Mùa ra sông vớt rẹm – Tạp bút Trần Dũng

255

Rẹm, nhiều nơi gọi là rạm, cũng có nơi lúc rẹm lúc rạm lẫn lộn, là loài thủy sản thuộc họ giáp xác nhà cua, phân bổ nhiều ở những cánh đồng vùng thổ nhưỡng nước lợ. Nếu phân định vai vế anh em theo kích thước thì rẹm thuộc hàng em áp út của các loài cua biển, cua đồng, ba khía và chỉ lớn hơn các em còng, cáy đôi chút. Thân rẹm có dạng gần vuông, khi trưởng thành to cỡ hai phân khá đều nhau, mình dẹp, ngoe và càng đều nhỏ, sức kẹp, cào cấu không đáng kể nên khả năng tự vệ không cao. Bù lại, tạo hóa ban cho chúng sự nhanh nhẹn phi phàm, thoắt ẩn thoắt hiện, khi tính mạng bị đe dọa.

Ảnh minh họa

Cũng như những người anh em trong họ nhà cua, rẹm có tập tính sống lưỡng cư, thường suốt ngày ngâm mình trong nước nhưng cũng ngoi mình lên khô để thở và quan sát. Không có nước, rẹm chết nhưng nhiều nước quá cũng không chịu nổi. Hàng năm, khoảng đầu tháng Năm âm lịch trở đi, khi gió nam thông ngọn, mưa đã đều và lớn, đủ sức đẩy nước mặn ra biển và ém chân phèn sâu xuống lòng đất, người nông dân miền Tây Nam Bộ đi vào mùa gieo mạ, cày xới, chuẩn bị cho vụ lúa mùa duy nhất trong năm. Trong những đám mạ non, rẹm làm hang khắp chỗ đất mềm trên mặt ruộng để ban ngày trú ẩn, đêm bò ra chung quanh kiếm mồi. Thoạt nhìn, dễ dàng phân biệt hang rẹm với hang các loài giáp xác khác bởi miệng hang hình dẹp (như thân rẹm), cửa hang hướng ra vũng nước nhỏ như lỗ chân trâu, đáy hang chỉ sâu khoảng gang tay, nằm chênh chếch với phương ngang của mặt đất. Suốt ngày, rẹm thập thò phía trong miệng hang, lú càng ra ngoài, sùi bọt thở và khi động thì nhanh chóng rúc vào đáy hang. Người đi bắt rẹm chỉ cần dùng các ngón chân nhấn xuống phía sau miệng hang chừng vài phân tây là bít lối vào hang, khiến rẹm hoảng hốt bỏ chạy ra ngoài. Không nhanh tay lẹ mắt, chú rẹm lại chui tọt vô hang người anh em hàng xóm vốn hay cự cãi khi kiếm ăn, đánh nhau lúc giành cái, nhưng cũng rất sẵn lòng cưu mang che chở nhau lúc hoạn nạn.

Suốt những tháng mùa gió nam, rẹm chỉ làm một nhiệm vụ duy nhất là ăn. Tranh thủ ăn mọi nơi, mọi lúc với bất kỳ thứ gì mà chúng kiếm được. Chủ yếu, nguồn dinh dưỡng của rẹm là chất phù du có trong phù sa mà dòng nước Cửu Long đưa vào ruộng, nhưng chúng cũng không hề từ chối các loài động vật thân nhỏ như tép muỗi, cá con… thậm chí, gặp xác chết cá to trôi nổi, chúng cũng rủ nhau chén sạch. Ăn nhiều, rẹm lớn nhanh như thổi và cứ mỗi đợt trăng non là một lần lột xác cho “hình thức phù hợp với nội dung”. Vài tháng sau, rẹm đã vào độ trưởng thành, những con đực to càng vạm vỡ hung hăng, những con cái mập mạp, đẫy đà, dần hình thành lớp gạch son nho nhỏ trong thân.

Trời đồng chung rồi trở chướng. Những ngọn chướng non lao rao tuy còn yếu ớt nhưng cũng đủ sức dựng con nước thủy triều biển Đông lên cao và những cánh đồng ven biển miền Tây Nam bộ đi vào mùa nước rong. Thời điểm này cũng là lúc cao điểm mùa mưa, nước trên thượng nguồn Mê Công đổ về mỗi lúc một nhiều hơn, làm thành mùa nước nổi vùng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên. Nước nổi xuôi dòng đổ về, kéo theo những giề lục bình vốn sinh trưởng từ những bưng đầm nước ngọt trôi về miền hạ lưu nước lợ. Lục bình là loài thực vật đặc biệt ở Đồng bằng sông Cửu Long có sức sống vô cùng mãnh liệt. Tuy chỉ bập bềnh trên sóng nước, vươn rễ xuống dưới mặt nước một chút để tìm kiếm chất dinh dưỡng, vậy mà lúc nào lục bình cũng xanh mướt, vừa trôi vừa nở bông tím biếc, vừa trôi vừa sinh con đẻ cái. Gặp đoạn sông hẹp, ít chảy, từng giề lục bình kết nhau thành bè, thành mảng, có khi che kín mặt sông, khiến cho việc giao thông vận chuyển trên sông gặp nhiều khó khăn.

