Mùa xuân của những người lính canh rừng

1000

Xuân đã về, ở đây các anh không có hoa đào, hoa mai khoe sắc chỉ có hoa lau giản dị và xào xạc tiếng “nhạc” rừng; không có những bữa tiệc thịnh soạn, thiếu vắng cả hơi ấm gia đình, nhưng tinh thần chấp hành kỷ luật, bất chấp gian khó thì luôn đầy ắp trong tim! Tết đến gần lắm rồi, mong các anh luôn mạnh khỏe, chúng tôi xin gửi lại sự trân trọng và biết ơn sâu sắc ở nơi núi rừng Yên Lạc này!

Trời vừa sáng, chúng tôi đồ nghề gọn gàng hăm hở khoác ba lô lên đường. Hôm nay, chúng tôi sẽ vào thăm khu căn cứ chiến đấu của huyện. Theo đường Quốc lộ mới Thái Nguyên – Bắc Kạn, qua ngã ba Cây Thông (điểm rẽ vào xã Tức Tranh, huyện Phú Lương) vài trăm mét, đại úy Trần Lê Hiệp, Chủ nhiệm hậu cần kỹ thuật của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Lương đã đợi ở đó. Trên chiếc xe máy của anh treo lỉnh kỉnh khá nhiều thứ. Anh cười: “Tranh thủ chạy ra chợ mua ít đồ mang vào cho 2 đồng chí trong đó”.
Đến xóm Cầu Đá, xã Yên Lạc (Phú Lương) chúng tôi vào gửi xe tại một nhà dân, rồi bắt đầu cuốc bộ vào khu căn cứ nhằm theo hướng rừng Mạn Đồ. Đại úy Hiệp sau khi đeo tất cả đồ được dỡ từ xe máy ra còn giúp tôi mang thêm máy móc lỉnh kỉnh. Lúc này tôi chỉ còn nhiệm vụ khoác ba lô máy ảnh của mình. Anh Hiệp nhìn tôi tủm tỉm: Có cần tôi mang nốt ba lô hộ không? Đi bộ sẽ mệt lắm đó. Tôi nghĩ đồng chí bộ đội chắc dọa mình nên bẻ thẳng vai hùng hồn tuyên bố: Anh yên tâm, em sẽ theo sát anh được. Nhưng chỉ sau khoảng 15 phút, con đường dốc lổn nhổn đất đá và hố, rãnh, nhiều đoạn sâu hoăm hoắm do nước mưa xối từ trên đồi xuống khiến chân tôi đã có cảm giác chùng lại không còn thoăn thoắt được như lúc bắt đầu leo dốc nữa. Miệng và mũi tôi tranh nhau thở, trong khi anh Hiệp vừa đi vừa huýt sáo. Chỉ tay về phía tảng đá lớn cao ngang bụng nằm chắn giữa đường anh Hiệp bảo: Đá lăn từ trên đồi xuống trong trận mưa to lần trước đấy. Sau mỗi trận mưa, đường vào căn cứ càng ngày càng khó đi. Ngoài đi bộ ra thì không phương tiện nào có thể vào được cả.
Suốt cả đoạn đường dài, ngoài vẻ um tùm, rậm rạp của những đám cây bụi đan vào nhau, thì vượt lên tầm cao hơn là những bông hoa lau đẹp đến ngỡ ngàng. Mỗi bông lau ở đây đều đẹp như một tác phẩm nghệ thuật. Tôi vẫn không thể dùng bất kỳ từ ngữ nào để gọi đúng cái màu của hoa lau. Trong một búi hoa lau có nhiều màu nhưng không bông nào bị pha tạp màu sắc, có bông trăng trắng, có bông phớt hồng, lại có bông màu hơi tim tím. Điểm tô ở tầng xanh bên dưới là những búi hoa ngũ sắc, loài cây vốn người dân quê tôi thường đi cắt về để ủ phân xanh bón ruộng trước khi cấy lúa. Hoa ngũ sắc ở đây cũng đẹp đến lạ lùng, bông nào bông ấy đều mang màu xanh tím, rất khác với màu hoa mà hồi “trẻ trâu” tôi hay thấy. Ở đây cây cối rậm rạp, chỉ cần cách mấy bước chân đã lạc khỏi tầm mắt nhau.

