Mười bảy sắc màu văn chương Hàn Quốc trong một hợp tuyển

915

 Yên Nguyên

(Vanchuongphuongnam.vn) – “Hợp tuyển văn học Hàn Quốc tập I” gồm 17 truyện ngắn và truyện vừa của các tác giả Hàn Quốc – khi đó được gọi chung là Triều Tiên – sáng tác trong khoảng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. 17 truyện ngắn là 17 sắc màu đa dạng của văn chương Hàn Quốc. Có thể thấy, những người tuyển chọn và dịch giả đã thành công lớn khi đem đến cho bạn đọc Việt Nam một tuyển tập văn chương giá trị như vậy. Cuốn sách mang lại không chỉ khoái cảm nghệ thuật mà còn niềm vui gặp gỡ bởi nó hàm chứa thái độ trân trọng của người làm sách gửi đến từng độc giả.

Hợp tuyển văn học Hàn Quốc

Do một sự tình cờ may mắn, tôi có trong tay cuốn “Hợp tuyển văn học Hàn Quốc tập I” do Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam ấn hành năm 2020. Vốn đọc của tôi đối với văn học Hàn Quốc quá ít ỏi. Bởi vậy, bộ sách này thực sự đã cho tôi một kênh tiếp cận đáng kể.

“Hợp tuyển văn học Hàn Quốc tập I” gồm 17 truyện ngắn và truyện vừa của các tác giả Hàn Quốc – khi đó được gọi chung là Triều Tiên – sáng tác trong khoảng cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Bối cảnh xã hội Hàn Quốc lúc này có thể diễn đạt bằng mấy chữ: suy tàn, khủng hoảng, tan rã. Bối cảnh ấy hiện diện trong 17 tác phẩm văn học được tuyển chọn, qua những cảnh tượng, kiếp phận, tâm trạng, suy tư mà dựng nên chân dung tinh thần người Hàn Quốc trong một thời đoạn lịch sử đau thương.

Trong số 17 truyện ngắn, tôi có ấn tượng sâu sắc với Bức thư gửi người bạn trẻ của Yi Kwangsu. Truyện gồm 4 bức thư của một người đàn ông tên Im Bohyung gửi một người bạn. Thư kể về chuyện tình đẹp đẽ nhưng vô vọng của Im Bohyung với người con gái tên Kim Ilruyn. Những hồi ức ngắn ngủi đan xen trong dòng suy tưởng về ý nghĩa của tình yêu, đạo đức, lý tưởng đối với đời sống con người. Những suy tư mang tính tra vấn mạnh mẽ trong bối cảnh xã hội Hàn Quốc nằm trọn vẹn trong tinh thần Khổng giáo pha trộn cùng văn hóa truyền thống. Ở đó, tình yêu là thứ xa lạ, thậm chí là nguy hiểm vì nó chống lại quyền lực của cha mẹ, dư luận và pháp luật. “Tôi là một người Joseon. Một người đàn ông Joseon mới nghe về tình yêu chứ chưa bao giờ cảm nhận được hương vị của nó. Không phải là bởi ở Joseon không có đàn ông hay phụ nữ mà là bởi nam nữ Joseon chưa từng được kết nối với nhau bởi tình yêu. Nhưng cũng chẳng phải vì trong trái tim của người dân Joseon không có tình yêu mà bởi trước khi hai cái mầm tình yêu của người Joseon kịp nảy nở thì nó đã bị tảng đá mang tên tập quán và đạo đức xã hội vùi dập. Người Joseon là một dân tộc không biết đến tình yêu. Nam nữ Joseon kết hôn với nhau dựa theo một bản giao ước, họ gặp nahu như những người xa lạ chưa bao giờ được thấy mặt hay nghe về đối phương, và cả đời bị trói buộc bởi bản giáo ước ấy. Những loại hôn nhân giao ước như vậy đâu khác gì việc tùy tiện ghép đôi cho một động vật giống đực và một động vật giống cái”. Đời sống tinh thần của của người Hàn Quốc lúc đó có lẽ không khác Việt Nam. Cái gọi là tình yêu không được công nhận như là một giá trị tự thân. Nó chỉ là phó phẩm của một dạng quan hệ duy trì nòi giống. Sự lý giải của tác giả về cái suy đồi trong đời sống hôn nhân của người Joseon bắt nguồn từ thiếu vắng tình yêu rất đáng chú ý. Nhất là khi vấn đề này vẫn còn đang tồn tại trong xã hội Hàn Quốc hôm nay.

