợt nhớ ra điều gì, anh tiểu đội trưởng hỏi anh cán bộ tác chiến trên trung đoàn phái xuống:
– Sao đi mãi vẫn chưa gặp đơn vị pháo của anh Vẹn, anh nhỉ? Bên ấy xuất phát từ trưa hôm kia cơ mà?
Anh cán bộ tác chiến không tỏ vẻ ngạc nhiên:
– Có thể các đồng chí ấy đã lên đến đường xe trước chúng ta rồi cũng nên. Anh hẹn gặp các đồng chí đó ở đâu? Ở đường xe à?
– Vâng, nhưng không hiểu các anh ấy có gặp trở ngại gì không? Đường đất này tôi lo cho anh Vẹn quá.

Đường xe… mấy tiếng đó vang lên ẩn náu bao điều lạ lùng, hấp dẫn. Chẳng lẽ giữa ban ngày ban mặt như thế này, tiểu đoàn của Hoàng Anh Tài sẽ tràn lên đường xe để gặp gỡ đơn vị của một anh Vẹn nào đó? Đợi anh trợ lý tác chiến vượt trước tôi hỏi Tài:
– Sắp lên đến đường xe hở anh? Chắc là một đoạn đường thồ.
Anh tiểu đoàn trưởng mãi lo công việc không lưu ý tới điều tôi đang quan tâm.
– Đường xe ô tô anh ạ! Đi khoảng chừng hơn tiếng nữa là đến thôi.

Ra khỏi rừng le, tiểu đoàn lội theo một khúc suối cạn. Lòng suối xếp lởm nhởm những viên đá hộc nóng rẫy trong ánh nắng chiều. Len lỏi giữa các tảng đá, những dòng nước uốn lượn ngoằn ngoèo, lóe sáng như những sợi thủy ngân. Hoa chua me gai lốm đốm vàng, hoa chua me đất màu huyết dụ nở dọc hai bên suối. Xuống đến suối bao giờ cũng tìm được nhiều rau ăn. Các chiến sĩ bộ binh đã hái được những nẹn rau xanh buộc lủng lẳng trên nóc ba-lô, trên miệng gùi đạn..

Một anh cán bộ quần xắn cao quá gối, cái túi mìn “Clây-mo” lèn chặt căng giấy tờ sề sệ bên hông, tay cầm dao, len lách mọi người đi ngược lại phía Tài:
– Cho tôi gặp Thủ trưởng Tài. Vâng, chào các đồng chí. Chúng tôi đi, có vắt chân lên cổ cũng không thể đuổi kịp các đồng chí bộ binh được.
– “Thủ trưởng” Vẹn đấy phải không? Xin có lời chào người anh em. Gớm, chính trị viên thân chinh đi mở đường thế kia, hèn gì các “cụ” vượt trước chúng tôi là phải.

Vẹn, anh chính trị viên đại đội pháo xiết chặt tay chúng tôi, thoáng nhìn tôi đã nhận ra những vết sước do gai cào đọng thâm máu chằng chéo trên mu tay anh.
– Chúng tôi đi suốt đêm hôm qua đấy các anh ạ. Chẳng dám thi đua với các anh đâu, chỉ lo không kịp đến chi viện cho các anh thôi. Không dè lại vượt trước được một đoạn.