Phút nghỉ chân trên đường tuần tra, làm dịu cơn khát với những trái bưởi rừng. (Đại úy Bùi Quốc Khánh (phải) và Lý Đình Giang (trái)

Cũng phải mất đôi ba lần dừng nghỉ dọc đường, chúng tôi mới đến được nơi ở của các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ chiến đấu này. Nhìn từ xa, đó là căn nhà cấp 4 nhỏ nằm trên một vị trí cao, lọt thỏm giữa núi là núi. Anh Hiệp cho biết: Ngôi nhà mới được xây dựng cách đây 2 năm, suốt những năm trước đó các chiến sĩ phải ở trong căn lán gỗ.
Vừa đến chân dốc để rẽ lên nhà, tôi thấy hình như có gì đang chuyển động. Lẫn trong màu xanh của bạt ngàn rừng núi, một chiến sĩ trong trang phục rằn ri 2 tay xách 2 xô nước đang leo ngược dốc. Đó là đại úy Bùi Quốc Khánh, sinh năm 1974, người đã có 8 năm sống trong rừng làm nhiệm vụ trông coi khu căn cứ. Hiền lành, chất phác, đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về anh.
Ở đây mọi thứ đều đơn sơ đến tuyệt đối, nhưng với anh Khánh thì thế đã là quá tốt so với trước rồi, có nhà xây kín gió, có điện để hàng ngày biết được tin tức bên ngoài. Những năm trước đây, cùng với các chiến sĩ làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, anh Khánh đã phải sống trong căn lán gỗ, hễ mưa to là dột và dù có bưng kỹ thế nào thì vách lán cũng không cản được những trận gió mùa mang theo không khí lạnh như muốn đóng băng mọi thứ. Cái giá rét của mùa đông làm các anh chẳng mấy khi có được một giấc ngủ ngon.
Phía đầu hồi là góc bếp rộng chừng 4m² – 5m², được dựng lên nhờ mấy bức tường lửng, đan cây lợp mái. Trong bếp có cái “kiềng” kê bằng 6 viên gạch, 2 cái nồi nhỏ, 1 cái siêu và mấy cái bát to nhỏ lẫn lộn. Tôi nhìn chằm chằm mấy xô trữ nước của các anh. Như hiểu được suy nghĩ của tôi, anh Khánh lên tiếng: Hôm trước mới có trận mưa nên nước đục, chỉ để giặt quần áo thôi, muốn nấu nướng thì phải để một, hai ngày cho lắng xuống.
Ở đây các anh lấy nước nhờ vào 3 khe núi, nhưng mùa khô như hiện nay cả 3 khe nước đều gần như cạn hẳn, phải dùng can đi lấy nước cách đây khá xa. Anh Khánh chỉ vào 2 chiếc can trắng để trong góc bếp bảo: “Nước này để ăn, hai anh em phải tiết kiệm từng giọt đấy”. Tôi chợt nghĩ, giá ở đây có được cái téc nước, dù nhỏ thôi, thì các anh cũng đỡ cực!
Để ra được trung tâm xã mua thực phẩm phải mất rất nhiều thời gian, nên cả tuần các anh mới ra ngoài mua thức ăn tươi một lần, mùa mưa thì có khi hàng tháng. Vì vậy, thức ăn phải dự trữ chủ yếu là đồ khô.
– Thế còn ngày Tết thì sao? Tôi hỏi.
– Tết đơn vị cung cấp thực phẩm cho đầy đủ hết, chỉ phải cái là buồn thôi. 8 năm đón Tết trong rừng, mọi thứ cũng dần quen nhưng nhất là vào thời khắc giao thừa hay sáng ngày mùng 1, nhớ nhà, thèm không khí gia đình… Anh Khánh bỏ dở câu nói, mắt nhìn vào ngọn lửa đang cháy bập bùng trong bếp, chắc hẳn anh đang nhớ tới cha mẹ già và lũ trẻ. Một lúc sau anh nói không biết là giãi bày với tôi hay chỉ đơn giản là thốt lên mong mỏi của lòng mình. Giá có được một con đường cho xe máy đi, hai anh em có thể tranh thủ thay nhau ghé qua thăm gia đình, thăm con cho nỗi nhớ bớt cồn cào. Thoáng thôi, rồi gương mặt anh đã tươi vui trở lại: Nhưng bọn mình là lính, nhiệm vụ đơn vị giao luôn phải đặt lên hàng đầu, bố mẹ già và các con tuy còn nhỏ nhưng cũng đã rất hiểu và chia sẻ điều này.