Mối tình đơn phương đã giày vò trái tim người đàn ông trong năm sáu năm trời, đã trở thành hơi thở, lẽ sống của người đó. Gặp lại cô gái năm xưa trong một tai nạn chìm tàu, cứu cô và được ở bên cô ít ngày, Im Bohyung đã quyết “Tôi nhận ra tình yêu của mình dành cho Kim Ilruyn còn quan trọng hơn bất kì sự trừng phạt của xã hội hay pháp luật nào, tôi sẽ yêu cô ấy ngay cả khi phải chịu đựng những điều ngăn cấm ấy. Đòi hỏi của tâm hồn tôi còn quan trọng hơn cả những thứ hữu hình, thậm chí còn hơn cả trời đất, vũ trụ này”. Nhưng truyện ngắn không kết thúc viên mãn. Kim Ilruyn vừa trải qua nỗi đau khủng khiếp vì người đàn ông cô yêu đã qua đời. Trong tình cảnh ấy, Im Bohyung không biết mối tình của anh rồi sẽ ra sao. Cái kết không có hậu mang lại cho truyện ngắn một dư vị vừa cay đắng vừa thỏa mãn. Cay đắng thì tất yếu bởi lòng người ai chẳng hướng về hạnh phúc ngọt ngào. Nhưng chính cái cay đắng kia khiến người ta trực diện với sự bất định của đời sống. “Vì cớ gì con người lại trải qua sinh lão bệnh tử? Kim Ilruyn sinh ra để làm gì? Vì sao bạn được sinh ra? Tôi đến với thế giới này để làm gì? Tại sao tôi lại đi chuyến tàu đến núi Sobaeck này? Điều gì khiến bạn ở lại bên sông Hàn? Tôi không biết. Thực sự không biết”. Sâu thẳm trong mỗi người, chúng ta hiểu đời sống vốn là thế. Và chúng ta, chưa bao giờ thực sự hiểu chúng ta có mặt trên đời vì lẽ gì? Những kết thúc có hậu sẽ vuốt êm nỗi sợ hãi mông lung trong con người. Nhưng cái cay đắng mới thực sự cho ta câu trả lời cuối cùng, rằng chúng ta không biết gì hết. Nếu còn đủ sáng suốt mà nhìn nhận, sự thật đó sẽ làm chúng ta thỏa mãn. Đây là truyện ngắn thuộc về thời kỳ thứ ba trong sáng tác của Yi Kwangsu, thời kì ông viết với tinh thần Phật giáo đậm nét.

Mặc dù khá khập khiễng, song truyện ngắn này khiến tôi liên tưởng đến những trăn trở đậm chất hiện sinh trong văn chương Nhất Linh. Ngay từ đầu thế kỉ XX, Nhất Linh đã mang vào truyện của ông những suy tư rất khác lạ so với trí nghĩ và tư duy nghệ thuật Việt Nam. Những ngóc ngách, những khuất lấp trong tâm hồn con người hiện ra trong mâu thuẫn không thể giải trừ, trượt từ hoang mang đến cay đắng, từ mơ mộng đến tăm tối. Đầu thế kỉ XX, giữa trăm ngàn người viết đang mải mê kiếm tìm trên mặt nước luôn có người lao xuống đáy để nhìn sâu vào vùng nước đen, nơi mà mặt trời cũng từ chối nhưng chính nó cũng từ chối mặt trời. Hiện tượng này trùng khớp cả trong văn học Hàn Quốc và Việt Nam giai đoạn này.

