Mùa Xuân năm ấy… – Tản văn của Diệp Linh

512

(Vanchuongphuongnam.vn) – Trưa nay, nắng xuân đã tràn qua giàn thiên lý đổ đầy trước sân nhà. Cành mai vàng trước ngõ đã bung nở rực một góc trời. Tía tôi mở chiếc va li đã sờn màu cũ kỹ lấy ra các kỷ vật khác đã bạc màu theo năm tháng…

Tác giả Diệp Linh 

Một buổi chiều cuối năm, tôi trở về quê ăn Tết sau bao ngày tha phương cầu thực nơi đất khách, bất chợt tôi bắt gặp ánh mắt dịu dàng, trên gương mặt khắc khổ của má tôi, tay cầm một cái vỏ xách đi chợ, bên trong có một cái khẩu trang và một ít tiền. Nước da nâu và hơi nhăn lộ rõ sự khổ cực lâu năm nơi quê nghèo. Các đầu móng tay và chân bám đầy đất cát, nhựa của các loại cây, và nhiều thứ khác mà khó tẩy ra được. Bàn tay và bàn chân thô kệch không giấu được sự vất vả của một người phụ nữ nông thôn. Mái tóc đen, và lấm tấm vài sợi tóc trắng được kẹp gọn bằng một chiếc kẹp kim loại trơn bóng, má hay gọi đó là chiếc kẹp ba lá. Kỷ vật tình yêu mà tía tôi tặng cho má trong mùa xuân năm ấy, cách đây 45 năm về trước. Với mong muốn của má, lưu giữ những giá trị lịch sử cho con cháu noi gương, hàng chục năm qua kỷ vật thời chiến luôn được giữ gìn và nâng niu, bảo quản như những tài sản “vô giá” – minh chứng cho một thời “máu và hoa” của tía má, cũng là khoảnh khắc đẹp trong ngày tết đến xuân về. Chiến tranh, khói lửa, mỗi người trao nhau một vật làm kỷ niệm: chiếc kẹp, khăn tay hay bật lửa hay những chiếc lược làm từ vỏ đạn… nó như một sự  động viên tinh thần cho nhau, an ủi nhau, một niềm vui nho nhỏ nhưng ấm lòng ngoài chiến trường khốc liệt. Má kể cho tôi nghe về thời tía má thương nhau trong lúc đạn lạc bom rơi rồi lấy nhau sau khi thống nhất đất nước trong những ngày báo hiệu mùa xuân về.

Tía tôi đã giữ trọn lời hứa hiên ngang, anh dũng trở về trao cho má kỷ vật tình yêu, đó là chiếc kẹp ba lá mà bao năm tháng trôi qua má vẫn cẩn thận gìn giữ.

Má kể cuộc sống của tía trong hồi mưa bom bão đạn, sống trong rừng, ăn rau rừng, uống nước sông, rồi ào ào lên đường trong cơn rung chuyển của phong trào tòng quân, “tiếng hát át tiếng bom, đường ra trận mùa này đẹp lắm”… Không khí náo nức ấy khiến người nào không lên đường là thấy lẻ loi, ngoài cuộc. Tía tôi đã thấu hiểu được cái khóc liệt của sống chết. Má kể có năm nhà người ta háo hức đón Tết, còn má và nội ngồi ở nhà trông tía về như người dân Cửu Long chờ con nước lớn, nước ròng, mà chẳng thấy tăm hơi của tía.  Rồi cũng đến ngày hàng xóm ùa đến, xóm làng cười nói tưng bừng, bà nội tôi sau một hồi khóc nức nở, miệng móm mém nói “chiến tranh qua rồi, sống khỏe mạnh trở về mới anh hùng, chứ bây chết rồi còn nói làm gì”. Thật vậy, mỗi kỷ vật không chỉ làm sống lại những ký ức năm tháng xưa mà còn mang những ý nghĩa thiêng liêng khác. Đó sự trở về một thời đầy “máu và hoa” của những anh hùng từ chiến trường khốc liệt.

Sau chiến tranh gần giáp Tết Nguyên Đán, đám cưới của tía má chỉ vài ba mâm đạm bạc. Má mặc chiếc áo dài đỏ thêu hoa giản đơn, trên mình vỏn vẹn đôi bông tai tía cố dành dụm mua cho vợ, trên mái tóc dài thướt tha má kẹp lệch một bên chiếc kẹp ba lá mà tía tặng má trong một lần nghỉ phép về thăm nhà. Nghe câu chuyện về chiếc kẹp ba lá của má, tôi thật sự xúc động và tự hỏi vì sao trong thời chiến tranh khóc liệt như thế mà các mẹ, các bà, các chị, các chú, các anh luôn một lòng kiên trung vì sự nghiệp giải phóng đất nước. Phải chăng trong lòng họ luôn có một ánh sáng, ánh sáng rực rỡ với cờ đỏ sao vàng, ánh sáng của niềm tin cách mạng và theo đó là sự sắt son, một lòng, sự thủy chung đợi chờ của những tình yêu thời hoa lửa. Chờ một mùa xuân nảy cây sinh chồi, chờ một cái Tết đoàn viên ấm áp.

Trưa nay, nắng xuân đã tràn qua giàn thiên lý đổ đầy trước sân nhà. Cành mai vàng trước ngõ đã bung nở rực một góc trời. Tía tôi mở chiếc va li đã sờn màu cũ kỹ lấy ra các kỷ vật khác đã bạc màu theo năm tháng. Tía rưng rưng xúc động nói với má, ra giêng sẽ cùng các chú cựu chiến binh năm xưa lên đường tìm mộ đồng đội cũ đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường. Chưa bao giờ tôi thấy tía vui vẻ và nhẹ lòng như bây giờ. Cả nhà tôi cùng quây quần bên nhau ăn bữa cơm quê ngày Tết đầy ấp tiếng cười vui rôm rả trong cơn mưa chiều rả rít ngoài hiên.

D.L