‘Mùa thu của cây dương’, những lá thư gửi đến tương lai

367

Sau thành công của cuốn tiểu thuyết đầu tay Khu vườn mùa hạ, Kazumi Yumoto tiếp tục ghi dấu ấn với thế giới trong Mùa thu của cây dương. Một thế giới trẻ thơ được cô xây dựng, vẫn đầy những vết thương và sự bất ổn nhưng luôn bảng lảng nét trong trẻo, hồn nhiên con trẻ cùng thứ tình cảm nồng đượm, giữa người với người.

Cô gái Hoshino Chiaki, 26 tuổi, thất tình, thất nghiệp, dựa vào thuốc ngủ “như là tương lai duy nhất của mình.” Nhưng khi nghe tin về sự ra đi của bà cụ chủ trang viên Cây Dương, nơi cô đã cùng mẹ sống ba năm từ mùa hè Chiaki lên sáu tuổi, cô không suy nghĩ quá nhiều mà lập tức trở về viếng đám tang bà cụ. Trên chuyến bay dài, ba năm kỉ niệm cứ vậy trở về trong tâm trí cô, dịu mát như cơn gió mùa thu thổi xao xác vòm lá cây dương năm nào.

Lăng kính hiện đại, dõi nhìn quá khứ

Khác với tiểu thuyết Khu vườn mùa hạ trước đấy hay Organ mùa xuân sau này, nhân vật trung tâm là những cô bé, cậu bé ở thực tại thì Mùa thu của cây dương, nhân vật tự sự, xưng tôi, lại là một thiếu nữ độ tuổi trưởng thành đang dõi ánh nhìn trở về quá khứ.

Đó là cái ngày cô gái 26 tuổi có tên Chiaki ấy còn là bé con 6 tuổi, mới mất cha, cùng mẹ rời căn nhà cũ, mang theo những lo âu, đau thương vô hình về sự quên, mất mát, ám ảnh về cái nắp cống, tựa hố đen thăm thẳm hút lấy tất thảy những gì thuộc về thế giới bé nhỏ đứa trẻ 6 tuổi trân quý; vô tình chuyển đến trang viên Cây Dương, mà chẳng có lấy bất cứ chuẩn bị nào trước.

Đó là cái ngày một Chiaki 6 tuổi, như bị nhấn chìm vào nỗi đớn đau sau sự ra đi đột ngột của người thân, cảm giác bất lực muốn níu giữ, bảo vệ những gì ở hiện tại đã nhận được bao yêu thương từ những mảnh đời xung quanh. Bà cụ chủ nhà ngỡ rằng khó tính mà lặng lẽ, dịu dàng hơn bất cứ ai. Bác Nishioka “nhút nhát, chẳng thể nói nổi một câu bông đùa” nhưng lại rất dịu dàng. Cô Sasaki có mệt mỏi bước đi trong trang viên Cây Dương như một chiếc bóng thì vẻ bất cần của cô, cũng dễ khiến đứa trẻ mãi nặng lòng, thả lỏng đôi vai.


“Mùa thu của cây dương” của Kazumi Yumoto do Nhã Nam phát hành, với bản dịch của dịch giả Nguyễn Thị Hương Giang.

Chiaki tuổi 26, đang dùng ánh mắt người trưởng thành, sống độc lập, phải một mình gánh chịu tất cả thương tổn ngót hai mươi năm, dõi nhìn quá khứ. Để cô nhận ra, kí ức ngày đó, chập chờn vẹn nguyên. Để cô biết rằng, đứa trẻ lên 6 khi ấy đã được sự yêu thương, quan tâm những tưởng vô tình, vụn vặt từ bao người xung quanh, cứu rỗi.