Mặc dù thiếu một chủ đề lớn xuyên suốt, “Hợp tuyển văn học Hàn Quốc tập I” có một chủ đề nhỏ xuất hiện ở nhiều tác phẩm: câu chuyện về những người cách mạng. Oknam trong Thế giới bạc của Lee In Sik, Im Bohyung trong Bức thư gửi người bạn trẻ của Yi Kwangsu, Sugun trong Sông Nakdong của JoMyeonghui…Hình tượng người cách mạng trẻ trung, đầy nhiệt huyết, khẳng khái, kiên cường trong cuộc chiến không cân sức chống lại chế độ phong kiến tàn bạo, sắt máu, chống ách độ hộ của người Nhật, chống lại lễ giáo cổ hủ, nghiệt ngã mang một vẻ đẹp vừa chói lọi vừa u sầu. Bạn đọc Việt Nam sẽ dễ đồng cảm với chất hào hùng, bi tráng trong những câu chuyện đó. Hình tượng người cách mạng ở đâu cũng vậy, sự đắm say lý tưởng, khát vọng dấn thân và cống hiến luôn mê hoặc công chúng văn học theo một cách riêng. Nhưng trong những truyện ngắn này, điều thu hút tôi lại là cõi riêng u uẩn của của nhân vật. Các nhà văn Hàn Quốc dường như rất quan tâm đến điều này. Oknam trẻ tuổi, học ở Mỹ từ nhỏ nhưng lòng mang một vết đau về người mẹ điên dại chưa một lần nhận ra con trai mình. Im Bohyung ôm ấp một tình yêu vô vọng suốt từ thời tuổi trẻ, Sugun dù đi qua bao nhiêu miền đất, chưa khi nào dòng sông Nakdong thôi chảy trong huyết mạch, mang theo khúc hát lạc loài sầu khổ của người dân quê anh giạt trôi muôn nẻo.

Ngọn núi nghìn năm, kìa ngọn núi vạn năm

Sông Nakdong! Sông Nakdong!

Vẫn êm ái trôi về bên trời

Ngay cả trong mơ, hỏi tôi có quên được chăng

Hỏi có quen được chăng…ah..ha..ya

Những nỗi đau, niềm day dứt như thế làm nên chân dung người cách mạng Hàn Quốc đa chiều hơn so với cùng kiểu nhân vật của văn học Việt Nam thời đại đó. Những trang viết mô tả tâm trạng, suy nghĩ của nhân vật chiếm tỉ trọng rất lớn trong mỗi tác phẩm, bằng lối văn giàu chất trữ tình. Lối viết cho thấy nhà văn Hàn Quốc luôn nhìn nhân vật như là một cõi tâm hồn chứ không như môt tiểu sử.

Truyện ngắn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất là Thuyền rời bến của Kim Dongin. Tôi bị lôi cuốn trước hết là ở vẻ đẹp hoàn hảo của lời văn nghệ thuật. Dù là văn học dịch, thần thái của ngôn từ vẫn toát lên nét rạng rỡ. Sự linh hoạt uyển chuyển, chất thơ và những khoảng mơ mồ của văn bản tạo nên sức mê hoặc khó diễn đạt một cách rõ ràng.

