Văn học đương đại Nhật Bản ghi nhận sự khác biệt lớn trong phong cách sáng tác của các nhà văn so với thế hệ trước. Có nhận xét rằng các nhà văn Nhật Bản đương đại mất gốc hay Tây hóa quá mức, tuy nhiên họ đã thổi một luồng gió mang hơi thở thời đại mới vào văn đàn nước này. Những biến đổi sâu rộng trong xã hội Nhật Bản từ những thập niên cuối thế kỉ XX, hệ quả của sự tăng trưởng kinh tế thần kì và làn sóng văn hóa phương Tây du nhập, đã ảnh hưởng đến các nhà văn thế hệ này để họ có thể mang vào văn chương đương đại những đặc trưng riêng biệt. Mỗi nhà văn đều không ngừng tìm tòi sáng tạo và thể hiện mình theo những cách khác nhau.
Nhắc đến văn học Nhật Bản đương đại phải nhắc đến “hai Murakami và một Banana” – bộ ba tác giả đương đại nổi tiếng nhất tại Nhật Bản cũng như trên thế giới với nhiều tác phẩm thành công, bán hàng triệu bản. Ngoài ba gương mặt trên, văn học Nhật Bản đương đại còn có nhiều nhà văn có sức viết dồi dào với những tác phẩm phù hợp thị hiếu đại chúng đã được dịch tại Việt Nam.
“Hai Murakami và một Banana”, những gương mặt tiêu biểu của văn học Nhật
Trong số ba nhà văn đương đại nổi tiếng trên, người thường được nhắc đến nhiều nhất và rất đỗi quen thuộc với độc giả Việt Nam là nhà văn Murakami Haruki. Ông sinh năm 1949 tại cố đô Kyoto và trưởng thành tại Kobe. Xuất thân từ gia đình có cha mẹ là giáo viên dạy văn học Nhật Bản nên từ nhỏ ông đã được tiếp nhận nền văn chương truyền thống, vậy nhưng bản thân ông lại yêu thích văn học, văn hóa, âm nhạc phương Tây (nhạc jazz) và tự mình chuyển ngữ nhiều tác phẩm văn học phương Tây nổi tiếng sang tiếng Nhật. Điều này đã làm nên chất riêng của văn chương Murakami Haruki: sự giao hòa phong vị Á Đông (Nhật Bản) và phong cách nghệ thuật phương Tây (Âu – Mĩ). Chính chất riêng này giúp các tác phẩm có sức hấp dẫn phổ quát, đồng điệu với không chỉ độc giả Nhật Bản mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Tác phẩm của Murakami Haruki thường xoay quanh nỗi cô đơn, tình yêu, cái chết, tình dục, những vấn đề mang tính nhân loại sâu sắc. Ông phơi bày nỗi cô đơn, khao khát của con người thị thành hiện đại và hành trình họ tìm kiếm bản ngã, ý nghĩa đích thực của cuộc sống mà cái chết chỉ là một phần trong đó. Murakami Haruki đề cập đến những vấn đề mang tính thời đại khi xã hội Nhật Bản có sự va chạm với văn hóa phương Tây, nhưng ẩn sâu trong đó vẫn hiện diện cảm thức thẩm mĩ riêng biệt của mĩ học Nhật Bản. Văn chương của Murakami Haruki không còn sự phân cách rõ rệt giữa văn học đại chúng bình dân và văn học nghệ thuật thuần túy, truyền thống và hiện đại, phương Đông và phương Tây. Ông vẫn chú trọng xây dựng cốt truyện hấp dẫn, trong đó thế giới thực và ảo đồng hiện tạo thành một thực tại đa diện, khơi gợi trí tưởng tượng của độc giả. Murakami Haruki đã thoát khỏi lối viết chú trọng gọt giũa vẻ đẹp ngôn từ thường thấy trước kia của các nhà văn Nhật, hướng đến sử dụng thứ ngôn ngữ bình dị, hiện đại, hài hòa tính chất giải trí và nghệ thuật. Ông đã lựa chọn câu từ trực nghĩa và có những ẩn dụ, cách thức lí giải của riêng mình thay vì những ẩn dụ truyền thống nặng câu từ ngữ nghĩa khó hiểu, giúp độc giả dễ thấu hiểu và đồng cảm cùng các nhân vật. Các nhân vật trong tác phẩm của Murakami Haruki thường là kiểu nhân vật cô đơn, ám ảnh với thương tổn, chấn thương, méo mó tâm hồn. Họ là những con người đa ngã, phải đấu tranh để kiếm tìm và lựa chọn một bản ngã phù hợp nhất để tồn tại. Các nhân vật đại diện cho thế hệ trẻ đương đại Nhật Bản mang cảm thức về thời đại đã đổ vỡ các giá trị cũ, sống trong bối cảnh không gian Nhật Bản nhưng tiêu thụ những sản phẩm từ văn hóa phương Tây.
