Mưa Ảo – Một trái tim “khô ráo ảo”

446

Thảo Vi

Từ lâu, tôi rất ngại khi viết cảm nhận về một tác phẩm văn chương, bởi không khéo, vô tình làm mất đi cái hay, cái đẹp vốn có của nó. Với Mưa Ảo* của nhà thơ Phạm Nguyên Thạch, tôi khó giữ những cảm xúc cho riêng mình.

Cầm Mưa Ảo trên tay, tôi chợt nghĩ đến lẽ vô thường trong kiếp nhân sinh. Vạn vật luôn vận động, chuyển hóa theo quy luật tự nhiên (cây cỏ, hoa lá, nắng mưa, sỏi đá, kiếp người…còn mất). Đó là điều không ai chối cãi. Song, đọc Mưa Ảo, tôi lại ngộ ra có một thứ luôn bất biến trong lòng tác giả, đó là tình yêu thương chân thật! Chính tình yêu thương da diết đó đã giúp anh bật ra những tứ thơ đặc sắc với thi cách và ngôn ngữ rất riêng, góp thêm hương sắc cho nền văn học quê nhà. Những hoài niệm, nhớ thương, tiếc nuối là trạng thái xuyên suốt liên kết chặt chẽ nhiều bài thơ trong Mưa Ảo.

Đọc Mưa Ảo, tôi bắt gặp bên trong cốt cách phớt đời, tỉnh rụi, hóm hỉnh của anh là sự lắng đọng nội tâm, là trái tim nồng nàn yêu thương, là sự tiếc nuối, trăn trở khôn nguôi. Cả những điều giản đơn, nhỏ bé nhất (rễ mục, con kiến, con dế, cái hũ, cái chai, cái lờ, cái lợp, xác lá khô, rác rến, cây chổi cùn..) cũng tồn tại trong nỗi nhớ của anh; nỗi nhớ đôi lúc làm anh xác xơ nghiêng ngả!

Nơi con mương đất lấp, người thợ đào lên, “Chỉ gốc dừa cùng rễ mục lâu năm” đã làm anh “sững sờ” rồi buồn “lặng lẽ”:

“Người đào móng hỏi tôi sao lặng lẽ bất ngờ

Móng nhà không đụng vào kiêng kỵ

Dưới sâu kia chỉ con mương đời nào lấp lại

Chỉ gốc dừa cùng rễ mục lâu năm”

(Nơi đất lấp).

Hoá ra chính cái gốc dừa và rễ mục kia là chứng tích của một thời tuổi thơ hồn nhiên của anh cũng là một thời vất vả ruộng đồng của ba má. Ba má anh đã “Lượm trái dừa trôi trồng gia sản buổi ra riêng”. Má từ bao giờ “thành cây dừa ngả vào mương” để ba “buộc chiếc xuồng cũ càng phá nước”. Hai đấng sinh thành xuất thân từ miền quê nghèo với cây dừa, bến nước, họ đã dựa vào nhau để sống, để vượt qua gian khó, nuôi dạy đàn con khôn lớn thành người.

Với tâm hồn nhạy cảm của nhà thơ, hỏi sao tác giả không đau đến “sững sờ” khi nhớ đến ba:

“Treo cái lợp cái lờ không dính vào điều ước/ Dính phận người không thể vượt ra hom”. Ba mẹ không thể vượt ra khỏi cái “hom” giam giữ, cuộc sống quẩn quanh trong vòng nghèo khó như số phận con cá đã chui hom! Chính nơi này anh đã trưởng thành trên những nặng nhọc “oằn xuống chiếc lưng” của cha mẹ:

“Tập bơi từ trái dừa khô giỡn sóng

Đứng trên dừa phóng thân tập làm người lớn

Không thấy phía sau oằn xuống chiếc lưng”.

Đúng là những câu thơ hoài niệm nhói lòng!

Khi anh đã bay xa khỏi vùng quê nghèo khó, “ra phố xá điệu đàng”, “đỏm dáng phù hoa”, anh tự nhận “Tự bao giờ tôi mất mùi bùn mẹ tôi dẫm đạp / Hết mùi cỏ lác ngã dưới phảng của cha”. Tuy anh nhận thế chứ thật ra từ sâu thẳm trái tim anh luôn đậm nét hình bóng mẹ cha cùng những lời giáo huấn:

“Má dạy vỡ lòng lúa gạo ngọc trời cho

Tôi biết lỗi từ hạt cơm rơi rớt dặn dò

Ba dạy tôi ra đồng tìm cái ăn nơi cạn nước” ( Hình như).

