Phan Huy Thùy
(Vanchuongphuongnam.vn) – Xưa nay, mùa thu vốn dĩ đẹp bởi nhiều yếu tố tạo thành. Xét về thời tiết khí hậu thì không ngột ngạt nóng bức như hè cũng chẳng tê tái buốt giá như đông, mùa thu luôn trong lành mát mẻ, đem đến cảm giác khoan khoái dễ chịu cho con người. Xét về thiên nhiên vạn vật khi vào thu cũng mang vẻ đẹp yêu kiều diễm lệ với lá vàng rơi, những cơn mưa nhẹ, chút heo may se lạnh, bầu trời xanh với ánh nắng vàng ươm như mật ngọt…
Với tôi, mùa thu như tính cách của một con người, không nóng nảy giận dữ, không nghiêm nghị lạnh lùng mà hiền lành từ tốn, thâm trầm sâu sắc, đầy lãng mạn tinh tế dễ khiến người ta yêu mến. Mùa thu đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận để thi nhân muôn đời say đắm và gửi gắm vào trong tác phẩm của mình. Vì thế, chẳng thể nào liệt kê hết có bao nhiêu nhà thơ viết về thu nhưng chắc chắn rằng mỗi tác giả đều có cách cảm nhận rất riêng, rất độc đáo về mùa thu – mùa của những da diết yêu thương! Bất chợt như có một thôi thúc của tiếng lòng, khi mùa thu đang về bên khu vườn nhỏ, đang chạm ngõ muôn nhà. Lúc còn đang giãn cách phòng ngừa dịch bệnh Covid-19, tôi nảy ý tìm lại hình ảnh mùa thu trong những trang thơ đã được học, đến giờ vẫn còn vấn vương miền kí ức!
Cách nay hơn 30 năm, hồi còn ở Tiểu học, tôi đã thuộc lòng và yêu mến bài thơ Mùa thu sang của Trần Lê Văn: “Cứ mỗi độ thu sang/ Hoa cúc lại nở vàng/ Ngoài vườn hương thơm ngát/ Ong bướm bay rộn ràng/ Em cắp sách tới trường/ Nắng tươi trải trên đường/ Trời xanh cao gió mát/ Đẹp thay lúc thu sang.” Mùa thu gắn liền với hoa cúc vàng, với hương thơm của trái chín, nắng vàng ươm, bầu trời như cao và xanh trong, và đó cũng là mùa của những bước chân hân hoan nô nức đến trường bắt đầu năm học mới. Hình ảnh mùa thu trong bài thơ rất gần gũi, thân thương, đẹp như chính tâm hồn trong trẻo, hồn nhiên của các bạn nhỏ. Sau này, tôi gặp bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh trong chương trình lớp 9 mà thời chúng tôi chưa học: “Bỗng nhận ra hương ổi/ Phả vào trong gió se/ Sương chùng chình qua ngõ/ Hình như thu đã về/ Sông được lúc dềnh dàng/ Chim bắt đầu vội vã/Có đám mây mùa hạ/ Vắt nửa mình sang thu”. Mùa thu đẹp nhưng càng đẹp hơn đó chính là một tâm hồn nhạy cảm, tinh tế khi cảm nhận mùa thu bằng tất cả các giác quan, thậm chí vượt lên cả ngũ giác của con người bình thường để thấu cảm được nỗi âu lo, vội vã của chim trời chuẩn bị di cư tránh rét khi thu về. Mùa thu ở phương Bắc được cảm nhận rõ nét hơn phương Nam với khí trời heo may chớm lạnh, cây lá bắt đầu úa vàng rơi rụng tả tơi.
Chẳng thế mà người Trung Quốc có câu: “Ngô đồng nhất diệp lạc/ Thiên hạ cộng tri thu”. Câu thơ chưa rõ của ai nhưng hiểu cứ nhìn lá cây ngô đồng rụng thì biết mùa thu đang đến. Ngô đồng là loại cây thân gỗ, khi trưởng thành có thể cao đến 16m, thân hình cao thẳng, vỏ thân cây nhẵn có màu xanh lá cây, hoa đơn tính, tràng hoa màu trắng, tím, hồng nhạt hoặc vàng, mùa hoa thường vào tháng 7. Từ xa xưa, ngô đồng được coi là loài cây cảnh quý, tương truyền chim phượng hoàng thường về trú ẩn nên nó được trồng ở chốn hoàng cung và trở thành một hình ảnh biểu tượng cho sự cao quý, may mắn, phúc lành… trong văn hóa Á Đông. Vua Minh Mạng cũng từng sai người lên dãy Trường Sơn tìm ngô đồng để đưa về trồng trong Đại nội như một sự khẳng định tinh thần cao quý của dân tộc.
