Mùa lũ muộn – Tản văn của Diệp Linh

524

(Vanchuongphuongnam.vn) – Ở miệt sông nước miền Tây quê tôi những ngày này đã vào mùa lũ về. Tôi thường trông đợi con nước lên trắng bạc khắp cánh đồng miền quê thân thương. Những con kênh dẫn nước vào đồng, bờ ruộng quanh co khúc khuỷu sẽ hóa thành một vùng biển trời lai láng.

Tác giả Diệp Linh

Mùa lũ về đã trở thành nét đặc trưng không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt có từ lâu đời của người dân quê tôi. Năm nay, con nước từ thượng nguồn đổ về muộn hơn mọi năm. Người dân quê tôi có câu: “Tháng bảy, nước nhảy khỏi bờ”. Nhưng dù đã bước sang tháng Tám âm lịch mà mực nước vẫn chưa đủ ngập hết ngọn lúa chét của mùa vụ vừa qua. Những chú, bác trong xóm tôi đã chuẩn bị ghe, lưới, xuồng câu,… chỉ chờ ngóng con nước lên nhiều để họ còn bám trụ với nghề trong những lúc nông nhàn.

Mùa nước về mang theo bao hào sảng của tự nhiên từ tôm, cá, cua, ốc đến mùa đi hái bông súng, điên điển, rau muống đồng vượt nước, mùa đặt dớn kiếm cá, mùa đặt sờ di, đặt trúm quanh những đám lục bình xanh tươi. Đó cũng là khoảng trời tuổi thơ mà tôi chẳng thể nào quên được.

Thuở nhỏ, vào mùa nước nổi ngoài đi hái bông súng, điên điển, tôi hay cùng má chóng xuồng ra đồng hái rau muống. Rau muống nổi theo nước, rể hút phù sa tràn về cọng no tròn cỡ ngón tay cái, ăn giòn rụm. Từ ngày xa xưa, người người dân quê tôi đã biết tận dụng rau muống để làm thức ăn. Đọt rau muống hái về rửa sạch, ăn sống, hoặc luộc chấm với cá kho, mắm kho, sẽ làm cho bữa cơm lúa mùa thêm ngon miệng. Rau muống cũng có thể dùng nấu canh chua cá lóc, cá dồ. Không thì luộc rau, vớt rau ra, nước được tận dụng nêm nếm thêm ít muối, ít đường để làm canh. Đơn giản vậy, nhưng sao mà quyến rũ biết bao:

Trông cho rau muống mau xanh,
Để em cắt nấu chén canh mặn mà
Nhà em không vịt không gà
Chỉ có dưa muối, đậu cà đãi anh

Có bận đi học xa về thăm nhà, tôi thấy má chẻ cọng rau muống ra bóp với dấm gạo làm gỏi trộn với thịt cá lóc nướng. Ôi thôi! Ăn món đó ăn xong phải vỗ đùi kêu: Ngon hết xẩy à nghen!

Mùa nước lên cũng mùa hùa nhau đi đặt trúm, tôi cùng mấy anh con cậu bơi xuồng tìm những cây tre thật đều về làm ống trúm. Anh tôi tự đo ni, cắt đều, hơi lửa, đan hom bằng những thanh trúc dẻo dai. Tiểu nghệ đặt trúm còn tinh xảo ở khâu chọn mồi và cách làm mồi. Anh tôi hay dùng dầu dừa xào với cá tạp, ốc lác, ốc bươu trộn đều với cám, sau đó dùng những cọng năn tươi gói mồi lại thành từng cục bỏ vào ống trúm để dẫn dụ lươn chui vô. Tôi nhớ có hôm trời mưa sáng ra thăm, ống trúm mất tăm. Anh tôi phải mất một thời gian mới lặn mò được cái ống trúm, do dính nhiều lươn quá làm ống trúm mất dấu, chìm nghỉm xuống đáy ruộng. Những con lươn bự chảng, vàng ươm nằm trong thùng sấp lớp thấy mê. Chống sào qua khắp cánh đồng, tôi nhổ thêm vài cộng bông súng ma, suốt thêm rổ điên điển. Thấy tôi hí hửng khoe chiến công. Má nấu ngay nồi canh chua lươn bông súng với điên điển. Còn gì bằng giữa hơi lạnh bủa vây của cơn mưa dầm ta lại được thưởng thức món ngon thơm thảo nơi quê nhà. Nghĩ cũng lạ, bông súng mùa nào cũng có.

Muốn nồi canh chua, cứ bước ra chợ, nguyên liệu đầy. Vậy mà chỉ có bông súng ma mùa nước nổi là ngon nhất, húp chén canh chua lươn mà nghe sống lại cả trời thương nhớ. Biết bao ký ức tuổi thơ ùa về trong tôi lúc này. Đẹp đẽ. Tràn đầy yêu thương.

Cảm ơn quê hương yêu dấu của tôi đã sản sinh ra con cá, con tôm, cọng rau, cọng cỏ đều nồng nàn, thấm đẫm hương vị đất trời. Nuôi dưỡng những hoài bão, ước mơ nhỏ bé để tôi có một tâm hồn nhạy cảm như hôm nay.

Giữa nền trời xanh thẳm, giữa bốn bề con nước tràn đồng, tất cả những hình ảnh đặc sản trời ban hiện lên càng điểm tô thêm cho vẻ đẹp ngọt ngào của miền sông nước. Để rồi người ở lại thì luôn chung thủy một lòng, một dạ, kẻ ra đi thì vương vấn tơ lòng.

D.L