Nguyễn Công Thanh
(Vanchuongphuongnam.vn) – Thúy Kiều là nhân vật trung tâm trong “Truyện Kiều” của Đại Thi hào Nguyễn Du. Hơn mười lăm năm xuất hiện trong tác phẩm, từ buổi chơi xuân trong tiết thanh minh cho đến khi “Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ” với Kim Trọng, Kiều đã có nhiều hành động, việc làm khác thường. Lời thề “Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai” còn nóng hổi, Kiều đã phải thốt lên “Ôi Kim Lang! Hỡi Kim Lang! Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”! Vừa van xin em giúp mình “thay lời nước non” với Kim Trọng “Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa”, lại dùng dằng, tiếc rẻ “Duyên này thì giữ, vật này của chung”. Nghi ngờ Sở Khanh lừa đảo nhưng nàng vẫn lên ngựa chạy trốn với hắn giữa đêm trường. Căm giận Hoạn Thư tột cùng “Vợ chàng quỷ quái tinh ma/ Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau” thế nhưng sau khi nghe thị “chối tội”, Kiều đã “Truyền quân lệnh, xuống trướng tiền tha ngay”. Được Từ Hải đưa từ kiếp gái lầu xanh trở thành đệ nhất phu nhân và giúp lập lại công lý ở đời nhưng sau đó Kiều lại khuyên Từ buông gươm đầu hàng, dẫn đến cái chết thảm thương,…
Thúy Kiều là nhân vật trung tâm trong “Truyện Kiều” của Đại Thi hào Nguyễn Du. Ảnh minh họa (Internet)
Những hành động khác thường đó đã và đang được các nhà nghiên cứu văn học và bạn đọc yêu mến Truyện Kiều lý giải, tranh luận theo những điểm nhìn, góc nhìn khác nhau. Trong bài viết này, chúng tôi lý giải hai hành động khác thường nổi bật của Thúy Kiều là tha tội cho Hoạn Thư và khuyên Từ Hải đầu hàng Hồ Tôn Hiến.
1. Thúy Kiều tha tội cho Hoạn Thư
Trong mười lăm năm lưu lạc, kể từ khi phải bán mình chuộc cha, rơi vào tay Mã Giám Sinh-Tú bà, làm gái thanh lâu cho đến khi được Từ Hải giải cứu, Thuý Kiều đã trải qua bao ê chề nhục nhã. Hoạn Thư là một trong những kẻ gây cho nàng bao đau đớn, tủi nhục. Thị đã đẩy Kiều từ địa vị người vợ thành con ở, từ quan hệ thiếp-chàng thành quan hệ con ở-chủ nhà. Trong bữa tiệc mừng vợ chồng tái ngộ, Hoạn Thư không chỉ bắt Kiều hầu rượu mà còn ép nàng gẩy đàn để thị được hả hê. Vì thế: Cũng trong một tiếng tơ đồng/ Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm.
Hoạn Thư hành hạ Thúy Kiều và Thúc Sinh là để trả thù chồng dám qua mặt lấy vợ lẽ không khai báo, không xin phép; là để thoả mãn cái ghen “sâu sắc nước đời” có một không hai của thị. Hoạn Thư đã bộc bạch động cơ của mình:
Làm cho cho mệt cho mê,
Làm cho đau đớn ê chề cho coi.
Trước cho bỏ ghét những người,
Sau cho để một trò cười về sau.
Chính người đàn bà “nham hiểm giết người không dao” này đã biến Thúc Sinh thành kẻ bội tình, bỏ mặc Kiều bơ vơ, đơn độc trước hang hùm, miệng sói. Do đó, khi được Từ Hải giúp mở phiên toà công lý, Kiều đã nói rõ nỗi căm giận Hoạn Thư chất chứa bấy lâu trong lòng mình với Thúc Sinh:
Vợ chàng quỷ quái tinh ma,
Phen này kẻ cắp bà già gặp nhau.
Kiến bò miệng chén chưa lâu,
Mưu sâu cũng trả nghĩa sâu cho vừa!
Vì thế, kẻ bị trừng trị đầu tiên là Hoạn Thư. Kiều gọi thị là “chính danh thủ phạm”. Kiều cũng dùng thủ đoạn “nói cười” năm xưa của Hoạn Thư để hành hạ thị: Thoắt trông nàng đã chào thưa/- Tiểu thư cũng có bây giờ đến đây? Nhưng rồi, cơn tức giận dâng trào khiến giọng Kiều trở nên đay nghiến, chì chiết:
Đàn bà dễ có mấy tay?
Đời xưa mấy mặt đời này mấy gan?
