(Vanchuongphuongnam.vn) – 1. Thời ấy, tôi không còn nhớ rõ là năm nào. Một trận lũ lụt nước trắng xóa ruộng đồng. Mười hai tuổi con Tép Riu đã biết theo chân Tí Còm đi thả lờ khắp cống rãnh, mương máng, ven bờ ruộng để nhử cá rô đồng. Những con cá rô vô lờ giỡn bóng đến lúc ra, ra không được mắt đỏ lơ.
Nhà văn Vũ Khắc Tĩnh
Mùa nắng Tép Riu theo mẹ ra đồng nhổ cỏ lúa, xong việc ở ruộng đồng thì theo lũ bạn trong xóm lên đồi hái sim chín, hái trộm me của người hàng xóm, mùa mưa theo Tí Còm ra đồng thả lờ, thích lội bì bõm dưới nước đẫm ướt hết áo quần mới chịu về nhà. Cứ thế lũ bạn trong xóm dắt nó đi qua tuổi thơ, thằng anh cũng dắt con em đi qua tuổi thơ dãi dầu mưa nắng trên cánh đồng mênh mông, cò bay thẳng cánh…
Nhìn con Tép Riu đầu đội cái nón lá đã cũ, mất vành tròn bọc quanh nón, được cắt bỏ bớt cho nhỏ lại hợp với cái tuổi.
Nhà nghèo, ông Tư bị tai nạn nghề ngiệp mất sức lao động, nhà có bốn anh em, bà Sáu phải đứng ra cáng đáng công việc đồng án, như gieo, cấy lúa, gặt lúa… Làm không ngớt tay. Khi nhá nhem tối, chim bìm bịp kêu trên các bụi cây ven ao, hồ, đàn gà con kêu chim chip theo gà mẹ vô chuồng, bà Sáu mới lững thững trên đường về nhà. Từ sáng sớm đến tối mịt vậy mà bà Sáu còn nói chưa thấy thấm thía vào đâu. Anh trai đầu đã có vợ, chị gái có chồng ở cách xa nhau cả chục cây số. Mỗi năm đến ngày lễ, hay ngày tết anh chị mới đưa cháu nội, cháu ngoại về thăm nhà.
Tép Riu càng ngày càng lớn như gió thổi, mắt to tròn đen láy, tóc để dài chấm vai, nước da ngăm đen nhưng bóng bẩy. Tép Riu nhanh nhẹn, hồi nhỏ đi học đánh vần con chữ rất nhanh, viết chữ nắn nót đẹp, cộng, trừ, nhân, chia chi làm cũng được…
Khi Tép Riu đã trở thành thiếu nữ, bà Sáu mới gọi tên con là Sa Huỳnh để cho đứa con gái nở mặt nở mày với bà con chòm xóm, mà lâu nay cứ gọi Tép Riu. Đám trai tráng trong làng dòm ngó, có người bà con đứng ra làm mai mối. Bà Sáu hỏi ý kiến nó, nó lắc đầu nguây nguẩy chưa muốn lấy chồng. Nó nói nó muốn đi học. Bà Sáu còn do dự chưa quyết định được, để tính toán lại có đủ điều kiện cho đi học hay không?
Trong nhà mỗi lần nhắc đến chuyện học thì Tép Riu nghe được, lòng mừng thầm nói cười xởi lởi vui đáo để, Tép Riu thèm học, chỉ có học mới thoát ra được cái nghèo đeo đẳng mãi những con người trong làng xóm này trong đó có Tép Riu.
Có lần Tép Riu phân trần với bà Sáu:
– Mẹ thấy không từ đời ông, đời cha, rồi đời con, cực thấu trời xanh, hết hạn hán đến lũ lụt. Mùa nào cũng thiếu trước hụt sau, may là mấy năm gần đây mưa thuận gió hoà nhà mình có cái ăn cái mặc.