Người quê dạy con những điều cụ thể giản đơn để con biết sống thật thà, lương thiện, sống bằng chính sức lao động của mình, biết hàm ơn và biết trân quý của cải làm ra. Lời dạy ấy đã góp phần hình thành nhân cách của anh, một con người sống có trước có sau, biết trân quý những điều hiếu nghĩa. Nỗi vất vả của má ba một thời để nuôi đàn con thơ khôn lớn luôn là điều nhắc nhở anh sống sao cho xứng đáng:

“Ba tôi quáng quàng mòn như cây phảng cùn …

Ba má tôi bên đèn lật phật gió đợi hết đêm

Ôm bình minh lặng mò mùa màng trong chân sóng

Mang chiều lạnh về nhà bằng dầm bơi quẩn

Xuồng đầm đìa lúa nhe nanh”. ( Hình như))

 

Bên cạnh sự vất vả của ba mẹ đi cứu lúa trong mùa nước nổi, trong lòng anh còn khắc sâu hình ảnh người mẹ ở quê. Mẹ tảo tần, chịu thương chịu khó, mẹ luôn nhận về mình những thiệt thòi, nhường những điều tốt đẹp, ngọt ngon cho con cháu. Qua cách dùng từ chân quê, đậm chất Nam bộ, giàu hình ảnh, sinh động, người má thật đáng yêu, đáng kính như đang hiện hữu trước mắt chúng ta:

“Có ai giữ giùm không

Nơi cầm chổi cùn

Má tôi ngồi đuổi mệt

Cho cháu con tụ về vui tết

Gom lá đốt ngồi canh” ( Trên sân cũ)

Hay:

“Con cá làm được nỗi mừng

Cất mẻ kho nổi muối

Bỏ con tép cong lắm lần lửa củi

Má và qua quít chén cơm

 

Ngỡ má chọn mình phần ngon

Mẻ kho cũng bưng ra hủng hỉnh

Cái lu để góc nhà tưởng trống

Cá lớn rọng đầy!

 

Con xa tụ về má chẳng ngơi tay

Trút lu cá cho con ăn thả cửa

Má chẳng hề cầm đũa

No vui” ( Bên mương)

 

Niềm cảm xúc thật sự dâng trào khi ta đọc đến khổ thơ cuối của Bên mương:

“Giờ Tết về quê tôi ngó ngược xuôi

Tiếng cá quẩy lu chỉ trong cổ tích

Nhà nhện giăng, con mương hoang lấp

Má đâu rồi, má ơi!”

 

Sống trong cảnh nhà cao cửa rộng nơi phố phường đèn hoa nhưng anh luôn đau đáu nhớ quê xưa, miền quê một thời nghèo khó, vất vả, thiên tai:

“Những người trẻ trung như đám rễ bần ngoi lên mặt nước

Che chắn hoài sóng vẫn lọt vào nhà

Đạp nỗi chết chìm

Nước vẫn ào giấc ngủ” (Mùa lụt)

Hay:

“Cái lợp cái lờ mang chiều lặng vào hụt hữ

Cánh lưới mang hoàng hôn bủa cánh đồng …

Như bao người bơi trong mùa nước linh đinh

Tôi làm chú gà giũ rong rêu trên giề rạ mục

Nhìn phù sa đỏ lựng mỡ mầu trôi tấp mùa sau

Rượt theo tiếng cá…” (Mùa lụt).

