Mùi hương năm cũ – Truyện ngắn Hoàng Công Danh

814

Trong lúc lau chùi tủ sách, anh bỗng ngửi thấy một mùi lạ. Sách thì có mùi gì ngoài mùi giấy, mùi mực in. Tủ thì chắc mùi gỗ, mùi sơn lâu ngày. Hay mùi ẩm mốc từ vách tường bị nước mưa, nước lụt bên ngoài ngấm vào. Hoặc có thể mùi xác chết con gì đấy, chuột, gián, thằn lằn chẳng hạn.

Ảnh minh họa

Tháo khẩu trang, anh khịt mũi đánh hơi thật kỹ để xác định là mùi gì. Anh chưa bao giờ gặp mùi tương tự. Mùi không phải nằng nặc khó chịu. Cũng không hẳn ngan ngát dễ chịu. Thôi ít ra anh còn ngửi được thì tạm coi nó là mùi hương.

Anh lần mò tìm vị trí phát ra mùi. Tủ sách rộng năm mét, cao ba mét rưỡi, đặt kín một bức tường ở phòng làm việc, tìm ra chỗ phát mùi thật không phải dễ.

Niềm mê sách của anh có từ thời sinh viên. Như một con mọt sách, anh dành hết thời gian rảnh rỗi cho việc đọc. Những ngày nghỉ, những giờ ra chơi, những tiết học chán ngắt anh không thèm nghe thầy giảng mà lôi sách ra đọc.

Những buổi chiều từ giảng đường lang thang về phòng trọ, anh đi qua một đoạn vỉa hè nhiều phượng vĩ ở Huế. Dưới bóng phượng là sách, sách cũ dọn ra bán vỉa hè giá rất rẻ. Cứ tầm ba giờ chiều các bà lại trải nylon trên thềm gạch, bày sách như phơi bánh tráng. Người đi đường sà vào, sinh viên đi học về ghé vào, nhặt lên những cuốn mình thích. Giá cả thì tùy, thuận mua vừa bán, đa phần là rẻ bèo.

Anh yêu những buổi chiều như thế, nắng vàng lọt qua tán cây rọi li ti vào những bìa sách cũ mèm. Lá phượng rơi lắc nhắc, thi thoảng có gió lá vàng rớt liên hồi, người ta cứ để vậy không thèm phủi. Đấy là hương thời gian, anh nghĩ, nó cũng như những cuốn sách đang bày ra, có khi ngót cả nửa thế kỷ lưu lạc tới đây. Anh đã săn được khá nhiều sách xưa sách quý từ vỉa hè đời sinh viên.

Đấy là những năm chín mươi của thế kỷ trước, lúc máy vi tính còn xa xỉ và mạng internet là thứ sinh viên chưa dám nghĩ đến. Sách thành ra sự cứu rỗi của cánh sinh viên mê kiến thức. Một lần vào thư viện trường đại học, anh nhìn cô thủ thư quét cái chổi lông gà phủi bụi, mê luôn cô.

Cô cũng là sinh viên mới tốt nghiệp, được giữ lại trường làm giáo sinh. Thời gian tập sự cô được giao thêm việc trong thư viện, chủ yếu là quét dọn lau chùi và sắp sách. Những tủ sách cao quá đầu người, kê song song, kê vuông góc, đi vào như lạc giữa một ma trận. Ngày ngày đi dọc đi ngang đi qua đi lại đi lui đi tới giữa bốn bề sách thành ra quen và mê.

Tình yêu sách của cô có từ ngày đó.

Sách là món ăn tinh thần. Ngạn ngữ nói như thế. Nhưng món ăn có khi ăn một đôi bữa thì chán, tới bữa thứ ba là ngán. Sách thì như cơm của người Việt, có thể ăn mãi, ăn suốt đời. Tất nhiên là nói sách hay, cũng như cơm gạo chuẩn mẹ nấu, không phải cơm bụi cơm hàng.

Tình yêu của anh và cô cũng từ ngày đó.

Mọt sách và thủ thư là một cặp rất khéo. Anh không còn thời gian cho việc chọn lựa đắn đo. Anh cưới cô. Căn nhà nhỏ của họ không gì quý hơn ngoài cái tủ sách. Ban đầu cưới nhau chỉ mới một tủ. Dần dần thì thành bức vách sách. Và trong dự tính của hai vợ chồng thì tới lúc nghỉ hưu chắc cả nhà này được ốp bởi sách.

Cô đã thôi kiêm việc thủ thư từ bữa hết tập sự. Không lau quét thư viện trường thì cô chăm chút cho cái tủ sách nhà mình. Vẫn thói quen phẩy phẩy cái chổi lông gà phủi bụi, sắp đặt lại những cuốn sách bị thòi gáy ra khỏi giá gỗ. Sắp lại những cuốn đặt sai ngăn.

Vợ chồng anh tổ chức cái tủ sách của mình như thư viện thu nhỏ, từng ô từng ngăn từng hàng theo thể loại gì, trong nước hay ngoài nước, sách nghiên cứu sách giải trí. Mỗi lần cần tìm cuốn nào đó, chỉ cần năm giây là nhớ ra vị trí ngay. Đấy là phép ghi nhớ theo kiểu ma trận toán học, một kiểu tư duy thường dùng trong sắp đặt thư viện.