Trước đây, nước trắng đồng, thì mọi người không có cái ăn. Biết bao phận đời lênh đênh theo sóng nước kêu trời không thấu. Làng xóm này con cái đi học nhiều nhưng cũng chẳng tới đâu, nếu có đi làm ăn ở phương xa cũng đủ nuôi bản thân, chớ làm gì thoát ra được cái nghèo. Vậy tính toán đi cũng phải tính lại, suy ngẫm mọi tình huống thiệt hơn, chỉ có cái học mới xoá đi cái dốt nát, am hiểu mọi thế thái nhân tình, có đi ra khỏi cái làng quê này mới phát huy được tài năng, học hỏi được nhiều điều bổ ích. Như lời ông bà ta nói “Đi một ngày đàng học một sàng khôn…” Sau nữa ngẩng cao đầu với đời mẹ à!
Bà Sáu nghe có vẻ tâm đắc. Con nói vậy nghe hay đấy, nhưng thân con gái dặm trường xa xôi vô tận đến Sài Gòn học, mà Sài Gòn thì ồn ào, náo nhiệt, lắm xô bồ, phức tạp. Có ai đi đến đó mà trở về nguyên vẹn. Nói đến ăn uống, mua sắm cũng phải có tiền, nói chung đụng vào chỗ nào cũng phải có tiền. Chịu sao nổi? Cái chữ cũng lắm gieo neo đó con, đâu có phải mình muốn học là được. Đời ông đến đời cha sinh ra lớn lên từ ruộng đồng, vườn tược nơi làng quê xa với chốn đô thị phồn hoa. Hay là cứ ở đây, kiếm tấm chồng, rồi cũng sống qua ngày qua tháng. Xưa nay chưa hề nghe ai nói làm nông chết đói đâu. Chỉ có làm biếng không chịu ra đồng thôi. Ruộng đồng, vườn tược này không cho cuộc đời mình khấm khá sung túc nhưng cũng nuôi sống gia đình, đi qua một phần đời rồi con để ý mà coi. Điển hình như cha mẹ, anh chị trong suốt thời gian dài mấy mươi năm. Bà Sáu nói với Tép Riu như vậy.
Tép Riu đêm nằm gác tay lên trán suy nghĩ, mẹ mình là người ít nói, kiệm lời. Sao hôm nay nói hùng biện quá, lập luận chặt chẽ, có sức thuyết phục, nhưng cảm hoá không được con đâu? Mẹ thấy một nhưng không biết được hai… Tép Riu nằm cười thầm trong bụng…
2.
Bà Sáu thương Tép Riu không muốn xa rời con gái, ngó nó lớn vậy nhưng còn ngủ chung với bà, chứ thật ra bà có đủ điều kiện cho Tép Riu đi học Sài Gòn. Rồi cũng những lập luận cũ nhai đi nhai lại, nhưng vẫn không giữ chân nó lại được. Nhờ có ông Tư can thiệp, tác động vào bà Sáu cho Tép Riu đi học để mở mang trí tuệ.
– Vì tương lai con sau này, bà giữ chân nó ở lại làm gì? Nó giỏi, lanh lợi sống có khí khái, thế nào nó vô Sài gòn cũng sớm hoà nhập tốt trong cuộc sống cùng với con người Sài gòn không sao đâu, Bà không giữ chân nó được suốt cuộc đời này đâu?
Thời ấy, Tép Riu đúng mười chín tuổi, là người duy nhất trong làng xóm này đậu đại học. Cả xóm làng không ngớt lời khen. Lẫn trong niềm vui hân hoan là nổi buồn của bà Sáu. Giờ phải chạy đôn chạy đáo để có một số tiền cho con đi học đại học, đến những ba năm. Rồi sau này những năm tháng sống xa đứa con gái cưng, liệu bà Sáu có yên tâm Không? Làm sao mà biết được.
