Mót đồng – Truyện ngắn của Trọng Bình

772

(Vanchuongphuongnam.vn)Dạo gần đây, sáng nào thức dậy đâu chỉ thấy mỗi cánh đồng cũng trắng xóa sương mù, vườn tược cây cối, ao chuôm cũng bốc khói nghi ngút. Giá lạnh đã về thật rồi, sương mù bốc ra một lớp từ những nóc nhà lợp tranh rạ, con cá dưới ao quẫy thôi mà cảm giác cũng lạnh tê tái.

Tác giả Trọng Bình 

Con gà trống trên bờ cần mẫn gáy o o, nó vỗ đôi cánh phầm phập như không hề biết đông lạnh đang quấn anh bộ lông rũ rượi của nó. Thật tội, nó như giữ cái trống trường báo giờ tan học mà quên đi đàn con và gà mái liếp chiếp kiếm ăn từ lúc còn tối trời.

Tối qua mẹ dặn phải xúc miệng nước muối cho không bị ho. Tối ngủ đắp chăn kín ngực chứ không là sáng đêm gà gáy bị nhiễm sương ốm đấy. Bố bảo sang đông giá lắm, cẩn thận không là bị ho gà và nứt chảy máu gót trân. Thời tiết như thế này chẳng đứa trẻ nào muốn đến trường đâu.

– Tốm ơi đi học! Thằng Dậu và thằng Minh đứng trước hàng dâm bụt, phóng hai cái loa gọi cho to vậy chứ chúng nó co ro như dế ấy mà!

– Bạn gọi đi học kìa con. Đi kẻo muộn. Bố dục Tốm.

– Nhưng trời rét lắm bố ạ.

– Rét cũng phải đi, các bạn con đi cả rồi đấy. Nhanh lên không bạn chờ.

Tốm bước chân ra cưả nhưng não của nó còn đang nằm trên giừơng, không đi học thì ăn đòn là chắc. Bây giờ nó chỉ ước gì như cu Triều, chẳng học lớp nào cứ ở nhà còn có người trông, đút cho ăn.

*

– Chiều nay nhà tao tuốt lúa, leo đống rơm chơi đã luôn. Thằng Dậu lên tiếng như cố dấu đi cái rét mướt, chiếm lấy sự tự tin. Nói cho to nhưng môi mỏ nó thì tím bầm và hai cái hàm run cầm cập như cái giàn gằn máy trà lúa.

– Vậy chiều chúng mình leo đống rơm nhá, nhà tao cũng gặt sắp xong rồi. Nghe bố tao bảo vài ngày nữa cũng gọi máy tuốt. Minh tiếp lời Dậu.

– Nhưng mày phải chống xuồng cho chúng tao qua sông cơ, chứ không dám đi qua cầu đập Minh Hà, nhỡ ngã xuống sông thì chết. Tốm cũng trả giá.

– Tuốt lúa có gì đâu mà xem, đợi vài hôm nưã gặt hết đồng đi mót còn sướng hơn, về bán lúa có tiền mua dép và quần áo mới ăn Tết. Con Vang mồm cá sặt đi trước nghe được câu chuyện thì dừng lại chen vào.

– Ừ! Nếu mót có, mình để qua giêng bán giá cao hơn mày ơi. Cà Um nói có vẻ khôn ngoan.

– Lo gì, tao đi nhắp cá lóc bán cũng có tiền nhiều hơn chúng mày đi mót. Xời… mé bên tao vài bữa tát đìa đầy cá, câu cá sót mà ham. Thằng Dậu khá giỏi về món câu cá nên nó rất tự tin.

– Mày chỉ bốc phét. Tao còn lạ gì bên mày. Vang gắt hên rồi cười khanh khách.

– Đi nhanh lên muộn bây giờ. Cứ lo phét lác đi. Đi muộn Cô Liên phạt không cho vào lớp đâu. Vòng thúc dục.

*

Máy tuốt chưa đến nhưng các vị khách không mời đã chật sân nhà thằng Dậu. Cả một năm chỉ cấy một vụ lúa trên đất đồng năn này chứ có nhiều nhặn gì đâu. Người lớn xì xào bàn tán, trúng thất, hạt mẩy ít lép, công khoảng 70 chục thúng, phơi xong cũng còn 60 chục, lúa chắc lúa lép gì trà ra gạo cũng phải được 68-70… Và nhiều thông số gì nữa mà bọn trẻ chẳng hiểu gì cả.

