Mùa nhãn chín – Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Văn

659

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trong ánh nhìn quen quen ấy tôi nhận ra đôi mắt của thầy nó lúc bị người ta dí cây đèn bão vào sát tận mặt. Thầy thằng Việt ngẩng đầu lên lồ lộ ánh nhìn hân hoan lạ. Dưới chiếc gầm bàn mà trước đó người đàn ông ngồi ủ dột như đang cố che mình là đôi mắt nhìn ra xa. 

Nhà văn Nguyễn Trọng Văn 

Năm ấy được mùa nhãn.

Chập tối gió ngưng lại. Mùi nhãn chín dậy lên phủ khắp làng. Thứ mùi thơm ngấm sâu vào họng ngọt như vừa ăn kẹo. Tôi chạy ùa về nhà đầu tóc dính bệt mồ hôi, quần áo xộc xệch vì bọn tôi vừa xong một trận “bắn nhau chí chết” bằng súng dọc chuối. Bà tôi đứng chặn từ cửa. Bà quát “Mày ở đâu ra thế? Nhà cô Tơ vừa sang mách chúng mày vặt trụi cả cây chuối nhà cô ấy. Liệu hồn đấy nghe con”. Rồi bà nhẹ nhàng bảo “Vào ăn cơm nhanh lên còn ra ngoài đình”. Tôi hỏi lại “Làm gì hả bà?”. “Còn làm gì nữa” bà tôi tiếp “Tao nghe phổ biến tối nay ai cũng phải ra ngoài đình làng”. Với bọn trẻ chúng tôi “Ai cũng phải ra ngoài đình làng” có việc gì chẳng quan trọng, điều sướng nhất lại là có dịp để tha hồ nghịch. Tôi tưng tửng ra mặt, trong đầu đã phác nhanh trò chơi mới tối nay. Bà tôi nghiêm mặt đe “Mày dè chừng đấy. Phá phách gì người ta nhốt lại tao không đi xin cho nữa đâu ”.

Sân đình tối nay nhộn nhịp người lớn người bé, tiếng hỏi nhau có chuyện gì ầm ĩ. Đèn đóm chao qua chao lại hệt như có hội. Lợi dụng đám đông còn đang láo nháo, tôi kéo tay thằng Việt, thằng bạn thân nhất ở làng, bảo nó “Mình trèo lên cây nhãn góc đình đi”. Thằng Việt rụt rè hỏi lại “Trèo lên đấy làm gì? Mà tao sợ bị đánh lắm”. “Hứ. Mày sợ cái đếch gì. Mình lên đó phải bí mật chứ” tôi ghé sát vào tai nó “Tha hồ ăn nhãn, mày ạ”. Thằng Việt dù có lưỡng lự nhưng không cưỡng được cái kéo tay của tôi cùng từng chùm nhãn lắc lư mời gọi, nó ậm ừ quan sát mọi người rồi mạnh bạo hẳn lên “Trèo thì trèo”.

Chúng tôi chọn đám lá rậm rạp nhất của cây nhãn rồi ngồi giấu mình trong đó. Thằng Việt ngồi thu lu chỗ chạc ba trông tròn như một cái thúng. Tôi gãi gãi đầu bắt chước động tác của Tôn Ngộ Không đưa tay gãi gãi tai, gãi gãi mặt, cười “hí, hí”. Nó cũng “hí hí” cười theo. Tôi bảo thằng Việt “Tha hồ chén mày nhỉ”. Mặc kệ dưới sân đình giờ này ra sao thì ra, chúng tôi mỗi thằng một chỗ ngồi chắc chắn, tay phải với bên phải, tay trái với bên trái, những quả nhãn chín mọng lần lượt được chúng tôi xử lý một cách êm thấm. Trước tiên là quả nhãn được đưa vào miệng, sau miếng cắn khéo đến nỗi không rớt một giọt nước ra ngoài, tiếp đó là cả vỏ và hột được bỏ vào trong áo may ô. Trước khi trèo lên cây nhãn tôi và thằng Việt đã kịp dùng dây chuối buộc một vòng bụng. Có cái túi ấy thật tiện lợi. Mọi dấu tích của “vụ ăn trộm” được tính toán chu đáo. Hai thằng với cả “thiên đường riêng” thỏa thích. Chừng lâu lâu, vẻ im ắng dưới sân đình làm thằng Việt lo ngại, nó thì thào “Hay là họ về cả rồi?”. Tôi nghiêng đầu nghe ngóng: “Mày chỉ được cái hãi vớ vẩn. Đấy, có tiếng người đang nói đấy”. Quả tình đám lá rậm quá nên hai thằng không nhìn được những gì đang diễn ra bên dưới sân Đình. Tôi an ủi thằng Việt “Ăn đi mày ạ. Khắp làng mình cây nhãn này quả to và ngon nhất đấy”. Rồi tôi an ủi nó “Cũng phải đợi mọi người về hết tao với mày mới xuống được. Giờ mà lộ ra họ đánh què cẳng”.

