Mùa xuân đến muộn – Truyện ngắn của Thạch Sene

918

(Vanchuongphuongnam.vn) – Một cái tết nữa sắp đến. Đang ngồi nhẫm tính tết này tiền lương, thưởng khoảng bao nhiêu, sắm sửa gì, mua gì biếu cho nội, ngoại… Bài toán đau đầu mấy bà nội trợ. Bỗng tôi nghe tiếng ông Ba nhà kế bên lè nhè: ”Rượu chè, bè bạn la cà. Hết tiền đã có vợ nhà nó lo. Một, hai ta cứ …dzô…dzô.. Còn mồi, còn rượu, ta thời cứ say”.

Ảnh minh họa – Tác giả: Thái Vĩnh Thành 

 Tiếng bà Ba cất lên:

– Lại say nữa rồi, tết đến nơi không giúp tôi sửa soạn, dọn dẹp nhà cửa mà cứ đi miết, sức khỏe ngày càng xuống không lo cứ lo uống rượu có ngày chết vì rượu mất thôi!

– Ơ cái bà này!…

Tiếng bà Ba

– Ông nhỏ tiếng thôi, đừng làm phiền hàng xóm.. Đúng là ”Ở đời chẳng biết sợ ai. Sợ thằng say rượu nói dai tối ngày”.

          Điệp khúc cứ lập đi lập lại mỗi khi ông Ba say xỉn. Hai ông bà cũng thú vị, lúc nào cũng xổ thơ ra được. Mà không chỉ có ông bà Ba, hầu như mấy ông say rượu lúc nào cũng ngân nga mấy câu thơ. Tự nhiên tôi lại nhớ đến thằng Bảy Nhỏ, hàng xóm của nhà tôi trước đây khi còn ở dưới quê. Nhớ đến câu ba tôi thường nói: Xã hội bây giờ với tầng lớp nghèo như mình mãi mãi sẽ không ngóc đầu lên nỗi Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa”. Ông bà ta ngày xưa nói không sai đâu. Lúc đó tôi không tin, nghĩ mình cố gắng phấn đấu thì tương lai mình sẽ khác. Nhưng rồi tôi lại nghi ngờ phán đoán của mình khi nhìn hoàn cảnh nhà hàng xóm.Từ cuộc đời của thằng Bảy Nhỏ tôi bán tín bán nghi chã lẽ số phận mỗi người đều đã định sẵn từ lúc mới sinh ra. Nếu đúng thế thì cuộc đời của thằng Bảy Nhỏ  rõ là “Đen như mõm chó”.

Thằng Bảy Nhỏ là hàng xóm của gia đình tôi ở quê trước đây. Nó thứ bảy tên Nhỏ, nên hàng xóm gọi nó là Bảy Nhỏ Ngoài ra nó còn biệt danh khác: Bảy Tối Trời, Bảy Nước Ròng. Nó không chút giận hờn mà thản nhiên đón nhận. Nghe kêu Bảy Nhỏ đâu rồi? Nó cũng dạ. Bảy Tối Trời có nhà không? Nó cũng lên tiếng. Thằng Bảy Nước Ròng qua đây uống vài ly với mọi người nè! Nó cũng đi. Bởi ở đây ai cũng biết tại sao mọi người gán ghép cho nó những biệt danh như vậy.