Từ lời kể của người thủy thủ, một quãng đời xưa cũ tràn về. Có vẻ như toàn bộ quá khứ của người ấy dồn vào một đoạn, trước đó mờ nhòe, sau đó chỉ là khúc nối dài của đoạn đời kia. Trong truyện, một cuộc sống vợ chồng được diễn tả chân thực hết mức. “Mối quan hệ của vợ chồng anh tỏ ra rất tốt đẹp, đến nỗi khiến người ngoài nhìn vào phải cảm thấy buồn cười”. Cái tốt đẹp đến buồn cười đó là đây: yêu say mê và ghen mờ mắt. Khi vợ chồng tươi tốt ríu rít nói cười, khi ghen tuông đánh đạp vợ túi bụi, sau đó là an ủi xoa dịu, quà cáp, âu yếm. Vợ chồng họ sống như thế cũng chẳng lấy gì làm lạ với xung quanh. Những cặp vợ chồng yêu nhau lắm cắn nhau đau ở đâu chẳng có. Thi thoảng bị chồng ghen, chồng đánh, cũng chẳng phải nỗi ấm ức ghê gớm gì với người vợ. Nhưng mọi chuyện trở nên tồi tệ khi người chồng ghen với chính em trai mình. Bất hòa dữ dội xảy ra, người vợ tự vẫn ngoài biển, người em trai bỏ đi mất tích. Gần hai mươi năm kể từ ngày xảy ra thảm kịch, người chồng lênh đênh trên mọi nẻo đường sông bể tìm em. Truyện ngắn này có những tình tiết gợi liên tưởng đến sự tích Trầu cau của Việt Nam. Chưa bao giờ đọc truyện Trầu cau mà tôi thích được cái ý tưởng về tình anh em, vợ chồng thắm thiết đầy tính đạo đức do các nhà nghiên cứu đề xuất. Đó luôn là một bi kịch của đời sống, nơi những rắc rối đau khổ bế tắc được vật thể hóa để đời đời nhắc nhở về nỗi đau thương của kiếp nhân sinh. Truyện ngắn Thuyền rời bến cũng đọng lại ý vị đó. Sâu dưới một cốt truyện đơn giản là cái u uất của một đời sống tăm tối không lối thoát. Nó biến con người thành kẻ lưu đày vĩnh viễn, bị kết án bởi niềm ân hận và nỗi thống khổ không nguôi. Bởi vậy, sức hấp dẫn của truyện không nằm ở bề mặt sự kiện mà ở những biến thể đời sống được gợi ra trong mỗi người đọc. Ra đời vào đầu thế kỉ XX, có thể xem đây là một truyện ngắn hoàn thiện về nghệ thuật tự sự hiện đại.

Được viết trong giai đoạn xã hội Hàn Quốc suy thoái trầm trọng, “Hợp tuyển văn học Hàn Quốc tập I” bày ra những mảnh rời bi thiết của hiện thực đời sống đầu thế kỉ XX. Văn chương viết về nỗi khổ của lớp người dưới đáy, nơi nào chẳng có. Nhưng không vì thế mà những bi kịch này bớt đi thảm khốc. Và những trang viết từ đầu thế kỉ vẫn dội lại nguyên vẹn cảm giác phẫn uất, xót thương cho phận người. “Tôi đã cùng quẫn đến mức không còn con đường nào khác ngoài cách cầm con dao sắc lẻm lên đâm chết hết mấy người đó (mẹ và vợ nhân vật – YN chú thích), rồi đâm chết cả tôi nữa để thoát khỏi cuộc sống đau khổ này” (Chạy trốn-Choi Seohae). Người dân lao động Hàn Quốc gập mình dưới sức nặng của nghèo đói, bạo lực, lừa dối, bóc lột. Những người nông dân bị cướp đoạt đất đai tài sản, ngư dân mất biển, đàn bà con gái trở thành vật trao đổi, mạng người không bằng con chó hoang, đến nhà giàu cũng trở thành mồi ngon cho quan tham. Hiện thực đó đến giờ có lẽ vẫn gợi cho người đọc Việt Nam nhiều suy ngẫm. Đọc những truyện ngắn ấy, khó lòng không tưởng lại những trang viết cùng đề tài trong văn học Việt Nam. Cũng khó lòng không liên hệ đến bao sự kiện vẫn đang nóng bỏng đâu đó, hôm nay, nơi này.

Đến từ một đất nước Á châu, “Hợp tuyển Văn học Hàn Quốc tập I” đặc biệt thú vị ở sắc màu văn hóa dân tộc đậm đà của người dân bán đảo Triều Tiên. Sắc màu ấy thể hiện qua lối diễn đạt giàu hình ảnh “Lúc ở Gando không được ăn cá, bát sắp mọc rêu rồi” (Thời kì quá độ – Han Seolya). Hay là những bài dân ca xuất hiện một cách tự nhiên:

Cô em tốt số làm sao

Ăn sung mặc sướng mặt nào cũng no

Chả bù tôi phận co ro

Tay sung tay mỏi vì lo giã chày

Ôi chao khổ cái thân này, bụp chát bụp!