Tiếng người nói dưới sân đình bỗng to hẳn. Tiếp đó rộ lên như có ai đang mắng mỏ. Tôi bảo thằng Việt “Mày lui sang cành bên kia ngó xem họ làm gì ầm ĩ thế”. Thằng Việt sau hồi ngó ngiêng nói vọng sang “Tao chẳng hiểu gì cả. Lạ lắm”.

Đúng là lạ thật. Tôi vén cành nhãn che ngang mặt cố cúi xuống trông ra sân đình. Dân cả làng ngồi đen ngòm thành từng đám. Ngay trước cửa đình có ai đó đang đứng nói cạnh một chiếc bàn mộc. Cây đèn bão đốt bằng dầu madút tỏa khói làm người đứng nói chốc chốc chụm tay húng hắng ho. Nhưng thái độ qua cử chỉ có nhiều phần quyết liệt, tôi tự nhiên nghe rất rõ “Với những người đã biến chất sinh hủ hóa, tôi đề nghị bà con cần lên án. Chúng ta đấu tranh vì quyền lợi và sự bình đẳng nam nữ. Một người chồng, một người cha như vậy sẽ không có chỗ đứng trong giai cấp chúng ta”. Đám đông nhao nhao hẳn lên. Có ai đó nhanh tay cầm cây đèn bão soi xuống gầm bàn. Ở đấy có một người đàn ông ngồi ôm gối, đầu cúi gầm. Cây đèn bão được đưa sát vào hơn nữa, người đàn ông tội lỗi như muốn chui vào gầm bàn. Đám người ồn ào “Phải kiểm thảo. Phải loại bỏ”. Có ai đó ném một vật gì vào gầm bàn, tức thì nhiều thứ được ném vào đó. Bị kích động bởi sự kiện đầy hiếu kỳ ấy, tôi hét to “Việt! Cùng tao ném vỏ nhãn vào tên kia”. Hai thằng chúng tôi vừa hò hét vừa lôi từ trong bụng áo và ném thẳng vỏ nhãn về phía trước. “Có kẻ ăn trộm nhãn đình! Có kẻ ăn trộm nhãn đình!”. Mọi người đã phát hiện ra chúng tôi và đổ xô về phía cây nhãn. Từ gầm bàn, người đàn ông tội lỗi cũng ngẩng mặt lên. Ánh sáng đỏ lè của cây đèn bão cũng đủ để nhận mặt người ngồi như nấp dưới gầm bàn. Tôi kêu lên “Hình như thầy mày”. Thằng Việt cũng kêu lên “Thầy tao!”. Mọi người dưới sân đình chen nhau í ới, có người còn ngơ ngác chưa hiểu chuyện gì đã làm đứt cuộc kiểm thảo. Lợi dụng cơ hội lẫn lộn đó, tôi giục “Chuồn mau!”. Rồi hai tay ôm thân cây nhãn tụt nhanh xuống ngỡ rách cả đùi. “Nhưng thầy tao?” thằng Việt hỏi lại “Còn thầy tao mà”. Tôi hét lên: “Thầy thầy cái gì. Không chuồn mau họ kéo đến đánh chết bây giờ”. Hai thằng tụt xuống, chạy biến vào bóng tối.

