Mùi tờ đô – Truyện ngắn của Lê Thị Nhung

315

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lão Hiên lẩm bẩm khi lão xoè tập tiền ra trước mặt. Mắt lão sáng lên, cái nhìn xiên chéo, soi mói lại đầy ranh mãnh giờ căng ra hết cỡ. Lão liều cho con lớn đi xuất khẩu lao động. Chỉ một năm sau, nó sẽ trả hết tiền vốn đi. Tiền những năm sau nữa, nó sẽ giúp lão lo cho hai đứa em chưa nghề ngỗng gì. Lão vay lãi cao để lo cho con đi xuất khẩu lao động ở Trung Đông.

Lão rưng rưng khi nhận những tờ ngoại tệ con lão gửi về từ nơi xứ người. Cả đêm lão thức, say ngắm tờ đô – la mà giờ mới sờ đếm được. Lão từng ngủ mơ, thấy mình có mười ba tỷ đô – la. Cầm được những tờ tiền này khiến lão càng thêm hào sảng. Lão nghèo quặt quẹo ngay khi chào đời. Bố lão sinh được mười người con, sống chen chúc trong cái nhà đất rệu rã. Nghĩ đến cái bóng lưng của bố lão oằn xuống, khập khềnh đến lúc chết cũng phải đi vay khắp xóm mới đủ mua chiếc quan tài gỗ mỏng mà xót xa.

Con lão về nước nghỉ phép. Nó được ông chủ cho lấy thêm công nhân sang đó làm việc. Lão hí hửng khi nghĩ đến giấc mơ mười ba tỉ tiền Mỹ kim ấy.

Lão nhờ người mai mối cho thằng Hoan con lão một đám. Tuổi già đến, lão cũng mong có cháu cho vui cửa vui nhà. Con bé đồng ý cưới làm lão quá bất ngờ. Ở quê, giáo viên ra trường đến đâu là lấy chồng hết đến đó. Nó mồ côi từ nhỏ nên rất chịu khó và đảm đang việc đồng áng. Lão tính rồi, vườn ruộng nhà lão nhiều, nó về làm đỡ, vợ chồng lão cũng đỡ vất vả.

Con lão lại đi tiếp khi kịp để trong bụng vợ nó một “bức tượng đồng đen”. Vợ nó vẫn đùa như vậy vì con lão đã đen ở Qua – ta nắng nóng lại càng đen. Liễu – vợ nó –  mau mắn làm cả nhà lão mừng.

Công ty cho con lão lấy tiếp công nhân nữa sang đó làm việc. Lão hót bạc triệu một cách dễ dàng. Liễu chỉ dẫn cho mọi người thủ tục xuất cảnh, lão chỉ việc ung dung đếm tiền. Khi nó thông báo kết quả siêu âm cái thai trong bụng là con trai thì lão mừng lắm. Nhiều lúc lão thấy cứ như ngủ mơ. Vừa có thằng đích tôn vừa được đếm tiền nhiều mà từ trước đến giờ lão quen vay đếm ở ngân hàng không thì ở nhà chủ nợ.

Vợ lão bận rộn việc ruộng vườn nhưng Liễu lấy cớ động thai nên từ chối làm đồng cùng. Nắng nóng thương vợ vất vả mà ngoài buổi đi dạy ra nó lại ở nhà ngồi mát. Lão cấm cẳn nói mát mẻ nhưng con bé vẫn nhất quyết không chịu ra đồng làm lụng. Lão điện cho con trai nhưng con lão bảo, để vợ nó sinh con xong đã. Vì thằng cháu quý tử, lão thôi. Còn sau này, lão sẽ bắt nó làm thêm ngày nghỉ cuối tuần để cho vợ chồng lão đỡ mệt.

Lão cảm nhận từng ngày con trai lão xa dần vòng kiểm soát của lão. Không khéo có ngày lão chỉ đếm những tờ đô trong tưởng tượng. Lão đâm ghét cay ghét đắng con đàn bà không cùng huyết thống kia. Lão đã tính kĩ trước rồi, thằng Hoan đòi mua cho vợ nó chiếc di động nhưng lão không cho. Lão doạ, chỉ một tin nhắn thôi vợ mày lấy lý do này nọ ra khỏi nhà ai quản được? Đàn bà xa chồng lâu ngày liệu có giữ được tấm thân? Nỗi nhục nhã nhất trên đời của đàn ông là bị cắm sừng. Hơn ai hết con trai lão hiểu được cái cảm giác đau đớn và uất hận ấy vì vợ trước của nó ngoại tình.