Gia đình nó rất nghèo không có cục đất chọi chim, ba má nó quê ở đâu không ai biết, chiến tranh trôi dạt về đây, bà con thương tình cho một mảnh đất nhỏ cất nhà, nói là nhà chứ thật ra là cái chòi tranh vách lá rách tươm. Trời mưa thì dột tứ bề, trời nắng thì ông mặt trời rọi khắp nơi, những đêm trăng thì…tuyệt vời. Ba nó  lúc đầu cũng chí thú làm ăn, ai mướn gì làm nấy nhưng có lẽ cuộc sống đói nghèo quanh năm khiến ông quẫn chí mà sinh ra rượu chè và nghiện rượu lúc nào cũng không biết, ngày nào cũng say be bét, miệng nghêu ngao “Còn trời còn nước còn non. Còn người bán rượu ta còn say sưa”. Ba nó say khướt tối ngày chẳng làm ăn gì cả. Mẹ nó phải đi làm thuê làm mướn để nuôi cả nhà, ai mướn gì làm nấy, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Nó cũng chưa có cái áo nào đàng hoàng, vừa vặn, ngay cả ngày tết, bởi hàng xóm cho cái nào mặc cái đó; cái thì dài, cái thì rộng thùng thình nhưng thường thì nó suốt ngày ở trần trùng trục chỉ mặc mỗi chiếc quần tà lỏn cũng rách vá đùm, da đen thui, tóc vàng hoe vì dang nắng. Đối với nó, ngày tết cũng như ngày thường, chẳng có gì khác. Nhà có đồng nào, ba nó lột hết di mua rượu, nếu không có tiền mua rượu thì nhà ai có đám tiệc ba nó lại ghé kiếm rượu uống. Chủ nhà sợ phiền khách nên cho một chai rượu để ông đi khuất mắt. Ông có 6 đứa con nhưng 5 đứa đầu đã mất từ nhỏ chỉ còn thằng thứ sáu (theo cách gọi của người miền Nam đứa đầu tiên là thứ hai nên nó là đứa thứ 6 gọi là thằng bảy) là nó còn sống. Thằng Bảy nhỏ người nhưng rất khỏe mạnh, đói rét là vậy nhưng nó mạnh cùi cụi không hề đau ốm. Lúc nhỏ nó đã biết đi mò cua, bắt óc, kiếm cá về làm mồi cho ba nó nhậu. Nhà nghèo, không được học hành như những đứa trẻ khác, mẹ nó đi làm mướn suốt ngày, ba nó không có lúc nào tỉnh, tối ngày thui thủi một mình nên nó lang thang khắp xóm, ai cho gì ăn nấy. Do uống rượu quá nhiều ba nó ngày một yếu, đi đứng khó khăn nhưng vẫn không bỏ được rượu, nó nhận thêm nhiệm vụ đi mua rượu cho ba nó. Một hôm người ta thấy nó nằm như chết bên bụi chuối, thì ra nó nốc gần hết chai rượu mà nó mua cho ba nó và nó không còn biết trời trăng gì. Người ta cõng nó về nhà, qua ngày hôm sau nó mới tỉnh. Thế là từ đó nó và ba nó là bạn nhậu cùng nhau. Ba nó lại nghêu ngao “Hiu hiu gió thổi đầu non. Những thằng uống rượu là con ngọc hoàng”, thằng con tiếp lời: ”Ông là ngọc hoàng vậy tôi là con của ngọc hoàng rồi”. Mới hơn 10 tuổi thôi mà nó uống rượu như uống nước.