Thế giới của đứa nhỏ ngày đấy, đã từng vụn vỡ rồi chuyển dịch. Cho lần nữa, cánh cửa hằn những vết thương sâu hoắm, được mở ra một thế giới mới, không lớn song với cô bé mới chớm bước vào bậc tiểu học, lại như thu vào trọn vẹn, khung trời rộng mở đầy sắc màu, âm thanh. Cây dương đổi lá theo mùa, tiếng xào xạc của lá rụng đông về, những chú mèo hoang quen mùi được cho ăn ngày ngày ghé đến, đốm lửa và hương thơm khoai nướng…

Chiaki tuổi lên 6 mất mát, khổ đau mà không cô độc. Chiaki tuổi 26 nhìn lại quá khứ mà như càng ngậm ngùi, thấm thía lẫn chút đắng cay, tự trào cho kẻ, thất bại và đơn độc, quẩn quanh trong nghĩ suy “được chết.” Quá khứ và thực tại như giao thoa trong một bức tranh chứa đựng những gam màu đầy mâu thuẫn, đối lập song hài hòa lạ.

Bởi, nơi trang viên Cây Dương này, 20 năm trước, Chiaki 6 tuổi đã được cứu rỗi. Và 20 năm sau, Chiaki 26 tuổi, trở về như tìm lại hai tiếng bình yên sau mọi xao động đã qua. Cô gái ấy, không còn là đứa trẻ rụt rè, ngây thơ dễ dàng tin vào câu chuyện gửi thư cho người đã khuất của bà cụ. Nhưng cô gái đó, ngần đấy năm, vẫn mang nặng tâm hồn nhạy cảm khôn cùng. Nhạy cảm trước khổ đau và nhạy cảm để nhận ra, thời gian có lặng lẽ trôi, cảnh vật có thể thay đổi song trang viên Cây Dương, vẫn mãi là biểu tượng của sự cứu vớt những tâm hồn đơn bạc, mãi luẩn quẩn trong cuộc sống còn lắm thương đau mà cũng rất mực ấm áp này.

Bà cụ và những bức thư

Điều đặc biệt trong sáng tác của Kazumi Yumoto, ấy là luôn xuất hiện bóng hình một người lớn khuyết thiếu định danh. Và người đó, luôn gắn với một địa điểm, sẽ trở thành nơi chốn trú ngụ cho những đứa trẻ vẫn đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng đã sớm mang theo gánh nặng âu lo được mất, tử sinh. Là ông lão nơi khu vườn mùa hạ. Là bác gái với bãi rác, phế liệu có đám mèo hoang cùng khoảng trời đêm rộng lớn. Và là bà cụ ở trang viên Cây Dương, người đã nhận về hết thảy những lá thư của muôn mặt kiếp người đến và đi.

Bà cụ không có tên, ai cũng gọi bà bằng đại từ “bà cụ” đấy. Một bà lão gần đất xa trời và có lẽ, cũng đã trải đủ khổ cực, đắng cay kiếp người. Bà lão luôn thành tâm, thành kính với người “thầy” đã khuất, ưa sạch sẽ nhưng ghét dọn dẹp, nấu ăn dở, thích đồ ngọt, khó tính, khó gần… Chí ít, với cô bé Chiaki 6 tuổi khi đấy, ấn tượng về bà cụ chẳng khác gì “ma nữ độc ác.”

Nhưng…

“Khi ta mở lòng chuyện trò cùng thế giới bên ngoài, hẳn sẽ có biết bao điều từ thế giới ấy chảy vào ta.” Bà cụ trang viên Cây Dương cũng thế. Nếu không bên bà, không mở lòng với những quan tâm, yêu thương nhỏ nhặt bà làm hàng ngày, sẽ chỉ thấy bà lão đấy sao mà “gàn dở” (chữ dùng của Nam Cao), khó chịu đến vậy.

Và, sẽ chẳng thể nào nhận ra, nụ cười vẫn nở trên môi bà cụ tuổi xế chiều mang theo bao nhiêu yêu thương. Cũng sẽ chẳng nhận thấy, bên bà cụ, cô bé Chiaki 6 tuổi vẫn ủ rũ, lạc bước sau mất mát quá lớn một đứa trẻ phải chịu đựng đã có thể nói nhiều, thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc tới vậy. Hay nói cách khác, bên bà cụ, dưới trang viên Cây Dương, Chiaki có thể được sống đúng lứa tuổi với trọn vẹn sự trong sáng, ngây ngô nhất.

Mà đâu chỉ Chiaki, bất cứ dân cư nào ở đây, dưới sự bao dung của bà cụ, đều như được sống với cái tôi bình yên nhất.

