Một tâm hồn tươi trẻ

652

                                                                                          Bích Ngân

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đi. Gặp gỡ. Cảm nhận. Học hỏi. Khám phá. Ghi chép. Nghiên cứu. Giảng dạy. Viết. Làm đầy thêm vốn tri thức, làm phong phú thêm cảm xúc… Hành trình không ngơi nghỉ ấy, dường như càng khiến tâm hồn Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền ngày một thêm tươi trẻ.

Vẻ đẹp tâm hồn vừa khó nắm bắt, lại vừa không dễ diễn đạt, dù bằng ngôn từ. Đó là thứ lung linh của ánh sáng lại vừa là hồi quang của chính nó. Vẻ đẹp mỏng mảnh mà mạnh mẽ; dịu dàng mà đằm sâu; phản chiếu và không ngừng xê dịch… đã khiến người tiếp xúc, kể cả khi gần gũi thân tình đi nữa, cũng chỉ có thể cảm nhận được sự chân tình ấm áp từ nguồn năng lượng được sinh ra từ sức mạnh nội tâm ấy.

Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền nhận Giải thưởng Cống hiến Giáo dục toàn cầu (Global Education Contribution Award) do Tập đoàn Giáo dục Daekyo, Hàn Quốc, trao tặng về những đóng góp trong nghiên cứu, giảng dạy văn hóa, văn học Hàn Quốc ở Việt Nam.  

Ảnh: Daekyo

Đó cũng là nguồn “năng lượng” mà tôi phần nào cảm nhận được từ Giáo sư  – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền trong mỗi lần chúng tôi gặp nhau và có dịp làm việc cùng nhau.

Dù khi ngồi cà phê tán gẫu hay lúc cùng nhau thực hiện một dự án về sách, hoặc tham gia những buổi giao lưu giới thiệu tác giả tác phẩm văn chương Việt Nam và Hàn Quốc được tổ chức tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, hay tham gia những cuộc tọa đàm, những hội thảo về văn chương trong nước và văn học châu Á… Ở đâu, lúc nào, thư nhàn hay bận rộn, vui đùa hay nghiêm nghị, Phan Thị Thu Hiền cũng để lại nơi tôi tình cảm trìu mến và ấn tượng khó quên về vị nữ giáo sư nhẹ nhõm, cởi mở mà năng động. Sự năng động lôi cuốn của một người luôn theo đuổi mục tiêu đam mê của mình, dù mục tiêu đó phải trải qua một con đường gập ghềnh chông gai.

Ngay cả khi không gặp được nhau, chỉ cần thường đọc status của Giáo sư  – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền và dành ít thời gian tìm hiểu thêm những đóng góp của cô cho việc giảng dạy, đào tạo ở bậc đại học và sau đại học; những công trình nghiên cứu khoa học về văn học trong nước và thế giới; và những nỗ lực của cô để góp phần kết nối văn hóa Việt Nam với văn hóa một số nước … tôi càng tự tin hơn về cảm nhận của mình.

Năm 2018, hết tuổi quản lý, thôi đảm trách nhiệm vụ Trưởng Khoa Hàn Quốc học của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền như lại trẻ trung hơn, tiếp tục hăm hở, say mê trên con đường nghiên cứu và giảng dạy mà cô đã có hơn 30 năm gắn bó.

Thành tựu cống hiến và tri thức tích lũy từ ngần ấy năm giúp cho Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền bước vững hơn, tiến xa hơn, tầm nhìn khoáng đạt hơn và chân trời tự do cũng nới rộng thêm. Cô xê dịch trong trạng thái tự do và háo hức. Háo hức mở rộng thêm những cánh cửa tri thức. Háo hức lấp đầy những thiếu hụt bản thân. Háo hức được góp phần làm nhịp cầu kết nối giữa văn hóa giữa Việt Nam và văn hóa thế giới, đặc biệt là văn hóa các nước Đông Á.

Khao khát và hành động. Bền bỉ và liên tục. Những giờ giảng tâm huyết cho Cao học và Nghiên cứu sinh. Những bộ sách đang tiếp tục về Văn học Hàn Quốc và Văn học Đông Á. Vừa thấy Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền thuyết trình chuyên đề văn hóa truyền thống trước cử tọa là các doanh nhân trong và ngoài nước; lại thấy cô có buổi nói về tư tưởng triết học và đạo đức Phật giáo ở một ngôi chùa có cả ngàn tu sĩ và Phật tử; rồi lại thấy cô làm học trò ở một lớp học về triết học và tư tưởng Phương Đông; và mới thấy cô kết thúc chuyến điền dã sáu tháng ở xứ sở Kim Chi; lại thấy cô xách túi đi thăm thú, tìm hiểu nhiều ngôi chùa từ Bắc vào Nam… Vài tuần trước, dừng chân ở một thiền viện, trong một status, cô viết: “Có cơ duyên hành hương xứ Phật khá nhiều lần, chúng tôi vẫn không khỏi trào dâng xúc động khi chiêm bái Tứ động tâm lần đầu tiên hiển hiện nơi miền sông nước Cửu Long, và có lẽ lần đầu tiên kỳ vĩ như thế ở một quốc thổ ngoài sông Hằng. Những cây bồ đề, những cây vô ưu.. từ các xứ sở Phật giáo quây quần ở đây, bên cạnh những rặng tre trúc, những hồ đầm sen, súng, những cây tràm, cây khóm thân thiết, bình dị của quê hương đất Việt. Những chiếc phong linh cực lớn ngân vang thánh thót, êm đềm, trong không trung ngan ngát hương hoa. Vầng trăng tỏa ánh sáng dịu dàng bên cột đá Ashoka tĩnh lặng soi bóng vào nền trời hoàng hôn vời vợi. Và thời kinh chiều tối, tiếng chuông tiếng mõ trầm lắng lan xa, lan xa…”

Đi. Gặp gỡ. Cảm nhận. Học hỏi. Khám phá. Ghi chép. Nghiên cứu. Giảng dạy. Viết. Làm đầy thêm vốn tri thức, làm phong phú thêm cảm xúc…

Hành trình không ngơi nghỉ ấy, dường như càng khiến tâm hồn Giáo sư – Tiến sĩ Phan Thị Thu Hiền ngày một thêm tươi trẻ.

B.N