Có tiếng gọi anh Khánh.
– Là Giang đấy, hôm nay hai anh em chia nhau, mình ở nhà dọn dẹp ít cây dại và cỏ chỗ con dốc lên nhà cho nó phong quang còn đón Tết. Giang đi tuần rừng từ sáng sớm, chắc gọi mình mang túi ra hái mấy quả bưởi rừng về cho có thêm không khí Tết.
Tôi theo chân anh Khánh đi về phía có tiếng gọi. Cây cối, lau lách um tùm, chưa thấy người nhưng đã ngửi thấy mùi bưởi chín thơm ngát. Đại úy Lý Đình Giang nhận nhiệm vụ sau anh Khánh nhưng cũng đã thuộc hết mọi đường ngang, đường dọc trên rừng. Nghe anh Khánh giới thiệu qua về tôi, Giang vừa lanh lẹ gọt quả bưởi đưa tôi rồi hồ hởi: Chào mừng nữ nhà báo đầu tiên vào thăm căn cứ! Mời đồng chí ăn thử đi, quả nhỏ, xấu mã tý thôi nhưng ngon ra trò. Đây là món đặc sản của anh em tớ bồi dưỡng cho nhau trong những lần tuần rừng cho vợi cơn khát đấy.
Ở cái tuổi ngoài 30 nhưng cái nắng, cái gió nơi này làm anh trông rắn rỏi và cứng cáp hơn. Giang có đôi mắt sáng, sống mũi cao, gương mặt điển trai, giọng nói ấm rất gây thiện cảm.
Đúng là vị bưởi thanh mát rất đặc trưng. Ăn xong còn vương vấn mãi nơi đầu lưỡi. Anh Giang quay sang nói chuyện gì đó với anh Khánh, hình như anh mới phát hiện ra vài vị trí cần lưu ý nên đang thống nhất phương án tuần tra. Đối với diện tích rừng khu căn cứ được giao bảo vệ, muốn đi hết một vòng vành đai, đi nhanh như các anh cũng phải mất một ngày, một đêm. Hơn nữa, đây là rừng đầu nguồn nên một số đối tượng xấu luôn dòm ngó. Bởi vậy công việc canh gác rừng của các anh vất vả gấp bội phần.
Trên đường quay trở lại căn cứ của các anh, tôi hỏi Đại úy Giang về dự định cho mấy ngày Tết sắp tới. Anh chia sẻ: Nhà không quá xa nhưng do không thể dùng phương tiện đi lại nên mất rất nhiều thời gian trên đường, thành thử không về nhà được. Ngày Lễ, Tết lại là dịp tình hình thường phức tạp hơn nên hai anh em nhiều khi không phải ca trực vẫn sẽ ở lại để đảm bảo bám nắm và kiểm soát được tình hình. Còn nếu nói có muốn được ở nhà không thì muốn chứ. Tết ai mà không mong được quây quần bên gia đình, vợ con.
Anh Giang cười, nói thêm: Hai anh em sẽ thay phiên nhau đi đến chúc Tết một số gia đình ngoài xóm. Một số các bác, các chú, các anh cũng lên chúc Tết chúng tớ trên này. Bà con ở đây sống tình cảm với bộ đội lắm.
– Nhưng chắc cũng không phải tự nhiên mà có được điều đó.
– Tình cảm mà, có đi mới có lại. Bộ đội trân trọng dân, thì dân yêu quý lại thôi.
– Giữa bốn bề núi non, rừng rậm như thế này, buổi tối nhìn đâu cũng một màu đen ngòm, chả lẽ các anh…? Tôi bỏ dở câu hỏi.

