Một thuở như là – Tùy bút của Lê Quý Nghi

1542

(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi hẹn bé Trâm sẽ có dịp ghé thăm, rồi chia tay. Ai ngờ, đó cũng là chia tay lần thứ hai cho tới bây giờ! Gia đình anh Hai bên kia bờ Thái Bình Dương nay sao? Thằng Nhân có hay bị sốt nữa không? Rồi bé Trâm, con có về với ba hay ngụ lại Sài Gòn? Ôi! Một thuở như là mới vừa hôm qua!

Tác giả Lê Quý Nghi 

Tôi gặp anh Hai năm chín bảy, lúc tôi đang đi tìm nhà trọ. Thằng Tuấn học chung với tôi trên giảng đường bảo, hẻm nhà nó có nhiều người ở trọ lắm. Chiều, tôi đạp xe tìm khắp, chỗ thì hết phòng, chỗ thì giá cao ngất. Tôi đang dạy kèm hai “cua”, mỗi “cua” tháng hai trăm rưỡi mà tiền phòng ba trăm, sao chịu nổi! Tôi quay ra thì gặp anh Hai. Anh đang ngồi thu lu hút thuốc trên cái ghế đá đã sứt mẻ hai đầu vai tựa, chỉ còn mỗi chỗ ngồi. Tôi dựng xe chào anh rồi hỏi thăm hú họa. Anh niềm nở bảo tôi nếu không tìm ra phòng trọ thì về ở với anh chị, nhà còn chỗ phòng khách! Tôi loáng nhìn vào nhà rồi hỏi anh tiền trọ một tháng bao nhiêu? Anh bảo anh không lấy tiền nhà, mỗi tháng phụ anh chị tiền điện nước là được!

Nhà của anh Hai là nhà cấp… năm, ngang tầm ba mét, từ trước ra sau chỉ hơn chục bước chân. Hai bên nhà vách tôn đã cũ, mái cũng vậy, chỉ vách trước là xây tường gạch, cùng với hiên nhà nhỏ xíu đặt ghế đá. Giữa nhà ngăn cái phòng ngủ mỗi chiều khoảng hai mét bằng ván ép, chừa lối đi nhỏ từ trước ra sau. Phòng khách rộng hơn một chút, đặt cái bàn xếp với mấy cây ghế học trò.

Tôi ngồi với anh Hai. Anh mới vừa gần năm mươi nhưng tóc bạc quá nửa. Dáng anh gầy và khắc khổ. Mắt anh sáng độ lượng mà gương mặt, nhứt là hai gò má với cằm, nhô cả xương! Anh Hai lôi bịch thuốc lá ra vấn:

– Biết hút thuốc không?

– Dạ có.

Tôi vấn thuốc, mùi thơm bốc lên mũi.

– Thuốc gì vậy anh Hai?

– Thuốc Phương Lâm, bạn cùng đơn vị với anh, thường gửi lên.

Tôi vừa rít thuốc vừa nghe anh kể: “Anh gốc Sài Gòn, Thiếu úy, sau năm bảy lăm anh đi học tập cải tạo, rồi về. Khi về, cũng may còn nhà, mẹ anh còn ở lại, ba đã mất. Em út nheo nhóc nên anh, dù còm cỏi vẫn phải cáng đáng cùng mẹ nuôi mấy đứa em. Đến khi em út trưởng thành thì anh mới cưới vợ, hơn chục năm trước, khi anh đã gần bốn mươi. Vợ anh nhỏ hơn anh cả chục tuổi nhưng may mắn sanh cho anh được bé Lan với thằng Nhân. Hai đứa đang đi học, xíu anh đón rồi còn qua chợ An Đông chở chị về nữa, chị bán hàng la-ghim bên đó”. Tôi quay nhìn, bên vách nhà là chiếc xe cúp cà tàng, trơ cái ba ga rộng và dài quá cỡ!