Nhưng thôi trở lại biệt danh người ta đặt cho nó, nghe mọi người kể lại là khi mẹ nó mang thai nó, gần đến ngày sinh vẫn ì ạch đi làm mướn, một đêm mẹ nó đau bụng đẻ dữ dội mà ở nông thôn lúc bấy giờ người ta đẻ ở nhà nhờ bà mụ vườn đến đỡ đẻ, có ai đi đến bệnh viện đâu. Do mẹ nó sinh đã 5 lần và lần này lần thứ 6 lại sinh khó nên bà mụ vườn không dám đỡ đẻ mà bảo chở đi bệnh viện. Đường khó đi, trời tối om, kênh rạch nước cạn khô, việc đi lại khó khăn. Hàng xóm sang giúp mẹ nó còn ba nó chỉ ngồi lẩm bẩm: “Sáng trăng không đẻ mà đẻ tối trời. Nước lớn không đẻ mà đẻ nước ròng”. Mẹ nó được đưa xuống xuồng, mấy ông đàn ông khỏe mạnh xúm nhau đẩy chiếc xuồng ra khỏi con rạch nhỏ đang khô nước để ra sông. Cuối cùng nó cũng được sinh ra nhỏ thó như cái tên của nó nhưng khỏe mạnh, dễ nuôi. Đúng là trời sinh voi sinh cỏ. Nó uống nước cơm, nước cháo lỏng mà sống. Nhớ lại những lời ba nó nói ai cũng bật cười, từ đó họ gán biệt danh Bảy tối trời, Bảy nước ròng cho nó để nhớ lại ngày nó ra đời. Chẳng mấy chốc mà giờ đây nó đã lớn có thể ngồi chén tạc, chén thù với ba nó. Mẹ nó kiệt sức vì hai cha con nó nên ra đi sớm. Hai cha con nương tựa vào nhau. Nó giờ đã biết đi làm thuê, làm mướn kiếm tiền về nuôi ba. Vì rượu mà ba nó bệnh nặng rồi cũng đi theo mẹ nó bỏ nó ở lại một mình trong căn chòi rách nát bên 2 nấm mộ đất. Giờ không có ba mẹ, một mình thui thủi nó lại càng nghiện rượu hơn. Nó uống rượu hơn cả ba nó ngày trước, chỗ nào có nhậu là có nó, bất kể xa gần. Nó không có tiền mua rượu nhưng ngày nào nó cũng say xỉn. Nhiều đêm nó lội từ bên này qua bên kia sông để nhậu, nhậu xong lại lội sông về nằm lăn lóc ở bụi cây nào đó ngủ, không chăn màn, không giường chiếu. Được cái tuy nhậu nhưng nó rất hiền không chửi mắng, phá phách, cũng không trộm cắp gì của ai nên hàng xóm không ai ghét bỏ nó. Ai cũng hết lời khuyên nó bỏ rượu, kiếm con vợ rồi lo chí thú làm ăn nhưng nó nói nghèo như nó cô gái nào dám lấy. Mọi người làm mai cho nó cô gái xóm bên cũng mồ côi cha mẹ. Hai đứa về sống chung với nhau chẳng có cưới hỏi gì cả. Nó cũng ý thức được trách nhiệm của mình bớt uống rượu, cố gắng đi làm kiếm tiền lo cho gia đình. Như bao cặp vợ chồng khác nó có được thằng con trai, cũng như nó lúc nhỏ, đói khát thiếu thốn nhưng thằng bé mạnh cùi cụi chẳng đau ốm gì… Có lẽ số nó không may mắn, cuộc sống nghèo khổ cứ bám lấy nó. Vợ nó không chịu đựng được cảnh túng thiếu, đói rét triền miên nên khi đứa con vừa chớm biết đi đã để lại cho nó và đi mất biệt, không chút tin tức. Nó lại một mình nuôi con. Lắm lúc nó phát điên vì tiếng khóc dai dẳng vì đói khát của con và hàng xóm lại chung tay giúp nó miếng sữa, miếng cháo để nó nuôi con. Cũng như nó trước đây, dù thiếu thốn, đói khát nhưng con nó không hề bệnh mà còn khỏe hơn những đứa trẻ khác. Bà con khuyên nó cố gắng nuôi con sau này có người thờ phượng, hương khói “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” chắc đời con mầy sẽ khá hơn. Nhưng có lẽ phần số của nó, chỉ một thời gian ngắn nó lại tiếp tục uống rượu, mỗi ngày một nhiều hơn không còn biết gì, kể cả đứa con còn nhỏ dại. Thương nó, mọi người lại mang gạo, thức ăn cho cha con nó, ra sức khuyên nó ăn uống để có sức nuôi con, nếu không có ngày chết vì đói, vì rượu hành hạ. Vậy mà nó sống lây lất được một thời gian, thằng con trai cũng được 7-8 tuổi. Một buổi sáng, người ta phát hiện nó nằm chết bên bờ sông, quần áo ướt đẫm, có lẽ sau khi lội sông về nó không còn sức đi tiếp nên nằm bên bờ sông suôt đêm bị cảm lạnh hay trúng gió mà chết, thằng con nó chưa biết gì, hàng xóm lại cùng nhau lo đám tang cho nó, mong nó kiếp sau được sung sướng hơn chớ đừng khổ như kiếp này. Từ lúc nó được sinh ra trong một đêm tối đen như mực như là số phận đã định sẵn cho nó rồi. Tuy thương nó nhưng mọi người vẫn cho rằng nó đi như vậy là tốt, bởi cuộc sống của nó có gì vui, chỉ tội cho thằng con còn quá nhỏ rồi tương lai sẽ ra sao. Trước đây ba má nó chôn trong chòi giờ nó cũng được nằm cạnh ba má nó. Căn chòi rách nát giờ cũng là nơi an nghỉ của cả gia đình. Một miếng ván đươc đóng vào vách làm bàn thờ chung cho cả 3 người, không một di ảnh chỉ có một lư hương, mọi người qua lại thường ghé vào đốt cho một nén nhang để căn nhà không quá lạnh lẽo. Sau đám tang của thằng Bảy Nhỏ, thằng con của nó cũng bỏ làng không biết đi đâu, có người bảo gặp nó ăn xin ở chợ, có người bảo nó được một người tốt bụng nhận làm con nuôi… Dù thế nào mọi người vẫn mong thằng bé có cuộc sống tốt hơn.

