Mùa đông phương Nam

907

Nguyễn Công Thanh

(Vanchuongphuongnam.vn) – Mỗi lần đến Sài thành, giai điệu ngọt ngào, tình tứ, say nồng của ca khúc “Gửi nắng cho em” (Nhạc Phạm Tuyên – thơ Bùi Văn Dung) cứ reo ca, nhảy nhót trong tâm hồn tôi. Sau đó, ca từ hiện dần ra:

Anh ở trong này chưa thấy mùa đông

Nắng vẫn đỏ, mận hồng đào cuối vụ

Trời Sài Gòn xanh cao như quyến rũ

Thật diệu kỳ là mùa đông phương Nam.

Bài thơ Gửi nắng cho em được Bùi Văn Dung sáng tác ở Sài Gòn vào tháng 12 năm 1975. Lần đầu tiên nhà thơ cảm nhận được mùa đông diệu kỳ: nắng vàng tươi, trời xanh trong, cây trái trĩu quả ở phương Nam. Hồi đó, “phương Nam” từ Đà Nẵng trở vào. Mùa đông phương Nam là mùa khô không có mưa phùn, gió bấc, không có “rét mướt luồn trong gió”. 45 năm sau ngày bài thơ ra đời, nhiều nơi ở phương Nam không còn mùa đông “diệu kỳ” ấy nữa. Từ Đà Nẵng đến Nha Trang và hầu hết Tây Nguyên, mùa đông mang theo mưa phùn, giá rét. Không thể tung tăng nhìn nắng, nhìn mây, ngắm cây reo ca và chia sẻ “Gửi nắng cho em, gửi nắng cho em” mà co ro trong áo ấm hoặc co tròn trong chăn bông.

Nhà thơ nhắc đến ba yếu tố khác biệt của mùa đông phương Nam là “nắng vẫn đỏ”, “mận hồng đào” chín muộn và bầu trời “xanh cao”. Hồi bài thơ mới ra đời, tôi nghĩ “mận hồng đào” là ba loại trái cây (mận, hồng và đào). Năm 1982 khi vào Nam, tôi mới biết mình nhầm to. Mận hồng đào là một loại cây ăn quả, thân gỗ, lá to như lá mít, gần giống với cây roi ngoài Bắc. Có điều, roi là loại cây mọc và phát triển tự nhiên, quả nhỏ, hơi chát, trẻ con hái ăn chơi; còn mận là loại cây ăn quả được trồng và chăm sóc công phu, trái có màu da hồng nhạt, hình hơi tròn, mình mận cứng, ăn giòn, ít nước nhưng vị ngọt đậm đà.

Mùa đông, trời Sài Gòn vẫn xanh cao quyến rũ, nắng vẫn vàng tươi, lại có chút se se lạnh lúc sáng sớm càng tăng thêm sức hút cho những ai muốn tận hưởng hương vị ngọt ngào, ấm áp của mùa đông phương Nam. Mùa đông phương Nam là món quà tạo hóa ban tặng cho con người. Mùa này vừa có nắng vàng ngọt đầu thu, vừa có cái trong xanh, cao vời vợi giữa thu, vừa có chút se se lạnh cuối thu. Tôi nghĩ, hai câu Kiều: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng” của Đại thi hào Nguyễn Du ít nhiều lấy chất liệu từ mùa đông phương Nam.

Sài Gòn đô hội, từng được ví là “hòn ngọc của Viễn Đông” không chỉ bởi phố phường đông đúc, nhà cửa san sát, kiến trúc hiện đại, lại có dòng sông uốn khúc quanh co, lững lờ không muốn trôi như chiếc khăn voan vắt quanh đôi vai trần mịn màng của thiếu nữ mà còn từ thiên nhiên và con người nơi đây.