Ngày nay ở miền Tây, tốc độ nước lên trong mùa nước nổi không nhanh, hầu hết đường xá cũng được nâng cao, nông dân biết khai thác nguồn thủy sản để mang về lợi ích. Thuở xưa, khi con nước lớn tràn về vội vã, nước dâng cao có khi tận mái nhà, cuộc sống vùng nông thôn không ít khó khăn, người dân không ngăn được lũ thì tìm cách sống chung với lũ:

“Con kiến cõng đời lên cây. Cây chìm lút đọt

Lụt dâng. Trời thấp ngang đầu

Trời thấp nhưng trời không có đất

Em biết cõng đời đi đâu. Ở với lụt thôi”

Để rồi phải:

“Trổ cánh én nhà, ra vào làm cá ngợp

Sông điềm nhiên vỗ tả tuột vách chơi” ( Bám)

Người khổ, con kiến cũng…khổ:

“ Đuối con kiến nhỏ cứu mình bơi tận lực

Bám lá khô lụt cuốn quay vòng”. ( Bám ).

 

Trong ký ức tác giả, nơi miền quê xa xôi còn có những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ mà thời gian đã xoá nhoà dấu vết:

“Vẫn cũ bên mái nhà bỏ đi

Bụi tre gai lâu đời trẻ trung gai góc

Có xác diều tôi nằm

Rã trong mộ lá

 

Tôi rớt nước mắt vào tuổi thơ mình

Ai huơ dao ruồng hoang

Cánh diều no căng ngực gió

Bay lên, bay lên..” ( Bất chợt quê xưa)

Cánh diều “Bay lên, bay lên” chỉ là sự tưởng tượng để bù đắp nỗi niềm tuyệt vọng khi trước mắt anh không còn xác cánh diều, dấu vết của tuổi thơ. Dù đó là sự đổi thay tích cực trong quá trình phát triển của xã hội nhưng làm sao anh khỏi chạnh lòng, tiếc nuối kỷ niệm ấu thơ? Để rồi anh phải “rớt nước mắt vào tuổi thơ mình” ..Nghe sao mặn đắng!

Xa quê nhưng anh có bao giờ nguôi thương nhớ. Tình cảm ấy đã dẫn dắt bước chân anh trở lại quê nhà với tâm trạng mình luôn là người có lỗi:

“Quê nhà ơi muôn trùng độ lượng

Lạy người máu xương hoá đất,ơn sâu

Lá nào cũng rụng mình xuống cội

Rộng thứ giùm tôi bất nghĩa từ lâu”. ( Hồi xứ)

Về lại quê xưa để tìm lại tuổi thơ, tưởng nhớ đấng sinh thành, với anh ở đó còn là nơi để anh có thời gian suy ngẫm lại sự đời và thấy “Giật mình” cho kiếp nhân sinh ngắn ngủi:

“Nay biết thấm nơi sâu nơi cạn

Có nơi ta rời bỏ lại mong về

Bao năm chèn chỗ ngồi chỗ đứng

Giật mình. Chưa chín một nồi kê” ( Giật mình)

 

Trong Mưa Ảo, bên cạnh những bài thơ thể hiện nỗi niềm thương nhớ người thân, quê nhà, phần lớn những bài thơ còn lại anh dành cho những thổn thức, luyến lưu và cả sự chua chát, đắng cay cho cuộc tình không may thời hoa mộng.

Người ta nói “Dò sông dò biển dễ dò, có ai lấy thước mà đo lòng người”. Khi phát hiện mình bị lừa trong tình yêu, anh đau như nhát chém và không khỏi “sợ hãi” những “thật thà” gian dối của lòng người:

“Tôi vừa nhận ra em cạn ánh nhìn

Chính lúc ấy tôi hiểu mình đang mắc cạn

Không còn lội bơi nhẩn nha trong kho báu tình yêu

Sợ hãi thói quen thật thà lập lại” ( Cạn)

Dù sợ nhưng vết thương không phải dễ lành nên buộc anh vẫn nhớ, vẫn tìm về ký ức đau buồn rồi tự trách mình trong vô vọng:

“Sao tôi không biết mệt để đầu hàng

Siêng năng sớm hôm móc moi chi ký ức

Cứa vào trùng điệp chỗ trống không

Rướm máu “ ( Cạn)

Hay:

“Mùa xưa nay đã biệt mù

Nồng nàn chỉ trong ký ức

Dẫu biết lòng đường là nơi hoa rớt

Sao cây còn đơm lá đau?” ( Mùa trống)

Đau rồi lại muốn dứt đi, dứt đi rồi lại khóc vì tiếc nuối (?):

“Tôi đốt hong tôi bằng nhánh nhóc mùa qua

Tôi khóc đâu mà ràn rụa mắt”. ( Mùa đông ơi mùa đông)

Không quên được, anh lại đi tìm về nơi chốn tình yêu, để rồi:

“Sóng vẫn không ngớt xoá nơi quăng chài mơ ước

Gió chúi tôi nát nước tìm chỉ dấu chân” ( Bãi sóng).