Qua một thời gian, căn chòi đã sập, 3 nấm mộ không ai chăm sóc nằm chơ vơ cũng bắt đầu lạn dần không còn thấy núm mồ nữa và rồi người ta cũng nhanh chóng quên đi thằng Bảy Nhỏ, thằng Bảy Tối Trời. Vẫn biết chết là hết, không vướng bận gì nhưng sao mỗi lần về quê nhìn 3 núm mộ chơ vơ trong lòng vẫn thấy thương cho một kiếp người.  Ngày giáp tết,về quê quét dọn mồ mả ông bà, đi ngang qua căn chòi ngày nào của thằng Bảy Nhỏ, 3 ngôi mộ đã được ai đó xây kiến cố, xung quanh được dọn dẹp trống trải, sạch sẽ, giấy tiền vàng bạc, bánh mứt, trái cây ai đó đặt trên núm mộ, khói hương nghi ngút, tôi cảm thấy vui vui, hàng xóm vẫn chưa quên gia đình nó. Nhưng hỏi ra mới biết sau một thời gian biệt tích, thằng con nó trở về, giờ đã là một thanh niên vạm vỡ, có công ăn việc làm đàng hoàng, kinh tế cũng khá nên nó trở về làm mộ cho ông bà nội và ba nó đồng thời cảm ơn dân làng đã giúp đỡ gia đình nó trong những lúc khó khăn nhất. Lúc sống ba má nó và cả nó chưa có một ngày đủ đầy, chưa có được chỗ ở đàng hoàng, chưa biết thế nào là  ngày Tết. Thế rồi cũng có một ngày họ được đón Tết trong “ngôi nhà” ấm cúng, đồ ăn thức uống đủ đầy. Con thằng Bảy Nhỏ vẫn chưa quên cội nguồn

Có về tảo mộ ngày xuân

Càng thương làng xóm, càng gần anh em

Cỏ vàng như bỗng xanh lên

Ấm nơi nguồn cội tổ tiên ông bà.

Hòa với niềm vui với gia đình thằng Bảy Nhỏ trong ngày giáp tết, tôi nhớ câu nói ngày xưa mà ba tôi vẫn thường nói “Con vua thì lại làm vua, con sãi ở chùa thì quét lá đa” giống như là sự buông xuôi, an phận. Đời ba má thằng Bảy Nhỏ rồi đến đời thằng Bảy Nhỏ đã quá khổ rồi, giờ đến đời con nó đã khá hơn, Có lẽ con thằng Bảy Nhỏ thấy ba nó vì rượu mà quá khổ, nó không muốn đi theo vết xe đổ của ba nó nên đã cố gắng và đã chiến thắng.  Đúng là “Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời” đừng đổ lỗi cho số phận mà phải phấn đấu vươn lên để vượt qua số phận. Ở một nơi nào đó, dõi theo bước đi của con, thằng Bảy Nhỏ chắc hẵn sẽ rất vui và tự hào về con của mình. Dù có muộn nhưng “xuân” sẽ đến với mọi người, mọi nhà.

T.S