Công việc lấy thêm công nhân của con lão nó đi lại lo giấy tờ, cầm di động thuận tiện hơn mà mỗi người sang đó lãi vài chục triệu bạc lão cầm tay nên lão đành để nó mua. Lão không ngờ chính chiếc điện thoại kia làm lão không thể biết được nội dung cuộc nói chuyện của vợ chồng nó thế nào. Lúc trước, nghe điện thoại bàn cả nhà biết đâu có chuyện con lão không gửi đô – la về cho lão. Khi nhạc chuông nổi lên, dù đang dở việc gì lão cũng phải dừng tay, đi qua đi lại để xem chúng nói gì. Nhưng còn tin nhắn? Lão chịu. Lão gầm lên:

– Vua nghe vợ mất nước. Anh cả nhà này hỏng rồi. Gửi tiền về cho vợ hả?

Liễu mếu máo:

– Bố cứ  lật tung tất cả các ngân hàng ở Diêm Điền lên xem có tài khoản của con không ạ? Chồng con gửi tiền cho ai con không biết.

– Mày tiêu tiền hàng ngày lấy đâu ra ?

Mắt lão lại vằn lên sọc đỏ, đám da nhăn nheo cau dúm lại. Hằng ngày, nó mua quần áo, tã lót cho con và bỉm rồi cả uống thêm sữa. Tiền thai sản nó đưa cho vợ lão gần hết rồi.

– Tiền bạn bè rồi đồng nghiệp thăm cháu cho con. Họ vào nhà cho cháu tiền bố đều biết cả. Con đã ghi vào sổ, con xin đưa danh sách cho bố xem thì bố rõ.

Nó cầm cuốn sổ để trước mặt. Lão tức mà không làm gì được. Lão tìm cách chửi rủa nó hàng ngày cho thoả. Nó cúi gằm mặt nhẫn nhịn, lão hả. Thứ đàn bà không cùng huyết thống ấy muốn ở được ngôi nhà này phải nghe lệnh lão.

Buổi tối, quá mệt, Liễu bế con sang nhà cô Nga – cô ruột chồng, nhờ bà ấy trông đỡ để Liễu có thể nghỉ một chút. Suốt cả ngày gặt, bốc vác, chuyên chở mấy sào lúa về nhà, lại tuốt, lại phơi giữa trời nắng nóng làm Liễu cảm giác không còn hơi sức mà thở nữa. Cún ở nhà với ông nội nằm võng đu đưa ngủ cả buổi rồi nên tối nào con cũng thức khuya làm Liễu thiếu ngủ trầm trọng. Liễu cố đưa con cho cô bế rồi ngã xõng xoài khi cơn choáng ập đến làm tối rầm mắt lại. Liễu cố lết lên giường rồi òa khóc:

– Bố cháu luôn coi thường nhà cháu nghèo. Mẹ cháu nghèo nhưng lúc ốm đau cháu còn được nghỉ cô ơi. Cháu ốm mấy hôm nay, xin nghỉ buổi mà bố cháu vẫn bắt cháu đi gặt. Con ốm, mẹ ốm, thế này cháu trụ sao nổi?

Cô Nga chua chát:

– Thôi, cố gắng cháu ạ. Vài năm nữa cu con lớn hơn sẽ đỡ vất vả.

Liễu nấc lên:

– Lúc nào bố mẹ cháu cũng kiếm cớ chửi rủa cháu. Lương của cháu mới ra trường chả được bao nhiêu. Hàng tháng, cháu phải nộp một nửa tiền ăn rồi còn lại tiền bỉm sữa cho con, đối nội đối ngoại, cháu không lo nổi cô à…

– Nhà nào cũng có va chạm, nhịn đi cho yên ấm cửa nhà. – cô Nga khẽ khàng.

