Người có đôi, ta rất một mình
Nguyễn Bính
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thư lại bất chợt cười thầm nhớ đến câu nói của một nhà văn nổi tiếng mà anh coi như lời an ủi cho mình: Mãnh hổ rừng xanh và đại bàng ở biển Đông thường đi một mình.
Đại bàng thương cô đơn – Ảnh minh họa
Là đứa con trai mở mắt chào đời vào năm Thìn – lại là Nhâm Thìn, nhưng cung mệnh của Thư là một ngôi sao xấu. Hồi mới còn đỏ hỏn, nặng chỉ trên ký, nó nằm bên mẹ trên chiếc chõng tre, khắp mình ghẻ lở cha mẹ phải thoa thuốc khắp châu thân. Thằng bé ngứa ngáy khó chịu, cựa quậy suốt ngày đêm nhưng tuyệt nhiên nó không la khóc. Bà con trong họ tộc hay tin mẹ Thư sinh ra trưởng nam theo mơ ước của cả nhà, ai nấy cũng vui mừng hăm hở đến thăm mẹ Thư trong những ngày mẹ còn ở cử, nằm trên chiếc giường tre ọp ẹp bên hông nhà. Trông Thư bé tí tẹo, xóm giềng ruột thịt không khỏi xót xa nghĩ thầm trong bụng là sợ thằng bé khó nuôi nhưng không dám nói ra vì sợ ba mẹ Thư buồn.
– Tôi rất sung sướng thấy bà mẹ tròn con vuông. Thằng bé ốm yếu thế nào cũng vẫn là con, là máu mủ của mình. Bà với tôi rán nuôi nó, biết đâu chừng sau này nó lại là…
Nhìn vợ an ủi rồi ông Chín ấp úng dừng lại nửa chừng. Sau khi giụm lửa cho mấy miếng than đước dưới gầm giường để sưởi ấm hai mẹ con, ông Chín đứng lên, nhìn đứa con nhỏ. Lắng tai nghe nhưng không nhìn chồng, bà Chín quay sang bên vén áo cho con bú vì đứa trẻ vừa la khóc như đang khát sữa.
– Này ông xem! Mắt nó tròn to với đôi đồng tử long lanh, mặt nó lại hồng hào, kháu khỉnh dễ thương. Trông con giống tía nó lắm! Bà Chín âu yếm nhìn con, nhìn chồng ra vẻ gần gũi.
Trời đứng ngọ, không gian miền quê yên lặng trong giấc ngủ mơ màng. Bất chợt, một cơn gió nhẹ thoảng qua, mấy chiếc lá khô xao xác rụng bên hè. Ngoài vườn, giọng ve sầu nức nở râm ran trên cành cao quyện lẫn với tiếng gà gáy trưa văng vẳng từ thôn xa. Liên tục mấy ngày trời nắng, dù có thới quen đi vùng sâu gác chim rừng để thư giãn, nhưng ông Chín hôm nay ở nhà săn sóc vợ và đứa con trai cầu tự hai vợ chồng mong ước từ nhiều năm qua.
*
Ông bà Chín cưng con như trứng mỏng, săn sóc nuôi dưỡng đặc biệt, bé Thư sống trong tình yêu thương đầy đủ của cha mẹ, và dần trở thành một cậu con trai khôi ngô tuấn tú. Khuôn mặt chữ điền của Thư trông càng dễ thương với vầng trán thanh thoát lất phất phủ lên với mái tóc bồng đen tuyền gợn sóng. Nhưng niềm vui có con trai chưa hưởng được bao nhiêu thì ông bà Chín bắt đầu băn khoăn về cậu quý tử của mình. Ông bà Chín cảm thấy không yên lòng khi Thư quá tuổi thôi nôi hơn năm mà vẫn lừ đừ chưa ê a, bập bẹ được tiếng nói nào.
Lớn dần lên theo năm tháng cho đến khi nói được khiến cả nhà vui mừng, Thư lại có biểu hiện là một đứa bé khác lạ so với những đứa trẻ cùng thế hệ tuổi tác với nó trong xóm. Suốt ngày, nó biếng nói, ít cười, mặt mày đăm chiêu như bị trầm cảm. Trong lúc những đứa con nít khác ở tuổi nó trong xóm tính tình hồn nhiên hay đàn đúm, chạy giỡn vui đùa túi bụi trong nhà lẫn ngoài phố, Thư chỉ lủi thủi chơi một mình mà không thích lân la đến chỗ đông người.
