Một gương mặt tiêu biểu của thơ Việt Nam đương đại

808

Người đọc trong và ngoài nước, đặc biệt là những người yêu văn chương đều biết đến một nhà thơ Trương Đăng Dung bên cạnh một nhà nghiên cứu lý luận văn học Trương Đăng Dung khi tập thơ đầu tay của ông – “Những kỷ niệm tưởng tượng” đoạt Giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2011, và sau đó gần mười năm, ông tiếp tục ra mắt tập thơ thứ hai: “Em là nơi anh tị nạn” (NXB Văn học, 2020).


Nhà thơ Trương Đăng Dung.

Nói điều đó không có nghĩa là mãi đến năm 2011 nhà thơ Trương Đăng Dung mới xuất hiện. Như tôi biết thì từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, khi Trương Đăng Dung còn là nghiên cứu sinh ở Hungary, đang say mê chuyển ngữ “Truyện Kiều” sang tiếng nước bạn và ấp ủ dự định đem “Lâu đài” – tác phẩm hay và khó dịch bậc nhất của Kafka – về với độc giả Việt Nam, những bài thơ đầu tiên của ông đã ra đời và được giới thiệu với độc giả Việt Nam trên báo Văn Nghệ (1978). Như vậy, không phải đến lúc sắp về hưu, con người thơ trong ông mới được đánh thức. Điều này được minh chứng rõ hơn khi những người yêu thơ phải đợi gần 10 năm mới được đón nhận tập thơ thứ hai “Em là nơi anh tị nạn”.

Thông thường, sau một sự ghi nhận, đánh giá gắn liền với một giải thưởng nào đó trong lĩnh vực sáng tác, người viết thường có nhiều động lực và cảm xúc để cho ra đời ngay một tác phẩm mới. Đây là cách để “ánh hào quang” không nguội lạnh và độc giả không quên mình. Nhưng thiết nghĩ, những nghệ sĩ chân chính, những nhà thơ đích thực không làm thơ theo sự hối thúc bên ngoài. Đối với họ thơ là sự sống, là một biểu hiện của cách sống. Những vần thơ chỉ có thể được phôi thai qua trải nghiệm sống của cá nhân và qua những suy tư, trăn trở về phận người. Nó không thể ra đời theo một kịch bản, một kế hoạch định trước được. Đó là chưa kể đến từ chỗ có sự kết tinh tư tưởng, thăng hoa của cảm xúc đến chỗ để cho những tư tưởng, cảm xúc ấy đọng hình thành câu chữ là cả một quá trình.


Hai tập thơ Trương Đăng Dung.

Nói như Nguyễn Đình Thi: “Đụng chạm với hành động hằng ngày, tâm hồn nảy lên bao nhiêu hình ảnh như những tia lửa tóe lên khi đập búa vào sắt trên đe. Người làm thơ lượm những tia lửa ấy, kết nên một bó sáng, đó là hình ảnh thơ”. Quá trình nói trên kéo dài hay rút ngắn phụ thuộc vào quan niệm và tâm thế của chủ thể sáng tạo. Với Trương Đăng Dung, quá trình đó không thể nói trước, bởi mỗi bài thơ của ông đều là một khắc khoải, một suy tư, đều gửi gắm một tư tưởng, một chiều sâu triết lý nào đó và hơn thế nữa, nó còn như một nỗ lực để vượt qua những giới hạn của phản ánh nghệ thuật.

Cảm nhận, đánh giá về thơ Trương Đăng Dung, tính đến thời điểm này đã có hàng trăm bài viết, tiểu luận của những nhà nghiên cứu, phê bình thơ chuyên nghiệp, cũng có hàng chục công trình nghiên cứu là các luận văn, luận án của các thạc sĩ, tiến sĩ ở nhiều trường đại học, nhiều học viện lớn… Hầu hết ý kiến của bạn đọc và các nhà nghiên cứu đều đánh giá rất cao những đổi mới về mặt thi pháp cũng như chiều sâu tư tưởng trong thơ Trương Đăng Dung. Điều này đã được nhấn mạnh trong Báo cáo tổng kết giải thưởng văn học năm 2011 của Hội Nhà văn Hà Nội: “Cho đến khi tập “Những kỷ niệm tưởng tượng” được xuất bản vào tháng 6-2011 thì lập tức thơ Trương Đăng Dung gây ra được một hiệu ứng thơ mạnh với nhiều bài viết của các nhà thơ, nhà phê bình đi sâu phân tích, khám phá với cùng một khẳng định và khen ngợi. Đó quả là điều hiếm thấy trong đời sống thơ nước ta hiện nay”.