Trang viên Cây Dương và bà cụ, đón nhận về đấy tất cả tổn thương cũng như hi vọng, yêu thương thầm kín của con người rồi phong kín chúng, trong những lá thư gửi từ hiện tại cho đến tương lai. Câu chuyện mang ngăn kéo đầy ắp phong thư “tới thế giới bên kia” chỉ là truyện cổ tích bà cụ kể cho Chiaki. Nhưng, đã có bao trái tim vụn vỡ, được câu chuyện cổ tích đó cứu vớt?

Nên chẳng ai có thể không mắc sai lầm, cũng chẳng ai vượt thoát được sự tàn phá của thời gian, quy luật sinh lão bệnh tử của đời người. Nhưng tựa những lá thư gửi tới tương lai, kí ức, khát vọng và cả bao yêu thương vẫn sẽ còn mãi; nơi những trái tim, đã được tình thương, tình người chữa lành. “Tôi sẽ quét lá rụng, đốt cỏ khô, rồi sau đó nướng thật nhiều khoai. Bọc khoai trong giấy báo ướt và giấy bạc. Bà cụ sẽ không phàn nàn gì chứ?”


Kazumi Yumoto sinh năm 1959, là một nhà biên kịch kiêm nhà văn người Nhật. Bà tốt nghiệp trường Đại học Âm nhạc Tokyo và từng viết kịch bản cho các vở opera cũng như các chương trình trên truyền hình, radio. Nhà văn từng chia sẻ trong lễ trao giải Boston Globe-Horn Book, lí do bà bắt đầu cầm bút đó là từ một sự cố đáng nhớ khi bà còn là một đứa trẻ.

Tình người

Giữa dòng thời gian tác phẩm đan xen thực tại và quá khứ, Mùa thu của cây dương ngập tràn thứ tình người bàng bạc xuyên suốt trang văn. Là tình mẹ con, là tình hàng xóm giữa những con người vốn từng chẳng hề quen biết, hay rộng hơn, là thứ cảm tình ấm nóng giữa người với người. Và người bắc cây cầu nối kết bao cá nhân “cùng một thế giới” đó, là bà cụ không có định danh.

Có phải chăng, trên trang viết của tác giả Kazumi Yumoto, nỗi buồn mang tính cá nhân nhưng lòng tốt, nhân tình lại mang tính phổ quát. Nên hình tượng bà cụ tuổi xế chiều, lặng thầm song không hề buông bỏ trước bất kì bất hạnh nào của con người; ta có thể dễ dàng bắt gặp ở bất cứ ai đó trong cuộc đời. Chỉ cần, ta mở lòng và tin tưởng.

Với một giọng văn dịu dàng hết mực, tác giả Kazumi Yumoto như đã chuyển tải trọn vẹn, thứ xúc cảm “giao mùa” vào tiểu thuyết Mùa thu của cây dương. Nơi đó, có một cô gái trong hiện tại, hồi tưởng quá khứ để hướng tới tương lai. Có những tồn tại hữu hình sẽ mai một theo guồng quay nghiệt ngã của thời gian song tồn tại vô hình đã trở thành một phần kỉ niệm, sẽ trở thành hành trang, cho người ta tiếp tục trưởng thành.

Câu chuyện mở ra bằng cái chết, khép lại cũng bằng một cái chết. Cái chết quẩn quanh khắp ý thức con người. Nhưng Mùa thu của cây dương lại là áng văn đẹp và xúc động tới khôn cùng về sự sống, tương lai. Không chối bỏ mà chấp nhận và đón lấy tất thảy, cả tổn thương lẫn yêu thương; văn chương Kazumi Yumoto vẫn luôn thế. Viết về trẻ thơ, những đứa trẻ buồn bã, đau thương bằng sự già dặn mà lại rất mực trong trẻo vậy. “Khi tôi ngẩng đầu lên, cây dương vẫn sừng sững nơi đó. Tắm mình trong nắng chiều, những chiếc lá vàng kim reo xào xạc. Không phải quá khứ, không phải tương lai, không phải trong giấc mơ hay chuyện vờ nào đó, cây dương tồn tại thật tồn tại thật vô cùng tận…”

Theo Mọt Mọt/VNQĐ