Anh Hai nhắc “Nếu không tìm được phòng trọ thì về ở với anh chị!”. Tôi gật đầu cảm ơn anh. Chiều, hẻm xôn xao người về, tôi phụ đẩy xe ra cho anh Hai. Hiên nhà nắng xiêu xiêu!

Hôm sau, tôi thu dọn đồ đạc, cũng không có gì nhiều. Mấy chồng sách vở tôi xếp gọn vào cái rương thiếc mà tôi đem theo từ khi lên Sài Gòn. Vài ba bộ đồ với cái mền đơn mỏng dính, tôi nhét vào túi vải cùng bàn chải đánh răng và ống kem còn hơn một phần tư. Buộc rương sau ba-ga, vai đeo túi vải, tôi tạ từ chốn cũ đạp xe qua anh Hai.

Đã đi, về một lần rồi vậy mà tôi vẫn cứ lạc. Đường Trần Văn Đang (Quận 3) đã nhỏ, số thì lộn xộn, hẻm lại giăng như tơ! Tôi chạy vòng vèo một lúc cũng tới được nhà anh Hai. Nhà đóng cửa, giấc này đã gần trưa, tôi ngồi ghế đá đợi! Nhớ hôm qua anh Hai nói, ba giờ sáng anh chở chị qua chợ An Đông, sau đó quay về đưa hai đứa nhỏ đi học rồi qua lại phụ chị bán trưa mới về. Chờ lâu, tôi sang nhà thằng Tuấn, xeo xéo nhà anh Hai trong con hẻm nhỏ hơn. Thằng Tuấn chưa về! Tôi gửi xe và túi vải lại đó rồi đi bộ lòng vòng, xem sao? Xóm này giáp với kênh Nhiêu Lộc, nhà cửa xập xệ, đi hết mấy con hẻm chỉ đếm được vài ba cái nhà tầng. Ra sát bờ kênh, tôi gặp dãy chòi tôn lộc xộc dựng trên cọc bê tông xâm xấp mặt nước. Quay lại, tôi hỏi mẹ thằng Tuấn thì biết đó là nhà vệ sinh công cộng, dùng cho cả xóm!

Anh Hai về trễ, chiếc xe cúp cà tàng của anh lại chết máy nên dắt bộ. Tôi vào nhà, phụ anh cắt rau cải, nấu cơm. Anh mời tôi ăn cơm, chỉ cơm và canh rau cải với mấy miếng đậu hủ kho từ hôm qua. Anh Hai phân bua:

– Chị bận buôn bán nên ăn uống thất thường, chỉ lo buổi sáng với buổi tối cho hai đứa nhỏ, trưa thì anh có gì ăn nấy. Em về đây ở, ăn cơm chung với nhà anh chị cho vui.

Chiều, tôi dọn mấy cái ghế với bàn xếp qua một góc, làm nơi cho bé Lan học bài. Tôi giăng dây kẽm sát vách tôn treo mấy bộ đồ, rồi lau sạch cái nền gạch. Anh Hai đem ra cho tôi cái nệm mỏng, tuy cũ nhưng vẫn còn tươm tất. Xong đâu đó, tôi lọ mọ cà lê mỏ lết với anh Hai sửa chiếc xe cúp, cũng gần tới giờ đón chị và hai đứa nhóc rồi. Tôi chưa gặp chị và hai đứa nhóc! Loay hoay mãi chẳng ăn thua, tôi đạp xình xịch mà chiếc xe không chịu nổ! Tôi dắt xe ra ngoài hẻm, tính kêu anh Hai đẩy rồi gài số cầu may thì gặp ngay ông anh đạp xích lô đang trờ tới. Anh Hai vừa mừng vừa gọi lớn:

– Tám, nay về sớm hả, mày sửa giùm tao với!

Anh Tám kéo thắng dừng lại. Anh chỉnh sửa một lúc rồi đạp máy, chiếc xe nổ ngon ơ.

Sau này tôi mới biết, anh Tám cùng cấp bậc và đã từng vào sinh ra tử với anh Hai. Chỉ khác là anh ít giao tiếp, thui thủi một mình chạy xích lô nuôi bé Trâm ăn học. Bé Trâm đang học lớp bảy.

