Mùa hoa phượng vĩ – Truyện ngắn của Nguyễn Thanh

851

Cần Thơ, ngày vào Hạ 2022

(Vanchuongphuongnam.vn) – Hạ nồng đã sớm về rồi đó Hạnh em. Không gian đồng bằng lồng lộng không còn xạc xào những chú én xinh xắn tung tăng bay liệng sau chín mươi ngày xuân nồng ấm…

Hồng Hạnh em,

Hằng năm cứ vào thời tiết giao mùa hè sang, anh lại cảm thấy trong lòng rộn ràng biết bao nỗi nhung nhớ bâng khuâng. Hạ nồng đã sớm về rồi đó Hạnh em. Không gian đồng bằng lồng lộng không còn xạc xào những chú én xinh xắn tung tăng bay liệng sau chín mươi ngày xuân nồng ấm. Thui thủi một mình tháng ngày trên con đường cũ nội ô thành phố – con đường đã bao lần in  dấu chân quen của chúng mình từ những ngày còn học cùng chung một trường trong thời thơ ấu: “Bóng đơn đi giữa Tây thành. Thèm duyên thiên hạ, ghen tình người xa”. Anh bất chợt cảm thấy bồn chồn nhớ đến em trong hoàn cảnh chúng mình còn ở cách xa nhau muôn dặm trùng dương.

Hồng Hạnh em. Em vẫn còn ở ngôi biệt thự cổ với hàng giậu hoa ti-gôn xanh thắm thơ mộng bên cạnh Công viên Hoàng tử (Parc des Princes) hỡ em? – Nơi mà em nói đã cùng các bạn du học sinh các nước trên thế giới thường ra nơi ấy học hành trò chuyện trong những ngày nghỉ hè, lễ hội và chủ nhật? Cầu Mirabeau nên thơ mà thoáng vẻ lạnh lùng như còn ghi dấu bằng những vần thơ tuyệt bút về mối tình tuyệt vọng của ông hoàng thơ tình Pháp G. Apollinaire với người yêu trong một thời vang bóng: “Dưới cầu Miraeau/ Hững hờ trôi dòng Seine/ và trôi đi cả tình yêu đôi ta”. Rồi phố  Mont Martre với sinh hoạt mỹ thuật của những họa sĩ lãng tử đến tự bốn phương trời. Dòng sông Seine thơ mộng trữ tình qua lớp sương mù sớm chiều giăng giăng, chảy qua kinh đô ánh sáng Paris xưa nay vốn là  nguồn đề tài vô tận của những nhà thơ, nhạc sĩ: “Paris có gì lạ không em/ Mai anh vế với bến sông Seine/ Anh về giữa một dòng dòng sông trắng/ Màu áo sương mù hay áo em!” (Nguyên Sa). Và còn nữa một tháp Ep-Phen  (Eiffel)  cao vọi vọi như chiếc cột khổng lồ của thần trụ trời được cả thế giới coi cả là biểu tương của nên văn minh nước cộng hòa Pháp mà em thường hay ca ngợi trong những bức thư xanh em gửi cho anh.

Hồng Hạnh em,

Đừng hờn giận anh em nhé ! Không phải để mất thời gian hỏi thăm em ngần ấy là anh sớm vội buồn trách em – Nghĩa là Hồng Hạnh đã để cho những hoa lệ xa hoa tột đỉnh của kinh đô ánh sáng văn minh trót níu chân em. Từ đó nên kể từ khi thành đạt công danh rạng rỡ nơi xứ người, em mới khăng khăng nhất định không trở về sống ở quê nhà bên cạnh cha mẹ và bà con hàng xóm. Với anh, vẫn đinh ninh  một lập trường như ngày nào anh vẫn thường tâm sự cùng em khi chúng ta còn gần bên nhau tại khuôn viên Đại học quê nhà.