Tép Riu vẫn bình thân dường như không bị xao động gì. Bà Sáu buồn sầu lo nghĩ là chuyện của bà Sáu, suốt một đời lam lũ chưa hề bước chân rời làng quê đến thành phố. Thời bà còn con gái như Tép Riu bây giờ, bà đi đó đi đây cùng chúng bạn, chẳng thua kém chi ai. Vậy mà trời xui đất khiến thế nào mà lấy chồng ở quê, về làm dâu chôn chân ở làng quê này suốt một đời. Sinh con đẻ cái bám lấy cái làng quê đi xa thấy cái gì lạ cũng sợ. Tép Riu bây giờ thì lại khác, dù là con gái quê, vốn dĩ ngang bướng, nhưng tự chủ được bản thân như ông Tư cha nó, chuyện gì mà nó quyết làm, là cố làm cho được mới thôi, chẳng bao giờ than phiền với một ai làm gì. Tép Riu giống ông Tư từ cách đi đứng, ăn nói chững chạc và có một sự tự tin trong con người. Vậy nên, ngày ông Tư mất sức lao động loay hoay với công việc trong nhà, dạo vô dạo ra hết đứng lại ngồi, nó buồn và đau lòng lắm, nhưng chẳng biết làm sao. Một lao động chính trong gia đình đã gãy cánh bay. Bây giờ cái gì cũng bà Sáu, nên bà đâm ra cùng quẩn tính không ra một việc gì hết… Quẫn trí nói hờn dỗi…
– Cha con ông làm gì thì làm, miễn sao sau này đừng lôi đầu tui ra là được.
Ông Tư không làm việc nặng nhọc được, nhưng ăn nói rất mạch lạc, câu chữ rõ ràng đâu ra đó.
– Này bà, mẹ của Tép Riu, dù có thương có nhớ thì nó cũng chuẩn bị lên đường rồi, bà nên tạo cho nó một niềm tin, khuyên nhủ nó ráng học hành, tìm một việc làm thích hợp như đi dạy kèm chẳng hạn, một tuần dạy mấy tiếng đồng hồ là đủ rồi. Nó sẽ về một ngày nào đó không xa đâu. Ba năm sẽ đi qua cái vèo như thoi đưa… Giờ lũ lụt cũng qua rồi, nắng ráo trở lại, dù sao nhà mình lúa thóc không nhiều nhưng vẫn đầy lu, rau củ có trồng sẵn ngoài vườn, có tiền thì ăn cá thịt, còn không ăn mắm muối chi đó cũng qua ngày…
Trong nhà chừ chỉ còn thằng Tí Còm cũng đồng quan điểm với ông Tư. Hắn nói quan điểm của ông Tư là nhất quán. Hắn vác cuốc trên vai ra đồng tháo nước mấy đám ruộng bị ngập nước dễ bị ngập úng lúa. Hắn siêng năng làm việc bất kể nắng mưa phụ giúp bà Sáu.
3.
Tép Riu năm tháng đầu ở nhờ nhà một người bạn học. Sau đó Tép Riu cùng với mấy cô bạn tìm một chỗ ăn ở lâu dài ở Sài Gòn. Có chỗ ăn chỗ ở ổn định mới yên tâm học được. Vậy mà, Tép Riu vẫn không thể nào quên cái dư vị làm nông ở quê nhà. Lắm lúc một mình chênh vênh giữa cái ồn ào, náo nhiệt nơi xứ lạ quê người, mưa gió ào ào qua mái tôn nhà trọ, Tép Riu lại lọ mọ nấu gói mì ăn liền, không phải nó đói, mà Tép Riu thèm. Thèm cái mùi chua chua, ngọt ngọt, cay nồng. Nó ăn ngấu nghiến một hơi hết tô mì, rồi bất chợt những giọt nước mắt chảy lăn dài xuống môi nghe mằn mặn. Những lúc như thế, Tép Riu lại nhớ đến bà Sáu mẹ nó, nhớ quê nhà, nhớ anh Tí Còm bỏ học nửa chừng ở nhà làm nông.