Trở lại với hình ảnh mùa thu trong thơ ca, Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng nhắc đến hình ảnh lá ngô đồng: “Giếng vàng đã rụng một vài lá ngô”, có mùa thu trong vắt với bóng vàng, khói biếc, nước trong xanh: “Long lanh đáy nước in trời/ Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng”, nhưng cũng có mùa thu nhuốm màu quan san, cách trở, chia li: “Người lên ngựa kẻ chia bào/ Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san”.
Trong văn học trung đại, chùm thơ thu gồm Thu vịnh, Thu điếu, Thu ẩm của Nguyễn Khuyến được xem là những kiệt tác phác họa vẻ đẹp của bức tranh thu gắn liền với làng cảnh nông thôn Việt Nam xưa. Mùa thu trong thơ của Tam nguyên Yên Đổ chẳng xa vời, ước lệ, hàn lâm mà cứ gần gũi, thanh bình, yên vắng, tĩnh lặng đặc trưng. Mùa thu đẹp đến nao lòng nhưng cũng mang nặng nỗi niềm ưu tư thời cuộc: “Tựa gối buông cần lâu chẳng được/ Cá đâu đớp động dưới chân bèo” hoặc là: “Mấy chùm trước giậu hoa năm ngoái/ Một tiếng trên không ngỗng nước nào?”.
Trong phong trào Thơ mới, tôi thích hai câu thơ của Bích Khê: “Ô hay! Buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi! Vàng rơi! Thu mênh mông”. Mùa thu mênh mông buồn, cái buồn như tự thân vốn có của nó, mơ màng, lãng đãng, rợp vàng sắc lá. Nỗi buồn còn được tạo lập bỡi hai câu thơ toàn thanh bằng. Từ thanh, cảnh cho đến tình đều man mác, chênh chao…
Mùa thu trong thơ của Xuân Diệu thì đất trời như khoác lên mình bộ áo mới với sắc lá vàng phai vừa mới dệt: “Đây mùa thu tới mùa thu tới/ Với áo mơ phai dệt lá vàng”. Mùa thu đến khiến thi nhân reo mừng nhưng không thể cưỡng lại quy luật tất yếu của tự nhiên: “Hơn một loài hoa đã rụng cành/ Trong vườn sắc đỏ rủa màu xanh/ Những luồng run rẩy rung rinh lá/ Đôi nhánh khô gầy xương mỏng manh”. Mùa thu với hoa rơi lá rụng, cành trơ trụi gầy khô cũng chưa có gì lạ, độc đáo ở chỗ thi nhân cảm được những chiếc lá đang run rẩy đầy tâm trạng. Sắc đỏ của lá đang lấn dần màu xanh, đồng nghĩa với mùa thu đang về thay thế và ngự trị chốn nhân gian. Vui hay buồn, cứ nhìn hình ảnh của thiếu nữ trước mùa thu thì rõ: “Ít nhiều thiếu nữ buồn không nói/ Tựa cửa nhìn xa nghĩ ngợi gì?”.