Phố phường Sài Gòn suốt ngày đêm không ngủ. Hơn 4 giờ sáng, những con đường bên bờ sông, những con đường trong công viên, vườn hoa, đông đặc những tốp người đi bộ, tập dưỡng sinh. Hầu hết họ là người lớn tuổi, đang rèn sức khỏe, kéo dài tuổi thọ để tận hưởng cuộc sống tuyệt vời giữa chốn Sài thành hoa lệ. Còn nam thanh, nữ tú đang vùi trong giấc ngủ nướng sau một ngày làm việc mệt nhọc, căng thẳng và sau chầu nhậu đêm hôm trước. Thói quen của dân Sài Gòn là nhậu. Mỗi hội từ 4 đến 6 người, tầm 7 giờ kéo nhau đến quán. Mồi mè không cần cầu kỳ nhưng bia rượu phải đủ. Nhậu xong, góp tiền trả, khỏi phải băn khoăn, lo nghĩ. Nét “văn hóa sòng phẳng” này do người Pháp du nhập vào từ cuối thế kỷ XIX khi triều đình nhà Nguyễn nhượng 6 tỉnh Nam Kỳ cho Tây.

Cũng thời gian này, trên các đường phố, xe cộ đi lại tấp nập. Xe chở hàng vào chợ, vào siêu thị. Xe chở hàng từ các vựa đầu mối tỏa đi khắp nơi. Tiếng máy nổ giòn đánh thức cả thành phố tỉnh dậy. Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn chọn điểm nhìn trên cao, đã bao quát được cả một vùng Sài thành lúc bình minh: “Mặt trời chưa xuất hiện nhưng tầng tầng lớp lớp bụi hồng ánh sáng đã tràn lan khắp không gian như thoa phấn trên những toà nhà cao tầng của thành phố, khiến chúng trở nên nguy nga, đậm nét. Màn đêm mờ ảo đang lắng dần rồi chìm vào đất. Thành phố như bồng bềnh nổi giữa một biển hơi sương. Trời sáng có thể nhận rõ từng phút một. Những vùng cây xanh bỗng òa tươi trong nắng sớm. Ánh đèn từ muôn vàn ô vuông cửa sổ loãng đi rất nhanh và thưa thớt tắt. Mặt trời dâng chầm chậm, lơ lửng như một quả bóng bay mềm mại”.

Đứng ngọ, bầu trời xanh cao, nắng vàng trải khắp, nhiệt độ tăng dần. Những người từ xứ lạnh mới đến cảm thấy hơi nóng, vẫn dùng quạt điện, điều hòa giúp êm dịu giấc ngủ ngon. Xế chiều nắng nhạt, gió sông miên man thổi, đánh bay không khí ngột ngạt, trả lại sự dịu dàng, quyến rũ cho mùa đông phương Nam.

Sài thành đẹp nhất khi màn đêm buông xuống. Hàng triệu, hàng triệu ngọn đèn điện đủ màu sắc bật sáng. Các tòa nhà chọc trời, các khu chung cư cao tầng, nhà dân, sân bay, nhà ga, bến xe, đường phố bỗng rực lên, hân hoan thay ông mặt trời thắp sáng thành phố. Gió nhè nhè, khí trời se se lạnh, ánh đèn êm dịu như mời gọi du khách hãy lên lầu cao ngắm bầu trời đầy sao, cao lồng lộng, ngắm thành phố sắc hoa ngàn tía đang trôi dần vào đêm. Mời gọi du khách ra đường dạo phố hoặc sà vào các quán cà phê đen đá dìu dặt trong tiếng nhạc, mang đậm bản sắc Sài Gòn. Những ai biết uống rượu, quán ven sông là nơi không thể lý tưởng hơn. Gió mát quạt hầu. Đặc sản rừng, biển luôn sẵn. Các nữ tiếp viên xinh tươi, cởi mở, gọi anh, xưng em tự nhiên, ngọt ngào êm ái và thời gian nhậu có thể thâu đêm.

Những ngày gió mùa đông bắc tràn về, nhiều nơi ở miền Bắc nhiệt độ xuống dưới 10 độ. Ra đường tái tê, về nhà sưởi bếp. Áo ấm sù sụ, đi đứng co ro. Nhưng ở Sài Gòn “nắng vẫn đỏ”, trời vẫn xanh cao, con người đang hào hứng đón chờ rét đến để có cơ hội mặc bộ đồ ấm đã sắm từ lâu!

N.C.T