Một mối tình bền bỉ trong bom đạn

620

Tuy Hòa 

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhà thơ – Liệt sĩ Lê Anh Xuân (1940 – 1968) là tác giả bài thơ “Dáng đứng Việt Nam” quen thuộc với công chúng nhiều thế hệ. Ông đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và truy tặng Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân năm 2011. Tác phẩm cuối cùng mà Lê Anh Xuân để lại cho cuộc đời chính là cuốn Nhật ký (ảnh dưới) rất chân thành và đầy cảm xúc!

Lê Anh Xuân tên thật Ca Lê Hiến, là con trai của giáo sư Ca Văn Thỉnh. Sau khi tốt nghiệp Khoa Sử – ĐH Tổng hợp Hà Nội, Lê Anh Xuân từ chối cơ hội du học, để quay lại chiến trường miền Nam. Nhật ký của Lê Anh Xuân bắt đầu viết ngày 22-12-1964: “Cả một ngày chuẩn bị đi. Chờ đợi bỗng như được thư XL. Mừng quá. 5 giờ chiều đi bộ ra ga Phú Thọ”. Nhân vật XL xuất hiện ngay những dòng đầu tiên của nhật ký Lê Anh Xuân là ai? XL có tên đầy đủ là Bùi Xuân Lan – em gái của nhà văn Anh Đức (Bùi Đức Ái). Bút danh Lê Anh Xuân của Ca Lê Hiến, cũng được ghép từ Bùi Xuân Lan và Anh Đức.

Trong hồ sơ cán bộ trước khi vượt Trường Sơn, Lê Anh Xuân khai “Tôi có vợ chưa cưới tên là Bùi Xuân Lan hiện đang học năm thứ ba Học viện kinh tài Thượng Hải – Trung Quốc”. Và mối tình ấy được Lê Anh Xuân mang theo suốt chiều dài bom đạn. Đọc Nhật ký Lê Anh Xuân càng thấm thía vẻ đẹp của mối tình ấy. Ngày 24-12-1964, ông viết: “4 giờ sáng đi xe hơi. Qua phà Ròn, làng Cảnh Dương, qua sông Gianh, đèo Ngang. Đường vòng lên núi cao. Biển xa. Cát vàng. Nhớ XL nhiều”. Ngày 6-1-1965, ông viết tiếp: “Đi lấy gạo. Đường nắng, cát, mệt. Ngủ võng đêm nằm mơ gặp KL mặc áo bà ba đen. Nhớ XL quá! Em đang làm gì đấy hở em? H nghĩ đến tương lai khi thống nhất”.

Lê Anh Xuân tự ghi tắt tên Hiến của mình là H trong nhật ký. Hình ảnh người vợ chưa cưới Bùi Xuân Lan hầu như xuất hiện ở mọi hoạt động của Lê Xuân Anh, khi thức cũng như khi ngủ. Không chỉ dọc đường đi, mà khi vào đến miền Nam, Lê Anh Xuân vẫn không nguôi tương tư. Ngày 11-8-1965, ông viết: “Bắt đầu ở quê hương ngày đầu tiên. Đi xuống nhà chị Ba với cô Bảy, cháu Cẩm. Ăn chè cúng rằm ở nhà chú Năm. Gặp, nói chuyện với anh Ba Đa. Anh Ba Đa già, đầu bạc, nhà lụp xụp, con cái nheo nhóc. Tròn 4 năm, ngày hứa với XL”. Ngày 18-8-1965, ông lại viết: “Em XL yêu quý của anh. Chắc em đã về Hà Nội rồi phải không? Độ này hai năm trước, anh sung sướng ở bên em, bây giờ anh ở xa em hàng ngàn cây số. Nghe tin cán bộ tập kết đang chuẩn bị sẵn sàng đội ngũ trở về quê hương, H xúc động lắm. Không biết chừng XL của H đang trên đường về. H phải sống sao cho xứng đáng với mối tình thiêng liêng ấy”.