Và hơn mười năm sau đó, đến nay “hiệu ứng thơ Trương Đăng Dung” vẫn tiếp tục lan tỏa trong đời sống văn học. Nói về thế giới nghệ thuật của Trương Đăng Dung, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Điệp cho rằng: “Toàn bộ thi giới Trương Đăng Dung gắn liền với một đề nghị đầy khắc khoải của anh: Con người hãy biết sống với nhau một cách nhân ái và khoan dung. Trái đất cần hơi ấm tình người và niềm cảm thông đồng loại. Đó mới đích thực là lõi cốt của tồn tại”. Tôi cũng nghĩ như vậy, từ những cảm nhận và trải nghiệm riêng, tôi nhận ra có một sợi chỉ đỏ mỏng manh mà bền chặt xuyên suốt mạch thi cảm của Trương Đăng Dung, đó là những “khắc khoải tồn tại”.

Bước vào lâu đài thi ca của Trương Đăng Dung, người đọc không chỉ choáng ngợp bởi vẻ đẹp tráng lệ và tinh xảo của lớp vỏ ngôn từ và cấu trúc văn bản để nhận ra ngôn ngữ đích thực như một “ngôi nhà của hữu thể – tồn tại”, mà còn được chủ thể trữ tình dẫn lối vào mê cung của những suy tưởng, triết lý. Đọc thơ Trương Đăng Dung, người đọc không chỉ nhận ra sự nghèo đói, nhếch nhác, thê lương, loạn ly của kiếp nhân sinh mà còn nhận ra sự thăng hoa của tình yêu và sức mạnh hồi sinh kỳ diệu của tình thương cùng lòng nhân ái, bao dung. Người đọc không chỉ mê đắm trước “vẻ đẹp của nỗi buồn” và những hoang mang, bất an, cô đơn, hoài nghi, mà còn được thấy những khắc khoải, suy tư về sự tồn tại của kiếp người; không chỉ biết đến nỗi sợ, bóng đêm mà còn biết đến niềm khát khao ánh sáng, khát khao hiện hữu.

Trong bài thơ “Vật chứng”, ta thấy con người cùng lúc đối mặt với nhiều nỗi sợ hãi: “Sợ bóng tối sẽ tràn vào”, “Sợ thời gian rình trong từng sợi tóc”, “Sợ căn phòng trở nên trống rỗng” và “Sợ tiếng bước chân em xa dần”. Bốn câu thơ được trích dẫn ra đây như đã khái quát lên những nỗi sợ thường trực bủa vây kiếp người: Bóng tối – thời gian – sự trống rỗng và chia ly. Nhưng ở nhiều bài thơ khác ta lại thấy được một đối cực khác của nỗi sợ, để chống lại nỗi sợ hãi, cô đơn, đó chính là khát khao ánh sáng, khát khao hiện hữu:

“Ánh sáng này từ mắt em

ánh sáng này từ môi em

ánh sáng này từ ngực em…

khẽ thôi em, đừng để tắt

ánh sáng này hai đứa trao nhau”.

(“Ánh sáng này”)

Những tác phẩm nghệ thuật chân chính bao giờ cũng có sức vẫy gọi, cũng có khả năng lôi cuốn độc giả và khơi gợi sự tranh luận, đối thoại của giới nghiên cứu, phê bình. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc, những ý kiến bàn về thơ Trương Đăng Dung chưa dừng lại, nhưng với những gì hiện có, tôi tin những người yêu thơ và hiểu về thơ chắc cũng phần nào hình dung rõ diện mạo của một gương mặt tiêu biểu của thơ ca Việt Nam đương đại, đó chính là nhà thơ Trương Đăng Dung.

Theo TS Đặng Ngọc Khương/Vanvn