Gió chướng, nước triều lên là lúc những đàn rẹm thực sự trưởng thành, bước vào hồi động dục, đứng ngồi không yên trên mặt ruộng, tìm mọi cách rủ nhau hối hả ngược dòng thủy triều ra sông. Hồi đó, những đêm nước rong, chúng tôi ra ruộng đặt “xà ngôm”, mỗi con nước đổ lên, có khi cả “xà ngôm” toàn rẹm là rẹm. Rẹm trong “xà ngôm” cứ ngoe càng xoắn cục vào nhau, luôn miệng ro ro những âm thanh mời gọi bạn tình, bất chấp cái chết đã cận kề.

Thoát được những miệng “xà ngôm”, miệng lú giăng ra từ các bờ bao cho tới các kinh rạch, coi như rẹm đã vượt được “vũ môn” ra sông rộng an toàn. Như một tập tính sống đã được lập trình từ nhiều đời, rẹm nhanh chóng lao tới đu mình bám chặt vào chòm rễ của từng giề lục bình đang trôi tản mát trên sông. Từ nay, rẹm đã có được một mái nhà di động an toàn, bất chấp nắng mưa hay gió to sóng dữ, lại có được nguồn thức ăn dồi dào từ các chất phù du và các loài thủy sản bé nhỏ cũng cố bám vào lục bình. Sóng gió và dòng chảy thủy triều đẩy đưa từng giề lục bình kết nối thành bè, thành mảng ken kín vào nhau cũng là lúc đàn rẹm trở nên đông đúc – giống như mùa ba khía hội, đi vào cuộc giao hoan nhằm duy trì và phát triển giống nòi. Thiên nhiên nghĩ quá diệu kỳ, khả năng tự di chuyển của từng cá thể rẹm là không đáng kể, chỉ quanh quẩn mươi thước đất ruộng chung quanh miệng hang, nhưng chính những giề lục bình trôi nổi đã đưa hàng ngàn cá thể rẹm vốn “xuất thân” trên những cánh đồng xa nhau hàng chục cây số, có dịp tụ hội trong mùa sinh sản, hạn chế được hiện tượng cận huyết thống, đảm bảo sức khỏe cho từng cá thể cũng như sự phát triển bình thường của cả giống nòi nhà rẹm.

Cứ vậy, khi nước ròng sát, rễ lục bình chạm đáy sông rạch để hút phù sa, tái tạo nguồn dinh dưỡng thì đàn rẹm ngoi lên phía lá, tránh môi trường yếm khí; khi nước lớn, chúng lại chui ngược trở xuống bám vào rễ đám lục bình vừa nổi lên, tranh thủ vừa ăn uống vừa trở lại cuộc giao hoan.

Vài tháng sau đó, khi gió chướng đã già đi, thông ngọn, từ biển Đông thông thống thổi vào đất liền. Tháng Mười, tháng Mười một âm lịch là cao điểm triều cường trên các cánh đồng ven biển miền Tây Nam bộ. Hồi đó, chưa có các tuyến đê bao ven biển, ven các cửa sông nên ngọn triều cường thường ngập linh láng các cánh đồng. Ngọn triều đẩy từng giề lục bình cùng với nhiều thứ củi rác khác (mà người nông dân lớn tuổi ở đây gọi chung là “rìu”) vượt qua các bờ bao tràn vào những chân ruộng lúa mùa đang hồi làm đòng, trổ bông. “Rìu đè lúa” là cả một sự ám ảnh của người nông dân chúng tôi thời ấy. Nửa đêm của con nước rong Ba mươi hoặc Rằm, cứ canh lúc đỉnh triều là cả nhà phải ra ruộng, dầm mình dưới nước, nương theo sức nước mà đẩy rìu lướt qua ngọn lúa lên bờ. Ngủ quên, sáng ra nhìn từng giề lục bình, bập dừa… đè xơ xác cả ruộng lúa thì khó ai cầm được nước mắt. Nhưng với họ nhà rẹm, con nước đỉnh triều tháng Mười, tháng Mười một âm lịch lại tiếp tục là một sự diệu kỳ nữa của thiên nhiên, đã đưa những đàn rẹm non bé li ti, kết quả của mùa giao hoan trước đó, về trả lại cho những cánh đồng rộng mênh mông. Nước rút, chúng bám vào những bụi lúa mùa, rồi đào hang chui vào đất, tiếp diễn một chu kỳ sinh trưởng mới, y hệt như bao thế hệ trước chúng đã trải qua.

