Mục đồng đi xa

436

“Trăng chiều” – chú mục đồng thong dong nằm nghiêng trên mình trâu bên nền trời vàng và vầng trăng khuyết xanh biếc. Mục đồng ở đâu thì trâu ở đấy. Tôi đã chọn tranh trâu và mục đồng cùng với một số bức tâm đắc để triển lãm tại Ireland theo lời mời của nhà sưu tập tranh Brian Stockwell…

Những cánh hoa và tiếng chim hải âu rộn rã ở thủ đô Dublin trong ký ức tôi tưởng chừng đã trôi phai theo thời gian bỗng chốc ào ạt trở về cùng với thư của bà Maeve Collins, Đại sứ Cộng hòa Ireland tại Việt Nam, mời dự cuộc triển lãm về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn James Joye ở Đà Nẵng.

James Joye – bóng dáng lớn trên văn đàn thế giới thế kỷ XX – là người cùng quê với 4 nhà văn, thơ và kịch đoạt Giải Nobel Văn học: William Butler Yeats, G. Bernard Shaw, Samuel B. Beckett và Seamus Heaney. Đời văn của họ cùng khởi nguồn từ vùng đất mênh mông núi đồi và cỏ hoa trên những quần đảo lãng mạn bên bờ Atlantic.

Văn của nhà văn lãng tử James Joye như đường dẫn tới loại bia mang tên Guinness mà người dân Ireland ví von là “vị thuốc của thiên đường”. Vì vậy, 65 năm sau, tính từ ngày James Joye mất, khi vừa đặt chân lên TP Dublin, tôi đã vội vã đi tìm “vị thuốc thiên đường” ấy.


Tác phẩm “Trăng chiều” (sơn dầu 120 cm x 100 cm) của Hoàng Đặng

Nhiều quán rượu, nhà hàng ở Dublin đều mang tên các nhà văn lớn. Tại mỗi nơi đó, ta có thể xem phim ảnh, sách báo về cuộc đời và sự nghiệp của mỗi tác giả. Chỗ tôi ngồi đầu tiên là góc sân đẹp, bàn ghế bằng gỗ sồi bình dị và tinh sạch bên cạnh bức tượng James Joye trong bộ vest ghi-lê kiểu châu Âu, mũ nỉ ngang tàng đội lệch, tay cầm chiếc gậy mảnh – người dân Ireland thường gọi “Cây gậy châm chích” của nhà văn có khuôn mặt thông thái, hóm hỉnh và ý nhị. Quán cũng mang tên bức tượng ấy.

Ánh sáng trời khoảng 20-21 giờ y hệt hoàng hôn ở xứ mình. Bầu trời không hoàn toàn tối hẳn nhưng phố O’Connell càng lúc càng thưa dần. Trời trở lạnh hơn, 10 hay 12 độ C thì phải. Tôi rời sân bước vào trong quán. Quán đông vui và ấm cúng. Bấy giờ, tôi mới thực sự hiểu ra người Ireland có rất nhiều giai thoại trái ngược trong lối sống: Sự hà tiện và ăn nhậu. Cẩn thận khi tiêu tiền nhưng hết mình và sòng phẳng khi nhậu. Hết phiên bạn mời đến phiên mình. Cứ thế, hết “pint” (vại) này đến pint kia.

Trên quầy bia có một phụ nữ tóc nâu vàng, da trắng mịn, luôn im lặng với nụ cười mỉm thấp thoáng, bỗng chốc và hững hờ. Bia Guinness tươi được trữ đâu không biết, chỉ thấy dòng bia sóng sánh màu nâu đen tuôn ra từ chiếc vòi nhỏ đặt trên quầy. Khi bia được rót lưng chừng vào chiếc ly vại, những ngón tay đẹp của người phụ nữ ấy nhẹ nhàng chuyển chiếc ly trống khác vào thay thế trong khoảng thời gian vừa đủ cho ly bia trước tan hết bọt rồi trở lại rót tiếp cho đến khi vại bia đầy ngập.

Dù nhiều quán bia ở Dublin đều bán đủ loại nhãn mác thức uống có men nhưng người bản xứ thường chọn Guinness – thứ bia chế biến từ bao đời của dòng tộc ông Arthur Guinness. Bọt bia đậm đặc phảng phất màu vàng hổ phách. Hương bia nhẹ và thơm. Trong ngọt ngào êm dịu khác lạ của men bia chen lẫn vị đắng quyến rũ đến những ly bia sau.

Những ly bia kế tiếp xúi giục người uống quyến luyến thêm bởi điệu đàn Banjo, tiếng nhịp vỗ trống và giọng hát nữ của một nhóm nhạc nào đó trong quán vừa bắt đầu với “The wild Irish rovers” – ca khúc đồng dao về núi đồi, làng mạc của những người con xa tít miền Tây Âu sương mù mang linh hồn lang bạt. Đường phố vào những lúc này quạnh vắng là phải vì tôi có cảm tưởng như đêm đêm, đa số người dân Ireland tụ tập ở quán, từ cô gái 18 đến ông lão 78. Sau một vài ly bia, họ bắt đầu nhảy múa làm không khí quán rộn ràng, đầy tình thân.

Những ngày tháng sau đó, rời khỏi Dublin, tôi đến nhiều nơi khác của xứ sở lãng mạn thú vị này. Đâu đâu tôi cũng gặp hoa và bia. Cũng thứ bia đen thơm nồng và ngọt ngào ấy. Cũng điệu trống vỗ nhịp theo điệu đàn xao xuyến Banjo của những người chơi nhạc lang bạt, giang hồ, với lối trình diễn tự nhiên, thân mật, dễ gần. Nhiều khi tôi chạnh nhớ về quê mình và mong ước sao sẽ đến lúc ở các góc quán, hội hè, những người tìm đến nơi đây có thể gặp được đôi phần về chân dung, đời sống và sự nghiệp của các bậc anh tài xứ sở.

Ngày này qua ngày khác, tôi vừa đi vừa vẽ. Những đồi cỏ xanh ươm nối nhau, kéo dài ngút mắt. Men theo các triền núi sát mặt biển, tiếng chim hải âu gọi nhau ầm ĩ át cả cả tiếng rì rào sóng biển. Thỉnh thoảng tôi gặp căn nhà cổ, tường đá, nhỏ nhoi, mang bóng dáng quá khứ truyền thống đất nước Ireland, im lìm, cô quạnh bên góc rừng thưa.

Lần đó, ở phòng tranh, bức “Trăng chiều” – chú bé mục đồng nằm mơ màng trên mình trâu – đã mang về cho tôi tình cảm trìu mến, sâu đậm của những người Ireland yêu nghệ thuật, yêu Việt Nam.

Hoàng Đặng/Báo Người lao động