Murakami Haruki có nhiều tác phẩm đã được dịch tại Việt Nam như: Lắng nghe gió hát (1979), Cuộc săn cừu hoang (1982), Nhảy nhảy nhảy (1988), Biên niên kí chim vặn dây cót (1994), Kafka bên bờ biển (2002), 1Q84 (2009)… và mới đây nhất là Giết chỉ huy đội kị sĩ (2017)… Trong số các tác phẩm nổi bật nhất của Murakami, phải kể đến tiểu thuyết Rừng Na Uy (1987), một hiện tượng của văn học Nhật tại nhiều nước trên thế giới với hàng triệu bản được bán ra. Trong Rừng Na Uy, các nhân vật đều có bề ngoài bình thường, lành lặn nhưng thực tế họ đã phải trải qua những sự kiện nặng nề, ám ảnh trong quá khứ khiến tâm hồn phải chịu nhiều tổn thương, trở nên méo mó, bất thường. Họ đã cố gắng đấu tranh để chữa lành và được chữa lành, để sống tốt nhất trong tương lai như lời khẳng định của nhân vật chính Toru Watanabe: “Tớ đã chọn sự sống, và sẽ sống đẹp hết sức mình… tớ đã biết thế nào là trách nhiệm… và tớ phải trả giá để tiếp tục sống.” Câu chuyện tái hiện bối cảnh xã hội Nhật Bản những năm 1960 đầy biến động với những cuộc biểu tình của sinh viên, kinh tế phát triển thần tốc và sự va chạm văn hóa Đông – Tây làm thay đổi nhận thức, lối sống của thế hệ trẻ đương thời. Con người cá nhân ở đó phải tự mình trưởng thành trong hành trình kiếm tìm bản ngã, chữa lành, yêu và được yêu.