Bao thế kỷ qua, người nông dân Nam bộ vốn gắn bó với thiên nhiên, hòa vào thiên nhiên mà sống, dựa vào thiên nhiên để thu hái những gì thiên nhiên ban tặng. Những ngày cuối Tám đầu Chín âm lịch, khi ngọn chướng non lao rao thổi về, khi những giề lục bình theo dòng nước từ thượng nguồn trôi xuống, rồi kết lại ken kín đoạn sông nào đó là bọn con nít chúng tôi lại nôn nao vào mùa vớt rẹm trên sông. Ngày ấy, như tất cả các xóm làng nông thôn Nam bộ, quê chúng tôi nhà nào cũng có một vài chiếc xuồng lớn nhỏ, vừa “làm chưn” đi lại vừa làm phương tiện kiếm sống trên sông hay vận chuyển vài ba giạ lúa đi chà, chục gà vịt ra chợ… Trên những chiếc xuồng bé xíu, chúng tôi kết thành từng đôi, đứa ngồi lái cầm dầm khi bơi khi chống, len lỏi vào đám lục bình, đứa ngồi mũi tay nhóng bụi lục bình lên khỏi mặt nước, tay còn lại cầm chiếc rổ tre gợt ngang rễ, sao cho những chú rẹm xinh xinh không kịp tẩu thoát, mà lọt hết vào rổ, rồi ụp rổ đổ vào thau hoặc thùng nhựa để sẵn trong lòng ghe. Suốt tứ buổi trong ngày, buổi nào cũng có thể ra sông vớt rẹm, miễn là dưới sông con nước lớn đầy để lục bình nổi hẳn lên trên nhưng kinh nghiệm nhà nông cho thấy “nhứt chạng vạng, nhì rạng đông” thì các loài thủy sản luôn mê mồi dạn bóng. Đặc biệt hơn nữa là lúc chạng vạng mà trời mưa dai dẳng, rẹm vừa mê mồi vừa say cuộc giao hoan, “coi cái chết nhẹ tựa lông hồng”. Hơn tiếng đồng hồ đội mưa trên sông, mỗi đứa mang về cả chục ký rẹm là chuyện thường tình. Trên đoạn sông ngắn ken kín lục bình, hàng chục chiếc ghe của bọn trẻ chúng tôi như bầy chim non ríu rít tiếng nói cười, vừa chứng tỏ mình là đứa giỏi giang cả trên bờ dưới nước vừa góp vào bữa cơm chiều gia đình thêm phần ấm cúng.

Rẹm vớt trên sông vừa mập mạp ngon lành vừa rất sạch sẽ chớ không dính bùn sình như hồi chúng còn vùi mình trên ruộng. Khi mang rẹm về, người chị gái trong nhà chỉ cần cho vào rổ ngâm dưới nước xốc mạnh vài cái cho bong tróc rong rêu, rồi dùng kéo cắt bỏ toàn bộ ngoe và càng. Thân rẹm khá đều nhau, mai màu vàng nhạt, bụng trắng phau, như những đồng xu nằm xấp lớp trong rổ, trông khá bắt mắt. Ngày xưa, rẹm còn nhiều vô kể, thường người dân quê tôi đem luộc hoặc rang muối chấm muối tiêu chanh, coi như món ăn cho vui miệng buổi nông nhàn. Thịt rẹm săn chắc, ngọt và béo cộng với chút hương thơm đặc trưng, nên tuy không cao sang gì nhưng đã là dân ruộng thì không ai mà không ưa thích.

Ngày nay, trong bối cảnh nhiều chủng loài thủy hải sản tự nhiên đang cạn kiệt, họ nhà rẹm cũng cùng chung số phận, ngày càng thưa thớt, đến mức hiếm hoi. Một buổi sáng nào đó, một bà mẹ quê cắp chiếc rổ tre vài chục con rẹm mang ra chợ chưa kịp đặt xuống đã có người buông tiền hớt liền tay trên. Mang về, người ta ngồi tỉ mẫn nhặt nhạnh từng con, chỉ cắt bỏ chót ngoài đuôi ngoe càng, cố chừa lại hết phần nào nhai được, rồi dùng đũa nhỏ vít cho sạch chút gạch son vương trong mai rẹm, tẩm ướp gia vị làm món rạm chiên giòn hay rạm rang me. Nhìn chiếc dĩa có đôi ba con rẹm được chế biến cầu kỳ, vén khéo, chễm chệ ngự trên lớp xà lách non, dưa leo, cà chua nhiều màu sắc, đủ để tống tiễn thùng bia Heineken của giới nhiều tiền lắm bạc.

Xa rồi, những chiều vớt rẹm trên sông!

TRẦN DŨNG/ BÁO TRÀ VINH