25.3.2018-00:30
Nhà thơ Triều Ân
Mười ngày với nhà thơ Tày Triều Ân
NGÔ MINH
NVTPHCM- Năm 2005, tôi và anh Triều Ân cùng đoàn nhà văn Việt Nam đi Trung Quốc. Anh lúc nào cũng mang cái túi dết kè kè, cái máy ảnh, đi đến đâu cũng lặng lẽ hỏi chuyện rồi mở sổ tỉ mẩn ghi ghi chép chép. Thế mà nhà thơ già người Tày này đã gây cho tôi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác…
Đến Bắc Kinh, chúng tôi được bố trí ở tầng 8, một khách sạn 4 sao cao 30 tầng. Vừa bước chân đến khách sạn, Triều Ân đã dịch cái bảng tên khách sạn cho tôi biết: “Đây là Khách sạn Lục Hợp Hưng, số 4, đường Công Thể Đông, khu Triều Dương, Bắc Kinh”. Ba năm học cấp 3 tôi học tiếng Trung Quốc, nhưng bây giờ chỉ nhớ bập bẹ được những câu chào đơn giản như nỉ hảo (Chào), Ủa sư Duê Nán rấn (tôi là người Việt Nam), can pây (cạn chén), nỉ sua sởn mơ? (anh nói gì ?)… còn anh Triều Ân nói và viết tiếng Hán tương đối khá. Anh dịch và làm được thơ bằng chữ Hán. Anh kể, ông nội anh là tri huyện Từ Sơn Bắc Ninh, rất giỏi chữ Hán, ông bố cũng là một nhà Nho, nên Triều Ân đựơc ông và bố dạy chữ Hán rất kỹ. Suốt ngày học và đọc Tam Tự Kinh và Kinh thi, Đường thi. Trong 3 năm (1953- 1956) anh được Việt Minh giới thiệu sang Nam Ninh, Trung Quốc học, nên anh nói thạo tiếng Trung Quốc. Nhờ thạo chữ Hán nên trước khi đi thăm Trung Quốc, anh đã chuẩn bị xong bản thảo cuốn Văn học chữ Hán dân tộc Tày. Cuốn sách này giới thiệu 47 tác giả người Tày làm thơ chữ Hán do Triều Ân sưu tầm, biên soạn, dịch nghĩa, dịch thơ, chú giải, ghi chú điển tích… Cuốn sách này sau được NXB Văn học ấn hành năm 2006.
Vừa mở cửa phòng khách sạn, Triều Ân sang dịch cho tôi nghe bản Chương trình hoạt động bằng tiếng Anh mà Hội Nhà văn Trung Quốc gửi. Thì ra, Triều Ân còn đọc được tiếng Anh nữa. Một nhà văn 15 tuổi đã tham gia Việt Minh từ năm 1945, cho đến ngày về hưu (1993) không rời khỏi vùng núi cao Cao Bằng, mà tự học để dịch, viết và hiểu được hai ngoại ngữ thật đáng kính nể! Anh rỉ rả bảo tôi: Ở trong chương trình có mấy ngày đi thành phố Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, sẽ được thăm Lều cỏ Đỗ Phủ, thích quá. Mình mê Đỗ Phủ lắm. Nhưng đó là bản “chương trình” ban đầu, sau đó khi đến Tứ Xuyên, Hội Nhà văn Trung Quốc đã cắt chương trình thăm Lều cỏ Đỗ Phủ đi, nên Triều