Một Tết sum vầy yêu thương – Tản mạn của Phương Uyên

383

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong giá lạnh trời Đông, ai cũng mong được sự ấm áp. Cuối Đông mọi người đều mong Tết về… Tết về làm cho ai cũng thấy ấm áp nhiều và có tình yêu thương được nhận…

Tác giả Phương Uyên

Tôi thấy cứ mỗi dịp Tết đến xuân về, cả gia đình quây quần bên nhau, hỏi thăm sức khỏe, chia sẻ những chuyện đã diễn ra trong năm vừa qua. Đó là dịp để nhắc nhở quá khứ, trân trọng những gì đã qua và hướng tới những điều tốt đẹp trong tương lai. Tiếng nói tiếng cười vui vẻ, rộn rã những ngày Tết. Tết còn là dịp cho những người con xa quê được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, cùng thăm ngôi nhà thân thuộc, sân nhà từng nô đùa… được sống lại những kỉ niệm đầy ắp yêu thương bên gia đình và người thân.

Những ngày cuối năm, cả gia đình quây quần cùng nhau dọn dẹp nhà cửa, trang trí, sửa soạn lại đồ đạc trong nhà. Ngày đầu năm mới thì cùng nhau đi thăm họ hàng, anh em, làng xóm, gửi tặng nhau những lời chúc Tết tốt đẹp nhất.

Nhưng điều đẹp nhất trong tết mà tôi luôn nhớ đó là nồi bánh chưng xanh. Nhìn bếp hồng đỏ, cả nhà sum vầy gói bánh biết bao nụ cười hạnh phúc luôn trào lên trong tim.

Đã là Tết thì không thể thiếu bánh chưng (miền Bắc). Thông thường, qua ngày thắp hương Ông Công ông Táo (23 tháng Chạp), mẹ tôi đi chợ mua lá dong, ống giang, ngâm đỗ để chuẩn bị gói bánh chưng. Sau đó, mỗi người một việc, người rửa lá, người vo gạo, đãi đỗ, chẻ lạt…Dường như nhờ có việc gói bánh chưng, mà cái Tết trở nên ấm cúng và ý nghĩa hơn. Năm nào cũng vậy, mẹ và bà đều đặn tôi mang biếu anh em, họ hàng, mỗi nhà một hai cặp bánh chưng.Vào những ngày cuối năm, bên cạnh nồi bánh chưng thơm lừng, chậu nước lá mùi cũng là mùi hương không thể thiếu. Theo quan niệm xưa, tắm gội nước lá mùi già vào ngày cuối cùng của năm mang ý nghĩa gột rửa, xua đi những điều chuyện không hay của năm cũ, đón năm mới với khởi đầu tốt đẹp hơn.

Ngày Tết là ngày của sự đoàn tụ, là ngày để mọi người trở về với gia đình của mình. Từ rất xa xưa, người Việt chúng ta đã biết thờ cúng ông bà, tổ tiên của mình. Dù có nghèo khó đến mấy, mọi gia đình đều cố gắng sắm sửa một vài mâm cỗ để cúng ông bà, tổ tiên, mời ông bà tổ tiên cùng về đón Tết với con cháu. Việc làm này đã tác động sâu sắc vào tâm thức của những người con đất Việt, nhắc nhở mọi người nhớ đến công ơn sinh thành dưỡng dục của ông bà, cha mẹ, làm cho lòng hiếu thảo trong mỗi người con được tiếp thêm sức mạnh, được nuôi lớn không ngừng.

Tôi thấy xưa nay, bữa cơm chính là khoảnh khắc sum họp, là nơi thể hiện sự tôn trọng, yêu thương, chăm sóc của mỗi thành viên trong gia đình. Con trẻ thể hiện sự kính trọng với ông bà, cha mẹ qua từng cử chỉ ăn uống. Bữa cơm sum họp ngày Tết càng trở nên đặc biệt bởi nó không chỉ đơn giản là cung cấp những món ăn có chất lượng cuộc sống mà còn giáo dục lối sống lành mạnh cho con cái. Bữa cơm ngày Tết được xem như là linh hồn của sự đoàn kết, yêu thương nuôi dưỡng tâm hồn con người, tạo nên tình cảm thắm thiết giữa các thế hệ trong gia đình. Đó cũng là lúc hai từ “sum họp” trọn vẹn ý nghĩa nhất. Bữa cơm gia đình ngày Tết trở thành kỷ niệm mà mỗi người luôn mang theo, trở thành hành trang trong lao động, học tập.

Bao đời nay Tết sum vầy, về quê ăn Tết trông nồi bánh chưng cùng gia đình quây quần bên bếp lửa hồng đó là điều bình dị nhất nhưng mang nhiều ý nghĩa. Như tôi thấy gia đình nào cũng vậy đều mong con cháu người thân trở về đoàn tụ trao nhau tình yêu thương nồng ấm.

Cả năm mới được Tết một lần. Đã là người Việt Nam không chỉ đón Tết bằng vật chất mà còn đón Tết về mặt tinh thần. Tết ngày nay có phần đơn giản hơn về nhiều mặt tục lệ, ăn uống nhưng sự đoàn tụ sau một năm dài xa cách chính là điều ý nghĩa nhất của mỗi người con xa quê như tôi. Hãy giữ giá trị của Tết quê mình.

P.U