Một Murakami khác của văn học Nhật Bản đương đại là Murakami Ryu. Nếu như văn chương của Murakami Haruki được nhận xét là chịu ảnh hưởng từ nhạc jazz, thì với Murakami Ryu, nhạc rock dường như đã tác động và khơi gợi nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác của ông. Murakami Ryu sinh năm 1952 trong một gia đình có bố mẹ là giáo viên, sống ở Sasebo, Nagasaki – nơi có căn cứ Hải quân Mĩ. Thế hệ của Murakami Ryu trưởng thành trong bối cảnh xã hội Nhật Bản trải qua làn sóng Mĩ hóa, có nhiều liên hệ và tiếp xúc với văn hóa đại chúng Mĩ hơn là văn hóa truyền thống Nhật Bản. Ngay từ trẻ, ông đã chịu ảnh hưởng của văn hóa hippie và đặc biệt yêu thích nhạc rock. Điều này đi vào văn chương của ông và thể hiện ảnh hưởng rõ rệt trong phong cách sáng tác. Murakami Ryu thường đề cập đến vấn đề đời sống ngập tràn tệ nạn, bạo lực, tình dục và suy đồi của những người trẻ đương đại. Các tác phẩm của ông đã thể hiện mặt trái của Nhật Bản hiện đại với tham nhũng, dâm thư, trụy lạc, hệ quả tất yếu của những biến đổi kinh tế – xã hội Nhật Bản cuối thế kỉ XX. Phải chăng việc trăn trở và phơi bày những vấn nạn trần trụi nhất của Nhật Bản hiện đại trong văn chương đã khiến tạp chí Time vào năm 1997 nhận định Murakami Ryu là “một trong mười một người sẽ cách mạng hóa Nhật Bản”? Murakami Ryu viết bằng thứ ngôn ngữ trần trụi nhất, đời nhất, tạo ra cảm giác quẫn bách, ngột ngạt. Điều này giúp lột tả chính xác thế giới mang màu sắc u ám, hủy diệt trong tác phẩm. Nhân vật của ông thường là những người trẻ lạc lối đang vùng vẫy, chịu cảnh đọa đày, tự hủy hoại bản thân. Đằng sau cảnh sống thác loạn, tệ nạn là những trống vắng trong tâm hồn, họ bị bủa vây trong nỗi cô đơn, mất phương hướng và không thể hòa nhập với thế giới, để rồi đi đến sự hủy diệt. Những hình ảnh tượng trưng cho sự phân rã của thế giới, sự hủy diệt và cái chết thường xuất hiện trong tác phẩm của ông. Văn chương của Murakami Ryu đã khác hẳn văn chương truyền thống Nhật Bản với ngôn từ trau chuốt, niềm bi cảm aware, ở đó chỉ có sự sắc sảo, lạnh lẽo, đau đớn và hủy diệt tận cùng.
Màu xanh trong suốt (1976) là một tác phẩm nổi tiếng của Murakami Ryu. Tác phẩm này miêu tả trần trụi cuộc sống thác loạn, suy đồi với tình dục, chất kích thích, bạo lực và nhạc rock của giới trẻ tại một thị trấn gần khu căn cứ quân sự Mĩ. Những hình ảnh tượng trưng cho sự hủy diệt, cái chết và nỗi cô đơn, lạc lối của lớp thanh niên Nhật Bản hiện đại đã xuất hiện từ tiểu thuyết đầu tay này của ông. Tác phẩm đặc biệt thành công khi giúp Murakami Ryu giành được nhiều giải thưởng và bán chạy hàng triệu bản. Một số tác phẩm nổi bật khác của ông đã được xuất bản tại Việt Nam có thể kể đến như Những đứa trẻ bị bỏ rơi trong tủ gửi đồ (1980), 69 (1987), Xuyên thấu (1994), 3 đêm trước giao thừa (1997), Thử vai (1997)…