 

Tăng gia tự cải thiện đời sống

Đại úy Giang cười ồ: Ở mãi thành quen nên cái gì ở đây cũng thành thân thuộc kể cả là không gian buổi đêm. Nhưng có một lần, mình cũng thấy toát mồ hôi hột. Khi ấy mới vào nhận công tác, đêm khuya lắm rồi, canh 1 canh 2 gì đó, trằn trọc không ngủ được, nằm lại cứ nghe thấy tiếng bước chân. Mình mới dậy xem thế nào thì nhìn thấy ngay phía dưới con đường trước cửa nhà có một bóng người phụ nữ đi qua rồi mất hút vào trong rừng. Quay trở vào nhà nằm, nhưng cứ bị cái bóng đó ám ảnh không thể ngủ. Kể đến đây Giang bật cười, còn tôi thì cả người vẫn đang sởn gai ốc, sốt ruột hỏi: Rốt cuộc là chuyện gì?
– Sau đó đi tuần tra mới biết trong này có vài hộ bà con người Mông sinh sống từ lâu, hôm đó là một chị có con bị sốt nên đi mua thuốc, giờ đó mới về được đến đây. Những hộ dân ấy chúng mình vận động, sau đó đã chuyển ra khỏi vùng lõi rừng. Giờ không còn hộ nào sống trong rừng nữa.
– Vậy, mỗi lần ốm đau hẳn là sẽ rất khó khăn, anh nhỉ?
– Đúng thế, vì đường đi khó nên nếu có vấn đề cần kíp thì cũng khó mà nói trước. Dẫu ở đây, chúng mình luôn có sự chuẩn bị về thuốc men, nhưng cuộc sống không ai biết trước được điều gì. Đó cũng là lí do để khi đơn vị cân nhắc phân công người làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ ở đây, một trong những tiêu chuẩn là phải trẻ, có sức khỏe…
Vừa đi vừa chuyện, về đến nhà đã thấy một người đàn ông trung tuổi đang ngồi chờ. Hóa ra ông Ma Văn Mai, dưới xóm Cầu Đá lên chơi. Nhìn thấy chúng tôi, ông hồ hởi:
– Hai chú vừa đi rừng về hả? Lại có cả khách nữa à? Có mấy bắp ngô, bà lão nhà tôi mới bẻ, bảo mang lên biếu các chú luộc ăn luôn cho ngọt.
Anh Giang quay sang tôi, nói: Chị thấy không, ở đây bà con coi bộ đội như người nhà. Nhiều người chẳng quản đường xá khó khăn, đi bộ cả tiếng đồng hồ vào để cho bọn tôi lúc bắp ngô, khi túm khoai ngọt lịm. Quý hóa lắm nhà báo ạ. Cũng nhờ vậy mà anh em chúng tôi càng có động lực bám rừng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cấp trên giao phó.
Không nói quá nhiều về bản thân mình, càng không nhắc đến những gian khổ khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, nhưng chỉ thoáng qua cuộc sống và công việc của các anh, chúng tôi đã thấy những khó khăn mà các anh đang trải qua. Bất giác tôi đặt tay lên ngực trái, cảm giác nghèn nghẹn xen lẫn tự hào về những anh bộ đội Cụ Hồ. Có biết bao nhiêu người lính như Khánh, Giang, giữa thời bình vẫn thầm lặng thực hiện nhiệm vụ ở những nơi vắng vẻ nhất trên dải đất hình chữ S?
Xuân đã về, ở đây các anh không có hoa đào, hoa mai khoe sắc chỉ có hoa lau giản dị và xào xạc tiếng “nhạc” rừng; không có những bữa tiệc thịnh soạn, thiếu vắng cả hơi ấm gia đình, nhưng tinh thần chấp hành kỷ luật, bất chấp gian khó thì luôn đầy ắp trong tim! Tết đến gần lắm rồi, mong các anh luôn mạnh khỏe, chúng tôi xin gửi lại sự trân trọng và biết ơn sâu sắc ở nơi núi rừng Yên Lạc này!

Sa Mộc

(Theo Văn Nghệ Thái Nguyên)