Mùa dịch năm xưa – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

855

(Vanchuongphuongnam.vn) – Chú thạch sùng bông to khổng lồ quen thuộc sau lưng kệ sách cũ lầm lì buông mấy tiếng não nùng trong không gian tĩnh lặng đêm tàn như báo thức khiến Tùng bàng tỉnh giấc. Như thông lệ thường nhật, Tùng thư thả ngồi dậy chưa vội rời khỏi giường. Chàng thong dong trong thoáng mấy giây mong manh cho thật tỉnh ngủ mới vén mùng, chân luồn xuống sàn nhà tìm đôi dép mủ si-đa.

Nhà văn Nguyễn Thanh 

Tháng năm chưa nằm đã sáng. Ngày đến sớm với tiếng nói lào xào cùng âm thanh quen thuộc tiếng dọn bàn của cô hàng cà phê nhà bên quyện lẫn với tiếng nói rì rầm của những người thức sớm tập thể dục nhanh nhẹn bước vội ra phố đi bộ tại bến Ninh Kiều để tập thái cự quyền. Đưa mắt nhìn xa ra hướng sông Hậu, từ chân tượng Bác Hồ mỉm miệng cười vẫy tay chào trên bến Ninh Kiều, du khách dễ nhận rõ ra hình ảnh lờ mờ của chiếc cầu thế kỷ Cần Thơ. Mấy nhịp cầu dài chênh vênh nối chặc nhau như chiếc cổng trời sừng sững hiện ra dưới ánh dương hồng rực rỡ phương đông, nằm vắt mình qua đôi bờ con sông dài hiền hòa tư mùa lặng sóng.

Như một thông lệ mỗi sáng, sau khi thức dậy tập thể dục tại nhà, Tùng có thói quen ngồi vào bàn viết, soát nhanh email và zalo để xử lý tin tức và chuẩn bị kịp lúc cho công việc trước khi đến cơ quan. Tùng không bao giờ băn khoăn khi dự báo thời tiết trời có thể mưa gió trong ngày. Chàng cảm thấy thoáng nao lòng trước tin các trường lại bắt đầu cho học sinh nghỉ học. Học sinh thành phố trong đó có sinh viên của chàng cùng nhiều học sinh trong nước lại phải tạm nghỉ học để tránh bị lây lan vì dịch bệnh hiểm nghèo. Thoáng chốc, Tùng bất chợt cảm thấy bồi hồi trong lòng. Trí nhớ  Tùng quay lại với những ngày thơ ấu hãi hùng diễn ra ở quê chàng trong một mùa dịch bệnh năm xưa.

*

Sau tiếng sấm Cách Mạng mùa Thu năm ấy chỉ hơn năm, thực dân Pháp bội ước hiệp định Fontainebleau, quay đầu trở lại bắn phá mảnh đất Nam bộ, khiến dân tình khổ sở trong hoàn cảnh quê nhà khói lửa. Với bản chất thâm độc mưu toan thống trị, thực dân Pháp gây chia rẽ nhân dân ba miền, mua chuộc để lợi dụng một số phần tử giáo phái phản động gây nên cảnh nồi da nấu thịt đau thương cho đồng bào. Bọn tay sai ăn theo thế lực xâm lăng phương Tây hung hăng, độc ác tìm cách truy lùng tiêu diệt không nương tay những người thực sự yêu nước theo Việt Minh.

Thời chiến tranh khốc liệt lên tới đỉnh điểm, ban ngày, từ trên trời phi cơ vần vũ, dưới đất, thiết giáp nồi đồng nát mặt đất, thực dân ra sức ruồng bố, bắn phá nhà cửa đồng bào. Bọn lính viễn chinh bắn giết thanh niên đàn ông, không ngừng tay hãm hiếp đàn bà con gái. Ban đêm, bọn phản động Việt gian âm thầm tìm cách thủ tiêu bằng cho đi “mò tôm” các đối tượng đối lập nguy hiểm cho chúng.

Năm ấy, Tùng vào học sơ đẳng lớp Năm (nay là lớp Một) chưa bao lâu thì ngôi trường Tiểu học Tân Quới đã bị thực dân bắn phá tan hoang trong một ngày ruồng bố. Cả dãy trường năm phòng học chỉ còn trơ lại những mảng tường long mái đổ hoang tàn.