Tép Riu nhớ là nhớ vậy thôi, chứ ở đây cũng có nhiều cô bạn học xa chốn quê nhà, chọn Sài Gòn làm nơi học tập tiến thân, là một cuộc ra đi để tìm kiếm tương lai, nhưng cái tương lai đó vẫn còn ở đâu đó xa tít mù khơi. Tép Riu gói ghém tất cả những suy nghĩ, những nỗi nhớ nhung để hết trong lòng. Mà nghĩ đến ngày mai phải tất bật lao vào vòng xoáy cơm áo gạo tiền. Không làm được việc nặng thì phải cố gắng tìm một chỗ dạy kèm, nhờ những cô bạn học nhà ở Sài Gòn, may ra giới thiệu một chỗ dạy tốt…
Sau một thời gian chờ đợi. Tép Riu cũng có được một chỗ dạy kèm. Đó là một cô bé học sinh lớp bảy con ông chủ nhà giàu có. Ông bà chủ nhà rất quí mến Tép Riu, họ coi Tép Riu như con cái trong nhà, Có lần họ nói với Tép Riu dọn về đây ở một phòng riêng trên lầu, nhưng Tép Riu từ chối một cách khôn khéo, vì đã có nhà trọ rồi, không thể tách nhóm bạn ra ở riêng được. Tép Riu suy nghĩ vẩn vơ sao mình mới đến dạy mà ông bà chủ tốt với mình quá vậy. Chắc có vấn đề gì rồi. Không lẽ nào…
Nếu ở không khéo sẽ bị bó chân dần dần dễ bị động phụ thuộc vào gia đình ông chủ giàu có, vả lại nhà ông chủ đông con sống không có chút tình cảm nào. Nhà có anh chàng con trai khoảng hai mươi mấy tuổi người đờ đẫn hay ngồi nhìn Tép Riu, cứ liếc mắt đưa tình làm cho Tép Riu hoảng sợ, trông cho hết giờ dạy là về ngay, dù gia đình ông bà mời ở lại ăn cơm. Có một chỗ dạy tốt nhưng lại xảy ra những chuyện lùm xùm trong cuộc sống vốn đã tạm ổn định. Biết đâu ông bà chủ muốn mồi chài Tép Riu cho đứa con trai ngớ ngẫn, đờ đẫn như người mất hồn. Tép Riu nửa muốn dạy tiếp, nửa muốn nghỉ để đi tìm một chỗ dạy khác. Tép Riu suy nghĩ như vậy…
Hèn chi bà Sáu đã từng nói và dặn dò tỉ mỉ để đánh động vào chỗ nhạy cảm mà Tép Riu chưa nắm bắt được hết những cái bẫy giăng ra giữa ban ngày ban mặt…
– Có ai đến đó mà trở về nguyên vẹn.
Sao bà Sáu ở quê lam lũ với ruộng đồng mà bà biết hết mọi chuyện trớ trêu ở đời mà Tép Riu chưa hề nghĩ đến. Bây giờ thì Tép Riu đã biết và hiểu một phần nào căn cơ nhạy cảm. Tép Riu nói thì thầm trong miệng ừ ra là vậy, mới đi nửa đường mà đã học một sàng khôn rồi… Mẹ mình giỏi thiệt. Nó đâu biết bà Sáu trước đây là một hoa khôi trong trường, sống từng trải đi đây đi đó nhiều nởi. Sau đó lại lấy chồng ở quê giờ là mẹ nó…
Nếu không có bản lĩnh để nhận ra chân tướng dễ ra chân vào chỗ trũng như chơi. Tép Riu lãnh tiền lương dạy tháng này xong. Xin ông chủ bà chủ nghỉ, đi tìm một chỗ dạy khác, sau này nếu không tiếp tục đi học được thì về lại quê sinh sống một thời gian, rồi đi xin việc làm ở một công ty nào đó, chứ không bao giờ đánh đổi cuộc đời con gái cho một ai đó dùng đồng tiền, vỗ về ngon ngọt để hòng mua chuộc…
Số phận đời người được hun đúc tạo nên một quá trình tôi luyện mọi thử thách bởi người cha và người mẹ có học thức ở quê. Trước đây ông Tư đi lang bạt ở Đà Nẵng làm nghề dạy học. Rồi biến cố bảy lăm xảy ra ông mới về quê. Đừng vội nghĩ ông bà là người nông dân quê mùa là lầm to…
4.