Khi hụp lặn trong nỗi đau, anh lại thấy mình hoá kiến đen giữa ngổn ngang quen thuộc nhưng phép mầu lại không giúp kiến đen thoát chốn nhiện giăng :

“Cánh đâu để bay lên trời

Tôi vô ra cành cụt

Bóng thành khói cũng là đà mặt đất

Dang tay thế nào về em lúc hụt mây”. (Có thể).

Bằng phương pháp ẩn dụ, anh rất tài tình khi thể hiện tâm trạng nhân vật. Nỗi buồn thấm sâu làm anh gần như tan chảy nhưng xuyên suốt tập thơ, ta ít khi bắt gặp những từ ngữ quá bi thương, thảm sầu, trách cứ. Thay vào đó chỉ là những nhẹ nhàng than thở:

“Tôi ướt át thừa bởi có lần té vào hồ nước mắt

Tôi đang giũ mình”…

“Mắc chi đột ngột mưa”..

“Chỗ cả tin mưa không ngớt

Chỗ an tâm mưa cũng rớt” ( Mưa ảo)

 

Cuộc tình tan để lại hồn anh đẫm ướt vì nước mắt, thế mà cơn mưa dĩ vãng cứ ào về đột ngột, làm anh đã “thừa ướt át” lại càng thêm ướt át:

“Mưa cho tôi nhận ra tôi khô ráo ảo

Đầm đìa nỗi niềm cất giấu

Nơi vết thương tưởng không còn đùa cợt thuốc thang”

(Mưa ảo)

Đến đây anh mới chịu thú nhận sự yếu đuối trong lòng qua hình ảnh “đầm đìa” ướt mưa mà sự phớt lờ trong giao tiếp bên ngoài chỉ là “khô ráo ảo”. Vậy thì “mưa ảo” hay “khô ráo ảo”? Ở trạng thái nào thì anh cũng không giấu được mình là kẻ si tình, lãng mạn, âm thầm ôm vào lòng vết thương khó lành lặng.

Lạ! “Vết thương” đang cần “ thuốc thang” chưa đủ, anh lại đi tìm gom về nhà bao ngọn gió, chất chứa bao kỷ niệm nồng nàn, cay đắng của cuộc tình tan để tự khoét sâu thêm vết chém như một “thú đau thương”*

“Tôi gom góp về nhà mình

Đủ chưa bao nhiêu ngọn gió

Đủ chưa những thở dài triền miên

Đủ chưa vết thương gẫy kín

Nơi vĩnh hằng tình yêu

Sao vẫn còn cợt nhau những đám rêu

Chắp vá những nụ hôn ủ mùa đông lạnh ướt” (Chắp vá).

Ấp ủ mãi trong lòng kỷ niệm xưa để rồi anh tự “quất roi vào dại ngu” của mình cho thấm cơn đau:

“Rất nhiều lần

Tôi thấy tôi mắc cạn trong chiếc tổ ong không còn mật

Vật vã kéo mình ra khỏi niềm tin vừa chết

Quơ roi quất vào dại ngu” ( Rất nhiều lần)

Đau rồi lại tìm quên trong cơn say, tìm “Mót ấm nồng” trong chai rượu cạn. Uống rượu một mình là bài thơ thể hiện sự tận cùng của nỗi đau được anh diễn đạt một cách tinh tế. Nỗi buồn như bóng đêm, anh cố gắng thoát ra bằng cách cố tìm chút “nắng trong chai rượu”. Tìm không được nắng, nên nỗi “buồn không tan, không rã lại không chìm”. Cuối cùng anh phải chịu “tỉnh tuồng” để thấy hết cái “điên dại” của mình khi cả đời chỉ “Nghiêng hoài chai không” :

“Tìm nắng trong chai rượu

Tôi uống đêm”..