*

Tách lối mòn ven cánh rừng khét trơ cành cây cháy vì bom, tôi dìu thằng Việt ngồi tựa vào một hốc đá nhám khói đen sì. Nó đang lả đi, mặt tái dại vì mất nhiều máu. Nhìn nó đầu ngoẹo lệch sang bên phải, mồm há ra thở, tôi vừa thương lại vừa giận. Đêm hôm qua nó thò đầu vào võng tôi, nói đủ nghe “Mai còn được nghỉ. Mày báo là tao đi kiếm rau nhé”. Tôi ậm ừ “Mày đi đâu”. Nó nói lại “Bảo tao đi kiếm rau là được”. Đêm yên tĩnh hiếm hoi ngoài mặt trận đã nhanh chóng lôi tôi vào giấc ngủ.

Thằng Việt chợt cựa mình nhăn mặt ú ớ, tôi cố nuốt nước mắt nhìn nó và lo ngại nhìn chiều đang sầm sập tới. Gió chiều thổi rờn rợn thoảng lên một thứ mùi tanh tanh lờm lợm. Thằng Việt hết ú ớ, tôi giật mình thấy nó mở mắt nhìn tôi trừng trừng như muốn nói. Tôi ngồi xuống sát vào người thằng Việt. Một tay đỡ người nó đang ưỡn lên từng cơn co giật đau đớn, một tay tôi lần lần cố tìm cách tháo chiếc bi đông giắt bên dây lưng. “Mày uống tí nước cho lại sức”. Những giọt nước cuối cùng trong bi đông được cả hai tay tôi dốc ngược như đổ vào miệng thằng Việt. Nó chép chép miệng, cục yết hầu đưa lên đẩy xuống to và nhọn, trông như một cái trục khuỷu của tay quay cơ khí. Tôi động viên nó “Đau lắm hả? Tao sẽ đưa được mày về đơn vị”. Nó gật gật đầu, mặt méo xệch. Chiều nhập nhoạng phủ một màn ám khói lên mặt thằng Việt. Từ rất xa vọng lại những chuỗi nổ của bom.

Tôi nhỏm dậy định xốc thằng Việt đi tiếp. Thằng Việt bỗng buông thõng người, nó níu tay tôi ý kéo ngồi trở lại, nói phều phào “Không … không… kịp… nữa… nữa… đâu… mày… mày… cho… tao… nói… nói…”.

Trời tối hẳn…

*

Ông Oa vội giơ bàn tay bịt ngang miệng tôi, giọng ông như sắp khóc “Đó là năm bao nhiêu hả chú?”. Tôi trả lời giọng cũng nghèn nghẹn “Em làm sao quên được. Đấy đang giữa mùa mưa năm bảy mốt, mùa ấy ở quê mình nhãn cũng bắt đầu chín”. Ông Oa bóp chặt miệng mình, đầu cúi xuống che những giọt nước mắt đang ứa ra từ khóe mắt. Chúng tôi cùng im lặng. Ngoài kia nắng mang màu hoa lý và phủ vàng nhẹ lên khắp các đầu cây. Tiếng ran ran của bầy ong càng làm cho không khí như bức bối thêm. Mùi nhãn chín dâng lên thơm ngọt một cách kỳ lạ. Tôi chợt chành chạnh buồn và ái ngại nhìn ông Oa đang quệt tay lau nước mắt. Những giọt nước mắt chảy nhòe trên gương mặt sạm nắng trông lại càng áy náy. Một người đàn ông từng trải và nhiều lận đận đang khóc. Lâu sau ông Oa mới hỏi tiếp “Chú cùng ở với thằng Việt nhà… nhà tôi được mấy năm?… Cái thằng!”. Ông Oa mếu máo khóc thành tiếng “Khổ!” Không hiểu ông Oa kêu gì khổ hay ai khổ. Tôi lảng mắt nhìn ra ngoài cố kìm nén cảm xúc ngày trước đang dội về thúc thúc. Cố giấu đi lời trách móc ông Oa mà khi gặp lại ông tôi mấy lần toan trách. Ông Oa cũng quay mặt nhìn ra ngoài sân. Ngoài ấy từng đàn ong bay rối rít làm xua đi cái không khí u uất trong nhà. “Chú. Chú bảo cháu nó có… có… tha thứ cho tôi không? Cả chú nữa? chú cũng có tha thứ cho tôi không?”. Giọng ông Oa đã tỉnh hơn, dịu nhẹ hơn nhưng lại nghe khẩn thiết.