Vùng đất ngày phèn chua, chỉ phù hợp cho mỗi cây năn, năn tốt lắm, mọc xanh rì, dày mơm mởm. Phát xong, ủ cho gốc nó không chòi lên mặt nước, cào thành bờ dòng, chế lại một lần nữa rồi nhổ mạ đen xuống cấy. Công sức chăm bón mấy tháng trời, cuối năm thu hoạch được tầm 20 dạ một công là thuộc diện trúng mùa. Đây là lối canh tác lúa nước truyền thống của người nam bộ mà bà con ngoài bắc vào đây học được.

– Tới rồi… ghé vô đi. Thằng Dậu tỏ ra rất vui mừng vì cả nhà nó đang đợi chờ giây phút này. Tuốt rồi, phơi cho xong chuẩn bị đón Tết nữa.

Chiếc máy cule Tư xịt khói đen xì, nó ủi chiếc phà nhỏng cả đuôi tôm mà cứ rì rị đi thua xuồng chèo. Trên phà là một cái máy tuốt màu xanh có dòng chữ Bình Thủy, cùng với 4 người đàn ông khỏe mạnh đi cùng. Ngoài ra còn lủ khủ thúng, mủng, cần xé, lưới, liềm… phục vụ cho hoạt động của nó. Ba tấm gỗ dày 5 phân dài hai mét được bắc làm cầu kéo máy, mũi phà được neo chặt bởi hai cọc sắt cột dây thừng gim xuống đất.

– Hai ba… dzô ta… dzô ta… lên nào. Tiếng ông Thủy chủ máy làm hiệu lệnh cho gần 20 con người già trẻ lớn bé vây xung quanh thùng suốt. Hai người đàn ông đẩy hai bánh to phía sau, chỗ lắp cái máy D15 làm động cơ chính cho máy tuốt nổ. Một người bẻ bánh mũi cho lên theo đường thẳng, một số người khác cầm sợi dây thừng hò dô như kéo pháo, số còn lại thì hai bên hông cùng đẩy một khối sắt từ cái phà dưới sông lên trên bờ.

– Ời… ngon rồ.i.. lên nhẹ nhàng rồi. Ông Trưởng bố Dậu thốt lên sau khi cái máy tuốt đã lăn bánh qua cầu gỗ, đi ngược từ dưới sông lên bờ.

– Cạch… cạch….. cạch….  ạch…. ạch.. tiếng máy D15 nổ, khói đen kịt bốc lên trời, máy chạy cũng là lúc khuôn mặt của người thợ máy hết nín thở, không còn nhăn nhó, chiếc tay quay rời khỏi máy cũng là lúc hiểm nguy đã tạm thời qua đi. Nghề này cũng khá mất an toàn bởi động cơ, cánh quạt, giàn sàng, lọc gió thổi bui bui, tiếng ồn, sức nóng… Nhưng cuộc sống vốn dĩ là phải đánh đổi cũng vì miếng cơm manh áo.

Tay của người cho ăn cứ đều đều, lúa bông cứ bỏ lên mâm, người thợ dùng liềm cắt dây cột, đẩy vào bụng máy, hạt lúa rới xuống giàn gằn, sàng xảy rồi lúa hạt chảy vào thúng đổ vào bao. Phần hạt lép quạt gió thổi bay ra ngoài theo một hướng khác. Rơm phụt vùn vụt trên họng máy, bay theo kiểu hình hypapol tạo thành một đống cao như hình quả núi.

– Leo lên chúng mày ơi. Thằng Dậu dứt lời chạy leo lên trước, một đám khoảng 10 thằng leo nheo chạy theo, cứ trèo lên lại tụt xuống, một phần do đống cao, rơm ướt, gió thổi mạnh nên thằng nào khỏe mới lên tới đỉnh được để cho rơm phun vào người mới thích thú.

Tối hôm ấy chẳng thằng nào ngủ được, thức giấc là gãi. Được một bữa rơm hành ngứa toàn thân.

*

– Mai có đi thì đồng nhà đứa nào đứa đấy mót nhá! Xong đi rồi hãy đi chỗ khác. Vang dặn.

– Ruộng nhà tao hết rồi. Dậu trả lời tỉnh bơ vì bên nhà nó gặt trước nên người ta đã mót sạch.

– Vậy mày đi nhắp cá lóc. Minh ngoái qua nói với Dậu.