Ký ức về tuổi thơ của Tùng không thể phai mờ những ấn tượng ghê gớm mà nó được thấy tận mắt trong những ngày ấy khi chưa nghỉ học. Hai bên những con đường quê hiền lành bò lang lòng xóm, những cây xoài cây dừa trĩu trái ngon ăn bom đạn ngã cụp đầu nằm ngổn ngang, nhà cửa đổ nát điêu tàn. Những con sông quê màu mỡ ngọt màu phù sa vun bồi cho ruộng đồng, vườn tược xanh tươi đã trở thành những dòng sông chết. Trên mặt sông ngầu đục, ngày ngày bồng bềnh từng giề lục bình vô tri, những đám rêu mang theo xác chết vô chủ thối rữa trôi lờ đờ theo dòng nước hôi tanh. Trên không, lũ phù thủy kên kên, quạ đen không ngớt vần vũ bám theo. Chúng chực chờ cơ hội lao mình xuống mặt sông mong đớp đi những lão tôm già nua râu ria cùng đám cá chốt, cá linh loắt choắt mê ăn đang mải miết bám theo những thây ma hôi tanh lúc nhúc ruồi nhặng đang trôi lờ đờ theo đám rong rêu. Cảnh tượng hãi hùng chứng kiến tận mắt khiến thằng bé Tùng ngây thơ nhạy cảm, về nhà ngồi vào bàn không thể nuốt trôi cá tôm hoặc thịt heo. Tùng nhăn mặt đòi mẹ nó cho ăn rau luộc với nước tương, ba khía hay kho quẹt, muối tiêu!

*

Vừa qua khỏi canh ba, cảnh khuya  miền quê yên ả, êm đềm như một giấc ngủ sâu. Văng vẳng từ xóm xa, tiếng chó sủa trăng ra rả quyện lẫn với tiếng chim vạc đi ăn đêm ngoài không gian mịt mùng tạo nên một âm thanh não ruột. Trong đám cỏ dại ngoài hiên nhà, tiếng côn trùng râm ran một bản nhạc buồn muôn thuở gieo trầm tư cho những người thường đi ngủ muộn.

– Bà ơi, thức dậy đi, có tiếng trống tiếng mỏ inh ỏi kìa bà! Tiếng ông Chín Hậu thì thào gọi bà chín.

Cảm nhận bất chợt giữa đêm khuya những âm thanh lạ từ xa, bác chín Hậu chui ra khỏi mùng, xỏ vội đôi guốc vông vào chân, nhanh nhẹn đến bên giường giục bà chín thức dậy. Cả hai vợ chồng bác lão nông im lặng nghe ngóng trong không khí căng thẳng của đêm đen khi các con nhỏ của hai ông bà còn yên ngủ. Trong chốc lát, tiếng trống, tiếng mõ tiếng trống hỗn độn mỗi lúc một vang lên inh ỏi, dập dồn như chực xé tan bóng đêm tĩnh mịch bao trùm cả không gian bên ngoài Ấp Tân Phú, Cái Tắc – quê nhà của ông Tây Việt Minh Ba Paul tại đầu vàm kênh Mười Thới.

Cốc cốc… cum cum! Thùng thùng… boong boong… Xa xa, tiếng mõ tre, mõ lớn, tiếng thùng thiếc rồi tới tiếng trống chầu, tiếng đại thần chung nơi đình thần, từ các chùa chiềng lân cận dồn dập thi nhau nổ như tiếng súng trận, quét tan bầu không khí tĩnh lặng của đêm đen.

– Có người bị bệnh dịch bác chín ơi! Anh Bảy Te ở xóm trên hớt hơ hớt hải chạy vội đến báo tin.

– Ở đâu vậy bảy?

– Ở đầu kênh Thông Lưu đó bác chín.

– Vậy à. Khi anh bảy Te vừa chạy đi, bác chín quay nhìn về phía hai đứa con trai đứng bên cạnh cũng vừa thức dậy.

– Tùng, con ra am lấy cái mõ lớn trên gác chuông đem vô đây cho ba. Còn vợ chồng thằng Thạch thì chuẩn bị chiếc xuồng máy Kohler với cái thùng thiếc đi hỗ trợ báo tin tiếp cho bà con. Mau đi các con! Bác chín Hậu như một nhà chỉ huy, nhìn thằng Tùng và anh chị hai nó giục giã.

Theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh Sau ngày toàn quốc kháng chiến do tình hình đất nước, hai người chú ruột của Tùng là thầy giáo Nguyễn Hà và luật sư Nguyễn Khâm, phải thoát ly vào khu an toàn để tiếp tục công tác cho Cách Mạng. Riêng bác chín Hậu còn ở lại hoạt động tại địa phương. Để tránh đi những cặp mắt cú vọ của bọn chỉ điểm Việt gian, bác chín bất ngờ đành làm kẻ chán đời xuống tóc đi tu. Quy y tam bảo ở chùa Trúc Lâm ở sau vườn nhà ông chín Phó vốn là công an xung phong xã, bác chín ngày ngày mặc áo nâu sòng, trường chay khổ hạnh. Bác chín cất chiếc am nhỏ sau nhà sớm chiều tụng kinh niệm Phật. Bà con trong xóm từ quen tới lạ ai cũng nhìn phong cách bác chín Hậu đầu tròn áo nâu lúc bấy giờ chẳng khác một bậc chân tu đạo hạnh chính tông…

Không bao lâu, từ sau am ngoài ruộng xa, thằng Tùng chạy vô nhà, khệ nệ ôm trước ngực một cái mõ gỗ khá lớn tròn láng nhìn qua giống như như cái đầu trọc của thầy chùa. Sư chín Hậu đặt mõ chiếc mõ quen thuộc trên chiếc bàn xưa bằng gỗ lim được mang ra đặt giữa sân phơi ngay trước cửa nhà. Bàn tay lão luyện dạt dìu của nhà sư thời thế chín Hậu, tiếng mõ inh ỏi bay xa, hòa điệu cùng tiếng mõ tre, tiếng trống, tiếng chuông , tiếng thùng thiếc vang vọng lên từ các chùa chiềng lân cận và đình làng Tân Quới. Một âm thanh hỗn độn quái gở nghe rợn người. Trong lúc đó, bác chín gái đã thức dậy từ lâu, ở sau nhà bếp cặm cụi giụm lửa lo nấu nồi cơm nếp sẵn cho mọi người. Dưới cái rạch nhỏ gần đường đi, vợ chồng hai Thạch – khi ấy chưa thoát ly vào du kích xã – chuẩn bị mang cái thùng thiếc to cùng vợ xuống xuồng giựt máy chạy đi cổ vũ tin dịch bệnh hoành hành  cho bà con ở địa phương. Vợ ngồi sau xuồng giữ tay lái, chồng ngồi trước mũi đánh thùng thiếc báo tin dữ cho bà con. Suốt dọc đường hành hiệp ban đêm trên sông, vợ chồng hai Thạch cảm thấy chói mắt trước cảnh nhà nhà lên đèn và trên hai bờ sông già trẻ, đàn ông đàn bà hối hả chạy lúp xúp tay cầm đuốc, hoặc đèn bão miệng không ngớt la ơi ới.

– Có tiếng mõ cốc cốc… cum cum… lại vang lên inh ỏi báo tin có bệnh dịch cùng lúc về hướng kênh Mười Thới và ngã ba vàm kênh ông Nghệ nữa đó anh chín. Bà Năm tuổi sồn sồn ở xóm dưới Rạch Tre từ dưới sông đi vội lên nhà báo tin thêm cho hai vợ chồng ông chín Hậu.

– Chắc chắn cũng là bệnh dịch nữa rồi.

– Như vậy, bây giờ phải làm sao hở anh chín?

– Cũng phải lấy hết sức mình lo tìm cách đối phó và giúp đỡ bà con gặp lúc bị hoạn nạn. Bác chín tỏ ra trải nghiệm tiếp tục giải thích:

– Bệnh dịch này thuộc loại dịch thổ tả. Nguyên nhân chính trước hết là do môi trường sống con người bị ô nhiễm cùng cực bởi chiến tranh. Trên trời, lửa khói súng đạn, bom mìn bao phủ mịt mùng, dưới sông dòng nước thêm bị ô uế vẩn đục làm mất vệ sinh ở sự ăn uống và sinh hoạt thường nhật. Do vậy mà phát sinh ra dịch bệnh thổ tả.

– Triệu chứng phát hiện lúc đầu và diễn biến của dịch bệnh này như thế nào vậy anh chín?

– Nguyên nhân phát sinh trước hết là người bệnh bắt đầu đau bụng dữ dội, lăn lộn kêu la, rồi tiếp tục ói mữa liên hồi tới mật xanh… Mặt mày bệnh nhân từ từ tái nhợt và cơ thể lạnh dần cùng lúc với sự sụt nhanh huyết áp vì toàn thân người bệnh bị mất nước.

