Trúc Thiên
Giới thiệu Tập thơ “Ngày qua còn mãi”
(Vanchuongphuongnam.vn) – Tôi đọc “Ngày qua còn mãi”, một buổi Sài Gòn mưa dầu dãi. Góc vườn khuya dậy mùi nguyệt quế thơm nồng nàn. Lật trang sách nhỏ, thấy câu chữ đưa mình về nhiều lắm những khoảng đời thương tưởng. Ai rồi cũng đến một lúc nào đó, cạn cùng với những đắng đót đường đời. Ấy là lúc lòng ráo hoảnh với đãi bôi trúc trắc ngoài kia, chỉ cần bình yên thôi, thu gọn trong hai chữ đó, đã là điều mong cầu sau thác ghềnh gieo neo.
Tập thơ “Ngày qua còn mãi”
Tập thơ nhỏ, vọng về những kí ức, mà chỉ cần nhắm mắt chọn đại một trang sách, bạn vẫn tìm thấy mình thấp thoáng trong từng câu chữ. Chỉ cần gấp trang sách lại, nghe lòng mình an nhiên vừa ghé qua. Kí ức suy cho cùng, giản đơn mà nghĩ, âu cũng chỉ là những chuyện đã qua, những điều đã cũ, nhưng còn mãi trong chính tâm khảm chúng ta. Bởi một lẽ, tháng năm quay cuồng chúng ta với những bộn bề lo toan cơm áo gạo tiền, thì kí ức cũng từ đó mà dày dạn lên. Kí ức như một phần máu thịt nuôi dưỡng chúng ta. Thể như câu chuyện xưa xa từ trong chính lời dạy của mẹ:
Mẹ vẫn kể với con về mùa đàn bà,
Vào tháng Ba khi hoa gạo nở.
Những bông hoa cánh bung rực rỡ,
Đỏ màu son quệt trên má môi hường.
Mùa đàn bà dậy lên một mùi hương,
Ngan ngát, mát loang hơn hương hoa bưởi.
Rạng rỡ, ngọt ngào trong nụ cười tươi rói,
Giấu vào vạt nắng tháng Ba.
Mùa nối mùa đi qua,
Mang theo bao ước mơ đàn bà đi mất.
Những ước mơ của đàn bà chân thật,
Bình dị, giản đơn được hạnh phúc bên chồng.
Đàn bà chẳng ước ao được ngắm sắc cầu vồng,
Sau bão giông dưới bầu trời xanh lung linh hoa nắng.
Mà chỉ cần được sẻ chia cay đắng,
Những niềm riêng, những vất vả đời thường.
Đàn bà đợi mùa về bằng khao khát nhớ thương,
Bằng những đêm trường trằn trọc ru hời mắt ngủ.
Bằng nghĩ suy ngày thường chẳng cũ
Cuộc sống sẽ ra sao? Ngày mai các con sẽ thế nào?
Mùa đàn bà đến trong nắng lao xao,
Theo những gót chân chênh chao trên đường vắng.
Mùa đàn bà về rồi đi trong yên lặng
Giấu những giọt lệ buồn vào sâu thẳm đêm đen…
(Trích Mùa đàn bà – Bùi Minh Huế)
Bài thơ như một lời thủ thỉ dành riêng cho một nửa của thế giới này, những người đàn bà cả một đời cần lao vì hai chữ “gia đình”. Lời mẹ kể hay chính là trải nghiệm của bất kì ai trót mang phần nữ nhi trong cuộc đời này, cái gánh nặng âu lo, tưởng bình thường nhưng hóa ra thắt thẻo ruột gan. Đôi khi, chỉ có đêm mới thấu cảm.
Hoặc như trong Vô ưu, tác giả Chiến Văn đã có một nét chấm phá về hình ảnh người phụ nữ hiện đại, làm chủ chính bản thân mình, làm chủ mọi quyết định buồn vui trong cuộc đời. Những câu thơ đầy sự “tự cường nhi nữ” nhưng nghe chừng đâu đó, vẫn là một niềm riêng xa xót.
Người phụ nữ tự mua hoa về cắm
Chẳng chờ ai. Chẳng mong ngóng điều gì
Chị chọn hoa như tìm thêm bầu bạn
Nên đâu cần ai mua tặng làm chi?!?
(Trích Vô ưu – Chiến Văn)
Chúng ta tìm thấy trong tập thơ là một lối viết dạt dào cảm xúc chính từ sự trải nghiệm của các tác giả. Họ là những nhà văn, nhà thơ, nhà báo, kể cả họa sĩ, tựu tề chung cho một tập thơ mà như chính tôi còn bâng quơ: “Thời này, thơ có thể sống chăng?”. Họ, có người đã định danh trong làng Văn bằng những tác phẩm gây tiếng vang như Trịnh Đình Nghi, Hoài Hương, Hoàng Anh Tuấn, Bùi Ngọc Phúc… cho đến những tác giả chỉ ghé phận đời mình ngang qua khu vườn văn chương. Cuộc dạo chơi ban đầu chỉ từ là đam mê, nhưng càng dấn sâu, lại như là duyên định. Họ gắn bó với văn chương tựa hơi thở trong cuộc sống của mình.