Mùi hôm nay anh ngửi, nó có liên quan gì đến quá khứ không? Anh tự hỏi. Phải chăng đấy là mùi lưu cữu của những vỉa hè nơi anh thường đi tha nhặt sách cũ. Dùng trí nhớ để đánh hơi quá khứ, anh chợt nhớ ra một cái cống ngầm chảy dưới lề đường thường xộc mùi lên. Mải mê chọn sách, đến lúc trả tiền xong anh mới nhận thấy mùi khó ngửi ấy. Nhưng sách để hai chục năm chẳng lẽ còn lưu mùi. Anh mở cửa nhìn ra phía ngoài vách nhà, trận lụt hồi tháng mười vẫn còn in một vết váng vàng đục, rác rưởi vướng lại chỗ thép gai chăng hàng rào đã khô teo. Mùi rác, có thể lắm.

Mấy tháng trước vợ giục anh cùng phụ dọn rác ở hàng rào, xịt nước rửa hành lang bên ngoài nhưng lúc ấy anh mải lướt điện thoại say sưa một cuộc tranh luận về phát quà từ thiện trên mạng xã hội. Vợ tức, không thèm dọn luôn, bỏ vào nhà cầm điện thoại sóp ping mua sắm trực tuyến. Tới lúc anh đã chán chê vụ cãi nhau, quay ra kêu vợ đi dọn nhà thì vợ vờ không nghe vì đang canh me một cái váy. Không dọn, nắng lên nó tức khắc khô rồi gom đốt, chả sao.

Anh bật đèn pin soi tiếp từng ô chứa sách. Vài xác côn trùng khô. Con thằn lằn chết còng queo từ bao đời còn trơ một bộ xương như xương mắm cá. Một con châu chấu chắc mới thiệt mạng nhưng kiến đỏ đã bâu quanh gặm nhấm. Hai cái xác ấy không có mùi như anh ngửi.

Gáy sách hiện ra những tựa sách lạ. Sao cuốn này mình chưa đọc nhỉ, hay đã đọc mà quên. Một cuốn, hai cuốn, nhiều cuốn chẳng nhớ ra nội dung thể loại. Đã bao lâu rồi anh không cầm lấy sách để đọc, chắc phải cả năm trời chứ không ít. Smartphone điện thoại thông minh đã cuốn anh vào những tranh luận, anh vào đấy cãi nhau với đủ hạng người. Trí tuệ tập thể được phát huy, dân chủ tập thể được phô diễn, lộn xộn như một cái chợ.

“Đi ra mà ngửi cuộc đời, đừng có ngồi lì đọc sách. Đọc cho lắm mà không nếm vị đời thì chỉ sinh ra lý lẽ cãi chày cãi cối thôi”.

Khi xưa ông giáo sư đã khuyên anh như vậy. Lúc đó anh nghĩ có thể do mình hay cãi nhau với thầy, nên thầy ghét mà nói bóng nói gió vậy thôi. Sau này nghiệm lại anh thấy cũng hơi đung đúng. Thích cãi, thích tranh biện, ỷ mình có nhiều chữ để lý luận, anh thành cái máy cãi. Chuyện gì cũng cãi được. Cãi từ việc cơ quan cho đến về nhà cãi nhau với vợ. Cãi hoài chẳng ai chịu ai, dần dần anh ả chán luôn cả việc chuyện trò ư hử.

Từ khi lên mạng, anh lao vào cãi nhau chí chóe với giang cư mận dân cư mạng. Một cô ca sĩ đi phát quà lũ lụt sơ sểnh thế nào cũng gây nên một chút dư luận. Anh vào cãi. Một trận lụt lút cả làng cả huyện cả tỉnh, bên này nói do thủy điện bên kia bảo do trời đổ nước. Anh lại cãi.

Trí thức thì phải phản biện, phải nhảy xổ ra với cuộc đời ngoài kia. Nhưng, ngồi yên khi tổ quốc cần cũng là một khẩu hiệu trong đại dịch vừa rồi. Chọn yên vị hay xông pha sôi nổi thế nào cũng khó. Thế là anh đành ngồi im, nhưng vẫn cãi, cãi với cái màn hình điện thoại. Thật, như đàn gảy tai trâu.

***

Hôm nay là ngày mấy rồi, hai nhăm hay hai sáu tháng Chạp. Sao anh không nhớ ra chỉ còn vài hôm nữa đã là Tết. Và cái việc ngửi thấy mùi, nó xuất phát từ việc anh dọn nhà đón năm mới cơ mà.

Mùi lạ.

Đúng rồi, rất có thể không phải là mùi động vật bỏ xác, không phải mùi chết, mà là mùi Tết. Mùi ấy thì mỗi năm mới có một lần, và năm nào cũng khác nhau. Khi nhỏ với anh mùi Tết là mứt, là bánh. Thành niên thì mùi khói hương. Tết thời sinh viên là mùi nước hoa của cô thủ thư. Rồi cả mùi rượu bạn bè chúc tụng nhau ba ngày xuân. Không Tết nào giống Tết nào về mùi vị ấn tượng để lại. Nhưng, từ khi cưới nhau anh chả cảm giác được mùi nào cả.

