Một trong hai tùy bút quan trọng của văn chương Nhật Bản thời trung cổ

676

Cùng với Phương trượng ký của thiền sư Gokuraku Shujo, Đồ nhiên thảo của thiền sư Urabe Kenko được đánh giá là hai tập tùy bút quan trọng bậc nhất của văn chương Nhật Bản thời trung cổ. Ở đó, Đồ nhiên thảo không đơn thuần chỉ là sự “buồn buồn phóng bút” của một nhà sư, mà hơn cả, đấy còn là sự cảm tác của một thiền sư có đạo hạnh trước nghệ thuật, nhân tình thế thái, đạo đức làm người, và cả thời cuộc suy vi.

Đồ nhiên thảo và bức tranh nước Nhật thời trung cổ

Là một nhà sư ở ẩn, lánh đời nhưng dường như, thiền sư Urabe Kenko dù ở ẩn về thể xác nhưng tâm của ông lại chẳng hề ẩn dật. Ông vẫn một lòng hướng về thời cuộc, về nước Nhật “kinh qua nhiều cuộc biến loạn quân sự lẫn chính trị.” Và cái tâm ấy, đã được thể hiện rất rõ trong 243 đoạn văn Đồ nhiên thảo, ngỡ rằng được viết chỉ như một sự “buồn buồn phóng bút” nhưng thẳm sâu, là những chắt lọc tình cảm qua quá trình quan sát tinh tế của Kenko về bức tranh toàn cảnh Nhật Bản thời trung cổ.

Nước Nhật ngày ấy, trải dài theo ánh nhìn của cuộc đời Kenko từ cuối thế kỉ XIII tới giữa thế kỉ XIV, đã đi qua đủ thăng trầm, phát triển thịnh trị dưới vương triều thiên hoàng Go Nijo. Nhưng khi Thiên hoàng tại thế, quyền lực liên tục chuyển giao cũng là lúc, sự suy vi dần manh nha và càng ngày càng hiển hiện rõ rệt. “Mang sẵn tư tưởng yếm thế” (chữ dùng của dịch giả Nguyễn Nam Trân), đứng trước đổi thay của bánh răng lịch sử cùng những đổi thay trong chính cuộc đời ông, Kenko không khỏi cảm tác nhân tình, thế thái.

Rằng, “trong thời buổi tàn mạt của thế gian như ngày nay”, thời cuộc dần lụi tàn, lòng người cũng loạn lạc, nhìn hôm nay lại nhớ khi xưa mà không khỏi cảm khái trước bao nét đẹp những tưởng đã trở thành truyền thống, ăn sâu vào nếp nghĩ, hành động con người lại dần mai một. Con người theo đó, cũng trở nên tùy tiện, và bản thân Kenko cùng lớp người như ông, đứng trước đổi thay xã hội, bỗng trở nên lạc lõng và tự thấy xa lạ khi đối diện cuộc đời, người đời. “[…] tất cả đều là kẻ bỏ rơi tập quán cố hữu của mình để chạy theo người lạ. Cảnh tượng như thế trông thật bực mắt.”

Và như một vòng lặp không có điểm dừng, càng đau xót, hụt hẫng trước thực tại bao nhiêu, Kenko lại càng hoài cổ bấy nhiêu. Ông viết về lối sống của người đời trước, ông dẫn điển tích trong các sách Tứ thư, Ngũ Kinh, Đạo đức kinh…, ông viện đến những danh nhân đời xưa hay cùng thời với ông,… Tất cả tạo nên sự tương phản giữa vàng son một thủa với thực tại lụi tàn.

Nhưng dẫu là quá khứ hay hiện tại Kenko sinh sống, thì tới tận cùng, những gì ông viết trên trang văn Đồ nhiên thảo vẫn mang tính khảo cứu, tư liệu đầy quý báu về phong tục, tập quán xã hội, lịch sử, con người của một thời quá vãng. Nhưng đề cập đến sự suy vi, Kenko hướng tới sự hoài cổ cùng khát vọng phục cổ nhiều hơn là cảm xúc cay nghiệt thời cuộc. Có lẽ, “tâm” của một thiền sư khiến ông tĩnh lặng, dù Kenko luôn dõi ánh nhìn theo từng thời gian đổi thay.