Chính sự dấn thân miệt mài đó, giới văn chương bắt đầu có những tác giả với thủ pháp viết đầy mới lạ, không cầu kì kĩ thuật, dẫu bản năng nhưng lại đầy đặn chất văn chương.
Người đàn bà ngồi trước chiếc gương soi
Hờn trách bụi thời gian trên mái đầu điểm bạc
Tiền tài tuổi tác
Cái nào thắng và thua?
Ngồi đếm lá gieo mùa
Đã bao mùa lá bay vào hư không ẩm mục
Đã bao giọt mồ hôi trên cánh đồng lao lực
Trút cho ai?
(Trích Người đàn bà soi gương – Tâm An)
Cốt lõi của văn chương, đó chính là cảm xúc từ phía độc giả. Những câu thơ bạn viết ra, nếu chinh phục được độc giả, khiến họ rưng rức nhớ thương. Thì đó chính là thành công của người viết. Chẳng cần câu nệ bạn là ai, tác giả chuyên nghiệp, hay chỉ là một người yêu thơ dệt nên những rung cảm chân thật từ chất liệu cuộc sống. Bạn khiến độc giả gật gù tấm tắc sống cùng câu chữ. Thì đó chính là văn chương.
Tập thơ “Ngày qua còn mãi”
Tôi tìm gì trong tập sách này? Luôn là điều tôi trăn trở mỗi khi chọn cho mình một cuốn sách để đọc. Với Tập thơ “Ngày qua còn mãi”, tôi nhặt lấy cho mình những miền thương đong đầy luyến nhớ. Tôi thấy cả quãng đời thanh tân với nhiều va vấp. Tôi sống lại khắc giây chênh vênh khi heo mây bắt đầu chạm ngõ đời mình. Tôi thấy những trắc trở đời thường, nay hóa bình dị trong từng câu thơ tôi đọc được.
Anh mê nét mặn mà, hay yêu vẻ thơ ngây
Tìm bình yên ở nụ cười trong
Hay sự nồng nàn trong ánh nhìn có lửa?…
Anh không biết nữa
Chỉ biết từ đây anh quên đi trắc trở đời thường.
(Trích Tình ca tháng chín – Anh Sơn)
Tập thơ chẳng trưng trổ một kĩ thuật điêu luyện, chẳng gọt dũa câu chữ cho mượt mà bóng loáng, chẳng ghép từ cho cao sang vi diệu. Tập thơ cứ chân phương như chính những con người đã sẵn lòng “hùn chữ chung”, để mang đến cho bạn đọc, sự nhẹ nhàng, thanh khiết nhất của thơ. Đó là cảm xúc.
Cảm xúc cứ đọng mãi trong tôi khi gấp trang sách cuối lại. Nhiều lắm những trĩu trịt xưa cũ, thoáng chốc sống lại và nhắc nhớ tôi về một thưở vàng son chẳng phai màu. Người ta hay dặn nhau, buông bỏ đi những điều xưa cũ, quên đi những kí ức mòn mỏi. Nhưng có làm được đâu? Những thứ đã qua trong cuộc đời mình, tôi tin chắc còn mãi. Chỉ là chúng ta nên cất gọn nó vào một góc con tim, thoảng khi đem nó ra, hong lại cho ấm, để nghe lòng mình vẫn còn thương những điều như đã là máu thịt trong mình.
Các tác giả góp mặt trong tập thơ, đều sinh hoạt chung trên diễn đàn văn học Quán Chiêu Văn. Dẫu chỉ là một diễn đàn mạng, nhưng chính tình yêu nhiệt thành với văn chương, đã khiến Quán Chiêu Văn phát triển mạnh mẽ với hơn hai mươi bảy ngàn thành viên. Tổ chức hoạt động bài bản chuyên nghiệp, với các trang Page, Web, và cả kênh Youtube. Không dừng ở cõi mạng, Quán Chiêu Văn đã cho ra đời nhiều tập truyện ngắn, tản văn, và thơ tạo được nhiều sự chú ý trong làng Văn.
Tập thơ này, như một sự đúc kết, của những gương mặt gạo cội và tinh túy nhất từ Quán Chiêu Văn. Xin mượn lời “rủ rê” nghe “cưng” hết sức của các tác giả Tuấn Linh, để nói với độc giả rằng: Hãy đến với văn chương, bởi giữa xô bồ cuộc sống này, chỉ có văn chương mới đủ sức khiến lòng mình an nhiên.
Ra Hà Nội đi em
Mùa này men thu chín
Vỉa hè ngồi trà đá
Là thấy tình bay bay…
(Trích “Rủ rê” – Tuấn Linh).
T.T