Ba hôm trước, tôi tình cờ gặp được ông Oa sau ba mươi sáu năm ông mất tích. Câu chuyện “kiểm thảo” tối năm nào ở ngoài sân đình cả tôi, cả làng Nhĩ Phố đã quên phắt. Cơn lốc chiến tranh cùng bao sự biến đổi đã không cho phép ai tĩnh tại mà nhìn lại những gì của quá khứ. Sau hồi tru tréo của dân làng phát hiện ra có kẻ ăn trộm nhãn đình, tôi và thằng Việt cắm đầu cắm cổ chạy. Cuộc “kiểm thảo” bị ngừng lại đột ngột và chuyển hướng sang cuộc truy lùng “kẻ trộm”. Đến khi chả ai bắt được ai và mọi người ai về nhà nấy, cuộc “kiểm thảo” tình cờ bị giải tán khi chưa có hồi kết. Lúc đó dân làng mới phát hiện thấy ông Oa không còn ngồi như rúc dưới gầm chiếc bàn mộc nữa, cũng không ai thấy ông Oa trốn về nhà. Mấy ngày tiếp theo vẫn bặt tin. Những lời đồn đại bắt đầu thầm thì ở mọi ngõ ngách. Người thì bảo “Tay Oa dắt gái bỏ làng đi trốn rồi”. Người thì nói: “Dám. Có mà gieo mình đâu đó”. Thằng Việt ngồi khép nép trên giường nhà tôi, mắt ráo hoảnh. Bà tôi lựa lời an ủi thằng Việt “Thầy mày hồi bé được tao cho bú nhờ đấy. Gớm, nhay gì mà nhay khiếp thế”. Rồi thằng Việt ra về, nó đứng đầu ngõ nói với tôi: “Bu tao mấy hôm nay toàn khóc” rồi nó nhìn tôi van nài “Mày còn chơi với tao chứ?”…

Ông Oa chợt lên tiếng phá ngang cái vẻ trầm u giữa tôi và ông “Ở cùng đơn vị với chú, cháu nó có nhắc về tôi không? Nó vẫn coi tôi là thầy nó chứ?”. Tôi không trả lời mà đầu gật gật. Đám khói thuốc lào bay òa vào mắt, tôi ậm è và nước mắt ứa ra. Ông Oa quay vội đi, lấy tay che ngực ho mấy tiếng…

*

Tôi cùng mấy thằng trong tiểu đội đứng lặng bên mộ thằng Việt. Đống đất mới lấp còn tươi màu đỏ. Trên mộ nó, tôi đã khéo léo chôn một cây cọc nhỏ làm dấu. Không có hoa, chỉ vài cành lá nhuốm vàng sót lại, trông đơn điệu hết chỗ nói. Tất cả im phăng phắc. Tiếng chính trị viên đọc rành rọt “Căn cứ vào kỷ luật chiến trường, nay cảnh cáo quân nhân Khiếu Quang Việt đã vi phạm…”. Tai tôi ù lên không còn nghe gì được nữa. Đống đất nhòe đi và biến mất. Tôi hốt hoảng trấn tĩnh lại: “… Tôi thấy thật là xấu hổ khi trong đơn vị lại có một quân nhân tự do. Các đồng chí nên nhớ rằng chiến trường là nơi rèn luyện cao nhất. Bất cứ một hành vi vô kỷ luật nào cũng sẽ được bài học như bài học của quân nhân Việt”. Tiểu đội lặng lẽ giải tán, tôi ngoái nhìn nấm mộ thằng Việt một lần nữa “Việt ơi, sao mày lại chết?”.

