Mũ được giới thiệu là của quan triều Nguyễn đạt mức giá 600.000 euro (15,7 tỷ đồng) trong phiên đấu của nhà Balclis, Tây Ban Nha.
Phiên đấu diễn ra dưới hình thức trực tiếp và online, hôm 28/10. Trên website của Balclis, thông tin vật phẩm được giới thiệu rất ngắn gọn: “Mũ quan Việt Nam thời Nguyễn, cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20”. Mũ đi kèm hộp gỗ sơn son thếp vàng chạm trổ hoa văn, tình trạng khá mới, chỉ hư hỏng nhẹ.
Cổ vật được giới thiệu hôm 20/10, với giá khởi điểm 500 euro, tăng dần những ngày sau đó, đạt 70.000 euro khi bắt đầu phiên đấu ngày 28/10. Sau hơn 10 lần trả, một nhà sưu tập online ẩn danh mua được vật phẩm với giá 600.000 euro, bỏ xa các đồ cổ khác trong phiên đấu.
Chiếc mũ dành cho quan hàm nhất, nhị phẩm.
Theo nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn, chiếc mũ dành cho quan văn hàng nhất, nhị phẩm, được bảo quản tốt, có mẫu tương tự trưng bày ở Huế, TP HCM, Hà Nội, không quá khan hiếm. Trước năm 1945, nhiều gia đình quan lại thường chôn mũ cùng vị quan đã mất hoặc để thờ. Ông Sơn nói: “Tôi bất ngờ vì mũ đạt giá kỷ lục. Ở trong nước, món tương tự chỉ có thể bán với giá khoảng 10.000 USD”. Nhà nghiên cứu thấy tiếc vì chiếc mũ không rõ lai lịch về vị quan sở hữu, bởi nếu có thêm thông tin rõ ràng, món đồ sẽ tăng giá trị văn hóa.
Còn ông Vũ Kim Lộc – nghệ nhân phục chế mũ thời chúa Nguyễn – cho rằng không bất ngờ khi mũ quan triều Nguyễn thắng đấu giá cao ở nước ngoài. Theo ông Lộc, hiện vật mũ các quan triều Nguyễn trong nước giờ chỉ còn khoảng 5-7 chiếc, riêng mũ dành cho quan hàng nhất phẩm trở lên rất hiếm, vì vậy, giá trị cao là có thể hiểu được. Ông Lộc nói: “Ngoài ra, tôi cho rằng mức độ uy tín của nhà đấu giá cũng rất quan trọng để tạo niềm tin cho người tham gia đấu giá. Nếu họ rao bán hàng giả thì tự hủy hoại danh tiếng thôi”.
Qua hình ảnh trên website của Balclis, ông Vũ Kim Lộc phân tích hộp đựng mũ bằng gỗ được sơn son thếp vàng có hoa văn tứ linh. Mũ là loại phốc tròn thuộc về Văn ban, thân mũ được kết bằng lông đuôi ngựa theo kiểu kết kép: dùng hai lông làm thành một dây để kết.
Đối chiếu các trang sức của mũ được đấu giá với trang sức ở mũ hiện còn lưu giữ hình ảnh trong nước như: như mũ Đô Thống chế Lê Văn Phong, Thống chế Thoại Ngọc Hầu, Thiên Vương Thống chế, ông Lộc nói có nhiều điểm khác lạ như: Bác sơn thay vì diềm phía dưới là sóng nước để cùng với hình mây ở diềm trên tạo thành đề tài giao long chầu hoa cúc trong khung cảnh trời mây nước, nhưng ở mũ này lại được thay bằng hình cánh hoa. Còn hoa, vẫn là hoa cúc nhưng được cách điệu hơi khác so với hoa ở các mũ. Các mũ có các lớp cánh hoa nổi ở trên một nền dây lá, nhưng ở đây không có nền dây lá và thay vào đó là một vòng tròn và vòng tròn dây lá bao quanh.
Ông Lộc cho rằng: “Vấn đề dư trang sức trên mũ so với phẩm hàm không phải là hiếm mà là phổ biến do được đặc ân, như ở bản vẽ về mũ của Chánh Nhất phẩm của họa sĩ Tôn Thất Sa và cả ở mũ hiện tồn như mũ của Đô Thống chế Lê Văn Phong (hàm Tòng Nhất phẩm), mũ của Thống chế Thoại Ngọc Hầu (Chánh Nhị phẩm) cũng cho thấy điều này. Nhưng thường là dư một hoa ở trước mũ và một hoa sau mũ. Điều đáng nói ở đây là mũ dư hai giao long. Như vậy, cho thấy chủ nhân của chiếc mũ này được đặc ân không hề có từ trước đến nay”.
Hộp gỗ đi kèm mũ quan triều Nguyễn – hình ảnh được đăng tải trên trang web của nhà đấu giá Balclis.
Một bộ lễ phục triều Nguyễn cũng được rao bán trong phiên đấu giá cùng ngày. Khởi điểm ở mức 800 euro, chiếc áo cuối cùng được bán với giá 35.000 euro (920 triệu đồng).
Bộ lễ phục triều Nguyễn thêu hình rồng.
Ông Trần Đình Sơn nhận định các cổ vật Việt Nam được chú ý trên sàn đấu quốc tế trong khoảng 5 năm trở lại đây, do những người Việt giàu có ở nước ngoài góp phần quảng bá. Còn nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng việc cổ vật Việt được ưa chuộng ở nước ngoài chứng minh sức hút từ bề dày văn hóa, lịch sử của đất nước. Tuy nhiên, ông nhận định sự kiện gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về việc các vật phẩm bị thất thoát, lưu lạc ở nước ngoài. Ông cho biết nhiều Việt kiều từng đau đáu vấn đề này nhưng chưa tìm ra giải pháp.
Ông Trung Quốc nói: “Do chiến tranh, thiên tai, nhiều hiện vật có giá trị rơi vào tay các nhà sưu tập phương Tây, trong khi số lượng di sản trong nước lại hiếm hoi. Tôi nghĩ trước hết, Nhà nước nên tiến hành điều tra khối lượng này ở các nước như Mỹ, Pháp, Tây Ban Nha, tiến hành đòi lại thông qua con đường ngoại giao hoặc nhờ luật pháp quốc tế can thiệp. Cổ vật không chỉ có giá trị tiền bạc mà quan trọng hơn, đó là giá trị văn hóa. Đó là nguồn tư liệu quý cho thế hệ sau, có thể tham khảo để phục chế, làm phim”.
Nhiều cổ vật Việt Nam từng được rao bán ở các nước phương Tây. Hồi tháng 7, kiếm của vua Thành Thái được đấu giá ở Mỹ với mức khởi điểm là 5.000 USD. Năm 2001, eBay tổ chức đấu giá những cổ vật tìm thấy trên con tàu đắm ở vùng Cù Lao Chàm (Quảng Nam – Đà Nẵng).
Nhà đấu giá Balclis được Antonio Climent Benaiges và Juan Baldrich – hai người khai phá thị trường buôn bán đồ cổ ở Tây Ban Nha – thành lập năm 1979. Họ kết hợp đấu giá trực tiếp và online để kết nối những người mua trên toàn thế giới. Qua 42 năm, Balclis thu hút hơn 330.000 khách hàng, tám triệu lượt trả giá.
Theo Hà Thu/VNE