Người thứ ba trong tổ hợp “hai Murakami và một Banana” chính là nữ nhà văn Yoshimoto Banana, một gương mặt quen thuộc với nhiều độc giả Việt Nam những năm gần đây. Banana nổi tiếng trên thế giới như một đại diện tiêu biểu cho những nhà văn nữ cùng thế hệ mang đến nhiều đóng góp đối với văn đàn Nhật Bản đương đại. Bà sinh năm 1964, có chị gái là họa sĩ manga (truyện tranh Nhật Bản) và bản thân bà cũng yêu thích manga. Nhiều ý kiến nhận định văn hóa manga đã ảnh hưởng đến phong cách sáng tác của Banana. Bà còn được biết đến là nữ nhà văn của sự cân bằng nội tâm khi có thể chạm tới rung cảm nội tâm của nhân vật, con người thật tinh tế, và các nhân vật đều cố gắng cân bằng sau những nghịch cảnh cuộc sống. Banana thường khai thác chủ đề cái chết, nỗi mất mát, sự tái sinh và niềm an ủi, xoay quanh cuộc sống của con người đô thị hiện đại. Ở đó họ ý thức sâu sắc về giá trị sự sống khi chịu nỗi đau tột cùng của cái chết và mất mát, chịu đựng nhiều áp lực, dễ tổn thương nhưng họ không gục ngã mà luôn tìm kiếm ánh sáng, tình yêu đồng điệu để được kết nối, cảm thông, thấu hiểu và cùng vượt qua khó khăn, tiếp tục sống thật ý nghĩa. Các nhân vật của Banana thường là con người nơi thành thị, mất phương hướng, phải đối diện với bản ngã, nỗi buồn, nỗi cô đơn và bận rộn đặc trưng nơi thị thành. Nỗi cô đơn của con người hiện đại khiến các nhân vật nảy sinh những mối quan hệ khác thường. Banana đã khai thác mô hình gia đình đặc biệt khác truyền thống, khai thác vấn đề tình yêu đồng tính, đồng huyết nhưng đi sâu vào tâm lí nhân vật để thấu hiểu và cảm thông cho nhu cầu được sẻ chia, yêu thương rất bản năng của con người. Banana viết giản dị, hiện đại, khách quan, gợi chuyện với độc giả thật tự nhiên khiến họ có thể đồng cảm và dường như đi cùng các nhân vật trên hành trình trưởng thành trong câu chuyện. Văn hóa đại chúng và tinh thần Nhật Bản hiện đại hiện diện trong lối kể chuyện của Banana. Ảnh hưởng của văn hóa manga thể hiện qua những khoảng trống giữa các tình huống, sự kiện để người đọc tự kết nối, chiêm nghiệm. Lối kể chuyện huyền bí lại liên hệ đến thực tế cuộc sống vô vàn bất ngờ, bất an không thể đoán định trước. Có thể nói, văn chương của Yoshimoto Banana mang nỗi u hoài, thuần khiết, kìm nén nhưng không khắc kỉ hay chất chứa lí tưởng lớn lao như những thế hệ trước, ở đó chỉ có những con người đời thường với nỗi lòng cá nhân.
Kitchen (1988) là tác phẩm đầu tay nhưng đã ngay lập tức trở thành hiện tượng với hàng triệu bản bán ra, đem đến cho Yoshimoto Banana nhiều giải thưởng danh giá. Ở Kitchen, nỗi cô đơn, nỗi buồn đặc trưng của con người thị thành hiện diện thông qua nhân vật chính Mikage. Mikage tìm được cho mình hơi ấm và tình yêu thương trong căn bếp cùng một gia đình kì lạ có cậu con trai Yuichi và người cha góa vợ chuyển giới. Những biến cố bất ngờ, mất mát đã kéo hai con người trẻ tuổi trên bước đường trưởng thành lại gần nhau, san sẻ hơi ấm, tình yêu và đồng điệu tâm hồn, cùng nhau vượt thoát thế giới u ám để tiến tới cuộc sống tươi sáng hơn. Ngoài Kitchen, Yoshimoto Banana có những tác phẩm nổi bật khác đã được dịch và xuất bản tại Việt Nam như: Vĩnh biệt Tugumi (1989), Amrita (1994), N.P (1990), Nắp biển (2004)…
Những gương mặt nổi bật khác và dòng tiểu thuyết đặc thù – “light novel”
Ngoài ba tác giả nổi tiếng tiêu biểu nói trên, văn học Nhật Bản đương đại còn ghi nhận sự nổi lên của nhiều nhà văn đại chúng có sức viết dồi dào, gây được tiếng vang tại thị trường Nhật Bản và thế giới, trong đó có Việt Nam: Higashino Keigo, Ichikawa Takuji, Ogawa Yoko, Minato Kana…