Chưa đến tuổi đi học, vào những buổi trưa thanh vắng, Thư thích ngồi một mình dưới nền gạch giữa nhà hoặc dưới một bóng râm ngoài sân, tay cầm một que nhỏ hí hoáy trên mặt đất. Chưa biết một chữ A, B,… Thư lấy sách, tập học của anh chị nó, tay vừa lật từng trang, chăm chú nhìn các dòng chữ và hình ảnh, miệng nó vừa ậm ọe, nhưng đôi mắt rực sáng ra vẻ thích thú như người đang hào hứng đọc hiểu ra được những trang sách tâm đắc. Những lúc thấy mẹ đang lúi húi nấu cơm trong bếp, nó đến hỏa lò lấy một cục than nguội đem đi vẽ nguệch ngoạc trên nền gạch tàu hoặc vách gỗ trong nhà. Ông bà Chín thấy Thu chơi không hại nên không rầy la con trai dù tay mặt nó lấm lem lọ nghẹ trông tức cười như đứa cạp nồi ăn vụng.
Khi bắt đầu vào sơ đẳng tiểu học trường làng, ngoài những buổi đến lớp, Thư chỉ quanh quẩn trong nhà hoặc ra đồng với mẹ. Những ngày nghỉ học, Thư theo cha hái xoài hoặc theo các chị đi tát đìa, bắt cá ngoài đồng. Không khí êm đềm của vườn ruộng nông thôn càng khiến cho tâm tính Thư ngày thêm đằm thắm dịu dàng ít khi nó gây gổ với anh em trẻ nhỏ hàng xóm.
Chủ nhật, ngày lễ rảnh rổi không có công việc lặt vặt giúp cha mẹ ở nhà, Thư một mình ra khu vườn cây ăn trái sau nhà, trèo lên cây măng cụt, cây mận, cây ổi có nhánh dai, cành lá sum sê nhiều bóng mát ngồi đánh đu chơi một mình. Nó trông lên bầu trời xanh lơ ánh dương lổ đổ xuyên qua lá cành rậm rạp, rồi đăm chiêu ngắm từng đàn cá sặc bướm, cá bã trầu thong dong bơi lượn nhởn nhơ ở dòng nước trong veo giữa mương cau. Sau đó, nó quay sang hái những trái măng, trái ổi vừa chín bói đang treo lủng lẳng trên cây. Thu vừa ăn ngon lành trái cây, vừa thích thú nghêu ngao hát lại những bài hát mẹ ru em trên võng hoặc những câu ca dao, bài thơ ngắn trong sách “Quốc văn giáo khoa thư” hoặc trong bài ám đọc thầy cô dạy nó ở nhà trường.
Một trưa hè thời tiết oi ả, Thư lại ra vườn trèo lên cây ngồi ung dung nơi một cháng hai đung đưa rung chân chờ cơn gió mát. Miệng nó đang hát vu vơ sau khi vừa hái ăn mấy trái măng cụt chín, nhánh cây nó ngồi chông chênh bất ngờ bị gảy nghe tiếng rắc. Trong lúc người và cành cây Thư ngồi rơi một mạch xuống đất, mắt mũi tối tăm, nó chới với hành động phản xạ nhưng không kêu la tiếng nào. May mắn, tay nó vừa vớ lấy nắm chặc được một cành măng cụt khác bên cạnh to hơn thì hai chân nó cũng vừa chấm đất. Hú hồn hú vía! Nhưng Thư cũng chỉ tự mình để bụng suốt đời chuyện té cây mất hồn vía, cả nhà cha mẹ, anh chị nó cũng không ai biết!
*
Mùa khai trường đầu tiên trong đời Thư khi tới tuổi đi học, ông Chín thương con trai, đích thân ông dẫn Thư đến trường để trình diện với thầy cô.
– Để con đi bộ một mình.