“Liệt bên bàn tròn không

Văng đâu chiếc đũa thần

Tôi dốc chai

Mót ấm nồng khô cạn”

“Sao như nổi hêu trên biển rượu

Buồn không tan không rã rượu không chìm

Tôi ngửa cổ nuốt mình..”

“Tôi không tìm được nắng không ói được đêm

Tỉnh tuồng cho điên dại

Nghiêng hoài chai không” ( Uống rượu một mình)

 

Có khi anh tự nhận:

“Tôi tự níu tôi giữa ơ thờ

Lắt lay trên xuồng lá mục

Chẳng nghỉ ngơi tôi như túa ngàn con mắt vào sông

Chẳng nghỉ ngơi tôi quăng chài vào ký ức”

Để rồi anh chỉ nhận lại:

“Rong rêu kéo về trùng trùng từ giấc mơ

Tôi vẫn vô công bao bắt dại khờ

Quăng chài nơi đất lở sông trôi nước mắt em lấp lánh!”

( Tìm bóng)

Dù có đau nghiêng ngả, anh vẫn bình tĩnh nhận ra rồi tự chữa lành vết thương và chấp nhận mang hoài vết sẹo:

“Tôi một mình hốt hết bể dâu”..

“Cần cù khép vết thương sẹo hở

Khoả lấp những gập ghềnh”..( Nguội tàn)

Đọc bài thơ “Dọn mình”, tôi lại bất ngờ với cách chuẩn bị đón tết của anh. Hình như nỗi đau đã làm anh quên mất thời gian, khi “Thấy người quét đốt bộn bề sạch mình gặp tết” , anh mới “Hối hả” làm theo. Nhưng rồi anh đau khổ tận cùng khi “Quẹt cà nguồn lửa cạn rướm tay”. Anh “ Bực mình quăng bếp túa tro/ Quýnh quáng tết”. Có lẽ tết cho có tết. Tình cảm như bếp tro tàn, anh nhóm lửa đến rướm máu ngón tay mà không tìm được hơi ấm ngày xưa..

Trong Mưa Ảo, “Mừng tuổi thọ” cũng là một trong những bài thơ hay. Đây là bài thơ ngắn, súc tích với tứ thơ rất lạ, thâm thuý! Câu thứ 3 tác giả dùng từ khá độc đáo “ Mừng người giỏi đội thời gian sống sít”. Đọc câu 4 và 5 ta lại thấy hình ảnh cây nến nóng chảy, nhỏ từng giọt như giọt nước mắt rơi! Mừng thọ mà sao ngọn nến lại khóc? Có lẽ đọc câu cuối ta mới hiểu ra “Tôi hỏi điều kiêng”. Thì ra, mỗi lần mừng thọ là mỗi lần nỗi buồn len lỏi trong lòng, là mỗi bước chân đi đến cõi vĩnh hằng mà ít ai nghĩ tới:

“Mừng người giỏi đội thời gian sống sít

Tôi thắp lửa cây nến nhìn tôi lăn nước mắt

Tôi tắt lửa cây nến cây nến nhìn tôi nước mắt chảy dài

Bên tháp bánh kem tươm ngọt

Tôi hỏi điều kiêng” ( Mừng thọ)

Trước giờ, tôi quan niệm thơ là phải ngôn từ mượt mà, vần điệu nhẹ nhàng, rất thơ thì mới là thơ. Đọc Mưa Ảo, tôi chợt hiểu không phải lúc nào cũng vậy.Thường mỗi tác giả có phong cách viết riêng, nếu không sẽ dễ lẫn vào người khác, ảnh hưởng cách viết của “thần tượng” mình lúc nào không hay. Với nhà thơ Phạm Nguyên Thạch thì không.

Anh có ngôn ngữ thơ rất riêng, không bóng bẩy, hàn lâm. Mạch thơ anh tự nhiên với nhiều từ “cũ kỹ”, mang tính địa phương (phương ngữ), nhưng hầu hết các từ anh sử dụng vừa bình dị chân quê, vừa giàu hình ảnh, khắc sâu được hình tượng nhân vật cũng như thể hiện được sự biến hóa phức tạp của nội tâm. Nhiều bài thơ tác giả dẫn dắt người đọc đến những kết thúc bất ngờ, đầy cảm xúc! (Nơi đất lấp, Bên mương, Hình như. Bất chợt quê xưa, Bám, Cạn, Mưa ảo, Uống rượu một mình, Tìm bóng, Mừng thọ, Dọn mình..)