Ân tiếc quá, bèn làm “vọng” một bài thơ Viết ở Đỗ Phủ thảo đường, coi như mình đã đến thăm Lều cỏ của đại thi hào: Mười bốn thế kỷ lều vẫn cỏ/ Muốn như người cũ quen đường về… Trong bài thơ Triều Ân còn nhắc đến bài Mao ốc vi phong sở phá ca (Bài ca gió thu tốc mái nhà) của Đỗ Phủ: ước mơ xưa có nhà muôn gian để che cho những người hàn sĩ bốn phương, nếu có ngôi nhà đó, thì lều cỏ ta dù đổ, ta bị chết cóng cũng cam lòng. Đến Tứ Xuyên, Triều Ân còn tiếc là không được đến thăm những di tích liên quan đến văn học như Thành Bạch Đế, quê Tư Mã Tương Như giỏi đàn, nơi Lý Bạch đã làm bài thơ Tảo phát Bạch Đế Thành (Từ thành Bạch đế đi sớm)… Nên đêm ở Thành Đô, Triều ân vẫn nhớ Lý Bạch: Kìa thành Bạch đế xa trông/ Hơn ngàn năm đó mây hồng còn nguyên…
Cứ trước bữa ăn, anh Triều Ân rủ tôi xuống đường dạo chơi cho biết phố xá Bắc Kinh. Anh gọi là tôi theo liền, vì tôi thấy anh là con người hiền từ, trung thực, sống bằng nội tâm, rất đáng tin cậy. Trong tất cả các cuộc tiếp xúc, ứng xử, tối về anh đều sang phòng tôi tâm sự. Anh nhận xét rất chính xác tư cách, tính tình của từng người trong đoàn. Anh lặng lặng thế mà vô cùng sâu sắc. Ví dụ trong một bữa ăn, Kim Ba (nhà thơ, phó chủ tích Hội Văn nghệ Bến Tre) nói câu gì về ẩm thực Nam Bộ đó, nhà văn già Bùi Bình Thi trong đoàn đột nhiên đỏ mặt, trợn mắt lên mắng: “Mày phải bỏ cái chất Nam Bộ của mày đi thì mới nên người được!”. Anh Triều Ân lắc đầu tủm tỉm cười không nói gì, có lẽ vì đoàn đang ăn với người phiên dịch và nhà văn Trung Quốc. Tối về khách sạn, anh bảo tôi: “Nói như thế là không chuẩn văn hoá. Chính cái chất Nam Bộ ấy đã đúc nên Sơn Nam, Đoàn Giỏi, Nguyễn Quang Sáng… Sao lại bảo người ta “bỏ cái chất Nam Bộ của mày đi. Thật kỳ cục!”. Đó là nhân cách văn hoá ẩn chìm của Triều Ân. Vì thế tôi và anh hay gần gũi nhau. Đi đâu hai anh em cũng đi bên nhau, thủ thỉ trò chuyện. Trong những lần đi như thế, anh phát hiện ra rằng tên đường phố ở Bắc Kinh người ta không lấy tên người (nhân vật lịch sử) để đặt tên đường như ở Việt Nam, vì đi qua nhiều phố lớn có tám, mười làn xe đều không thấy tên những nhân vật chính trị hay văn chương nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, mà chỉ có các tên đường như Công Thể Đông, Đông Thổ Thành, Hồng Tinh, Vĩnh An, Giải phóng.v.v..