Những lần sau, Thư xin đi học một mình, không chịu đi chung nhóm học trò cùng lứa tuổi trong xóm. Thằng bé ôm sách vở với bình mực tím, lủi thủi một mình trên con đường làng nhỏ như con rắn lượn bò cặp bờ sông quê. Đi học sớm trong bầu trời đêm tĩnh lặng, dọc đường Thư cảm thấy thích thú khi được nghe âm thanh đặc biệt của tiếng cá ục hoặc tiếng những chú cá to từ đáy sông sâu trồi lên mặt nước đớp mồi. Ngày ngày, đi học một mình, Thư có cơ hội quan sát được sự nhanh nhẹn chớp nhoáng của những chú chim bói cá từ trên những bụi tra rậm rạp, chớp nhoáng sà xuống mặt sông săn mồi. Độc hành cô đơn trong không gian tĩnh mịch, Thư có cơ hội nhận ra được tiếng kêu nước lớn ra rả giọng u hoài của con bìm bịp ục ịch to kềnh trong vườn rậm, hoặc giọng líu lo nhí nhảnh của những chú chìa vôi trắng đen đẹp mả. Cả những cung điệu lảnh lót của những chú chim trao trảo tinh khôn khi bất ngờ phát hiện ra trái cây chín mọng của một chủ vườn xa lạ đang reo vui gọi đàn. Những ngày sụt sùi trời mưa đường sá bùn lầy trơn trợt, sau khi thức sớm ăn cơm nguội hấp, Thu có cơ hội cho đôi chân thư giản khi được đi nhờ xuồng chở rau cải, trái cây của mẹ đem ra bán nơi chợ xã.
Thời gian ba tháng hè, những khi rảnh rổi không giúp mẹ, mỗi ngày vào buổi trưa, Thư ra vườn sau ngồi một mình vừa chăm chú học bài dưới một bóng mát cây xoài, cây mận, vừa thích thú hóng ngọn gió đồng thổi rì rào mát rượi. Sáng sớm mỗi ngày, Thư có dịp nhìn vầng dương đỏ ối như chiếc mâm đồng từ từ nhô lên khỏi rặng cây xanh nơi chân trời xa tít ở đó gợi cho Thư ý nghĩa về giá trị sự hiện hữu của mình dưới ánh mặt trời. Những buổi chiều muộn, Thư say sưa nhìn cảnh vật bảng lảng màu vàng ối cả một vùng không gian bao la như nhắc nhở Thư về hành động thiết thực phải làm kẻ nam nhi trong cuộc đời phù du của con người.
Bắt đầu ra tỉnh học, Thư không chịu ở trọ chung với nhiều bạn bè khác. Ông Chín chiều con chịu tốn tiền, thuê phòng riêng cho nó ở tự nấu cơm ăn đi học. Quý thì giờ, Thư muốn được ở một mình để học hành, giảm bớt thời gian gặp gỡ bạn bè không cần thiết hoặc nhong nhong đi chơi đó đây vô ích. Phòng trọ thuê ở có hai cửa, đi học về muốn trốn bạn, Thư thường khóa chặc cửa trước, chỉ ra vào cửa sau. Những đứa bạn tính la cà thích ngồi lê đôi mách để tán dóc mỗi khi đến trước nhà Thư thấy cửa khóa, nó sẽ nghĩ là Thư vắng mặt. Thông lệ, cuối tháng, cha Thư từ quê nhà xách dù đi bộ gần mười cây số ra tỉnh thăm con, không quên mang theo trái cây, cá khô đôi lúc cá tươi cho con. Thương con ngày đêm chỉ quanh quẩn cặm cụi với sách vở ở phòng học, ông Chín cảm thấy trong lòng vừa mừng vừa xót xa cho con:
– Con thỉnh thoảng cũng nên đi chơi với các bạn để thư giãn đầu óc, không nhất thiết phải vùi đầu mãi vào sách vở. Diêm vương chưa chắc đã cần văn bằng của con. Ông Chín nhìn Thư càng thương tấm thân nhỏ bé của con ngày một thêm gầy yếu từ khi bắt đầu ôm sách vở đến trường.