Bước lên sườn đồi, các chiến sĩ bộ binh lon chon đi lẫn giữa đội hình của các pháo thủ. Họ đều là chỗ quen biết cũ. Những câu thăm hỏi vội vã. Những cái bắt tay nồng nhiệt. Sườn đồi đoạn này rất dốc, chằng chịt dây leo và những gốc cây cụt, những bụi tre gai là cành thu hẹp con đường cũ. Một tốp bốn năm anh pháo thủ ba-lô để nguyên trên vai, đang vung dao tới tấp ngả cây, dứt bỏ dây rừng, mở đường cho pháo đi. Bộ phận khiêng nòng và chân khẩu cối chắc đã vượt lên trên gần đỉnh dốc. Chính trị Vẹn đang chỉ huy mấy chục con người đưa chiếc bàn đế vượt qua mấy mạch đá cao gần một đầu một với. Anh em đã ngả cây bắc xong một chiếc cầu. Họ luồn mấy sợi dây chão qua hai cái tai bàn đế, theo nhịp hô của Vẹn đang ráng sức kéo khối thép lên. Người trên cao bắp thịt vai, bắp thịt ngực cuộn múi đứng khom người , choãi chân giữ cho mấy sợi dây không kéo theo họ tuột xuống. Tốp người đứng dưới chân thang đảm đương công việc nặng nề hơn. Cái bàn đế trườn trên chiếc thang từng nấc, từng nấc.
– Hò dô ta này! Tý nữa, tý nữa… Được. K…éo.. l…ên này.
– Còn đùa hở? Trứng thọt lên cổ rồi đây…
– Ới ông bà ông vải ơi! Nông nỗi này, u nó viết thư vào còn trách: “Anh đi sung sướng lấy một mình” đấy!
– Tây Nguyên ơi… Tây Nguyên ời… Em nhắc anh đêm ngày, coi chừng chân nát…
Đám người ồn ào, hổn hển, ướt đẫm mồ hôi ấy đang ráng sức làm một công việc tưởng chừng không thể làm nổi. Cuối cùng, khối thép đã vượt qua được mỏm đá. Các pháo thủ xỏ đòn qua dây chão: hai đòn, tám người, anh em lại đã đưa khối thép vượt băng băng lên dốc.

Nửa tiếng sau, chúng tôi lên đến đường xe. Các chiến sĩ bộ binh huơ súng, huơ mũ, nhảy cẫng lên, ôm ghì lấy nhau sung sướng. Các pháo thủ đặt cái bàn đế tênh hênh giữa đường, nằm ệch ngay trên mặt đất, vươn vai vặn người khoan khoái.

Đường xe? Đó là một đoạn đường xe thực sự. Lòng đường rộng ước chừng vừa đủ cho hai chiếc xe tải tránh nhau, một bên đường là vực sâu, một bên vạt ta-luy dựng thành. Có lẽ, đêm hôm trước, trên này mưa, lòng đường thẩm màu đất đỏ nom như một thân gỗ xẻ. Những bụi lồ ô, những cây táu, kiền kiền, săng lẻ mọc trên đồi trùm bóng giấu kín con đường. Ở một vài chỗ thưa cây, bàn tay ai đã bắc những chiếc dàn xinh xắn, mát rươi sợi dây hoa bìm bìm tím ngắt. Lên đến đây gặp thêm nhiều bạn bè mới. Chiến sĩ thông tin, chiến sĩ công binh. Lại có đoàn người khiêng những chiếc hòm sắt đóng đai, đầu đội mũ vải trắng, súi quẩy quá, đội phẫu sao đã vội vã lên đường làm gì? Có tiếng còi xe inh ỏi ở phía sau. Dòng người ồn ào, chộn rộn hẳn lên. Một chiếc com-măng-ca lấm bụi chở đầy những bao gạo lèn căng lần vải ni-lông từ từ lăn bánh qua chúng tôi . Anh lái xe miệng phì phèo điếu thuốc cháy dở, đôi tay như múa trên vô-lăng làm điệu với dòng người đi chân đất.
– Ai có về Bến Nứa, Hà Nội thì lên đây!
– Xe ngược Đồng Hỉ, Thái Nguyên mấy giờ chuyển bánh bác tài ơi! Tôi có cháu nhỏ đây, ưu tiên cho tôi lên trước nhé.
– Chà, bao giờ thống nhất ngồi trên xe kia bon về thăm mẹ đĩ một cái thì sướng tỉnh người nhỉ?