Có lần, ở Bắc Kinh, anh em đã xuống tầng trệt ăn sáng rồi, xe đang chờ để đi làm việc với Hội Nhà văn Trung Quốc, vẫn không thấy Triều Ân đâu. Nhờ anh phiên dịch Thẩm Tố Anh đi nói với mấy cô lễ tân gọi điện lên phòng 806, vẫn không ai cầm máy. Tôi hốt hoảng. Mọi người cũng lo lắng, sợ bác Triều Ân hôm qua đi tham quan hăng hái nên bị ốm nặng rồi. Ốm mà không thể cầm máy nghe điện thoại là ốm nặng lắm?! Thế là nhờ người lễ tân cùng chạy lên mở phòng. Mở ra thì thấy nhà thơ Tày của chúng ta đang ngồi viết say sưa. Tôi đã mau mắn chụp được tấm ảnh Triều Ân đang ngồi viết quên thời gian ở khách sạn 4 sao Lục Hợp Hưng. Thì ra do viết mê mải quá, lại già, khi mệt thường bị bệnh lãng tai, nên anh không nghe điện thoại gọi. Mọi người thở phào, ngồi chờ Triều Ân ăn xong mới ra xe…
Nhưng phải nói nhờ ghi chép công phu, tỉ mỉ như thế, nhờ lao động sáng tạo liên tục, chỉ trong 10 ngày thăm viếng Trung Quốc, Triều Ân về nước đã xuất bản ngay tập thơ Một lần thăm Trung Quốc (NXB Văn hoá dân tộc, 2005). Đó là kết quả, thành quả tâm hồn của một chuyến đi mà nhiều người trong đoàn Nhà văn chúng tôi không có được. Sau chuyến đi ấy tôi có viết dở cuốn bút ký Trung Hoa tạp lục, đã in trên báo gần chục cái ghi chép lấy từ cuốn sách ấy, nhưng chưa có dịp đầu tư thời gian sửa chữa, còn hầu như những người khác không thấy in ấn gì trên báo cả. Phải công nhận là Triều Ân đi là để cảm, để hiểu, để viết, chứ không phải đi “xuất ngoại” một chuyến ngao du để cho bằng người khác. Tập thơ của Triều Ân khởi đầu là bài Ghi chép trên đường bay: Đường bay Bắc Kinh trưa hè đầy nắng/ Ngoái lại Nội Bài lòng dạ vấn vương… Đó là nỗi lòng của người lần đầu xa xứ. Và kết thúc là bài thơ Bên bờ Châu giang, kể chuyện đức hy sinh của người anh hùng Việt nam Phạm Hồng Thái, để chia tay với người đẹp hướng dẫn viên du lịch Quảng Châu Vương Ly Ly vương vấn: Em thủ thỉ hay tiếng gió ru sông thở/ Chuyện anh hùng Phạm Hồng Thái Việt Nam… Nghe em nói là ngỡ như sông thở thì hay quá, thơ quá! Trong tập thơ có bài Triều Ân sáng tác bằng chữ Hán như bài Tặng Trung Quốc tác gia Trần Hỷ Nho. Trần Hỷ Nho là nhà văn Trung Quốc, người Mãn Châu, dịch giả dịch văn học Nhật Bản, người được khắc tên vào hai chiếc bình gốm sứ khổng lồ tại Bảo tàng Nhà Văn Trung Quốc ở khu Triều Dương, Bắc Kinh. Anh là Trưởng ban Đối ngoại của Hội Nhà văn Trung Quốc khi chúng tôi sang, người đã trực tiếp lo lắng hàng ngày cho Đoàn và đi cùng đoàn chúng tôi trong suốt 10 ngày thăm Trung Quốc. Bài thơ của Triều Ân tặng Trần Hỷ Nho có phỏng hai câu thơ của Lý Bạch tặng Uông Luân rất ăn ý: Động đình hồ nước sâu ngàn thước/ Khôn sánh thân tình của chúng ta... Qua tập thơ tôi rất ngạc nhiên về sức cảm, sức viết của anh Triêù Ân. Tính ra mỗi ngày anh làm tới hai ba bài thơ. Đó là sức sáng tạo thơ ca liên tục vào loại hiếm thấy!