Nhờ tiết kiệm thì giờ để tập trung vào việc sách đèn, suốt quãng thời gian dài đến trường lớp mài chữ, từ lớp sơ đẳng đến trung và đại học, Thư là luôn học sinh ưu hạng ở tất cả môn học, được cấp học bổng nguyên mỗi tháng, tên được nêu lên bảng danh dự treo cao một nơi trang trọng nhiều người lui tới ở nhà trường. Trong lễ phát thưởng tổ chức vào cuối mỗi năm học, Thư lãnh luôn học bổng cả năm và một phần thưởng giá trị lủ khủ gồm nhiều sách vở, từ điển và một vé đi nghỉ mát ở Vũng Tàu hay Đà Lạt vốn dành cho học sinh xuất sắc có hạnh kiểm tốt được cả hội đồng giáo sư nhà trường thống nhất tuyên dương. Niềm hạnh phúc lớn nhất của cả gia đình ông Chín là Thư luôn thi đỗ vẻ vang vào cuối những năm tốt nghiệp một quãng đường học tập. Là nông dân không dư giả về tiền bạc nhưng cố gắng lo cho đứa con ngoan học giỏi, ông bà Chín cũng được rạng mặt nở mày với bà con làng xóm. Đem hết những giấy khen, bản danh dự do nhà trường cấp thưởng cho con mình, ông sung sướng trét kỹ hồ từng tờ dán hết lên vách gỗ giữa nhà để khách và bà con đến chơi nhà trông thấy.
Trong thời gian cận mùa thi khi còn học ở Sài Gòn, khi đã sang đại học, những bạn học cũ, mới gặp Thư vẫn lủi thủi độc hành đếm bước trên phố Catinat, một mình ngồi xem phim ở rạp Eden, hoặc ngồi ăn kem ở Café Brodart vẫn không hề thấy có bóng giai nhân nào bên cạnh Thư. Về lại nhà trọ, bên bàn học, bao giờ Thư cũng được cha sắm cho một tấm bảng đen. Trên vách là những câu khẩu hiệu ý nghĩa: Hoa thị mỹ nhân, thư thị hữu (Hoa là người đẹp, sách vở là bằng hữu)/ Thì giờ là tiền bạc/ Mãi mãi vươn xa và bay ca/ Không tiến tức là thoái… để làm phương châm hành động cho mình. Mỗi lần cực chẳng đã phải dời nhà trọ, Thư cũng một mình lỉnh kỉnh tự thu dọn sách vở, bảng đen lên xe ba gác để thiên đô về chỗ ở mới.
*
Suốt một đời lang cô độc thang như một áng mây trời, đôi lúc Thư cảm thấy mình như con thuyền không bến hoặc một con tàu chạy suốt trên nẻo đường vạn lý thiếu sân ga. Bạn bè nhận ra Thư sống nội tâm, hiền lành, không ăn chơi trác táng, chỉ thui thủi một mình, tính kiệm lời mà năng nổ nên rất thương anh. Họ đã đôi lần gợi ý anh đến với đấng Thích Ca Mâu Ni, Chúa Jésus Christ, hoặc thánh Allah (đạo Hồi) để linh hồn anh có được một điểm tựa an lành vĩnh hằng ở cõi Niết Bàn. Thư dứt khoát từ chối với lý do mình quá bận rộn công việc trước mắt cũng như chưa được đền đáp công ơn nhiều cho cha mẹ, tổ tiên, anh hùng liệt sĩ và quê hương nên chưa dám nghĩ tới cái hạnh phúc cho mình được tiêu diêu ở kiếp sau. Khi còn dạy ở vùng sâu cho đến khi mở trường học và phòng vẽ, thấy nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn vật chất, Thư gửi tiền cho các em mua sách vở hoặc đóng học phí cho các em học bổ túc vào ban đêm vì ban ngày phải bận rộn lo toan cho đời sống.
Trong cuộc đời gian khổ truân chuyên, nhiều lúc phải nỗ lực vươn lên từ nghiệt ngã, Thu cảm thấy càng thêm vững dạ nhờ được học tập nhiều trải nghiệm quý giá ở Bác Hồ. Nghĩ đến câu “Làm trai cho đáng nên trai” mà anh từng coi như một câu kinh nhật tụng, đã bao lần, Thư gan góc biến cái không thể thành cái có thể khiến cha mẹ hài lòng và bạn bè cảm phục.
Lững thững bước đi một mình trên con đường vắng, nhìn kỹ lại những kết quả hậu hỉ gặt hái được trong đời, Thư đã ngộ rõ ra chân lý. Anh lẩm bẩm: Thực sự rồi: “Tài hoa chỉ thành tựu trong cô đơn và tĩnh lặng” như lời triết Goethe đã trải nghiệm. Rồi Thư lại bất chợt cười thầm nhớ đến câu nói của một nhà văn nổi tiếng mà anh coi như lời an ủi cho mình: Mãnh hổ rừng xanh và đại bàng ở biển Đông thường đi một mình.
P.Đ