Liễu nhắm nghiền mắt cay đắng nhớ lại buổi chiều nay khi chở chuyến lúa cuối cùng về nhà mặt còn đỏ gay. Hai bàn tay Liễu chai cứng lại, cánh tay phải nhức buốt vì phải đẩy xe thồ lúa nặng lên dốc. Cái cống đầu làng dốc cao, đàn ông  chở xe lúa qua đây cũng cần người đẩy phụ. Liễu cũng không hiểu sao mình có thể đẩy xe thồ chất đầy ự lúa qua được. Giải tỏa cay uất trong lòng cũng được coi là toát ra sức lực hơn người? Cún sà vào lòng thì Liễu đẩy con ra:

– Mẹ đang sốt, con đừng gần mẹ nữa. Con đợi mẹ ngồi mát rồi cho con ti nhé.

Cún khóc òa lên không chịu, thì y như rằng, thứ âm thanh ngang ngúa ấy lại vang lên:

– Mày về nhà tao làm được cái gì mà khoẻ ốm thế hả cái thứ hại chồng, giết con kia ?

– Sao bố lại nói vậy ạ?

– Còn không à? Ốm thì hại tiền chồng mua thuốc. Con bú cả thuốc của mẹ không giết nó là gì ?

Liễu nấc lên:

– Con đâu muốn ốm. Tại chiều qua nắng quá con đi gặt sớm. Con dùng thuốc cảm nam…

Giọng Liễu đặc quánh lại, Liễu để mặc nước mắt trôi cho lòng nhẹ bớt. Ở trường, ai cũng nghĩ chồng đi nước ngoài thì được tiêu tiền đô – la. Thằng em kết nghĩa hôm cưới Liễu không về kịp, hôm rồi về phép lên nhà bạn học chơi, gặp em chồng Liễu là Bền nhậu cùng, sau rồi đến thăm chị. Bữa đó, Liễu đi dạy chưa về. Nó ngồi cả buổi nghe bố chồng cô thao thao đủ thứ trên đời. Ai mới gặp mà được nghe thì cứ như rót mật vào tai, ngọt đến xao lòng. Vừa gặp em, bố chồng giục:

– Con dẫn em sang thăm trang trại.

Thấy Liễu ngần ngừ, ông nói thêm:

– Bố kể cho em nó nghe về quy hoạch trang trại nhà mình rồi, con dẫn em sang thăm.

Liễu thật thà đưa em đi quanh vườn. Thằng em cười tươi:

– Bao nhiêu ngưởi hỏi chị không lấy, nghĩ chị cao số. Thôi chị lấy muộn chút được nhà chồng thế này em cũng mừng cho chị.

– Sao cơ?

– Chị không phải giấu em nữa, thằng em này không vay tiền chị cưới vợ đâu.

Càng nghe Cường nói thì lòng Liễu càng se sắt lại. Vẫn là điệp khúc cũ, sau này chồng đi nước ngoài về có tiền về thì sẽ mở một siêu thị nhỏ ở đây. Cường khen:

– Bố chồng chị nhạy bén và thức thời nhỉ? Chị sắp thành bà chủ đến nơi rồi…

Liễu chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Cô chả bận tâm đến tương lai huy hoàng vẽ ra bằng nước bọt ấy. Thực tại phũ hơn ngàn lần giết chết mọi thứ trong cô. Cả tháng chi tiêu dè xẻn mà không đủ, hễ có cái thiếp mời cưới thì run bắn cả người. Thậm chí, giỗ bố cô cũng không dám mua gì. Thắp nén nhang cho bố rồi nén quay đi lau nước mắt. Liễu không muốn mẹ buồn.

Bất ngờ cô Nga cũng bật khóc:

– Thôi nín đi cháu. Dẫu sao với cháu là người dưng ông ấy còn đối xử tốt chán. Mẹ cô đẻ ông ấy ra ông ấy còn đối xử vậy nữa là…

Hai người đàn bà một già một trẻ cùng để nước mắt rơi vì nỗi niềm riêng. Cô Nga cao chừng một mét nên ở vậy không lấy chồng. Cô mở một cái quán tạp hóa nhỏ bán kiếm sống. Theo lời cô kể, các anh chị lấy vợ lấy chồng có cuộc sống riêng nên cô sống cùng bố mẹ đến khi ông bà về già. Bà bệnh tật liên miên, mua thuốc bắc chữa bệnh sắc uống năm này qua năm khác tính bằng cót đựng thóc. Cô làm được đồng nào đều dành mua thuốc cho bà nhưng bệnh gan của bà không chữa được. Đến lúc bà sắp mất, là anh trai cả trong nhà sợ người làng chê cười nên bố chồng cô mới đón về nuôi. Hàng ngày, cô bán hàng rồi đến lau rửa vệ sinh, sắc thuốc cho bà, tiện thể cô cắm cơm cho. Hôm ấy vì đông khách nên cô đến trễ, chưa cắm cơm cho được. Ông ấy đi làm về đói, chưa có cơm ăn thì chửi um cả lên. Cô lặng thinh không nói nửa lời. Đoạn ông ấy bê cả ấm thuốc bắc cô đang sắc dở đổ ra vườn còn hai gói thuốc nữa thì ông quẳng xuống sông. Ông về nhà hét lên vào mặt mẹ mình:

– Bà ốm thế còn ham sống sợ chết à? Bà làm gì ra tiền mà đòi uống thuốc? Bà sống ngày nào làm khổ con cái ngày ấy. Bà tưởng có mấy trăm nghìn tiền tử tuất liệt sĩ mà to à? Hàng ngày bà ăn đi rồi thì còn lại bà phải để cho người chăm bà có công một tí chứ…

– Mẹ con cô nhìn nhau rơi nước mắt. Hai bác trai lớn là liệt sĩ nên mỗi tháng bà được lĩnh trợ cấp một ít tiền. Bà đến nhà cháu ở, bố cháu cầm hết. Không cho bà uống thuốc, một tháng sau bà mất.

Liễu để mặc mình chìm vào dòng suy nghĩ đè nặng trong đầu. Bao nhiêu lần Liễu muốn buông bỏ cuộc hôn nhân này. Cô sống cô độc trong ngôi nhà này. Mọi thứ trong cô trống rỗng và rệu rã, ngay cả với chồng nhiều khi cô cũng không biết phải mở lời thế nào. Bố chồng ở nhà chửi bao nhiêu câu từ thì y như rằng tối đó chồng cô điện về chửi từng ấy không cho cô giải thích, chửi phải nghe. Có lần, cô ức quá tắt điện thoại đi thì cô nếm mùi nhục nhã, đắng cay gấp bội. Chồng cô gọi qua máy của bố chồng và rồi liên hoàn chửi thêm mấy ngày.

Đêm nối ngày chậm chạp qua đi. Cô sống không có khái niệm về thời gian lẫn không gian. Ngày đến lớp, cô cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Cô sợ đồng nghiệp nhìn vào đôi mắt sưng húp thâm quầng, cô sợ những lời hỏi han quan tâm. Cô sợ khi nhìn thấy người ta được yêu thương, che chở. Cô sợ khi nghĩ đến mình thì tím tái ruột gan lại. Lúc nào cô cũng phải tạo ra cho mình một cái vỏ đủ đầy để người khác không thương hại mình. Tan học, cô muốn về thật nhanh với con nhưng khi nhìn thấy ngôi nhà lợp tôn màu xanh dưới hàng cây nhãn ấy là cô buông tiếng thở dài, nước mắt cứ thế nhòe đi. Con đường chỉ còn vài chục mét nữa là đến nhà mà sao cứ ghập ghềnh mãi. Chiếc xe đạp đi trên mặt đường nhựa mà cứ xóc lộn lên nghiêng bên này lại chực đổ sang bên kia.

– Chị đã biết gì chưa? Em gọi điện cho chồng chị thì con bồ của anh ta bắt máy. Em vừa cãi nhau với nó xong, mồm lưỡi nó nanh nọc lắm…

Liễu buông chiếc điện thoại khi lời của em gái vừa dứt. Liễu đã biết qua người bạn làm cùng công ty bên đó với chồng nhưng im lặng. Một ngôi nhà dẫu xập xệ, dột nát nhưng cứ để vậy thì nó vẫn là ngôi nhà, ngày nắng hay ngày mưa thì con vẫn còn có chỗ để về. Bao nhiêu lần khóc rồi bao nhiêu lần tự vỗ về an ủi mình, ngoài nước mắt ra thì cô chẳng có thể làm gì được nữa khi tất cả quá tầm tay. Cô vẫn chỉ có nước mắt là bạn trong bốn bức tường khi màn đêm buông xuống còn anh đang đưa cánh tay mình cho một người đàn bà khác gối đầu.