Hồng Hạnh em, sự thực anh đã đến với thành phố sông nước Cầm Thi nên thơ bên dòng Cửu Long hiền hòa tư mùa lặng sóng này, đã từ đó đi học và thiết tha yêu thương gắn bó với nó trước khi tình cờ gặp gỡ và tha thiết yêu em. Mỗi tấc đất, gốc cây và con người quen thuộc của hành phố này đều khắc đậm mãi dấu ấn trong trái tim anh. Bờ sông Rạch Ngỗng đối diện vườn Thầy Cầu gần chùa Đàng Tiên là nơi chúng mình cùng nhau mang tập croquis, cọ bút và giá vẽ đi sáng tác phong cảnh ngoài trời cùng bè bạn yêu hội hoa dưới sự hướng dẫn của GS. Họa sĩ Nguyễn Cường vào những ngày trời quang mây tạnh. Anh cũng không bao giờ cảm thấy phôi pha trong ký ức trong những ngày lễ hội và Chủ nhật, chúng mình đến Quán Gió Tình Thơ giữa  Thùy Dương Trang ven hồ Xáng Thổi lộng gió đồng bằng, cùng nhau say sưa vừa đàm luân nghệ thuật văn chương, vừa tranh nhau đọc tập thơ Từ ấy của nhà thơ kháng chiến Tố Hữu cùng tờ báo cách mạng Cứu Quốc được âm thầm phổ biến từ các ghe buôn khóm, dưa hấu miệt Gò Quao, Chắc Băng vùng U Minh Thượng mang lén ra thị thành.

Từ làng quê ra tỉnh  trọ học, trên căn gác xép của một chủ dựa trái cây bên bờ sông Cái Khế, anh em cùng nhau thích thú theo dõi từng bước đi chiến thắng chín muồi của quân dân ta tại mặt trận Điện Biên Phủ ở đỉnh đầu đất nước. Anh em đã cùng nhau để nhịp đập từ sâu thẳm trái tim mình cùng hòa theo khí thế chiến đấu của dân tộc anh hùng. Thời điểm tâm hồn thăng hoa vào sự nghiệp lớn của dân tộc đã khiên cho chúng mình không quên dệt mộng sự nghiệp công danh ngày mai của tuổi trẻ khi đất nước trở lại thanh bình!

Mỗi tuổi thơ bằng hữu hùng hực ngọn lửa đam mê ngày ấy đều ấp ủ trong hồn một lý tưởng cao đẹp dù con đường đi đến La Mã trong lòng mỗi người có khác nhau không thể nói ra. Chắc hẳn là Hồng Hạnh không bao giờ quên trong bọn mê chữ, hội họa và củng học giỏi ở lớp mình năm ấy có thằng Nguyễn Đồng bốn mắt cận nặng đến 5 độ vì sớm lậm với việc mê đọc sách. Sau khi tốt nghiệp Sư phạm Triết, Nguyễn Đồng đi dạy ở Đà Lạt rồi trở lại Sài Gòn, lấy cô vợ Bắc kỳ Nguyện Thị Hợp cũng vốn là họa sĩ có chân tài. Trong lớp mình, có đứa sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng như thằng Nghê Hữu Chí đã thoát ly gia đình tại Tham Tướng vào chiến khu ở Cà Mau. Thằng Lê Tấn Lộc đầu niểng lập dị lên Sài Gòn học sau đó cũng bỏ Hòn ngọc Viễn Đông hoa lệ đầy lính viễn chinh. Nó theo kháng chiến vào hoạt động văn nghệ báo chí ở chiến khu D. Cả hai thằng  Chí và Lộc, với lập trường sắt son kiên định đi theo cách mạng, đã hiện diện với bộ quân phục giải phóng màu lá xanh, mũ tai bèo, chân dép lốt trong ngày Hội lớn Non sông – Trận Đại thắng Mùa Xuân 1975. Các bạn ấy đã về tiếp quản trường trung học Phan Thanh Giản và hân hoan gặp lại bạn cũ trong ánh mắt và những cái bắt tay nồng ấm tình bằng hữu thân quen của những anh em bạn học cùng trường lớp ngày xưa…

Cần Thơ đường hồng hay đường xanh/ Bao nhiêu năm đậm dâu chân chân anh/ Bốn mùa cuối phố hay đầu ngõ/ Mưa gió đi về cũng gọi tên !  Đấy là Tây Đô của chúng mình đầy ắp bao kỷ niệm vàng son  của thời tuổi ngọc. Làm sao anh có thể đoạn tuyệt mối tình sách vở nồng ấm với bằng hữu ngày xưa để bỏ nó theo em ra hải ngoại.