Dễ dàng là thói hồng nhan,
Càng cay nghiệt lắm, càng oan trái nhiều!
Tưởng như Kiều sắp ra lệnh tùng xẻo Hoạn Thư. Thế mà sau khi nghe thị “chối tội”, Kiều đã tha bổng: Truyền quân lệnh, xuống trướng tiền tha ngay. Do đâu mà Kiều có hành động lạ lùng, mâu thuẫn như thế?
Nhiều bài viết trước đây cho rằng, Hoạn Thư thoát chết là nhờ chị có những “chước lạ đời” của kẻ “quỷ quái tinh ma”, “sâu sắc nước đời”. Chị đã dùng lời nguỵ biện “tinh ma” để cứu mình. Đầu tiên, Hoạn Thư “lôi” Thúy Kiều từ ghế quan toà xuống ghế giới tính để đồng cảm với cái ghen của phụ nữ: Rằng: – Tôi chút phận đàn bà/ Ghen tuông thì cũng người ta thường tình. Tôi là đàn bà, cô cũng là đàn bà. Đàn bà ai chả ghen tuông khi chồng mình Có cam phụ quýt, có người phụ ta. Bởi vậy, cái ghen của tôi cũng “thường tình” như cái ghen của bao người đàn bà khác.
Không để Kiều có thời gian suy nghĩ, nhận ra kiểu “lập lờ đánh lận con đen” của mình, giọng cầu khẩn của Hoạn Thư trở nên gấp gáp, dồn dập. Rồi chị chuyển nhanh sang kể lể một cách chậm rãi, tỉ mỉ công lao trước đây với Thúy Kiều: Nghĩ cho khi gác viết kinh/ Với khi khỏi cửa dứt tình chẳng theo, cũng như lòng ngưỡng mộ và trân trọng tài sắc của Kiều: Lòng riêng riêng những kính yêu, nhưng vì cảnh “chồng chung” nên lỡ gây ra sai sót, khuyết điểm nhỏ, nay cúi đầu xin bậc đại nhân có tấm lòng bao dung như trời cao, biển rộng lượng thứ cho: Trót đà gây việc chông gai/ Còn nhờ lượng bể thương bài nào chăng. Lý lẽ Hoạn Thư đưa ra vàng thau lẫn lộn. Có việc chị lập lờ “đánh lận con đen”, có việc chị đã nương tay với Kiều sau khi đã thoả mãn cơn ghen như bố trí cho Kiều ra ở Quan Âm các sau nhà hay không cho người truy đuổi khi Kiều mang theo chuông vàng khánh bạc chạy trốn.
Cách lý giải trên đúng nhưng chưa đủ, chưa thật sự căn cứ vào tính cách nhân vật và chỉnh thể của tác phẩm. Ngoài nguyên nhân dễ thấy, hiển hiện một cách tường minh trong cảnh báo ân báo oán, theo chúng tôi còn có những nguyên nhân sâu xa sau:
Trước hết, Thúy Kiều là một con người giàu lòng nhân ái, luôn hy sinh bản thân vì người khác. Nàng than khóc cho thân phận “hồng nhan bạc mệnh” của Đạm Tiên; nàng bán mình cứu cha và em, nhờ Thúy Vân “nối lời” với Kim Trọng… Ngay những ngày “hương lửa đương nồng” cùng Thúc Sinh, Kiều luôn nghĩ vì mình mà người vợ cả của Thúc thiệt thòi nên nhiều lần khuyên chàng về nói rõ sự tình với vợ cả: Xin chàng kíp liệu lại nhà/ Trước người đẹp ý, sau ta biết tình. Kiều biết mình với Thúc chỉ là “chút nghĩa đèo bòng” và sẵn sàng chấp nhận những cơn phẫn nộ lôi đình của Hoạn Thư: Dù khi sóng gió bất bình/ Lớn ra uy lớn, tôi đành phận tôi. Do đó, dù bị Hoạn Thư sai Ưng, Khuyển bắt về hành hạ tàn nhẫn nhưng Kiều vẫn thấy mình là người có lỗi, là nguyên nhân dẫn đến những hành động ghen tuông của thị.