Tí Còm ở lại quê với cha mẹ, hai mươi bốn tuổi hơn, vẫn đi đi về về lẻ bóng. Tí Còm đã từng xác định rõ ràng, một ai đó đi đâu mần chi có tiền nhiều thì cứ đi. Ai cầu cạnh cuộc đời cao sang thì cứ việc cầu cạnh. Tí Còm sống quen miền quê này rồi. Đất quê có lũ lụt, hạn hán khô cằn cũng là đất quê muôn thuở cội nguồn của cha ông để lại…
Tí Còm hiền lành, chân chất. Học xong lớp chín thì nghỉ học, bắt đầu cuộc sống lam lũ ruộng vườn, gánh vác bớt cho bà Sáu có thời gian để nghỉ ngơi. Ngoài việc ruộng đồng xong vụ mùa, Tí Còm đi làm thợ hồ, kiếm được đồng nào về đưa hết cho bà Sáu cất giữ.
Thời gian sau này ông Tư, bà Sáu thấy sức khoẻ trong người hao mòn dần. Bà Sáu mới nhắc đến chuyện lấy vợ, Tí Còm xua tay. Thôi mẹ ơi! Lam lũ như con ai mà thèm lấy, lấy về lo cho cái ăn cũng thấy mệt rồi, công việc làm lao động chân tay như con ăn uống như voi chịu sao nổi? Ở vậy nuôi cha, nuôi mẹ lo cho Tép Riêu học xong ba năm đại học, lúc đó con mới nhẹ nhỏm tâm hồn. Tính đến chuyện vợ con cũng không muộn đâu. Ở trên đời này mẹ thấy có ai không lấy vợ mà chết một cách tức tưởi đâu.
Bà Sáu nhìn thằng Tí Còm cười móm mém. Quỉ thần ơi! Lo tính chuyện vợ con cho hắn, mà hắn nói vòng vo tam quốc nghe ớn lạnh cả xương sống.
Buổi chiều tắt nắng bắt đầu chạng vạng, lại nghe tiếng chim bìm bịp kêu, tiếng ếch, nhái, ểnh ương ềnh oàn ngoài đồng ruộng nghe một chút lao xao.
Làng xóm bây giờ nhộn nhịp hẳn lên. Con đường chính trong làng tráng bê tông thênh thang. Cách nhà Tí Còm khoảng năm mươi mét là quán bán tạp hoá, quán cà phê, nhạc xập xình từ sáng đến tối mịt. Thanh niên trong làng xóm có chỗ để vui chơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Mấy chị em phụ nữ thì quấn quýt bên nhau hát hò nghe rộn rã một góc xóm.
Thanh niên, chị em phụ nữ trong làng xóm này dù học hành ít ỏi. Học sao nổi. Làm nông thì rất giỏi… Trong số chị em đó, có chị vương mang phận đời ong bướm phù du. Ở các thành phố lớn nghiệt ngã lắm, không vượt qua nổi sự cám dỗ trong vòng xoáy ma lực đồng tiền mãi cuốn hút con người. Một lần yếu lòng, một lần lầm lỡ, là lấm lem cả một quãng đời.
Vậy mà, bà Sáu cũng nghe lóm được câu chuyện vãn đồn thổi lung tung. Bà Sáu kêu Tí Còm lại hỏi. Tí Còm biết chuyện nên kể:
– Chị ấy mang thân phận nghèo, lo cho cơm áo gạo tiền, mong cho cuộc sống khấm khá, ai dè chị ấy quên con chữ. Chị ấy lao đầu vào kiếm tiền biết đâu số phận sẽ đổi đời. Đến khi biết mình đã lỡ hụt chân vấp ngã nơi đất khách quê người với cái nghề mạt hạng trong xã hội. Dù sao chị ấy cũng kiếm được một ít tiền để làm vốn liếng buôn bán làm ăn.
Nhưng trớ trêu thay, ông trời ổng đâu có thuận tình cho chị ấy làm ăn theo cái nghề mạt hạng ấy. Gieo cái gì vào cuộc sống này thì nhận lấy hệ quả ấy. Khi người trong làng xóm biết được sự tình xảy ra với nỗi uẩn khúc bên trong, người trong làng xóm với nhau mà không thương nhau, lại đồn thổi lung tung, chỉ còn có cách độn thổ mới yên được, không thì không dễ gì sống nổi với làng xóm này đâu.