Lê Anh Xuân dùng chính hình ảnh người yêu để động viên mình, cũng như nhắc nhở mình. Ngày 18-9-1965, ông viết: “Đêm qua mơ gặp XL. XL chạy qua một cái cầu gặp H. H thấy mặt XL. Kỳ lạ: lúc thế này lúc thế kia. Sau XL mặc áo đẹp ra đón H. Nhớ XL, H phải ráng gìn giữ đạo đức trong sạch thủy chung. Phải có nghị lực, ý chí để thực hiện mục đích của mình như Câu Tiễn vậy”. Còn ngày 25-5-1966, ông viết: “Mấy tháng nay lo chống càn, chẳng ghi gì cả. Được một thư của XL và của má, H mừng quá. Nhớ XL, H ráng sáng tác tốt, tu dưỡng tốt. Đến tháng 8-1966 ráng hoàn thành trường ca về anh Nguyễn Văn Trỗi”. Và ngày 23-7-1966, ông cũng viết: “Chiều thứ bảy, đọc lại thư của XL. Ôi ngày nào H lại chẳng nhớ đến XL của H. H phải làm sao luôn trong veo, là tấm gương trong sáng nhất của XL”.

Lê Anh Xuân được kết nạp Đảng ở Căn cứ Trung ương Cục miền Nam ngày 7-8-1966. Lê Anh Xuân đã viết một đoạn thật dài để chia sẻ với người yêu và không quên nhắc đến anh trai Bùi Đức Ái của người yêu: “Tối nay chúa nhật, em ở đâu? XL yêu quý của anh. Em có biết đêm nay, trong một khu rừng ở miền Đông Nam bộ, anh đang đứng tuyên thệ trước lá cờ Đảng. Từ nay anh đã là đảng viên. Không chừng vào ngày 7-8-1967, ngày anh được công nhận là đảng viên chính thức, cũng là ngày anh gặp lại em. Có phải thế không em? Anh sẽ xứng đáng với lòng mong muốn của em. Ôi, anh sẽ là mặt trời của em. Anh sẽ là người chồng yêu quý của em. Anh sẽ xứng đáng với anh Ái, anh của em và anh của anh, đã giới thiệu anh vào Đảng. Anh Ái ơi! Em sẽ xứng đáng là đứa em yêu quý nhất của anh. Em sẽ không bao giờ phụ lòng tin của anh. Em sẽ xứng đáng với XL. Lúc gặp lại XL, chúng em sẽ không phải ân hận vì những phút lỗi lầm”.

Không chỉ gìn giữ một mối tình son sắt, Lê Anh Xuân còn nâng mối tình ấy lên mức tôn thờ. Trong Nhật ký Lê Anh Xuân, ông luôn dành nhiều câu âu yếm và nồng nàn để nhắc đến sinh nhật của Bùi Xuân Lan. Ngày 16-2-1967, ông viết: “Đêm qua mấy anh đi xem phim hết. H ở nhà nhớ XL nhiều vì sáng mai là sinh nhật của XL. Sáng nay em ở đâu? Em mặc áo gì? Em đang làm gì đó? Sinh nhật lần thứ 25 của em. Em lớn rồi nhưng anh vẫn coi em như lúc 19 tuổi em đến với anh. Chúc em thêm một tuổi của tình yêu. Chúc em luôn vui, khỏe, đẹp. Mãi chung thủy với em. Hôn em nhiều. Không biết em đã nhận được thư của anh chưa? Anh sẽ nói chuyện bên em suốt ngày và đêm sinh nhật của em”.

Ngày 24-5-1968, Lê Anh Xuân hy sinh trong đợt 2 cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân. Thi thể ông được đồng đội chôn tại ấp Phước Quang, xã Phước Lợi, huyện Cần Đước, Long An. Bài thơ cuối cùng “Dáng đứng Việt Nam” cũng là bài thơ nổi tiếng nhất trong sự nghiệp của mình, Lê Anh Xuân ca ngợi người giải phóng quân “anh chẳng để lại gì cho anh trước lúc lên đường”, còn ông thì để lại cho hậu thế một mối tình đáng trân trọng. Người yêu XL của Lê Anh Xuân khi nghe tin ông không còn nữa, đã nghẹn ngào làm bài thơ tiễn biệt: “Anh vẫn đi tiếp bước về phía trước/ Mãi đi như thế, anh cứ đi/ Cho đến khi tim anh ngừng đập/ Một cuộc đời chỉ 28 năm thôi/ Mà sao đáng sống như người đã sống/ Và anh đã nằm sâu trong lòng đất/ Đã hiến dâng cho Tổ quốc bình yên: Cả cuộc đời, một khối óc, một trái tim”.

T.H