Cô cay đắng chấp nhận hạnh phúc bị phản bội, bị lừa dối, bị đánh cắp, bị sẻ chia. Cô như chiếc thuyền không lái, chòng chành giữa biển đời gào thét. Những gì không muốn nghe cũng đã nghe rồi. Nhìn con ngủ an nhiên cô lấy tay lau khô dòng lệ tủi. Những va chạm hàng ngày ở nhà cùng với sự phản bội của chồng nơi đất khách đã dìm chết cô. Liễu quay cuồng trong một mớ hỗn độn, tâm trí cô tê dại, thân xác cô rệu rã.

Giận sôi người, mắt lão Hiên vằn lên những tia voọc đỏ như mắt cá ngão. Lão thiếu gì cách hành hạ nó, bất kể thế nào thì tiền chồng nó làm ra phải về tay lão hết.

Thằng cả gọi về, nói sẽ gửi tiền về cho vợ nó giữ. Mọi khoản chi tiêu trong nhà để tụi nó lo. Lão thấy hẫng nhưng chẳng thể làm gì được. Nguồn cơn tất cả ở con vợ nó xúi giục. Bằng mọi giá, những đồng kiều hối phải về tay lão hết. Lão phải làm một cách triệt để cái mầm họa cướp mất giấc mơ tỉ phú của lão. Từ thức ăn thuốc uống cho đến mọi thứ sinh hoạt khác, thứ nào lão cũng có cách bắt lỗi vợ nó được. Lão cấm nó đi xe máy đi làm, cấm để điện ngủ, cấm là quần áo, cấm dùng máy giặt tốn điện. Nó xin quần áo bạn về mặc. Lão chửi. May quần áo mới, lão rủa chồng không có ở nhà mặc đẹp mà đi ve trai. Giầy dép, cặp tóc hay đồ lót nó mua mới phơi chình ình ở sân làm lão khó chịu. Gì lão cũng chửi. Chửi cho đã miệng. Hễ nó về đến nhà là lão chửi, lúc đầu là vu vơ sau vỗ bốp vào mặt.

Vợ lão đi cấy đổi công. Lão xuống thấy nó ngồi soạn bài, lão bảo nó đi cấy cùng. Nó chối vì thằng Cún ốm gần nửa tháng bài vở nó còn nhiều. Lão càng lộn tiết hơn xả một hồi dài:

– Mày là con đàn bà thủ đoạn. Mày chia rẽ bố con tao.

Nó trố mắt nhìn. Lão hét to hơn:

– Vì mày mà bố con tao mất niềm tin ở nhau, nó không gửi tiền về cho tao giữ như trước nữa. Tao thề, tao còn sống ngày nào sẽ cho chúng mày tan nát ngày ấy.

Những người đàn bà không cùng huyết thống về nhà này gọi lão bằng bố, lão không thích, cứ lần lượt cắp nón ra khỏi nhà khi nào lão muốn. Lão nghĩ nát óc ra để được nuôi Cún. Lão đã có thằng cháu làm niềm vui tuổi già giờ không còn. Lão mang đơn xuống phòng Giáo dục để kiện nó mất việc vì chồng không có nhà mà dám bỏ về nhà mẹ đẻ. Không ai tiếp nhận đơn, lão được một phen bẽ mặt trước lời lẽ vun đắp hạnh phúc cho con lão.

Liễu đưa đôi mắt đầy nước lên nhìn chồng. Một năm thôi sao mà xa cách đến vậy. Chồng đặt lá đơn li hôn thứ tư xuống bàn.

– Kí đi. Cô biết tôi có người khác bên ấy rồi mà không hề ghen tuông. Cô yêu tôi đâu, cô quá ác!

– Anh… em ở xa, biết làm gì, chỉ nhắc nhở anh nghĩ đến con…

Chồng gầm lên:

– Cô đừng lấy con ra làm bình phong. Cô nghĩ đến con mà còn rước trai về nhà hả? Trên đời này có thứ lăng loàn, trắc nết mà to gan như cô không?

Sững sờ, chết điếng, ngây dại, Liễu lắp bắp:

– Anh… anh nói cái gì?

– Cô còn dám đưa trai sang vườn tán tỉnh nhau giữa ban ngày. Bố mẹ tôi ngậm đắng nuốt cay cho qua vì thằng con nhưng tôi thì không thể để đầu tôi thêm sừng được nữa. Nhục lắm.

Cô gào lên bất lực:

– Anh hãy tin em. Cường vô tình gặp Bền ở nhà Nhuận…

– Hai người hẹn nhau tạo ra tình huống hợp lí để gặp nhau thì ai biết.

