Mùa gió ngang vai – Giai điệu yêu thương thấm đẫm trong từng áng văn ngọt ngào

575

(Vanchuongphuongnam.vn) – Nhẹ nhàng, trong trẻo nhưng cũng không kém phần da diết và xúc động, đó là tất cả những gì còn đọng lại sau khi lật giở gần hai trăm trang sách của “Mùa gió ngang vai” – Tập truyện ngắn mới của tác giả Lê Ngọc do NXB Phụ Nữ phát hành gần đây.

Tình cảm gia đình từ xưa đến nay vẫn luôn được xem là một thứ tình cảm thiêng liêng và đáng trân quý. Thông qua mười hai truyện ngắn, Lê Ngọc đã thể hiện thứ cảm xúc cao đẹp và quý giá bằng những áng văn chân phương, mộc mạc, đôi lúc lại như một lời rủ rỉ tâm tình, nhẹ nhàng đi vào lòng người bởi những giai điệu yêu thương đồng cảm.

“Mùa gió ngang vai” khai thác và đi sâu vào mối quan hệ giữa những người thân trong gia đình với những câu chuyện gần gũi nhưng đầy xúc động. Ta có thể dễ dàng bắt gặp sự đồng cảm với những nhân vật trong câu chuyện của tác giả vì họ đều được xây dựng nên từ những nguyên mẫu và chất liệu từ cuộc sống ngoài đời thực. Có đôi khi, độc giả tự soi chiếu bản thân với những hình ảnh tương đồng trong cuốn sách, nhận ra những bài học thấm thía. Mỗi một câu chuyện, chúng ta đều thấy, Lê Ngọc khá tỉ mỉ và cẩn thận trong việc khai thác những tình huống quen thuộc và từ đó làm nổi bật lên những nét phác thảo đầy kĩ lưỡng và chi tiết về chiều sâu và tâm lý nhân vật. Những khắc họa đó, vừa làm cho nhân vật và câu chuyện trở nên gần gũi, thân quen, vừa khiến độc giả như được hòa mình vào từng cảm xúc, từng rung động của mỗi nhân vật và biến họ trở thành những người đồng hành đáng tin cậy.

Trong chuyến tàu du ngoạn của cảm xúc ấy, “Mùa gió ngang vai” đã bắt đầu bằng một câu chuyện rưng rưng nước mắt mang nhiều thông điệp giá trị về chiến tranh. “Gương mặt chiến tranh” đưa chúng ta trở về một không khí đau thương, mất mát của một cuộc chiến sinh tử đầy cam go; gian khổ.  Cuối cùng, dù cho chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nỗi đau sẽ luôn còn mãi đối với những người ở lại. Và đối với những người lính đã ra đi, họ cũng cần một sự ghi nhận xứng đáng.

Sang đến “Giật mình xốn xang” chúng ta lại một lần nữa được nhớ về những tháng ngày dịch bệnh căng thẳng. Trong giai đoạn khó khăn, thiếu thốn ấy, người ta mới lại càng biết quý trọng giá trị của nghĩa tình, của sự bao dung và tinh thần tương thân tương ái. Những câu chuyện nhỏ nhặt nhưng lại vô cùng ấm áp thân thương về những mối quan hệ giữa người với người khiến cho chúng ta giật mình nhận thấy: Có chăng, sự gắn kết sẽ càng khăng khít và dần thu hẹp lại khi con người ta cùng nhau trải qua những sóng gió, thăng trầm?

“Thành hoàng hiển linh” lại là một câu chuyện thấm đẫm những bài học nhân – quả. Kẻ xấu xa, giảo hoạt sớm muộn gì cũng sẽ gặp báo ứng. Luôn có một bài học thích đáng cho những kẻ lợi dụng người khác để mong cầu tư lợi cho bản thân mình.

Sang “Chiếc hộp kí ức”, người ta nhận ra một bài thấm thía: “Khi càng trưởng thành, nhiều người sẽ càng trở nên ích kỉ và lãng quên đi những kỉ niệm quá khứ.” Phải chăng, từ những cám dỗ và mưu lợi trước mắt đã khiến cho những đứa con thêm lạnh nhạt, thờ ơ và không còn nhớ đến những giá trị của tình thân ruột thịt.

Với “Lặng im quá khứ trổ hoa” – truyện ngắn duy nhất mang yếu tố ma mị, rùng rợn khiến độc giả gai người với những tình huống lạnh lùng, rợn tóc gáy nhưng lại sâu sắc đến ám ảnh. Từ những trải nghiệm ma quái trong căn nhà tranh của làng Pua dẫn người đọc lần tìm khám phá đến những sợi dây liên hệ bí ẩn và rồi cuối cùng là những giờ phút lặng người xót xa trước bản anh hùng ca đầy hiên ngang và bất khuất của người nữ anh hùng trong một thời khói lửa.

“Vợ hiền”, “Về miền cát trắng”; “Có đáng hay không?”; “Hoa xuyến chi”; “Dưới mái hiên nhà” là những truyện ngắn khiến người ta luôn đau đáu và day dứt khôn nguôi về thân phận những người phụ nữ trong xã hội; liệu chúng ta có quá bất công và hà khắc với những định kiến áp đặt lên những người mẹ, người vợ, mặc nhiên cho rằng họ phải dành cả cuộc đời chỉ để hi sinh hạnh phúc cá nhân cho niềm vui của những người xung quanh thay vì sống cho chính mình.

“Mùa gió ngang vai” là một khúc ca trầm bổng da diết, mang theo những thông điệp nhẹ nhàng và nhân văn về giá trị của tình yêu, tình thân và sự gắn kết giữa một xã hội đang ngày càng thiếu vắng dần đi sự kết nối. Với những bài học nhân văn thấm thía, cuốn sách đem đến những giá trị chữa lành, vỗ về và xoa dịu tâm hồn con người trong những ngày tháng vội vã, xô bồ. Bằng sự thấu hiểu và đồng cảm, Lê Ngọc đã phần nào giúp chúng ta tự nhìn nhận và đánh giá lại bản thân, tìm về với những yêu thương mà từ lâu chúng ta đã vô tình quên lãng. Lời văn mượt mà, thân thương cứ nhẹ nhàng đi vào lòng người từng chút một như một lời nhắn nhủ tâm tình đem đến cho người đọc những giờ phút suy tư và đầy lắng đọng sau những bộn bề ganh đua của đời sống thường nhật.

Hoàng Hạnh