Sau nhiều thương vong qua các trận đánh, đơn vị tôi được lui về phía sau củng cố. Đấy chính là cái lý do để xảy ra chuyện thằng Việt. Lúc ngồi cùng thằng Việt bên hốc đá, tôi quàng tay giữ người thằng Việt giúp nó gắng qua cơn đau. Thằng Việt vất vả nói: “Hai… hai hôm trước… mày có… có nhớ không? Lúc… lúc qua đỉnh đồi 360… tao… tao thấy…”. Thằng Việt nhăn mặt, tôi bảo nó “Mày đừng nói nữa. Nói nhiều mất sức. Gắng chịu đau để tao cõng mày về đơn vị”. Nó lắc đầu mỏi mệt “… Tao thấy đồ… của… của con gái… phơi dưới lùm… lùm cây”. Tôi gắt to “Thì ra là mày… mày thấy con gái à? Chết rồi. Mày… mày giống…giống hệt thầy mày”. Thằng Việt níu chặt lấy tôi “Thầy tao… từ bữa ấy… chẳng… chẳng biết sống… sống chết ra sao… Tao đến… gần chỗ đó… trong… trong lán có… có hai cô gái. Họ… họ sốt rét nặng lắm… tao…”. Thằng Việt không nói nữa, hai mắt nó mở to vẻ mãn nguyện. Hồi lâu, hình như nó mỉm cười. Trong chút sáng sót lại của cánh rừng trụi lá, gương mặt nó hớn hở. Tôi thầm thì “Họ còn gì để ăn không?”. Thằng Việt không nói. Tôi tiếp “Mày… mày tệ lắm. Có thế mà cứ giấu”.

Tôi không đưa được thằng Việt còn sống về đơn vị. Dường như sức lực còn lại của mình, thằng Việt đã dành hết cho mấy câu nói với tôi. Tôi cõng xác thằng Việt đi bước thấp bước cao về đơn vị chịu kỷ luật.

Ngày hôm sau tôi xin phép chính trị viên qua đồi 360. Đồng chí chính trị viên chậm rãi nói “Kỷ luật của chiến trường không phải là trò đùa. Cậu nên nhớ chính cậu, đại đội chưa nhắc đến đấy” Anh khoát tay “Đồng ý cho cậu đi hai tiếng”.

Đó là một kho nhỏ có từ năm sáu mươi bảy. Ban đầu nó làm nhiệm vụ bảo quản lương thực. Sau, bảo quản quân trang do các đơn vị gửi lại trên đường giao liên. Xét thấy không cần thiết lắm nên binh trạm đã bớt người của kho. Khi thấy tôi vào, cả hai nữ đồng chí hỏi đồng thời: “Anh Việt đâu rồi, đồng chí?”. Họ khá ốm yếu, da xanh tái và giọng nói vẻ đứt hơi. Tôi lặng lẽ ngồi xuống chiếc ghế được làm bằng thùng đạn, nói mà không dám nhìn họ “Việt chết rồi. Chết hôm qua, lúc ở đây về”. Cả hai như chồm người về phía tôi “Đồng chí nói bậy. Anh Việt hôm qua ở đây còn khỏe cơ mà”. Tôi mếu máo “Việt chết thật mà. Nó vướng lựu đạn cài dưới mé đồi”. Hai cô nhìn tôi trừng trừng rồi cùng khuỵu xuống mà ôm choàng lấy nhau, họ gào lên “Anh Việt ơi! Bọn em hại chết anh rồi. Tại bọn em”. Tôi đỡ hai cô lên, nhìn thẳng vào hai cô, tôi hỏi lại “Tôi… tôi không hiểu”. Một cô bình tĩnh hơn, nói: “Mấy hôm qua đây, anh Việt thấy bọn em sốt quá, anh ấy bảo để anh ấy lo cơm nước giúp. Chiều qua… Anh Việt ơi… chiều qua anh ấy mang quần áo của chúng em đi giặt…”.

Tôi lặng người và ớ ra. Hóa ra sau khi xuống suối giặt giúp quần áo của hai cô, Việt đã qua bên kia suối tìm rau thật. Cậu ấy vướng phải lựu đạn do chính mấy cô gái cài đề phòng thám báo. Chính linh cảm đã giúp tôi tình cờ tìm thấy Việt trong tình trạng cuối cùng của cuộc đời.