Tôi đặc biệt thích kiểu triết lí mộc mạc, tưng tửng nhưng thâm thúy của người dân quê: “Con người sai trái mới sinh ra tiền. Thú vật không có tiền chúng nó vẫn kiếm ăn, vẫn sống tốt đấy thôi”. “Quả đúng vậy đấy, ngày xưa có nghe các cụ nói thú vật tạo ra tiền với tiêu tiền bao giờ đâu”, “Xã hội bây giờ chỉ biết đến tiền. một xã hội mà nếu chó cũng có tiền thì nó sẽ được tiếp đãi như ông Gâu gâu vậy” (Thôn quê – Yi Kiyoung).

Văn học Hàn Quốc rất giàu chất hài hước. Có những chi tiết cực kì thú vị như đoạn hai cô cậu trẻ tranh nhau ngủ cùng Kkokchong và phân công mẹ ngủ cùng vị đại sư (khách của gia đình) trong trích đoạn Cuộc đời Im Kkokchong của Hong Myung Hee chẳng hạn. Đó là cái duyên của người viết tiểu thuyết lịch sử nhưng đã thoát khỏi lối minh họa lịch sử đơn giản. Nhân vật mang diện mạo, cá tính cụ thể, sống động chứ không đóng khuôn trong tính hoàn kết sử thi của thể loại.

Và nếu muốn cười thật sảng khoái, cười đến tỉnh người ra sau khi nếm đủ vị u sầu ở những trang văn trước, thì phải đọc Mùa xuân… Mùa xuân của Kim Yu Jung. Truyện ngắn mang đến một bức tranh độc đáo về phong tục ở rể của người Hàn Quốc. Anh chàng nọ đi ở rể, làm việc hùng hục như trâu suốt 3 năm 7 tháng ròng nhưng ông bố vợ vẫn chưa cho cưới, lý do: con gái chưa đủ cao (lớn). Nhưng anh ta nhận thấy cô gái kia chậm lớn quá: “Tôi chỉ biết chiều cao của con người sẽ tăng lên vùn vụt, nào biết được lại có người chiều cao giậm chân tại chỗ còn bề ngang không ngừng phát triển”. Hơn nữa, anh ta uất ức nhận ra ông bố vợ chỉ muốn lợi dụng chứ không chắc gả con gái cho mình (ông này được gọi là “đại gia con rể” vì đã có đến mười gã thay nhau ở rể để xin cưới con gái cả). Anh chàng cục súc bắt đầu cự nự với lão bố vợ có biệt danh “Pil chửi” bởi ông ta gây sự với cả làng “Người ta thường nói nếu ai trong cái làng này không bị ông ta mắng chửi chắc sẽ giảm thọ”. Rốt cuộc, cả câu chuyện là cuộc đấu tranh kì quặc hết sức của bố vợ và con rể tương lai. Cuộc đấu tranh đánh dấu bằng những màn thượng cẳng chân hạ cẳng tay quyết liệt đến sứt đầu mẻ trán rồi giảng hòa, chửi bới rồi lại tử tế với nhau để giành và giữ cô gái. Tập quán sinh hoạt, lối sống của người Hàn Quốc hiện ra thật thú vị qua trang viết của Kim Yu Jung.

17 truyện ngắn là 17 sắc màu đa dạng của văn chương Hàn Quốc. Từ lối kể tuyến tính truyền thống (Thế giới bạc – Lee in sik) đến lối viết mang sắc thái phi lý mới mẻ (Nhện-Lợn tương phùng – Yi Sang) là những trải nghiệm văn học lý thú. Có thể thấy, những người tuyển chọn và dịch giả đã thành công lớn khi đem đến cho bạn đọc Việt Nam một tuyển tập văn chương giá trị như vậy. Cuốn sách mang lại không chỉ khoái cảm nghệ thuật mà còn niềm vui gặp gỡ bởi nó hàm chứa thái độ trân trọng của người làm sách gửi đến từng độc giả.

Hà Nội, ngày 28/7/2020

Y.N