Mùi rượu – Tản văn của Võ Anh Cương

514
(Vanchuongphuongnam.vn) – Cách nay chừng ba chục năm, ở Đà Lạt nhiều người biết đến rượu thuốc Thạnh Vân. Con đường dẫn vào rạp Ngọc Lan có một cửa tiệm nhỏ, trước cửa trồng một cây bơ, chuyên bán rượu nhà tự ngâm bằng thuốc bắc. Rượu Thạnh Vân không nặng hay nhẹ quá, có hai loại ngon và thường, tùy khẩu vị của mọi người.
Nhà văn Võ Anh Cương 
Anh vào tiệm tuỳ ý kêu một, hai xị rồi với tay lấy ly tự rót, tự uống trước một cái quầy bằng gỗ. Chiều chiều, trong cái lạnh se sắt của khí trời Đà Lạt, chiêu một hớp rượu suông bỗng thấy khí huyết lưu thông càng lúc càng nhanh đẩy dần hơi lạnh ra ngoài cơ thể.
Có người vào tiệm mang theo chút “mồi”, thường là chả lụa xắc sẵn thành những cục nhỏ, nhúm muối tiêu, kêu xị rượu và bắt đầu thưởng thức một “tiệc rượu” trong tư thế đứng với gương mặt hân hoan, những người đó là khách hàng thường xuyên, thân thiết của tiệm và tôi e rằng có lẽ họ không biết mình đang nghiện rượu.
Thôi thì đó là chuyện riêng của từng người, điều tôi muốn nói là không khí trong tiệm Thạnh Vân thường trầm mặc, người vào uống rượu dù đi hai, ba người cũng chỉ trao đổi với nhau khẽ khàng, vừa đủ. Dường như họ vào uống rượu để tìm chút cảm giác bình yên hay rủ bỏ mệt mỏi trong cuộc mưu sinh tất bật một ngày. Tôi nói thế bởi đa số khách hàng của Thạnh Vân là dân lao động qua cách ăn mặc của họ, thảng hoặc cũng có vài ba viên chức hay công chức cũng tìm vào tiệm chiều chiều để lấy lại thăng bằng cho cuộc sống?
Ở Đà Lạt uống rượu kiểu này không chỉ có Thạnh Vân mà còn có cả Diệu Ký ở đường Phan Đình Phùng và lâu hơn nữa là rượu Ngô Như Khương. Rượu mỗi nơi ý vị mỗi khác nhưng ở Thạnh Vân dường như thanh tao hơn chỗ khác bởi người ngâm, pha chế là một người phụ nữ. Tôi tin như vậy vì phụ nữ thường tinh tế hơn cánh đàn ông mà!
Rồi thời gian trôi đi trôi đi. Vật đổi sao dời là quy luật của vũ trụ, tiệm rượu Thạnh Vân không còn trên con đường dẫn vào rạp Ngọc Lan nữa. Ở đó giờ mọc lên một dãy khách sạn san sát nhau, bê tông nhôm kính che kín một sườn đồi ngày trước là một cánh rừng thông, tiệm nhỏ Thạnh Vân cũng đành phải nhường chỗ cho du lịch, du lịch đang mang đến nguồn sống cho một bộ phận cư dân Đà Lạt…
Rằm tháng Chạp vừa rồi tôi đi ăn cưới con bạn, sau tiệc tôi đi cùng họa sĩ Văn Lại, nhà kế toan Hồ Văn Kim Lộc và nguyên Chánh văn phòng sở 4T Đỗ Sơn Hùng, tất cả là những “người xưa” bởi chẳng còn ai là công chức, viên chức gì nữa… vào một nhà ở ven suối Phan Đình Phùng uống rượu. Bất ngờ khi anh Lộc cho biết đó là nhà của người chủ tiệm Thạnh Vân xưa.
Anh Thạnh, người đàn ông chủ nhà giờ sống với con gái, vợ anh, người pha chế rượu năm xưa đã mất, mang ra một chai rượu loại ngon đãi chúng tôi. Mùi rượu vẫn y nguyên như ngày trước, phảng phất khung cảnh cũ tràn về….
Được biết chủ nhân chỉ mở “cửa tiệm” (không bảng hiệu) khoảng 3 giờ chiều. Vẫn là khách quen, vẫn tự nhiên lấy chai rượu đong sẳn, với tay lấy ly, tự rót tự uống suông. Có điều ngày trước ở Thạnh Vân khách uống đứng bởi tiệm nhỏ, còn giờ anh có thể tuỳ tiện ngồi xuống một bộ bàn ghế nhựa hay nếu muốn có thể ngồi phệch xuống nền nhà để dũi chân cho… sảng khoái!
Ông chủ với mái tóc bạc phơ ngồi chơi với chúng tôi. Ông không uống nhưng vẫn tiếp chuyện với chúng tôi một cách thân tình. Là một khách hàng xưa thỉnh thoảng mới ghé vào Thạnh Vân mua vài xị mang về nhưng ông chủ vẫn không quên và hỏi tôi có còn làm ở nhà in? Ông lại hỏi anh họa sĩ bạn lâu nay sáng tác ra sao… cho dù ông bạn tôi cũng vào Thạnh Vân xưa không nhiều lắm!
Anh Thạnh khiến tôi nhớ một thời Đà Lạt, một Đà Lạt xưa thanh khiết và thấm đẫm chân tình!
Xin cảm ơn anh!
V.A.C