Con của anh Hai, đứa nào cũng gầy gò. Có lẽ do anh chị sấp mặt chạy lo miếng ăn từng bữa nên thiếu chăm sóc. Vả lại, nhà anh chị còn khổ quá! Bé Lan học lớp năm mà trông như vừa lớp ba. Được cái, bé Lan siêng học, tuy không giỏi. Còn cu Nhân hơn ba tuổi nhưng đau ốm liên miên, cũng may toàn ho sốt lặt vặt chớ chưa khi nào trầm trọng. Ở với anh Hai được gần tháng thì tôi nghỉ “cua” dạy ở Gò Vấp, nhờ thằng Hiếu bạn tôi dạy thay, vì xa quá! Một hôm, tôi nói với anh chị, mỗi tối trừ ba bữa trong tuần tôi đi dạy bên đường Cách Mạng Tháng Tám, còn lại lúc rảnh tôi dạy kèm thêm cho bé Lan, trông nó cũng ham học! Chị Hai ngần ngại:

– Anh chị cũng muốn cho bé Lan đi học thêm hay tìm người về dạy kèm vì qua năm nó phải thi vào lớp sáu, ngặt nỗi anh chị lo tiền học ở trường cho nó với thằng Nhân còn xấc bấc…

Tôi ngắt lời:

– Dạ không, em ở đây dạy kèm cho bé Lan thì tiền nong gì? Anh chị cho em ở trọ còn không lấy tiền nữa mà!

Sau hôm đó, tôi sắp thời khóa biểu mỗi tuần dạy kèm cho bé Lan. Bé Lan học mỗi ngày mỗi khá lên!

Tối tối dạy kèm cho bé Lan, tôi để ý hay có cô bé, nhỉn hơn bé Lan một chút đi ngang nhà, dừng lại nhìn vào qua cửa sổ một lúc rồi quay về. Tôi hỏi bé Lan.

– Dạ, là chị Trâm, chị học lớp bảy, con của chú Tám nhà ở gần đây. Trong xóm, chị chỉ chơi với mỗi mình con thôi à!

Tôi nhớ tới anh Tám đạp xích lô sửa xe cho anh Hai hôm tôi mới đến. Anh Tám, cũng như anh Hai nhưng bi thảm hơn, sau năm bảy lăm học tập cải tạo về thì ba mẹ không còn, nhà cửa bị tịch biên. Đứa em của anh ôm di ảnh ba mẹ đi kinh tế mới tận Bình Phước. Anh lây lất kiếm sống bằng đủ thứ nghề. Năm tám ba, lúc đang làm thợ cho một tiệm sửa xe gần ngã tư Bảy Hiền, anh cưới vợ. Vợ anh sanh bé Trâm được hơn một năm rồi mất vì bạo bệnh. Ôm bé Trâm về tá túc nhà người dì trong hẻm này, anh ra đầu hẻm giăng tấm bạt, mua bộ đồ nghề cũ sửa xe đạp. Đắp đổi qua ngày một thời gian rồi cũng ế ẩm. Được bạn bè giúp đỡ, anh sắm chiếc xích lô ra ga xe lửa Hòa Hưng chở khách cho tới bấy giờ.

Là tôi nghe anh Hai kể như vậy.

Tối hôm sau, anh Hai dẫn tôi qua nhà anh Tám. Anh ở trong căn phòng bề ngang cỡ hơn mét rưỡi, dài tầm năm hay sáu mét, được nới ra từ bên hông nhà của dì anh, tuy lụp xụp nhưng bên trong khá ngăn nắp. Anh Tám niềm nở, không như cái lần tôi gặp. Anh bảo bé Trâm đi mua rượu, tôi giành. Tôi qua quán tạp hóa nhà thằng Tuấn mua bịch rượu trắng với hộp khô bò sấy. Ba anh em ngồi uống rượu, nghe anh Hai với anh Tám nhắc lại từng chuyện xửa xưa, thời chinh chiến… Tôi kể chuyện bé Trâm hay qua nhà anh Hai khi tôi dạy kèm cho bé Lan. Tôi bảo nếu anh không ngại, tôi dạy kèm luôn cho bé Trâm, qua học chung với bé Lan bên nhà anh Hai. Anh Tám uống hết với tôi một ly:

– Anh chạy xe tối ngày, lâu lâu về sớm chỉ bày cho bé Trâm một chút, còn thì nhờ mấy đứa em bên nhà dì của anh. Mà mấy đứa đó cũng quần quật suốt, có rảnh đâu? Ở bên anh Hai, gần đây, em kèm thêm cho nó, anh cảm ơn!

Lưng nửa bịch rượu, tôi với anh Hai ra về. Bé Trâm khoanh tay lễ phép:

– Dạ, con chào bác Hai, con chào thầy!

Vậy là tôi có thêm một đứa học trò nữa.

*

Thằng Nhân sốt. Chiều, lúc anh Hai đón nó về, nó vẫn chạy nhảy nghịch phá. Tối ăn cơm xong chị Hai chơi đùa với nó một lúc rồi cho nó ngủ, đến mười giờ thì nó hâm hẩm quấy khóc, sau sốt cao. Tôi còn học bài phía trước, anh Hai đi ra sốt sắng:

– Nghi, đi mua giúp anh thuốc hạ sốt, để anh nấu nước ấm. Thằng Nhân sốt cao lắm!

Tôi mở cửa, dắt xe đạp chạy ra mấy nơi đầu đường, cũng may có tiệm còn bán. Về đến nhà, thằng Nhân có phần hạ sốt sau khi anh Hai lau nước ấm. Tôi pha thuốc đưa cho anh Hai. Thằng Nhân tuy còn khóc nhưng ngoan ngoãn uống thuốc, có lẽ nó đã quen với các loại thuốc này từ lâu. Tầm gần nửa đêm thằng Nhân mát người, thôi khóc rồi ngủ lịm. Cả nhà cũng đi ngủ theo.

Ba giờ sáng là anh Hai chở chị Hai ra chợ, tôi nghe tiếng lục đục phía sau nhà cùng tiếng khóc của thằng Nhân, có lẽ nó sốt lại? Thường ngày, lúc anh chị đi chợ thì hai chị em bé Lan còn ngủ say, đến khoảng gần sáu giờ sáng, anh Hai về thức tụi nó dậy ăn sáng rồi chở đi học. Nay thằng Nhân đang sốt, không biết tính sao? Tôi lật đật nhổm dậy, đi ra sau nhà hỏi thăm anh chị. Anh Hai loay hoay:

– Giờ rau quả đã dặn, phải qua chợ, hay là em vào đây ngủ dỗ thằng Nhân, anh vừa mới cho nó uống thêm liều hạ sốt?

Tôi dạ, phụ soạn đồ rồi đẩy giúp xe ra cho anh Hai, chắc trễ lắm rồi! Tôi vào nằm kế thằng Nhân, sờ lên trán nó vẫn còn hâm hẩm. Thi thoảng nó cựa mình khóc, tôi lại dỗ… Cứ vậy cho đến tờ mờ sáng thì anh Hai về.

Qua Tết năm chín tám, khoảng đầu tháng tư, tôi đi thực tập tại chi cục thuế Quận 11, gần chợ Thiếc. Lúc này bé Lan đã vào lớp sáu trường gần nhà, còn bé Trâm lên lớp tám, hai đứa học khá giỏi! Quãng đường từ nhà anh Hai đến chỗ tôi thực tập xa quá! Tôi đi được mấy ngày. Một bữa cơm tối, tôi thưa với anh chị:

– Em giờ thực tập bên Quận 11, hơi xa, chắc em qua ở chung với bạn em gần bên đó cho tiện…

Anh Hai biết tôi đang đi thực tập, bởi hôm trước tôi có nói nên anh cũng không bất ngờ gì, anh chỉ dặn dò:

– Thời gian em ở với anh chị đã gần năm, thân thiết như người trong gia đình. Nay vì điều kiện học hành mà không ở đây nữa, em qua đó cố gắng, thi thoảng về thăm anh chị là vui rồi!