Cách nay trên sáu bảy thập niên, do hạn chế về kiến thức y học và sự thiếu thốn về phương tiện công nghệ nên ngưới ta cách chữa trị dịch bệnh thổ tả chỉ dựa vào phương pháp dân gian cộng với một số thuốc tàu mang tính chữa cháy nhất thời thuộc loại cao đơn hườn tán để uống như: phụ tử, đinh khấu, lục thần thủy, nước vỏ quýt sấy khô gọi là trần bì,… cùng với loại dùng để thoa như: dầu cù là, dầu nóng, dầu gió Nhị thiên đường…

Bác chín Hậu nhắc lại, người ta còn hỗ trợ thêm bằng cách cho người bệnh ôm những chai nước nóng bao vải trước ngực và đặt sau lưng để làm bớt lạnh cái cảm giác lạnh kinh khủng ở người bị dịch tấn công. Cùng lúc đó, nhiều lực điền to khỏe được phân công vừa đấm bóp lách chách tới tấp để máu huyết lưu thông. Người khác lo cạo gió (!) và cắt giác lấy máu bầm gọi là để lấy bớt gió ra và rút bớt máu độc trong người bệnh. Tùng không khỏi băn khoăn về cách chữa trị dân gian mang tính suy diễn và tự phát của quần chúng ngày ấy hiện nay chưa chắc được hoàn toàn nhất trí bởi nhiều người cùng một số y bác sĩ chính quy đã tốt nghiệp bài bản từ các Đại học Y Dược Quốc gia hay quốc tế.

Dù mang tính phản xạ tâm lý, mùa dịch thổ tả năm xưa cách nay gần thế kỷ mãi hằn in trong ký ức tuổi thơ Tùng những ấn tượng sâu đậm không thể nào quên. Trong bất cứ hoàn cảnh khó khăn hoạn nạn thế nào của đất nước, Tùng vẫn cảm thấy yêu thương đồng bào bà con ở quê nhà. Trong sinh tử đấu tranh khốc liệt chống thù trong giặc ngoài cũng như trong thiên tai dịch họa đã bao năm, nhân dân muôn đời vẫn không quên đùm bọc nhau, biết sẻ chia và đoàn kết nhau như gà cùng một mẹ. Đồng bào Tùng không chỉ thể hiện tinh thần quyết liệt chống dịch như chống giặc, trong mùa  đại dịch Covid-19  tai ác mang tính toàn cầu gần hai năm qua. Nhân dân cả nước anh còn minh chứng său sắc tinh thần tự giác, đoàn kết, biết lo lắng và yêu thương đồng bào trong nước hơn cả yêu thương và lo lắng cho chính mình!

– Phải rồi, với ta cũng như dân tộc ta, bóng tối chỉ làm cho lửa hồng sáng thêm trong không gian. Chỉ có môi trường gian khổ, hiểm nguy trong gian nan sinh tử mới có thể hùng hồn chứng minh được cho khí phách, tài hoa con người trên đường đời.

Tùng trầm tư, lẩm bẩm rồi cảm thấy yêu đời khi ngày nay một người cầm phấn đứng lớp như anh đã trụ thẳng vững vàng ở thế đứng của một con người thực sự là người… Tùng cảm thấy trong lòng ấm áp, tự hào thêm về đất nước anh hùng, kính yêu thêm lãnh tụ vĩ đại cùng đồng bào nghĩa nhân dũng cảm và tuổi trẻ biết yêu sống lành mạnh, mãi mãi muốn được vươn xa và bay cao. Hè sang với màu phượng rực rỡ tô thắm sân trường, sinh viên Đại học bắt đầu lũ lượt tìm đến trường anh đăng ký thực tập như những thập niên qua. Ánh nắng mai đến sớm, trong vắt, long lanh màu thủy tinh, ấm áp chan hòa lên những giàn giấy màu trắng hồng sặc sỡ hai bên con đường mang tên nữ anh hùng tuổi trẻ Đất đỏ miền Đông. Thoáng chốc, trong thâm tâm, Tùng nhận ra mình yêu thêm thế hệ ngày mai. Chàng cảm thấy đang có luồng máu nóng âm ỉ luồn sâu trong người, khiến lòng anh rạo rực. Tùng mỉm miệng cười thầm, lạc quan trước không khí rộn ràng nhân dân cả nước hôm nay thức sớm hăng hái đến phòng phiếu để làm bổn phận thiêng liêng trong mùa hội lớn non sông.

                                                                                                                  5-2021

                                                                                                                        N.T