Bụi đỏ. Tiếng còi xe. Tên những vùng quê thân thuộc. Tiếng chào hỏi nhau đon đả…

Tôi trôi đi giữa dòng người, tưởng như đang đi trên một đoạn đường ra trận dưới vùng xuôi, lại tưởng như đã về đến một bến xe xum họp. Những giấc mơ bao giờ cũng kết thúc chóng vánh. Chả mấy lúc nhìn lên đã thấy chiếc com-măng-ca bốc hết hàng, đang đậu trước một dãy lán. Anh lái xe vẫn phì phèo điếu thuốc, một tay để lên ngực, một tay chỉ xuống lề đường nhìn chúng tôi cười tít mắt:
– Hết tiền rồi. Đừng xô đẩy nhau. Xin mời quý khách xuống bến!
Tôi không tin vào đôi mắt mình nữa: Phía sau lưng anh lái, con đường xe màu đất đỏ thẫm đâm sầm vào vách núi.
– Hết đường thật rồi sao, anh Vẹn?
– Vâng, hết đường xe, còn đường đi bộ.
Càng ngạc nhiên, tôi xoắn lấy Vẹn:
– Đầu đường kia là đường cụt. Đầu đường này cụt đường. Thế chiếc com-măng-ca mọc cánh bay lên đây à?
Đến lượt Vẹn trố mắt nhìn tôi ngạc nhiên.
Sau này, khi nghe chính trị viên đại đội pháo kể lại con đường xe cụt kia đã ra đời như thế nào, tự dưng tôi cảm thấy ngượng ngập với câu hỏi vớ vẩn của mình trước một sự thật đã hiển hiện trước mắt.

Dạo đó, đang còn mùa mưa. Đại đội của Vẹn đảm nhận đưa hai khẩu pháo tầm xa lên một điểm cao để khống chế sân bay Đakto . Ở vùng Tây Bắc Kom Tum này, vào thời kỳ ấy đã mở được vài đoạn đường xe. Nhưng sau những tháng mưa tầm tã con đường mới mở ngập ngụa bùn như một bãi lầy, những chiếc cầu qua suối bắc bằng tre, gỗ đã mục nát vì ẩm ướt, những đoạn ngầm nước ngập mênh mông. Không thể chờ mùa khô đến mới đưa pháo lên chiếm lĩnh trận địa được. Cấp trên gợi ý cho đại đội Vẹn lấy sức người khênh pháo thay cho xe kéo. Vẹn còn nhớ rõ, trước lời khêu gợi ấy, không một ai trong đơn vị than vãn, phản đối. Anh em vốn đã quen những công việc cần đến lòng kiên nhẫn và quyết tâm dám làm. Khẩu pháo được tháo rời thành 16 bộ phận, ống cân bằng, loa giảm giật là những bộ phận nhỏ nhất chỉ cần một người vác trên vai. Riêng cái nòng pháo phải huy động tới gần 40 người. Dạo đó, Vẹn còn là pháo thủ, anh không thể quên được những ngày gian truân đó. Anh em khiêng pháo đi giữa cơn đói muối, đói gạo, vượt lên những đỉnh dốc trơn nhẫy, chìm ngập trong màn mưa, với ruồi vàng, bọ chó và những đàn vắt xanh nhảy tanh tách từ cành này sang cành khác đuổi theo. Khối thép di chuyển mỗi ngày được chừng hai cây số. Sau một tuần lễ, đại đội của Vẹn đưa hai khẩu pháo lên đến giông đồi có đoạn đường xe cụt bây giờ. Ngày chiến dịch nổ súng nhích đến gần. Mọi người đều sốt ruột vì tốc độ pháo đi quá chậm. Thế rồi cái khó đẻ ra cái khôn. Một anh thợ quân giới nào đó, Vẹn quên tên mất, đã nảy ra sáng kiến đóng một cái xe bánh gỗ đặt nòng pháo lên trên, đẩy đi. Số người phải đi với cái nòng giảm hẳn và chiếc xe bon nhanh hơn bước chân người khiêng…
Sau chiến dịch, vệt đường chiếc xe gỗ đi qua được mở rộng thành con đường xe cụt bây giờ. Đầu mùa khô, người ta tháo dỡ những chiếc xe com-măng-ca thành nhiều bộ phận như cung cách tháo dỡ khẩu pháo mấy năm trước đây, gùi lên đỉnh dốc, gùi cả xăng dầu lên theo. Cuối mùa khô, những chiếc xe com-măng-ca lại được tháo rời ra, khiêng xuống núi.