– Cá dồn ngoài mương phèn về hết đìa rồi sao nhắp? Dâu trả lời buồn bã.

– Vậy câu cá rô. Vòng thốt lên.

*

Tờ mờ sáng hôm sau đã nghe giọng thằng Minh, con Vang con Vòng ra đồng đi mót lúa. Tốm nhìn thấy lỉnh kỉnh thúng mủng, rổ rá… mỗi nhà 3 bốn chị em, anh em hành quân mót lúa sót.

Họ trải thành hàng ngang đi nhặt những bông lúa gặt còn sót lại trên bụi, những bông lúa bị gãy, bị đổ mà không gặt được. Thấy vậy Tốm chạy xuống bếp, nó đổ cái thúng đựng lúa cho gà ăn của mẹ, chạy ra đồng nhập hội.

Nhìn cảnh bọn trẻ trong xóm xếp thành hàng đi mót mới thấy cuộc sống nơi đây lam lũ như thế nào. Gia đình nào cũng đông con, lúa cấy một mùa chỉ đủ ăn, tiền bạc đâu mua dép đẹp, mua áo mới.

Cả nhà học từ lớn cho đến em út cứ truyền tay nhau cuốn sách giáo khoa cũ rích, mốc xì, mọt mối ăn đứt xuyên ra sau, bìa rách trụi lủi.

Học theo cách của chị em Vòng, Vang, thằng Tốm về nhà cắt những trang giấy của các anh chị viết dở, chúng nó hì hục lấy kim chỉ xâu qua đóng tập làm sách viết, trang nọ lộn trang kia, dòng này ngược dòng nọ, đen trắng lộn xộn… nhìn rơi nước mắt.

Chính vì khó khăn đó mà các gia đình phải chạy ăn từng bữa, kiếm thêm nghề phụ để đảm bảo nhà có cái ăn. Bố Vang, bố Minh, bố Dậu đều làm thợ mộc, bố Tốm làm y sỹ, còn mẹ thì đủ nghề nào là buôn gánh bán bưng, tráng bánh đa đem bán dạo, khâu nón lá… đủ nghề mà vẫn không đủ quần áo cho anh em nó mặc.

Mẹ Tốm mua một khúc vải Kate lông vịt đầy hoa, bà may cho 3 anh em nó 3 bộ giống nhau, cứ mặc ‘trường kỳ kháng chiến’ ngày này qua ngày nọ mà không có cái thay.

Đứa nào cũng vậy, mặt mày lấm lem bẩn thỉu, tắm sông riết phèn đóng lớp ở cổ, tóc cứng như rễ tre. Bố mẹ bôn ba kiếm sống nên có đứa nào được chu toàn. Ấy vậy mà chúng nó làm được nhiều việc vừa sức lắm, hái rau, câu cá kiếm cái ăn, phơi củi, nấu cơm cho cả nhà, tối đến là đóng cửa chuồng heo chuồng gà, trông và tắm rửa cho em, giờ thì rủ nhau đi mót lúa để mua sắm quần áo Tết.

– Ah…. ha ha trúng rồi, trúng mánh rồi. Thằng Minh hét to làm tất cả giật mình.

– Cái gì vậy Minh? Vang ngước mắt qua hỏi.

– Tao vớ được một bó lúa to. Ha ha ha.

– Vậy ngon rồi. Vòng khen suýt xoa.

– Thôi, tao về đây. Bữa đầu vậy là trúng mánh, về tao vò ra, phơi lên. Mai đi tiếp. Nói xong Minh đội bó lúa lên đầu nhấp nhô như cây nấm đi vào nhà.

– Hơi..i..zi.i… chán! Phải chi mình cũng được như thằng Minh. Tốm vừa ngáp vừa than thở.

– Thôi đừng có mơ nữa ông ạ, lo mà mót đi. Vang cười rồi lên tiếng.

Vụ thằng Minh làm cho phong trào mót lúa đi xuống, Minh vác bó lúa đi vào nhà làm cho đứa nào cũng thèm khát. Thôi thì lỡ rồi, cố mà đi mấy ngày mót cho hết đồng nhà xem có được dạ lúa nào không? Về bán cho bố mẹ, Tết còn mua lấy đôi dép mới mà đi, có bộ quần áo để mặc. Khổ vậy đấy. Nhà đã nghèo, mà cả xóm cũng nghèo.

T.B