– Anh không thương con à?

– Tôi không cần vợ cũng chẳng cần con. Không có vợ này tôi lấy vợ khác, không có con này tôi đẻ con khác, chỉ sợ không đủ sức lấy nhiều vợ, đẻ ra không đủ sức mà nuôi.

Cả một bầu trời mưa bão vần vũ đổ ụp xuống. Bao nhiêu đắng cay, tủi nhục, cô chịu đựng vì con trở nên vô nghĩa. Cô là nạn nhân trở thành kẻ tội đồ. Cô nhìn tay chồng. Ngón tay không còn chiếc nhẫn cưới. Màu da cháy nắng của ngón tay ấy vẫn đen kịt đều đều. Cô cắn môi đến bật máu, chiếc nhẫn làm sao có thể đủ sức níu chân một con người đã đổi thay? Chồng không còn yêu thương mẹ con cô, nhà chồng tìm mọi cách đuổi cô ra khỏi nhà như lời mẹ chồng cô nói:

– Con tôi bỏ cô nó lấy vợ đi nước ngoài có đầy tiền đô chứ không thèm cái loại lương giáo viên ba cọc ba đồng như cô, làm không đủ hốc.

Cún chưa đầy ba tuổi nên toà xử mẹ nuôi con. Cún là con trai sẽ tìm về nguồn cội. Lão xếp lại những tờ đô – la cẩn thận bỏ vào cái hũ sành mà hồi lão địa chủ bị đấu tố lão lấy được rồi đem chôn ở góc nhà. Mình lão biết lão đã dùng thủ đoạn, mánh khoé gì để âm thầm thực hiện giấc mơ ấy. Ngôi nhà nó vất vả bê từng viên gạch xây trên đất của lão, giờ lão hưởng tất. Nó ra khỏi nhà lão tay trắng, thua lão thê thảm.

Những đồng đô – la lại về tay lão như dòng nước mát thoả thuê cơn khát.

Tính toán cẩn thận làm ăn thế rồi lão vẫn thất bại. Lão nuôi lợn, gặp phải dịch lợn chết hàng loạt, lão trắng tay. Lão rứt ruột bán đi mảnh sân bên hông nhà để lấy tiền trả nợ.

Hai thằng con lão giàu lên một cách nhanh chóng. Khu trang trại thuê người trồng cây, nuôi lợn gà chỉ để lấy thực phẩm sạch. Hết cảnh lão đau đáu chắt chiu từng tờ tiền lẻ. Lão chợt nghĩ đến thằng Cún. Hơn hai chục năm qua đi, mẹ nó bỏ xứ mang theo nó đi không biết giờ cháu lão thế nào?

Hàng chục chiếc xe cảnh sát quây chặt nhà lão. Lão chưa rõ chuyện gì thì vợ chồng con trai cả tay đã bị còng số tám và dẫn giải lên xe thùng chuyên dụng. Lão bủn rủn chân tay. Lão đâu biết vì nhanh giàu mà hai thằng con lão đi buôn ma túy.

Lão ốm phải nhập viện. Lão dặn vợ chỗ để tiền lấy vài tờ đô – la bán đi lo viện phí. Đợi mãi mới thấy vợ mặt buồn thiu nói cho lão một tin. Lão nghe mà tưởng nhầm. Tĩnh tâm lại, lão giật kim truyền dịch lao ra cổng viện, bắt xe ôm về nhà ngay.

Lão sụn xuống, mồm há hốc kinh hãi. Lão thất kinh, tay loạn xạ nâng lên hạ xuống những đồng kiều hối. Ổ mối độc ác đã làm những tờ USD lão giấu con lão bị dị dạng, tả tơi. Từng đám bột như mùn cưa làm lão chết ngất. Miệng lão méo xệch. Hai hàm răng giả va vào nhau lập cập.

Cái hũ sành oan nghiệt đã làm giấc mơ của lão tiêu tan. Đàn mối! Lão đã cẩn thận đổ thuốc diệt chúng khi xuống móng nhà vậy mà lũ độc ác này vẫn đục rỗng giấc mơ 13 tỷ đô – la của lão một cách độc địa.

Trời vần vũ mây đen. Chớp loằng ngoằng, xé toạc trời đêm. Lão mang cái hũ sành đập vào gốc cây vỡ tan.

L.T.N