Và dù chứa đựng đủ đầy mâu thuẫn của xã hội Nhật Bản cuối thế kỉ XIII, giữa thế kỉ XIV song tùy bút Đồ nhiên thảo lại được viết bằng bút pháp rất mực trong sáng, vừa trung dung, vừa thể hiện được “cái tôi” của một thiền sư có đạo hạnh ở một thể loại thể hiện rất rõ cá tính người viết. Và tái hiện bức tranh Nhật Bản thời trung cổ, bản thân Kenko cũng như tái hiện chính ông, con người có ở ẩn thì tâm vẫn hướng tới cuộc đời, đồng thời luôn tự ý thức, bản thân cũng chỉ là một phần của bức tranh thời đại xoay vần ấy mà thôi.

Nước Nhật đổi thay. Kenko hoài cổ và cũng đầy bất lực trước thay đổi chẳng thể cưỡng cầu đó.

Đồ nhiên thảo và quan niệm về cách làm người của Kenko

Bên cạnh việc bày tỏ quan điểm về thời cuộc, Đồ nhiên thảo còn chứa đựng những quan niệm của Kenko về con người và cách làm người. Không thể nói là không có những mâu thuẫn hay có triết lí nhân sinh phù hợp với thời đại Kenko song đến hiện tại, nhận định đó đã không còn thích hợp trong xã hội hiện đại. Nhưng tựu trung, Đồ nhiên thảo vẫn là một cuốn sách chứa đựng nhiều điều răn dạy hết sức thực tế, thậm chí đến mức nghiệt ngã, để con người ngày càng hoàn thiện mà hướng tới chân giá trị của cuộc đời.

Như trong đoạn 131, ông nhắc tới vấn đề Người nghèo đem của tặng, bên cạnh cái nhìn khách quan rằng, “đó là lễ nghĩa”; Kenko cũng không quên đánh giá câu chuyện trên nhiều khía cạnh để phát hiện: lễ nghĩa, lòng tốt phải gắn liền với hoàn cảnh thực tế của con người. “Còn như không phân biệt hơn thiệt mà cứ tận tụy (tặng/giúp) cho bằng được thì đó là lỗi của người đi tặng hay giúp vậy. Nghèo mà không hiểu điều đó sẽ sinh ra trộm cắp. Giàu mà không hiểu điều đó, sẽ mất sức, đau ốm.”

Hay bản thân Kenko luôn đề cao chữ “tinh” trong nghề nghiệp. Bất kể người đó làm nghề nghiệp gì, chỉ cần đạt tới độ “tinh nghệ”, đều được ông trân trọng. Và quan điểm này của Kenko rất gần gũi với quan điểm “nhất hồ tinh bất quý hồ đa”, “một nghề cho chín còn hơn chín nghề” của người Việt ta.

Đặc biệt, Đồ nhiên thảo là tập tùy bút của một nhà sư – thiền sư có đạo hạnh, nên tác phẩm này còn chứa đựng những tư tưởng “thiền” hết sức sâu sắc. Về thế giới vô thường và sự tồn tại của con người giữa đời vô thường này. “Con người ta dù biết mình phải chết nhưng chưa kịp suy nghĩ điều đó một cách nghiêm túc thì cái chết đã bất chợt đến bên. Cũng như đang nhìn thấy bãi cạn còn lộ ra đến mãi ngoài khơi, thế mà không biết tự lúc nào thủy triều đã dâng lên bờ và liếm tới gót chân.” Và bởi như nhìn thấu tính “vô thường” của kiếp đời phù du, Kenko vừa khuyên răn mỗi người tu tập sao cho đúng đạo làm người, vừa răn người ta sống sao cho trọn từng giây, từng phút. Những điều này, ngỡ rằng mâu thuẫn mà thực ra lại hết sức nhất quán, bởi đời người là vô thường, ngắn ngủi nên sống để không hoài phí một kiếp gá víu nơi trần thế, cũng là cách, để con người đạt tới sự vẹn toàn.