“Bọn em nghe tiếng lựu đạn nổ”  Hai cô nói “Đợi mãi không thấy anh Việt quay lại. Đã nghi nghi” Các cô lại gào lên “Anh Việt ơi! Anh Việt ơi! Anh tốt thế. Sao anh lại chết? Tại chúng em… tại chúng em”. Nhìn những vật vã trong ân hận của hai cô gái làm tôi khó xử. Mãi sau tôi mới cất lời được “Việt còn bị kỷ luật”. Thay vì những giọt nước mắt và những tiếng kêu gào đau đớn cả hai cô gái há hốc mồm và yên lặng như chết rồi. Ác thay, chập tối hôm ấy đơn vị tôi được lệnh đi tiếp vào trong…

*

Gió lại làm dậy lên mùi thơm của nhãn chín. Ông Oa run run mồi đóm vào nõ điếu cày. Tiếp đó là tiếng rít kéo rõ dài. Khói thuốc lào nhả mù mịt khắp gian phòng. Bỗng chốc người đàn ông ngoài sáu mươi bé tỏng teo, tưởng như một chú bé con vừa bị ăn đòn mẹ. Tôi chuyển hướng “Ở trên tỉnh, người khen bác lắm. Thật không ngờ em và bác lại nhận được nhau”. Ông Oa ngậm ngùi “Chuyện đời dài thật đấy và ngắn thật đấy. Tối ấy tôi xấu hổ quá lại tranh thủ lúc dân làng ùa đi bắt trộm. Tôi bỏ làng lên ngược. Thằng Việt mới lên tám. Vậy chú với cháu cùng tuổi à?” Tôi gật đầu xác nhận và tiếp “Chuyện thằng Việt coi như bác và em đã kỹ rồi. Bác kể về bác đi. Thì ít ra hôm nào về làng em còn có chuyện nói lại với bác gái”. Ông Oa mặt quay đi “Bà ấy chắc hận tôi lắm. Hồi làm bạn với mẹ thằng Việt, tôi mười bảy tuổi. Còn bà ấy đã… đã hai mươi sáu. Chuyện quê ấy mà chú”.

Khi tôi lớn lên, có hiểu biết đôi chút. Bà cho tôi biết “Ông Oa, xét trong họ là anh tôi”. Hồi ông Oa đi “lính Giơ-ne”, gia đình bắt ông lấy vợ. Chẳng hiểu là cũng thích hay không dám trái ý gia đình mà ông Oa đồng ý. Người đàn bà là vợ ông, tuy tuổi đã cưng cứng nhưng được cái tính cái nết. Họ có với nhau thằng Việt. Bà tôi bảo: “Tưởng đi lính Cụ Hồ thằng Oa sáng ra, chứ ai ngờ đổ đốn. Hết hạn về làng, được tín nhiệm làm anh dân quân. Chẳng dè đâm ra phải lòng gái. Bà tôi ậm ừ không nói nữa. Tôi cũng chỉ biết đến thế.

“Chú giờ là ông nhà báo. Chữ nghĩa chú nhiều. Chữ của chú cả thiên hạ xem. Chú cho tôi biết thế nào là tình yêu? Thế nào là số phận?”. Tôi nhìn ông Oa ngờ vực. Vẻ đáo để bất chợt của ông khiến tôi phải nghĩ lại. Ông Oa tiếp “Âu cũng là cái số. Bỏ làng đi vì xấu hổ. Không dám về làng cũng vì trót dại. Ngần bấy năm…Chỉ trách tôi ngày ấy cả nghĩ mà đâm quẩn….”.

*

Tôi đứng đẫn người bất lực nhìn khoảng đồi rộng trơ trọi đang nguội nắng. Hai chân tôi cứng như đeo chì, cố lắm mà không tài nào nhúc nhích được. Chiều như trêu ngươi, màu đen của bóng chiều hôm đang đổ xuống khiến tôi thêm bấn loạn. Lo lắng hết sức vậy mà tôi không tài nào biết cách xử sự ra sao. Bên hốc đá nhám khói đen nhoét trong dáng chiều, thằng Việt giống như một mỏm cụt của cái thân cây bị bom Mỹ phạt ngang. Nó ngồi đấy, đầu gục xuống, hai tay đặt thõng trên mặt đất. Cả đến nhịp thở của nó cũng như ngừng lại. Nó hết khò khè phát ra những tiếng rên đau đớn. Bất chợt thằng Việt ngẩng phắt đầu lên giống như nó vừa cúi xuống ngẫm ngợi xong điều gì đó. Thằng Việt mở to đôi mắt nhìn bảng lảng ra mãi chân đồi. Tôi hoảng hồn cũng ngoái đầu nhìn theo hướng nhìn của nó. Chỗ vạt đồi kia bỗng bừng sáng khi một cơn gió vừa lùa đám mây treo lờ lững. Vạt đồi sáng vàng lạ lùng. Giọng thằng Việt trong veo “Ong bay. Ong đang bay”. Tôi cố gắng nhìn theo, chỗ vạt đồi vừa bừng sáng có mấy cánh ong rừng đang rè rè đập cánh tìm chỗ đậu. Thật sửng sốt khi giữa vạt đồi chết chóc ấy lại nhởn nhơ những cánh ong rừng bay náo nhiệt.