Những chiếc com-măng-ca ấy chỉ chạy được một chuyến đi, về trong khoảng nửa giờ đồng hồ trên đoạn đường cụt, nhưng như thế cũng đã đỡ cho biết bao đôi vai…
– Định nói sao: Thử thách lớn nhất, điều các cậu phải vượt qua một cách chật vật nhất ở chiến trường này, đối với các cậu là những con đường à?
– Vâng! Đúng thế đấy! Dạo còn ở ngoài ấy, khi em học lên cấp ba, u em thưởng cho em một chiếc xe đạp. Có chiếc xe đạp rồi đâm hư. Đi đâu em cũng “phốc” lên xe, không chịu đi bộ bao giờ. Ngoài ra thường tính đường đất bằng cột cây số, đại đội trưởng nhỉ? Đặt chân lên Trường Sơn, chúng em đã tập thói quen hỏi thăm cung đường theo giờ. Thế mà vào đến đây thói quen ấy dã trở thành một điều không thực tế. Bây giờ bọn em cũng biết tính đường bằng cái dốc rồi. Mình chỉ cần để tâm xem từ đây đến đó, từ đó đến kia phải vượt qua mấy đỉnh dốc thôi, còn “phớt” tuốt.
– Này, tại sao điểm cao này gọi tên là Trăng Theo, anh nhỉ? Nghe nói, dạo chiến dịch Đakto, tiểu đoàn trưởng Tài của chúng ta đã chỉ huy đơn vị đánh một trận nảy lửa, tiêu diệt gọn hai đại đội Mỹ ngay trên giông đồi này đấy. Chẳng hiểu thằng cha nào rửng mỡ lại đặt tên cho giông đồi như thế. Nghe mới thanh bình, yên ả làm sao?
– Mình không biết, chắc cũng do cánh pháo binh, vận tải, công binh “phịa” ra cả thôi. Bộ binh chúng mình đã đặt chân lên đường là cuốn đi như ngựa tế, còn hơi sức đâu mà nghĩ nổi một cái tên văn vẻ như thế.

Chúng tôi nằm sát bên nhau, đầu gối lên bao gạo, trong những chiếc hố khoét nông, rải dày lá tre khô và bẹ măng mà anh em bộ binh quen gọi là “hố mèo”. Đêm lộng gió. Gió mang theo hương thơm của lá cây cơm nếp. Rừng bị chất độc thiêu cháy, thay cho những chùm quả chín đã có những vì sao đêm đính trên cành cây. Sao nhiều vô kể, sáng bạc cả vòm trời. Dưới nền rừng cũng lấp lánh những vì sao. Đó là những chấm sáng lân tinh, lóng lánh như những đôi mắt tinh nghịch ẩn nấp giữa khoảng bóng tối mượt như nhung.

Những đêm trú quân trên đường, đại đội trưởng Doãn vẫn xách ba-lô xuống ngủ chung với anh em trong tiểu đội mở cửa. Trước lúc giấc ngủ kéo đến, câu chuyện trao đổi thường bắt đầu từ những gì chợt nhớ tới, chợt nghĩ ra…
Định im lặng được một lát rồi chống tay ngồi nhỏm dậy, bò sang nằm cạnh Được thì thào:
-Anh Được này, anh thử đoán xem liệu hôm nay tiểu đoàn ta có đồng ca bài “Hành quân đêm” không? Để em còn sắp xếp lại cái ba-lô. Tuần này trăng mọc về sáng, “cụ” Tài chắc sẽ tiếc đường đất đến chảy máu ruột cho mà xem…

Dưới chân Ngok Tuba
Tháng 2 năm 1971