***

Tin sương hôm nay gày thứ hai của đợt thi Tốt nghiệp Phổ thông Trung học, đường phố Tây Đô đã sớm trở nên rộn rịp khác thường. Từng nhóm sĩ tử bốn phương quen lạ, với bao lo toan và mộng ước lũ lượt về Cần Thơ ứng thí  trong không gian ấm áp mùa hạ với rừng hoa phượng vĩ rực rỡ màu hồng thắm đua nở khắp sân trường : Đi không chẳng lẽ lại về không/ Cái nợ cầm thư phải trả xong (Nguyễn Công Trứ). Thành phố cổ kính ngày xưa giờ đây đã chuyển mình thay đổi rất nhiều em ạ. Từ phòng văn tĩnh lặng, nhẹ nhàng vén chiếc rèm trắng mảnh mai nhìn qua song cửa sổ, anh chỉ một thoáng nhìn về cồn Ấu  là đã thấy rõ mồn một chiếc cầu Thế kỷ sừng sững hiện ra ở phương Đông. Cầu hiên ngang giăng cao lên cách xa khỏi mặt sông Hậu hiền hòa trông như một cổng trời ngày đêm, dập dìu tàu bè đến tự năm châu: Núi sông gấm vóc đẹp trăm miền/ Sông Hậu hiền hòa một vẻ riêng/ Tiểu đảo mươi hòn, xanh thủy liễu/ Trường giang một dải rợp du thuyền. Là du khách từ nước ngoài xa xôi hay người bản xứ, không một ai có thể phủ nhận đơợc dấu ấn rực rỡ này là một thành tựu đỉnh cao của nhân dân, chính quyền địa phương và cả nước chỉ có được từ sau ngày thống nhất ba miền đất nước: Cần Thơ đẹp như một trái tim/ Đã cho và nhận máu trăm miền/ Từ nay Nam Bắc thôi ngăn cách/ Cầu nối đôi bờ những nhịp duyên.

Còn nữa con đường Đại học rộng thênh thang nối liền thành phố và thị trấn Cái Răng lịch sử mà anh thường gọi nó là con đường tình yêu như còn mang đậ dấu ấn đặc biệt một thời vang bóng của chúng mình ở văn khoa: Từ độ em vào trong xứ thơ/ Quốc văn là mộng, chữ là tơ/ Bằng xe ba bánh và Solex/ Em tạo nên mùa xuân văn khoa // Đường Cái răng- đường vào tình yêu/ Vắng em Đại học nhớ thương nhiều…Bây giờ nơi đây đã là đại lộ 3/2 càng thêm khởi sắc vì nó đã thay da đổi thịt. Ngày ngày, nam nữ sinh viên như đẹp hơn đàn bướm lượn tung tăng, trong lớp áo trắng trinh nguyên, lung linh dưới ánh dương thanh bình rực rỡ!

Hồn không gian chữ nghĩa nơi thị trấn quê nhà cũng vẫn như xưa, lòng anh cũng mãi đinh ninh với một con đường về đất mẹ, tổ tiên, anh hùng liệt sĩ và  tất cả những ai còn biết mình đang mang dòng máu Lạc Hồng – Anh không thể rời bỏ quê hương !  Thà làm một kẻ ăn mày ở quê hương còn hơn là một tỷ phú ở hải ngoại. Với anh, duy chỉ có một điều là mùa phương vĩ này cảm thấy vì vắng em hiện còn ở mãi tận phương xa : Một người mà thiếu một người/ Vắng em là cả đất trời quạnh hiu (Un seul être vous manque, tout est dépeuplé). Do vậy, anh bao giờ cũng cảm thấy xót xa thương nhớ nhưng nghĩ lại anh càng thương em hơn rất nhiều.

Hồng Hạnh em,

Đừng hờn anh em nhé. Chính ý nghĩa cao đẹp của hai tiếng “đồng bào” chỉ có ở người Việt Nam chỉ những người cùng chung một bụng mẹ, mang cùng một huyết thống sinh ra khiến anh đã bao lần từ chối không theo em ra hải ngoại với cuộc sống giàu sang vật chất đủ đầy. Từ mùa phượng này, anh mong chúng mình sớm được đoàn tụ nhau tại quê nhà dưới chân tượng đài Bác Hồ vĩ đại kính yêu trong một ngày nắng đẹp nơi bến Ninh Kiều xinh đẹp mộng mơ dập dìu giai nhân tài tử.

Yêu em,

  N.T