Võ Tấn Cường
(Vanchuongphuongnam.vn) – Hằng ngày, công việc làm thơ và đọc thơ đối với tôi chính là sự thanh tẩy nội tâm và tĩnh tâm để xua tan sự muộn phiền, bất an, để tìm niềm vui, hạnh phúc ở hiện tại. Làm thơ và đọc thơ giống như tự soi gương để tự khám phá, phát hiện chân dung tâm hồn của chính mình. Tôi nhận ra con người sâu thẳm, thuần khiết tưởng như bị chìm khuất giữa bao bụi bặm của dòng đời xô bồ, vội vã.
Đọc thơ của nhà thơ Trúc Thanh, tôi nhận ra một hồn thơ giàu lòng trắc ẩn đối với thân phận con người, mối quan hệ đối với mảnh đất quê hương, đối với tình yêu, sự vật và cuộc đời. Lòng trắc ẩn bộc lộ, khắc họa trong thơ Trúc Thanh giống như những dòng suối nhỏ tinh khiết chảy róc rách, hướng về dòng sông từ bi của đời người. Lòng trắc ẩn trong thơ chị như một đóa hoa nở âm thầm trong cõi tâm và tỏa hương sắc trong từng bài thơ. Lòng trắc ẩn của Trúc Thanh bắt nguồn từ tâm hồn của một người phụ nữ mang vẻ đẹp hồn hậu, chân phương, giàu nghĩa tình và từ tình yêu thương gắn bó sâu nặng đối với cha mẹ, người thân, với mảnh đất quê hương vùng đồng bằng sông Cửu Long.
“Đất quê tôi
Nơi cằn khô nứt gót cha cằn
Nơi lầy lội phù sa đàn dế lội
Lật bàn tay nhìn gió sương dời đổi
Anh có lần nào ôm đất mẹ mà đau?”
(Anh có lần nào ôm đất mẹ mà đau?)
“Bài thơ em mang hình bông lúa non ngậm sữa
Uống thêm nắng vàng đợi chín đỏ dải hoàng hôn.”
(Em-bài thơ của quê hương)
Theo cái nhìn của Trúc Thanh, đối với người đang yêu, tình yêu không chỉ là sự trao tặng, dâng hiến mà còn tiềm tàng lòng trắc ẩn về sự mong manh, ngắn ngủi của tình yêu trước sự bao la, vô tận của cuộc đời.
“Đâu về lại những mùa xưa
Bẻ đôi từng trải cho vừa tuổi em
Thơ tình nước mắt nhòa lem
Từ đông gặm nhấm người xem lạnh lùng.”
(Ngọn nến đông)
“Đèo bòng một chuyến rong chơi
Trăm năm cơm áo một đời trả vay
Đèo bòng trọn một vòng tay
Con tim tội lỗi đọa đày chung thân.”
(Đèo bòng)
Thơ tình yêu của Trúc Thanh không chỉ khắc họa cung bậc, sắc thái bí ẩn, thăng hoa của tâm hồn, trái tim của người phụ nữ mà còn bộc lộ sự suy tưởng về sự dang dở của tình yêu, sự thủy chung, chờ đợi của đôi lứa yêu nhau.
“Em ngày ấy!
Đã là em ngày ấy
Giọt phù sa vò nát lụa khăn sờn
Anh không hẹn đúng vào em ngày ấy
Áo cưới mặc rồi gặp gỡ chỉ buồn thêm.”
(Em ngày ấy)
“Hẹn bao giờ tìm thấy lối đi chung
Đợi em nhé nơi tận cùng số phận
Theo năm tháng trả xong đời lận đận
Ta trở về đón nhận trái tim nhau.”
(Chờ nhau giữa chốn vô cùng)
Thơ tình yêu của Trúc Thanh vừa bộc lộ chất ngẫm nghĩ, suy tưởng về mối quan hệ tình yêu vừa thể hiện sự tinh tế, ý vị trong nội tâm, cử chỉ, hành động của một người phụ nữ có tâm hồn sâu sắc.
“Ngả đầu chia mát cho anh
Nụ hôn sau nón nghiêng vành em che”.
(Vịnh nón lá)
Phong cách thơ Trúc Thanh đang có sự chuyển động, cựa quậy và chưa thật định hình. Phong cách thơ của chị có sự dung hòa, giằng xé giữa việc tuân thủ phong cách thơ truyền thống với sự cô đúc, giàu vần điệu, nhịp điệu và sự cách tân theo thể thơ tự do, thơ văn xuôi giàu chất suy tưởng, câu thơ có cấu trúc bung phá, co duỗi linh hoạt.
“Ngày mai
Ta tựa lưng vào bài thơ khi cuộc đời mệt mỏi
Lôi trái tim tội tình ra khỏi giấc mơ hoa
Coi như đời khuyến mãi những hôm qua
Ta vẫn còn đây dù chỉ với trái tim đã bão hòa thương nhớ.”
(Trái tim bão hòa)
“Lại phải ngô nghê giũ lòng hoang mây gió
Như nốt nhạc xuân chưa rớt lại cung trầm
Mặt cứ tỉnh bơ đánh bóng niềm tin mòn trụi
Ba mươi mấy đã từng, em… lại phải… để mà xuân.”
(Lại phải xuân)
Tôi nhận biết, đối với nhà thơ Trúc Thanh, thơ ca không chỉ là sự đam mê mà còn là định mệnh. Định mệnh thì không có sự chọn lựa. Chị đã dám chấp nhận định mệnh của một người sáng tạo để dấn thân trong tận cùng của hạnh phúc và đau đớn.
“Ta xin một mùa xuân thôi vừa đủ
Tội tình gì thui thủi đến trăm năm”
(Xin đời đủ một mùa xuân)
Tôi nhận biết, thơ của nhà thơ Trúc Thanh giống như đóa hoa của sự trắc ẩn nở từ tâm của chị và tỏa hương sắc trong từng bài thơ. Thơ ca đã hóa giải nỗi đau và sự cô đơn trong cuộc đời. Thơ ca là bạn đồng hành giúp Trúc Thanh bộc lộ sự yêu thương và sự bí ẩn của tâm hồn.
V.T.C