Higashino Keigo là nhà văn trinh thám hàng đầu tại Nhật Bản hiện nay, các tác phẩm của ông đặc biệt thu hút độc giả bởi yếu tố khoa học công nghệ, tính chất lí trí, logic, và ấn tượng hơn cả là xây dựng những mối quan hệ, tình huống và hoàn cảnh éo le, khai thác tâm lí của các nhân vật để lí giải được nguyên nhân dẫn đến tội ác. Gia tài sáng tác của Keigo vô cùng đồ sộ với hàng chục tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm đã được dịch sang tiếng Việt, nổi bật như: Bạch dạ hành, Phía sau nghi can X, Bí mật của Naoko, Sự cứu rỗi của thánh nữ, Hoa mộng ảo, Ác ý…
Ichikawa Takuji là một nhà văn khai thác những đề tài bình dị, thân thuộc nhưng để lại ấn tượng thấm thía, day dứt. Áng văn tình cảm của ông không kịch tính mà luôn nhẹ nhàng dịu êm, dù có chia li nhưng sự chia li ấy chỉ khiến tình cảm thêm bền chặt và chảy trôi tự nhiên trong con người, nét bình dị ấy đã giúp cảm xúc của độc giả cũng chảy trôi cùng trang sách và dễ dàng đồng cảm với các nhân vật. Takuji có những tác phẩm được xuất bản và yêu thích tại Việt Nam như: Em sẽ đến cùng cơn mưa, Bàn tay cho em, Thế giới kết thúc dịu dàng đến thế…
Giai đoạn này của văn học Nhật Bản còn được biết đến là giai đoạn ghi dấu ấn của nhiều nữ nhà văn tài năng và họ cũng đã có nhiều tác phẩm được dịch sang tiếng Việt. Ogawa Yoko với sự thành công của Giáo sư và công thức toán, Quán trọ hoa diên vĩ, Nhật kí mang thai. Yumoto Kazumi cùng bộ ba tiểu thuyết Khu vườn mùa hạ, Mùa thu của cây dương, Organ mùa xuân gây ấn tượng sâu sắc. Nữ nhà văn trinh thám Minato Kanae được nhiều độc giả yêu thích với các tác phẩm Thú tội, Cảnh ngộ, Vòng đu quay đêm… Và gần đây, Murata Sayaka đã tạo được tiếng vang lớn với tiểu thuyết Cô nàng cửa hàng tiện ích.
Văn học đương đại Nhật Bản trong nhiều năm gần đây còn ghi nhận một hiện tượng mới mang tên “light novel”. Light novel là một thể loại tiểu thuyết ngắn thường được xuất bản với khổ sách bỏ túi. Light novel chịu ảnh hưởng lớn từ văn hóa manga, anime khi đan xen giữa những trang văn là hình ảnh minh họa theo phong cách manga, anime. Nhiều tác phẩm manga, anime nổi tiếng cũng đã được chuyển thể sang light novel và ngược lại. Thể loại này có thể xem là một sản phẩm đặc trưng của văn hóa đại chúng Nhật Bản hiện đại, và đối tượng chính hướng đến là các độc giả trẻ tuổi. Hiện nay tại thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều tác phẩm light novel và ngày càng được nhiều độc giả trẻ tuổi yêu thích, có thể kể đến như 5 centimet trên giây, Khu vườn ngôn từ, Your name, Đứa con của thời tiết của Shinkai Makoto; Cô gái văn chương của Nomura Mizuki; Another của Ayatsuji Yukito; Văn hào lưu lạc của Asagiri Kafka…
Có thể thấy diện mạo của văn học Nhật Bản đương đại đã khác biệt hoàn toàn so với những thời kì trước đó. Mỗi nhà văn đều không ngừng sáng tạo và nỗ lực thể hiện những tìm tòi, đặc trưng riêng để tạo nên một bức tranh toàn cảnh sôi động, nhiều màu sắc, mang hơi thở đương đại và thể hiện tham vọng vươn tầm quốc tế. Với những tín hiệu tích cực đó, chắc chắn rằng nền văn học Nhật Bản đương đại sẽ đón nhận thêm nhiều thành tựu và tiếp tục lan tỏa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc.
Theo Nguyễn Chi Anh/VNQĐ