Tuy nhiên, trước khi là một thiền sư, Kenko đã là một võ quan của triều đình Nhật Bản. Nên bên cạnh tính thiền, quan niệm làm người của Kenko còn chịu ảnh hưởng mạnh mẽ từ quy củ, đạo lí, tư tưởng của giới võ sĩ đạo. Và quyện hòa chất thiền bình lặng cùng chất võ sĩ trọng nghĩa khí trong con người Kenko đã làm nên tính linh hoạt cùng ánh nhìn đa chiều của ông khi đứng trước con người giữa thời cuộc đầy biến động.

Đồ nhiên thảo và quan niệm “cái đẹp” của Kenko.

Cùng quan niệm xã hội, con người; quan niệm cái đẹp, nghệ thuật là vấn đề lớn được Kenko đặc biệt chú trọng trong tập tùy bút Đồ nhiên thảo.

Tập sách có nhiều câu văn rất thơ hay những lập luận sắc sảo được vị thiền sư “lánh đục tìm trong” này gợi mở. Nhưng đặc biệt, nhiều đoạn Kenko đã trực tiếp thể hiện, bày tỏ quan điểm của chính ông về nghệ thuật, cái đẹp trên cuộc đời.

Cái đẹp dưới con mắt Kenko giản dị mà cũng rất mực quy củ, truyền thống, và đặc biệt, mang đậm nét thiền Á Đông. “Muôn sự muôn vật nếu đáng cho ta lưu tâm thì cũng là vì chúng có bắt đầu và khi chấm dứt.” Vì thế, với Kenko, vạn vật đều có sức sống, cái đẹp có thể tồn tại ở bất cứ đâu, kể cả khi bắt đầu hay đã kết thúc, bởi ông quan niệm, “vô thường nên mới đẹp”.

Cho nên “anh đào mãn khai” hay “trăng rằm gợn bóng mây” trong nhận định của Kenko cũng đều chứa đựng vẻ đẹp riêng: vẻ đẹp của tâm hồn, sự sống. “Hoa anh đào tàn rụng lả tả ngoài vườn xui chạnh niềm hoài cảm.” “Ngắm vầng trăng tròn vằng vặc không một gợn mây tỏa ra đến ngoài ngàn dặm không thú vị bằng nhìn mộ vầng trăng mới hé lộ khi về sáng sau bao nhiêu đợi chờ của ta. Nó càng thêm thi vị nếu là bóng trăng vương sắc xanh lạnh lẽo trong núi sâu và ta thấy lấp ló trên những ngọn tuyết tùng sắp thành hàng…”

Bản thân Kenko là người hoài cổ, nhất là hoài cổ những nghi thức của người đời xưa mà thời nay đã mai một. Nhưng chính ông, lại luôn hướng tới cái đẹp không tô vẽ hay sắp đặt hoa mĩ. “Thơ người xưa trung thực, không làm cho ra vẻ, mà hình thức lại đẹp và tình ý nồng đượm.”

Kenko định nghĩa, cái đẹp tồn tại ở vạn vật, và cái đẹp cũng tồn tại ở mỗi người, bất kể là người tu hành hay kẻ võ sĩ. Chỉ cần “con người đàng hoàng không bao giờ buông thả trong đam mê, dẫu có thừa hứng thì cũng chỉ là cái hứng thanh đạm”, chỉ cần người đã sống trọn kiếp đời và sẵn sàng đối mặt với cái chết như một lẽ tất yếu của cuộc đời “vô thường.”

“Vì vô thường nên mới đẹp”, nên cái đẹp và nghệ thuật với Kenko rất mực đa hình, đa dạng. Không nhất thiết phải cực đoan mới là đẹp bởi vốn sự sống trên cõi đời này, đã mang nét đẹp riêng của dòng thời gian chảy trôi “sinh, lão, bệnh, tử” chẳng thể đoán biết. Đây cũng là tư tưởng hết sức hiện đại của một thiền sư – tác giả sống vào những năm cuối thế kỉ XIII, giữa thế kỉ XIV; nhưng quan điểm đã vượt thoát khỏi những quy phạm khắc nghiệt trong định nghĩa chữ “mĩ” thời trung cổ.

Theo Mọt Mọt/VNQĐ