Lạ lùng hơn, sau chuyến đi 10 ngày ấy, Triều Ân về làm một bản Báo cáo sau đợt đi thăm và làm việc tại Trung Quốc gửi cho UBND tỉnh Cao Bằng dài 10 trang A4, kể chi tiết thời gian từng ngày đi đâu, đến dâu làm gì, rồi lịch sử, sự tích, ý nghĩa của từng di tích, thắng cảnh chúng tôi đã đến thăm ở Trung Quốc. Đọc bản “Báo cáo” ấy của Triều Ân, tôi mới biết giá trị của những ghi chép của anh trong chuyến đi thực tế ở nước bạn. Nhờ “báo cáo” ấy, tôi đã có thêm nhiều tư liệu quý để viết các bài bút ký, ghi chép về Trung Quốc đã in trên các báo, sau này in thành cuốn Sách Trung hoa tạp lục. Khi tôi viết về món Lẩu Tứ Xuyên cay tê dại, tôi quên mất cái tên quán lẩu hai tầng ở phố ẩm thực ở Thành Đô, từ Huế, tôi lại điện hỏi bác Triều Ân. Tôi rất cảm phục khi nhà thơ người Tày của tôi đã ghi cụ thể, chi tiết giá vé vào từng di tích tham quan như: “Cố Cung Bác Viện vé thăm quan ngày thường 40 nguyên (tệ), ngày đông khách 60 nguyên”, Vạn Lý Trường Thành giá vé theo nhiều khu vực khác nhau: Trường Thành ở dãy núi Bát Đạt cách Bắc Kinh 60 km: vé 40-45 nguyên; Trường Thành ở Mã Tư Đài cách Bắc Kinh 120 km: vé 30 nguyên….”, Di sản thế giới Cửu Trại Câu 145 nguyên, Đập thuỷ Lợi Đô Giang 30 nguyên, Tam Quốc Thánh Địa 40 nguyên.v.v.. Đó là tư chất, cách làm việc cẩn trọng của một nhà nghiên cứu văn hoá có kinh nghiệm.
Ông già Triều Ân lúc ấy đã 75 tuổi mà đi đứng hăng hái lắm. Leo Vạn Lý Trường Thành băng băng. Vào rừng Khu Di sản thế giới Cửu Trại Câu, Tứ Xuyên, có chặng phải đi bộ hai ba cây số lội rừng, Triều Ân vẫn đi không mỏi. Có lẽ những năm tháng hoạt động Việt Minh, làm cán bộ ngành giáo dục Cao Bằng, rồi Hội văn nghệ Cao Bằng, ông đã quen với lội rừng leo núi để đi đánh giặc, đi sưu tầm nghiên cứu văn hoá Tày, nên đôi chân anh đã quen leo núi vượt rừng? Tính trai trẻ đó của Triều Ân cũng thể hiện trong những khi thi sĩ khi tiếp xúc với những người đẹp Trung Quốc làm hướng dẫn viên du lịch cho đoàn. Đó là Lưu Huệ và Vương Ly Ly. Mỗi người đều có ảnh chụp với Triều Ân và Triều Ân đã kịp làm thơ tặng trước các em trước khi chia tay, vì hiếm khi gặp lại lần thứ hai. Với Lưu Huệ, Triều Ân làm tặng bài thơ Sơn Cước: Làn mây bay ngang núi/ Hãy cất hai đồng tiền/ Hãy cất hai lá liễu/ Cất màu đào đào tiên/ Cất đi làn tim đỏ/ Để xa, anh dễ quên… Nghĩa là nếu em không cất những lúm đồng tiền, mắt lá liễu, màu má đào… thì anh sẽ không bao giờ quên được em! Với Vương Ly Ly thì: Đi cùng em bên bờ nước Châu Giang/ Mặt nước buồn trôi, lăn tăn ánh điện… Nghe các cô gái vùng núi Tứ Xuyên yểu điệu thướt tha trong tiếng đàn tỳ bà thánh thót, Triều Ân không cầm được lòng: Non xa mây núi chập chùng/ Trăng soi thành cổ, mịt mùng sương lan.
Đó là chất thi sĩ ngất ngưỡng lãng tử còn lại rất hiếm hoi ở các nhà thơ Việt hiện nay. Ở với ông 10 ngày, tôi nghiệm ra một điều lý thú: tôi trẻ hơn anh đến 20 tuổi, nhưng tôi đã già hơn Triều Ân về chất thi sĩ nhiều lắm, nhiều lắm, nhà thơ họ Hoàng người Tày yêu mến của tôi ạ…
VĂN NGHỆ, SỐ 12/2018
>> XEM CHÂN DUNG & PHỎNG VẤN NHÂN VẬT KHÁC…