Buồn vui trong cõi đời này đâu nhất thiết phải đợi buổi thu sang, nhưng dường như giữa mùa thu với thi nhân luôn có sự giao hòa đồng điệu. Hầu hết các nhà thơ đều yêu thích mùa thu bỡi sự mơ màng và dịu dàng của nó, thậm chí chạnh buồn mà vẫn đợi mong! Nhà thơ Lưu Trọng Lư đã thảng thốt trong bài Tiếng thu: “Em không nghe mùa thu/ Dưới trăng mờ thổn thức/ Em không nghe rạo rực/ Hình ảnh kẻ chinh phu/ Trong lòng người cô phụ/ Em không nghe rừng thu/ Lá thu kêu xào xạc/ Con nai vàng ngơ ngác/ Đạp trên lá vàng khô”. Một trời thanh âm của mùa thu với tiếng lòng thổn thức của tác giả, của người chinh phụ trong nỗi nhớ chinh phu như gợi nhắc lại nỗi hận muôn đời phải biệt li vì chinh chiến trong Chinh phụ ngâm. Nhưng tiếng thu của thi sĩ họ Lưu còn vang hơn bởi tiếng xào xạc của lá vàng khô va đập đang rơi, đang bị dồn về một nơi theo chiều gió cuốn, khiến cho nai tơ ngơ ngác giật mình! Phải rất tĩnh và tinh mới nghe được những thanh âm ấy!
Và rồi có một mùa thu lịch sử lại về, gắn liền với niềm kiêu hãnh, tự hào của cả dân tộc năm 1945. Mùa thu Cách mạng, mùa thu của hòa bình, độc lập, tự do. Mùa thu của thời khắc Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Lúc còn ở Tiểu học, tôi chưa hình dung được quang cảnh trọng đại, thiêng liêng ấy như thế nào nhưng những vần thơ của Tố Hữu đã tái hiện và neo giữ mãi trong tâm trí tôi về hình ảnh Bác Hồ, về quảng trường Ba Đình – Hà Nội trong thời khắc xúc động, thiêng liêng này: “Hôm nay sáng mồng hai tháng chín/ Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình/ Muôn triệu tim chờ chim cũng nín/ Bỗng vang lên tiếng hát ân tình/ Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh./ Người đứng trên đài lặng phút giây/ Trông đàn con đó vẫy hai tay/ Cao cao vầng trán ngời đôi mắt/ Độc lập bây giờ mới thấy đây”. Niềm hân hoan, hạnh phúc, tự hào đã thổi vào trong những trang thơ bằng ngọn gió mới, không hiu hắt thê lương như xưa mà phấp phới tươi vui cùng niềm vui chung của dân tộc. Ngọn gió mới cũng đã thổi vào thơ Nguyễn Đình Thi khi ông đang ở chiến khu Việt Bắc trong bài Đất nước: “Mùa thu nay khác rồi/ Tôi đứng vui nghe giữa núi đồi/ Gió thổi rừng tre phấp phới/ Trời thu thay áo mới/ Trong biếc nói cười thiết tha/ Trời xanh đây là của chúng ta/ Núi rừng đây là của chúng ta/ Những cánh đồng thơm mát/ Những ngả đường bát ngát/ Những dòng sông đỏ nặng phù sa”. Có tăm tối mới quý ánh bình minh, có đau khổ vì kiếp nô lệ mới thấy hết ý nghĩa của tự do và độc lập! Để rồi nhà thơ tự hào khẳng định: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về.” Và còn biết bao nhiêu những vần thơ ca ngợi, tự hào, hoặc da diết nỗi niềm về mùa thu không thể kể hết. Chung quy là cảnh tại tâm sinh, vui buồn đâu chỉ do cảnh vật mà còn vì thời cuộc với lòng người!
Mùa thu năm nay lại về, chúng ta đang hướng đến kỉ niệm 76 năm ngày Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9 với tâm thế vừa hân hoan tự hào nhưng vẫn còn đó bao bề bộn lo toan vì dịch bệnh Covid-19. Dù dịch bệnh là nguy hiểm, khó khăn còn nhiều nhưng cả nước đang đồng sức, đồng lòng, kiên cường, đoàn kết cùng một ý chí quyết tâm với Đảng và Chính phủ, chúng ta tin tưởng rằng giặc dịch sẽ bị đẩy lùi, cuộc sống sẽ an vui trở lại. Và chắc chắn, đây sẽ là một mùa thu lịch sử lưu lại tinh thần chống dịch phi thường như đã từng chiến thắng bao kẻ thù xâm lược của dân tộc Việt Nam. Chúng ta hi vọng và tự hào khi đọc lại những câu thơ của Nguyễn Đình Thi để nhắc nhớ và tin tưởng: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”. Tiếng vọng ngày xưa sẽ là nguồn sức mạnh lớn lao để cổ vũ chúng ta hôm nay!
P.H.T