“Em ơi”. Anh gọi. Lâu lắm rồi anh mới kêu lên hai tiếng trìu mến. Bình thường muốn nói gì anh cứ nói, vợ có nghe không cũng mặc. Nhiều khi hai vợ chồng nằm trên giường cầm hai cái điện thoại chả nói với nhau lời nào, rồi mắt ai mỏi nấy ngủ.

Đợi một lát không thấy vợ trả lời, anh quay mắt nhìn về bếp. Vợ một tay đảo nồi thịt kho, một tay vẫn lướt điện thoại điêu luyện, miệng chúm chím cười. Chả biết cười vì chuyện trên mạng, hay hai tiếng thân thương anh gọi khiến cô thích thú. Mà, cũng có thể cô mải đẩu đâu không nghe.

“Em ơi”.

Lần này thì vợ nghe, cô xoe mắt ngạc nhiên, bỏ đũa bỏ điện thoại xuống mặt đá hoa cương, bước tới chỗ anh.

“Ngửi coi có mùi gì lạ lắm”.

Đánh hơi ba phát, ngừng một lát, lại đánh hơi ba phát.

“Mùi gì đâu. Em không nghe mùi gì cả”.

Mùi lạ thì có diễn tả thế nào người khác cũng khó mà đoán định cho ra. Ngay cả anh cũng không thể biết nó là mùi gì.

Anh ấn vai nàng xuống, chỗ này này, góc trái vách tủ sách. Ở tư thế đó, vợ để thõng cả ngực áo. Bao lâu rồi anh không úp mặt nhìn vào đấy.

“Đấy. Thấy chưa”.

“Có thấy gì đâu. Thôi tốt nhất dọn dẹp cho sạch mà ăn Tết”.

Hai vợ chồng bắt đầu dọn. Kê cái thang chữ A cao, anh trèo lên, đầu chạm trần nhà. Mạng nhện từ mấy hóc hõm trần thạch cao úp luôn vào mái tóc tuổi bốn mươi đã muối nhiều hơn tiêu. Thuốc an thần đã khiến tóc anh sớm ngả màu so với độ tuổi. Những đêm gác tay lên trán ngẫm chuyện đời, chuyện bất công, chuyện bất chính, càng nghĩ càng khó ngủ. Stress căng thẳng thần kinh dai dẳng tháng này qua tháng khác. Anh dính phải kiểu stress ngược, không phải do áp lực công việc mà do quá rảnh rỗi, tâm trạng thì bức bí, muốn làm gì cũng không làm được. Bác sĩ cấp thuốc với lời cảnh báo sử dụng thuốc an thần dài ngày sẽ làm giảm khứu giác.

Từ trái qua phải, từ trên xuống dưới, từng ô vuông sách được lôi ra. Hai bàn tay anh kẹp chồng sách đưa xuống. Vợ đứng dưới sẵn sàng đón. Hai vợ chồng hai cái chổi lông gà, quét, phủi. Thỉnh thoảng rơi ra một cuốn sách mà cả hai từng thích thú đọc chung ngày xưa, họ dừng lại nói chuyện chút. Những hồi ức được ôn lại, trong một ngày cuối năm trôi nhanh.

Dọn dẹp xong tủ sách trời chiều đã tối om. Chả phát hiện ra cái gì nghi ngờ mùi lạ. Vợ chồng lên giường, tay chân mỏi rã sau một buổi dọn thư viện gia đình.

“Tết mệt thiệt. Nhưng cũng được một dịp dọn dẹp sắp đặt”. Anh nói, tay vừa với qua bục đèn ngủ lấy cái điện thoại. Cái thứ chết tiệt ấy, rảnh tay ra là nhớ đến nó ngay. Chiều nay cuộc cãi nhau trên fanpage vẫn đang sôi nổi thì anh phải ngừng vì phát hiện ra mùi lạ, giờ thì anh sực nhớ ra cái bình luận còn dang dở.

“Dọn dẹp những thứ bị bỏ quên, và dọn cả cái tâm ta. Ông nào bảo như thế, anh nhỉ”.

Anh chợt khựng lại, ngẫm nghĩ một hồi, câu này nghe quen lắm mà anh không nhớ ra. Hình như một triết gia châu Á. Krishnamurti. Oshso. Buddha. Không hẳn và không phải. Vì lâu rồi không đọc sách mà trí nhớ phản bội anh chăng.

Anh ném điện thoại qua lại cái bục, thủ thỉ:

“Thôi kệ đời. Mai anh chở em đi chợ sắm Tết nhé. Hôm nay ngày hai mươi lăm rồi mà”.

Vợ nghiêng người sang, rồi úp mặt mình vào cổ chồng. Tiếng dạ bật ra khe khẽ.

Giờ thì anh đã biết mùi lạ phát ra từ đâu.

Hoàng Công Danh/Báo Lao động