Hơn thế, Kiều là người dám nhận lỗi và sẵn sàng chịu tội. Trước đây, khi Tú bà bắt làm gái thanh lâu, Kiều đã phản ứng quyết liệt bằng hành động rút dao quyên sinh. Nhưng khi bị mắc mưu, chạy trốn cùng Sở Khanh, trái lời hứa với Tú bà, nàng đã nhận tội và chấp nhận làm gái thanh lâu: Thân lươn bao quản lấm đầu/ Chút lòng trinh bạch từ sau xin chừa. Hoặc khi chung sống với Thúc Sinh, bị Thúc ông kiện, viên quan “mặt sắt đen sì” xử phạt rất nặng nhưng nàng vẫn cắn răng chịu đựng: Phận đành chi dám kêu oan/ Đào hoen quẹn má liễu tan tác mày…
Mặt khác, dù bị Thúc ông kiện, viên quan xử “phép gia hình” hay bị Hoạn Thư chìa lìa tình ái và đày đoạ tủi nhục nhưng cuối cùng Kiều đều được tha và mở ra con đường sống. Chẳng lẽ, bây giờ Kiều lại không bằng họ mà xử chết Hoạn Thư? Rõ ràng, những mệnh lệnh: Dưới cờ, gươm tuốt nắp ra cùng những lời nói đay nghiến, mạnh mẽ: Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư chủ yếu là để thị uy, khủng bố tinh thần làm cho Hoạn Thư “hồn lạc phách xiêu”. Vì thế, khi đạt được mục đích: Hoạn Thư quỳ lạy, xin tha mạng thì không có lý do gì mà Kiều không tha!
Cách xử án của Kiều là căn cứ vào lời nói và hành động của kẻ thù đối với mình trước đây để luận tội chúng. Bọn tội đồ buôn thịt bán người như Mã Giám Sinh, Tú bà, Sở Khanh, Bạc Hạnh, Bạc bà, nàng dựa vào lời thề của chúng mà phán quyết: Thề sao thì lại cứ sao gia hình. Còn Hoạn Thư, tuy làm nhục nàng, cứa trái tim nàng rỏ máu nhưng khi Kiều Cúi đầu quì trước sân hoa xin cho đi tu, thị đã động lòng: Rằng: – Tài nên trọng mà tình nên thương và thu xếp cho Kiều ra ở Quan Âm các sau nhà. Bây giờ, đến lượt Hoạn “khấu đầu dưới trướng” xin tha, chẳng lẽ Kiều không chấp nhận?
Thêm nữa, Kiều tha cho Hoạn Thư còn là chủ ý của Nguyễn Du. Khi nói về Hoạn Thư, thi nhân không những dùng những lời xưng hô trân trọng: “tiểu thư”, “vốn dòng họ Hoạn danh gia”… mà trước đó, ông để cho thị năm lần khen Kiều: Tiểu thư xem cũng thương tài; Ví chăng có số giàu sang/ Giá này dẫu đúc nhà vàng cũng nên… Hơn thế, ông còn “gài” cho Hoạn cử chỉ “dung kẻ dưới”, không cho người đuổi bắt khi Kiều cầm theo vàng bạc nhà thị bỏ trốn. Nghĩa là các lớp lang đã được Nguyễn Du dựng sẵn, phiên toà mở ra là Hoạn Thư xuất hiện, biện bạch trơn tru, có lớp có lang, thấu tình đạt lý.
Cuối cùng, Nguyễn Du là nhà thơ nhân đạo chủ nghĩa, giàu lòng yêu thương con người. Mặc dù, Truyện Kiều lấy cốt truyện từ tiểu thuyết Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm tài nhân nhưng Nguyễn Du đã loại bỏ những chi tiết sa vào chủ nghĩa tự nhiên, gây phản cảm với người đọc. Những cảnh đánh nhau, chết chóc, xử trảm được Thanh Tâm tài nhân miêu tả khá kỹ lưỡng trong Kim Vân Kiều truyện đã được Nguyễn Du loại bỏ hoặc chỉ nêu một cách khái quát bằng một vài câu lục bát. Chẳng hạn cảnh xử án bọn buôn thịt bán người được nhà văn Trung Quốc miêu tả chi li rùng rợn chiếm gần cả một chương nhưng Nguyễn Du chỉ viết có bốn câu: Lệnh trên truyền xuống nội đao/ Thề sao thì lại cứ sao gia hình! Máu rơi thịt nát tan tành/ Ai ai trông thấy hồn kinh phách rời!
2. Thúy Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng Hồ Tôn Hiến
Trong 15 năm lưu lạc Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, chỉ có quãng thời gian ngắn ngủi sống với Từ Hải là Thúy Kiều được tôn trọng. Từ Hải đã đưa Kiều từ kiếp gái lầu xanh trở thành đệ nhất phu nhân, từ kẻ bị hại trở thành quan tòa xét xử bọn tội đồ buôn thịt bán người, hãm hại dân lành vô tội. Nghĩa là Từ đã giúp nàng lập lại công lý ở đời. Nhưng chính Kiều lại khuyên Từ Hải buông gươm đầu hàng. Vì sao Kiều lại khuyên Từ đầu hàng?
Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du đã lý giải vì Kiều nhẹ dạ, tin vào những lời dụ dỗ ngon ngọt cùng cơ man bạc vàng gấm vóc của Hồ Tôn Hiến:
Đóng quân làm chước chiêu an,
Ngọc vàng gấm vóc, sai quan thuyết hàng.
Lại riêng một lễ với nàng,
Hai tên thế nữ, ngọc vàng nghìn cân.
…
Nàng thì thật dạ tin người,
Lễ nhiều nói ngọt, nghe lời dễ xiêu.
Cố GS. Phan Ngọc gọi đây là “Phương pháp phân tích tâm lý tàn nhẫn”. Theo nhà nghiên cứu, đoạn thơ gồm 14 câu (2473-2486) đã “phân tích đến kiệt cùng, triệt để và hết nhẵn chủ nghĩa cơ hội”. Bảy yếu tố ông đưa ra, có hai yếu tố cùng quan điểm với Nguyễn Du:
“Thứ nhất là ngu: “Thật dạ tin người”, không hiểu gì về sự nham hiểm của chế độ phong kiến.
Thứ hai là tham: “Lễ nhiều”, tác giả không kiêng nể Thúy Kiều, phơi bày lòng tham của nàng” [4, tr. 173-174].
Mới nghe tưởng là thế nhưng ngẫm kỹ hình như không phải thế. Bản tính Kiều không phải là loại người tham lam của cải. Nàng là nạn nhân của đồng tiền nên biết rất rõ mặt trái của những “ngọc vàng nghìn cân” mà Hồ Tôn Hiến mang tặng. Vả lại, phu quân của nàng cũng không thiếu những thứ đó. Từ đã “mặc nàng” lấy vàng bạc, gấm lụa để báo ân. Ngay như Thúc Sinh, kẻ trước đây đã bỏ mặc khi nàng bị Hoạn Thư giày vò, hành hạ và nay (trước phiên tòa) Mặt như chàm đổ, mình dường dẽ run vì tưởng bị trừng trị, cũng được hậu đãi Gấm trăm cuốn, bạc nghìn cân/ Tạ lòng dễ xứng, báo ân gọi là. Mặt khác, Kiều là người con gái thông minh, sắc sảo lại trải qua nhiều gian truân cuộc đời, không thể “thật dạ tin người” dễ dàng như thế!
Theo chúng tôi, Thúy Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng xuất phát từ các nguyên nhân sau:
Trước hết vì Kiều chưa hiểu được khát vọng tự do Dọc ngang nào biết trên đầu có ai, cùng hành động diệt trừ Những loài giá áo túi cơm, lật nhào chế độ vua quan thối nát, thực hiện lý tưởng Giữa đường dẫu thấy bất bằng mà tha của Từ hải. Thậm chí Kiều còn cho cuộc khởi nghĩa của chàng là phản nghịch, gây nên đau thương tang tóc cho xã hội:
Ngẫm từ dấy việc binh đao,
Đống xương vô định đã cao bằng đầu.
Làm chi để tiếng về sau,
Nghìn năm ai có khen đâu Hoàng Sào.
Kể cả khi bộ mặt bất nghĩa, bất tín của Hồ Tôn Hiến đã bị lật tẩy; Từ công đã chết oan, Kiều vẫn nghĩ mình có chút công lao với đất nước: Xét mình công ít, tội nhiều.
Mặt khác, trong những ngày “hương lửa đương nồng” với Từ, hình ảnh chàng Kim vẫn hiện hữu trong trái tim Kiều: Tiếc thay chút nghĩa cũ càng/ Dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng. Vì vậy, nàng nóng lòng mong cuộc chiến mau kết thúc, để được “liệu về cố hương” đoàn tụ gia đình, gặp lại “người ngày xưa”.
Nhưng nguyên nhân chính là do Kiều gặp quá nhiều thất bại, cay đắng từ cuộc đời. Tình yêu với Kim Trọng đẹp đẽ, trong trắng là thế mà bỗng chốc tan thành mây khói. Gia đình đang yên lành, êm ái bị vu oán, hãm hại. Kiều phải bán mình cứu cha và em. Lời thề Trăm năm thề chẳng ôm cầm thuyền ai trở thành câu nói mỉa mai. Tuổi xuân của nàng nặng nề trôi qua trong vũng lầy ô nhục. Thể xác bị giày vò, tài hoa nhan sắc bị chà đạp. Ở đâu nàng cũng gặp những phường lừa đảo. Bề ngoài chúng chải chuốt dịu dàng, mày râu nhẵn nhụi, áo quần bảnh bao. Chúng ăn nói ngọt ngào, thậm chí mang cả trời đất ra thề thốt:
Mai sau dù đến thế nào,
Kìa gương nhật nguyệt, nọ dao quỉ thần.