Từ bài thơ đầu “Nơi đất lấp”, tôi thấy khó khăn khi tiếp cận những câu thơ đầu với lối tả chân như văn xuôi, vần điệu hơi trúc trắc, nhưng càng đọc những khổ thơ kế tiếp tôi càng bị lôi cuốn để đọc tiếp những bài thơ sau.

Trong bài thơ “Nơi đất lấp”, tôi ám ảnh với hai câu thơ:

“Treo cái lợp cái lờ không dính vào điều ước/ Dính phận người không thể vượt ra hom”. Những từ rất bình dị, ngắn gọn, không thừa, không thiếu gói ghém trong hai câu thơ nhưng gợi cho ta cả một cuộc đời lam lũ, chất phát, mòn mỏi của người nông dân quê nghèo. Anh còn rất tài tình khi gắn cái cụ thể “treo”, “dính” vào cái trừu tượng “điều ước”, “phận người” làm câu thơ trở nên tinh tế, gợi nhiều cảm xúc.

Trong bài Bên mương, hình ảnh bà má “Cất mẻ kho nổi muối/Bỏ con tép cong lắm lần lửa củi/Má và qua quít chén cơm”.. “Mẻ kho cũng bưng ra hủng hỉnh”, “Má chẳng hề cầm đũa/No vui”, người đọc thích thú với cách dùng từ của tác giả. Anh chắt lọc những từ địa phương, từ láy có sức gợi hình và cốt lõi để khắc sâu hình tượng bà mẹ quê với cái tâm hồn hậu, giản đơn nhưng tình thương con cháu lại bao la vô bờ bến.

Bài “ Mưa ảo”, hai câu thơ đầu, bằng biện pháp ẩn dụ anh ví von một cách khéo léo về nỗi đau thừa thải của mình bằng cụm từ “Tôi thừa ướt át..” vì đã có lần “Té vào hồ nước mắt”..Ở đây anh không dùng từ “ngã” hay “sa” mà dùng từ “té”. Từ “té” là từ bình dân của Nam bộ được anh đưa vào câu thơ rất tự nhiên nhưng rất “đắt”, cho ta hình dung được sự choáng váng, ngả nghiêng, đau điếng. Bên cạnh, “Té” là động từ cụ thể mêu tả tình trạng không thăng bằng nhưng anh lại gắn với cụm từ trừu tượng hồ nước mắt” làm câu thơ trở nên sinh động, tạo nên yếu tố bất ngờ…

Ngoài những bài trên, anh còn sử dụng biện pháp nghệ thuật này trong một số bài thơ khác:

“Buồn không tan không rã cũng không chìm”

( Uống rượu một mình)

“Tôi không thể vớt trời xanh mộng ước” ( Cạn)

“Tôi té xuống bộn bề lâu năm chưa rã dưới chân”

( Bãi sóng)…

Thơ ca là tiếng nói của con tim, bộc lộ tâm tư cảm xúc của tác giả khi bắt gặp sự rung động trước cuộc đời. Ngôn ngữ thơ chính là phương tiện biểu hiện cụ thể nhất đặc trưng của thơ. Bằng nhiều biện pháp tu từ như điệp ngữ, so sánh, nhân hóa, ẩn dụ, hoán dụ.. cộng với giọng điệu, ngôn ngữ thơ rất đặc trưng của một người con lớn lên từ sông nước quê nghèo Tây Nam bộ, nhà thơ Phạm Nguyên Thạch đã vận dụng được điều này để làm nên “ Mưa Ảo” với nhiều cung bậc cảm xúc.

Với tôi, Mưa Ảo là tập thơ mang giá trị nghệ thuật cao, chuyển tải nội dung nhân văn sâu sắc, để lại nhiều điều suy ngẫm cho người đọc.

Châu Phú, ngày 22/10/2022

 

P/c:

(*) –  Mưa Ảo,Nxb.Hội Nhà văn, tập thơ của Phạm Nguyên Thạch.

(* *)- Ý từ bài nhạc Pháp “Cho quên thú đau thương”.