Tôi quay phắt người lại nhìn kỹ vào mắt thằng Việt, giờ đôi mắt nó long lanh vừa quen quen vừa là lạ. Trong ánh nhìn quen quen ấy tôi nhận ra đôi mắt của thầy nó lúc bị người ta dí cây đèn bão vào sát tận mặt. Thầy thằng Việt ngẩng đầu lên lồ lộ ánh nhìn hân hoan lạ. Dưới chiếc gầm bàn mà trước đó người đàn ông ngồi ủ dột như đang cố che mình là đôi mắt nhìn ra xa. Cái nhìn của thầy thằng Việt không có gì là sợ hãi cả. Lẩn khuất sau tán lá nhãn lòe xòe tôi còn kịp trông thấy đôi mắt của thầy thằng Việt đang tỏ rõ sự hài lòng.

Tôi còn láng máng nhớ bà tôi kể rằng: Người con gái mà thầy thằng Việt “phải lòng” kia có gì đấy rất đáng thương. Mẹ mất, người con gái sống một mình ngoài bìa làng. “Ấy là làng còn thương, còn cưu mang đấy”. Bà tôi nói vậy. Sao làng còn thương còn cưu mang nhỉ? Chính bà tôi đã kể người con gái kia là đứa con hoang của địa chủ Hào. Làng tôi hồi chưa cải cách chỉ có địa chủ Hào là sống dư dả nhất. Một mình địa chủ Hào sở hữu hàng chục mẫu ruộng mà lại toàn những chân ruộng tốt nhất làng. Địa chủ Hào cưỡng hiếp người đàn bà làm công cho lão. Thế nên mới sinh ra người con gái đẹp nhưng lão lại không thèm nhận. Năm năm nhăm địa chủ Hào chạy xuống Hải Phòng theo tàu há mồm của Pháp di cư vào Nam. Người con gái kia cùng mẹ được làng cho dựng nhà ngoài bìa làng. “Không nhẽ đuổi mẹ con họ đi”. Bà tôi vừa nhai trầu vừa nói làm rớt xuống vạt áo vài giọt nước trầu. Bà quệt môi rồi nói tiếp “Thực ra thì mẹ con nhà nấy cũng tồi tội”. Cái “tồi tội” mà bà tôi nhắc tới là hai mẹ con nhà nấy chỉ vì “dính dáng” đến địa chủ Hào mà “xã” không chia cho ruộng. Sau cải cách làng tôi nhà nào cũng được chia ruộng cả, chỉ trừ mỗi mẹ con nhà nấy. Năm ngoái mẹ cô gái mất vì bệnh. Bà ấy mất rất nhanh, nhanh đến nỗi mà bà tôi phải nói “Không ruộng, không ai thân. Mất nhanh lại đỡ nhục”.

Thầy thằng Việt từ hồi về làng vì vốn đã là “lính Giơ ne” nên được xã giao làm chân dân quân xã. Những năm Mỹ đánh phá, dân quân xã có thêm nhiệm vụ là ngày đêm trông coi việc an ninh của làng. Thầy thằng Việt chắc những đêm đi “tuần” trông coi an ninh cho làng đã “thập thụp” với người con gái sống một mình kia. “Tay ấy hay qua lại giúp cô gái sửa sang mái nhà bị dột”. Bà tôi chép miệng nói bâng quơ. Kể cũng “tội” thật. Nhà neo người, gái tơ hơ hớ chuyện hay bị đám dân quân mượn cớ vòng vèo trước nhà chọc ghẹo cũng dễ hiểu. Thầy thằng Việt ban đầu là qua đấy giúp sửa mái rạ lâu ngày không được dọi lại. Rồi tiếp đó là canh chừng đám dân quân kiếm cớ “vòng vèo”. Chẳng biết từ đâu loan cái chuyện “hủ hóa”. Thế mới có bữa cả làng tôi ra sân đình họp kiểm thảo.