Dù ai lòng có sở cầu,
Tâm minh xin quyết có nhau một lời.
Chứng minh có đất có trời…
Nhưng thực chất chỉ là “phường bán thịt”, “tay buôn người”. Do đó mà lòng tin vào cuộc đời của Thúy Kiều bị mất. Nàng mang nặng tâm lý thất bại của “con chim” mang đầy thương tích, sợ hãi khi nhìn thấy “cành cây cong”. Bởi vậy, đang cùng Từ Nghênh ngang một cõi biên thùy, Kiều vẫn không an tâm mà luôn nơm nớp sợ đổ vỡ. Cho nên khi nghe những lời “chiêu an” của Hồ Tôn Hiến nàng chớp lấy rồi ra sức khuyên Từ Bó thân về với triều đình. Dường như, lúc này không phải là một Thúy Kiều “sắc sảo mặn mà” dám vượt lên lễ giáo phong kiến, Xăm xăm băng lối vườn khuya một mình để đến tình tự với người yêu (Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa); cũng không còn là một Thúy Kiều uy nghiêm ngồi ghế quan tòa dõng dạc tuyên án: Lệnh quân truyền xuống nội đao/ Thề sao thì lại cứ sao gia hình!
Hành động Thúy Kiều khuyên Từ Hải đầu hàng bộc lộ mâu thuẫn trong con người Nguyễn Du. Một mặt thi nhân muốn duy trì chế độ phong kiến, coi những cuộc khởi nghĩa của nông dân là phản loạn, gieo rắc chết chóc tang thương cho xã hội nhưng mặt khác tác giả lờ mờ nhận thấy đây là những phong trào đấu tranh nhằm lập lại trật tự, công lý cho nhân dân. Đại thi hào không những để cho Hồ Tôn Hiến hiện nguyên hình là một tên đại thần bội tín, háo sắc xấu xí Nghe càng đắm, ngắm càng say/ Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình! mà còn đẩy Kiều vào cảnh Giết chồng mà lại lấy chồng nên phải tìm đến cái chết Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang. Hơn thế, Thúy Kiều nghe theo lời Hồ Tôn Hiến đã mất tất cả: mất tình yêu, mất chồng, mất ân nhân, mất người tri kỉ, mất lẽ phải, mất công lí và vô tình trở thành kẻ giết chồng, giết ân nhân, giết tri kỉ, giết lẽ phải trên đời. Do đó, đây là nỗi đau đớn nhất, nhục nhã nhất trong cuộc đời của Thúy Kiều [3, tr. 147-148].
3. Truyện Kiều là tác phẩm lớn, là sản phẩm sáng tạo tuyệt vời của Đại Thi hào Nguyễn Du. Ở đó, chứa nhiều “chỗ trống” luôn vẫy gọi người đọc tìm thêm những lớp nghĩa vô cùng phong phú và thú vị. Cũng như các tác phẩm lớn của các bậc thiên tài, “Truyện Kiều nói mãi không cùng”. Hơn hai trăm năm, nghĩa của tác phẩm không ngừng thay đổi. Khi mới ra đời, các nhà Nho cho đây là chuyện tài tử-giai nhân, Phạm Quỳnh coi là “quốc hồn quốc túy”, Hoài Thanh thấy đó là tiếng nói “đòi quyền sống cho con người”, gần đây các nhà nghiên cứu nói đến “thân phận con người” [5, tr. 328-346]. Do đó, những suy nghĩ của chúng tôi như một giọt nước nhỏ giữa đại dương mênh mông, quanh năm sóng vỗ, góp phần khám phá Truyện Kiều, rất mong nhận được những ý kiến đóng góp, phản biện của độc giả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1] Nguyễn Du (1979), Truyện Kiều, Nxb Văn học, Hà Nội.
[2] Nguyễn Lộc (1999), Văn học Việt Nam (nửa cuối thế kỷ XVIII-hết thế kỷ XIX), Nxb Giáo dục, Hà Nội.
[3] Nhiều tác giả (2007), Giáo trình Văn học trung đại Việt Nam, Tập 2, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
[4] Phan Ngọc (2003), Tìm hiểu phong cách Nguyễn Du trong Truyện Kiều, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
[5] Trần Đình Sử (2003), Thi pháp Truyện Kiều, Nxb Giáo dục, Hà Nội.