Bà Sáu nghe Tí Còm nói, bà đứng ngồi không yên, lo cho đứa con gái một thân một mình sống ở Sài Gòn. Tép Riu là đứa con gái quê có nhan sắc mặn mà, ăn nói có duyên. Tí Còm thấy bà Sáu lo lắng cho đứa em gái…
– Tép Riu ngó vậy, nhưng một đứa có bản lĩnh lắm đó, mẹ yên tâm lo nghĩ vơ vẩn có hại cho sức khoẻ. Hồi nó còn ở nhà mẹ đã thấy tính cách của nó rồi, bướng bỉnh nhưng có khí khái, không một ai dỗ ngon ngọt và bắt nạt nó được đâu?
Bà Sáu, nghe vậy thở phào nhẹ nhõm, không nói gì thêm…
5.
Mảnh trăng treo trên đầu ngọn núi khi tỏ, khi mờ. Những con chim vạc đi ăn đêm kêu vang dội cả một khúc sông. Tí Còm vẫn còn ngồi lại bên thềm, trong khi Tâm Sún thằng bạn hàng xóm khật khưỡng đi vào nhà lấy bình nước trà ra uống, ngồi nói chuyện tầm phào với nhau, toàn là những chuyện vu vơ không nhằm mục đích gỉ cả. Vậy mà, hai đứa nói cười một cách sảng khoái. Đúng hay sai chi cũng là câu chuyện đùa giỡn bỡn cợt, theo cách hắn nghĩ không mấy quan trọng. Nhớ đến cái thời hai đứa còn mặc áo trắng, quần xanh đi học, đi bộ mấy cây số, phơi phới tuổi xuân thì… Giờ hắn và Tâm Sún ai cũng mang đau đáu trong lòng ít nhiều vết xước của cuộc đời. Liệu có thể sống trọn vẹn sự thanh thản hay không? Như cái hồi xưa ấy, thời còn đi học…
Tâm Sún đã biết bao nhiêu năm đi lang bạt giang hồ tìm kế sinh nhai, cũng kiếm được một chút ít tiền bạc làm vốn liếng. Trở về quê sinh sống một thời gian, lấy vợ buôn bán làm ăn. Một đôi bạn hoàn hảo, không sa đà vào rượu chè, cờ bạc và đàn đúm ăn chơi…
6.
Bữa cơm trưa đạm bạc, món canh mít non nấu với ca chuồn, một dĩa cá rô nướng thơm phức, một rổ cải xà lách, tất cả ngồi quay quần trong không khí thân mật đầm ấm trong ngôi nhà ngói hai gian ở quê nhà.
Chỉ còn thiếu Tép Riu, đã học xong ba năm đại học ngành tài chính – kế toán, ở lại Sài Gòn nhận bằng tốt nghiệp rồi mói khăn gói về quê. Con cháu đầy ắp tiếng cười nói giòn tan. Ông Tư, bà Sáu giờ đã già lụm khụm, đi ra sân vào nhà cũng phải chống gậy.
Bà Sáu tuy già yếu nhưng miệng nói dõng dạc:
– Tép Riu tên thật của nó là Nguyễn thị Sa Huỳnh, từ nay trở đi trong nhà không gọi tên Tép Riu nữa. Khai trừ cái tên đó. Hồi nhỏ đặt tên Tép Riu, Tí Còm cho dễ nuôi, phong tục ở làng quê này là vậy.
Bà Sáu ngồi nghỉ một lúc, rồi đứng lên nói tiếp:
– Thằng Tí Còm tên hắn là Nguyễn Vàng Sưa, cái tên này hắn rất thích. Từ nay trở đi khai trừ tên Tí Còm..
Hễ đến mùa sưa vàng rộm bên sông, là nhắc nhớ đến một kỷ niệm khó quên. Hắn nói có lần ngồi chơi với cô em gái dưới gốc cây sưa, một làn gió thổi qua, một cơn mưa sưa rơi rụng đầy trên mái tóc…
V.K.T