Hôm sau nữa, tôi qua chia tay anh Tám với bé Trâm.

Vẫn cái rương buộc sau ba-ga và túi vải đeo vai, tôi tạ từ anh chị Hai. Tội nghiệp bé Lan đứng tần ngần rươm rướm mắt với thằng Nhân khóc níu không cho đi!

Thỉnh thoảng tôi vẫn về thăm anh Hai, anh Tám. Cho đến khi tôi ra trường rồi tìm được việc làm kế toán cho một công ty sản xuất nhỏ tận Hóc Môn. Tôi ít về thăm hơn, phần vì đường xa, phần vì công việc. Bẵng đi vài năm sau tôi về lại, anh Hai đã bán nhà đi đâu mất. Tôi qua nhà thằng Tuấn hỏi, Tuấn cũng không rõ. Tôi buồn bả đạp xe xuống nhà anh Tám. Cổng khóa. Tôi gọi rồi nhìn vào bên trong, không có ai! Căn phòng bên hông nhà dì của anh Tám cũng dỡ đi từ lúc nào. Quay lại nhà thằng Tuấn tôi mới biết anh Tám với bé Trâm, hình như lên Bình Phước?

Tôi vẫn hay quay lại trường Tài chánh khi có dịp, thường lòng vòng quanh trường một lúc rồi ghé căn-tin uống cà phê hoặc ra vỉa hè đường Đào Duy Từ gọi bình bia hơi. Một lần đang ngồi ở căn-tin, có nhóm sinh viên nữ đi vào, tôi nhác thấy ai như bé Trâm? Chờ nhóm sinh viên ngồi vào bàn phía góc quán, tôi nhìn kỹ hơn, đúng là bé Trâm rồi! Tôi nhẩm tính, hơn bốn năm, bé Trâm nay cũng đã vào đại học. Tôi đi qua bàn của nhóm sinh viên, chưa kịp hỏi…

– Ôi, thầy Nghi, phải thầy Nghi không?

– Bé Trâm, con học ở đây hả?

Bé Trâm đứng dậy chạy lại ôm choàng vai tôi…

Tôi ngồi cùng bàn với bé Trâm rồi hỏi han.

– Từ sau ngày thầy đi ít lâu, ba với con lên nhà chú Chín ở Bình Phước. Chú Chín mua cho ba con miếng đất trồng cà phê, mới đầu cũng khổ nhưng nay đỡ đỡ rồi thầy ạ! Con thi đậu trường Kinh tế, mới năm nay.

Tôi bùi ngùi và mừng cho bé Trâm.

– Con ở đâu, gần trường không?

Bé Trâm quay nhìn ra ngoài cổng trường rồi thưa:

– Dạ, con ở ký túc xá Nguyễn Chí Thanh, mà, sao thầy lại đến đây?

– À, xưa thầy cũng học trường này…

Tôi hỏi thêm bé Trâm về anh Hai thì mới biết, gia đình anh Hai đã định cư tại Mỹ, theo diện HO.

– Con có hay về nhà không, cho thầy gửi lời hỏi thăm ba con!

Bé Trâm cúi nhìn, giọng chùng lại:

– Dạ, con ít khi về. Từ khi vào đại học, con nhận thêm “cua” dạy kèm để trang trải, giống như thầy ngày xưa vậy đó!

Tôi hẹn bé Trâm sẽ có dịp ghé thăm, rồi chia tay. Ai ngờ, đó cũng là chia tay lần thứ hai cho tới bây giờ! Gia đình anh Hai bên kia bờ Thái Bình Dương nay sao? Thằng Nhân có hay bị sốt nữa không? Rồi bé Trâm, con có về với ba hay ngụ lại Sài Gòn? Ôi! Một thuở như là mới vừa hôm qua!

L.Q.N