Thằng Việt vẫn mở to đôi mắt. Nét mặt hân hoan như bắt được của. Rồi nó ngước nhìn tôi nói bằng cái giọng thều thào “Mày đừng nói với thầy tao là…”. Thằng Việt khó khăn cố ghìm cơn đau. Miệng nó mím chặt lại nghĩ ngợi. “Mày có gặp lại thầy tao thì đừng nói…”. Nó lại mím môi khó nhọc. Hình như thằng Việt đang tìm câu gì đó để nhắn gửi với tôi mà nó chưa nghĩ ra. Ngoài kia vạt đồi bừng sáng như ngưng lại. Lạ vô cùng, giữa một vùng khét cháy mùi bom lại bừng sáng một vạt đồi với nhởn nhơ mấy cánh ong rừng đang rè rè đập cánh. “Ong bay là tới mùa nhãn chín”. Thằng Việt nói rành rẽ. Có lẽ đấy là câu nói rành rẽ nhất của nó từ lúc tôi tìm thấy nó toàn thân dính bết máu. “Mùa nhãn chín rồi đấy. Mày có gặp lại thầy tao thì đừng nói tao… đừng nói tao… tao chết hèn… chết hèn như thế này nhé”.

Tôi đứng như trời trồng. “Tội” thằng Việt đáng trách thật. Mà sao nó giống tính thầy nó đến thế?

*

Không ai nói nữa. Phần tôi cũng thấy kho khó. Nhưng hiện tại là một ông Oa nổi tiếng vùng này giỏi làm kinh tế gia đình là điều chấp nhận được. Và một bài báo của tôi viết về một tấm gương điển hình làm kinh tế trang trại đang hình thành trong đầu. Ngoài kia, vườn đồi nhà ông Oa bạt ngàn cây nhãn. Những cây nhãn đang vào mùa cho quả trông không thể chê được. Tôi lựa lời “Xong vụ nhãn. Bác về thăm quê?”. Ông Oa lại ngửa cổ nhả đám khói thuốc lào nữa, nói bùi ngùi “Cũng may là cái đêm tôi chạy đến nhà cô ấy. Chạy đến trước cửa nhà rồi mà đứng ngẩn ra chẳng hiểu là mình đến đó để làm gì. Cô ấy nhìn tôi ngơ ngác vì cũng không hiểu chuyện gì xẩy ra. Thực tình lúc đó giữa tôi và cô ấy đã có ý gì đâu… Cô ấy theo tôi cũng là cái liều… Chẳng qua cô ấy cũng có còn ai để mà dựa… Bỏ làng đi tôi và… và cô ấy…”. Ông Oa ngập ngừng ám chỉ người con gái mà ông đã trót giúp đỡ, đã bị làng mang ra kiểm thảo ngoài sân đình trong cái tối như định mệnh năm nào. Cũng từ tối hôm đó người đàn bà đã làm ông “khổ” ấy trở thành vợ của ông Oa. Bà ấy vừa mượn cớ xuống dưới nhà bếp làm cơm để hai anh em chúng tôi ngồi tâm sự được tự nhiên. “Cũng may là cô ấy có đem theo ít hạt nhãn”. Ông Oa nháy mắt cười sảng khoái.  “Thế mới có đồi nhãn như bây giờ”.

Chia tay ông Oa. Trong lòng tôi đan xen các loại tình cảm. Làng quê Muội Sảng của tôi, của thằng Việt, của ông Oa và của mọi người đang râm ran mùa nhãn chín. Đồi nhãn của ông Oa rối rít cánh ong bay và cũng đang dậy lên thứ mùi thơm sâu trong họng như vừa ăn kẹo. Một chút ấm êm tràn ngập giữa tôi và người anh họ đã luống tuổi. “Về chứ. Về để làng còn tha thứ cho tôi. Về làng để tôi còn thắp cho cháu nó nén hương”. Ông Oa nắm chặt tay tôi lắc lắc. Ngoài kia hương nhãn chín ùa khắp đồi.

Tôi vẫn nhớ bà tôi hồi còn sống, bà tôi thường nói “Cây nhãn chính là làng mình đấy con ạ”.

                           N.T.V