Năm Đất – Truyện ngắn của Trọng Bình

891

(Vanchuongphuongnam.vn) – Đó là con sông mà hai bên mé toàn những cây dừa nước, được hình thành từ luồng chảy tự nhiên nên không có triền sông. Nó dài thườn thượt chia mảnh đất này thành hai dải, bên kia hình hài một thanh kiếm, gồm xã Lợi An, Phong Điền, Phong Lạc và một phần cuối cùng là một phần của Thị tứ cửa biển Sông Ông Đốc.

Tác giả Trọng Bình 

Còn bên này một mảnh đất phì nhiêu, có thế mạnh là trồng lúa nước và nuôi cá đồng. Ở trong lòng sông là mênh mông nước và tôm cá vùng đất mặn mũi Cà Mau. Đến đoạn cuối, đi hết 2/3 con sông là thủ phủ của trung tâm hành chính của huyện, khoảng 20 km nữa là hết đất liền ra biển Tây, đến đây kết thúc một hành trình dài uốn lượn nước sông mới đổ ra Vịnh Thái Lan.

Ngay cửa miệng con kênh Rạch Ráng là một cây cầu sắt, lót gỗ và sơn màu xanh nên gọi là Cầu Xanh. Không biết nó được xây dựng năm nào nhưng nó nối liền đôi bờ, phía Nam Cầu Xanh là UBND huyện, phía Bắc là Huyện Ủy và Hội đồng nhân dân huyện, huyện nhà vinh dự được mang tên anh hùng lực lượng vũ trang Trần Văn Thời từ những năm 1950.

Cầu Xanh còn một nhiệm vụ nữa là bình phong chắn cửa Nhà hát, một ngôi nhà to lớn và khá hiện đại, nhưng công năng của nó là một dấu(?) lớn. Nhà hát rộng rãi, mát mẻ, nhưng ít sử dụng nên nhìn nó già nua xấu xí, tuổi xuân của nó rảnh rỗi đến nỗi cái tường rêu phong bạc phếch, dây leo chùm rũ rượi “mái đầu xanh”, sân khấu bên trong lót gỗ như hàm răng ông cụ. Thôi cũng chẳng để làm gì, đành vẽ một cái sân cầu lông lên trên nó.

Bên ngoài nhìn phong trần là vậy, nhưng trong Nhà hát thì như một câu chuyện hoang đường. Vào trong một mình thì ít ai dám đi, nhất là vào chạng vạng hoặc ban đêm, bởi có nhiều đồn đoán ma mị nghe ghê sợ rợn tóc. Vô tình “lòng dạ” của Nhà hát trở thành những ám ảnh của trẻ em, ít đứa nào dám ra vào. Chỉ đi qua thôi, cũng là một thách thức lòng dũng cảm rồi chứ đừng nói vào trong, trừ khi có việc gì đó bất khả kháng.

Xung quanh Nhà hát cây cối rậm rạp, không gian u ám huyền bí, cảm giác lành lạnh đến ghê người. Đứa trẻ nào thập thò ra vào Nhà hát vào thời điểm “rợn người”, nguy hiểm nhất thì đó là một câu chuyện dài… và người ta gọi đó là “khung giờ linh”. Hình như trong bóng tối ma mị thấp thoáng đâu đó có thằng Nghĩa.

Nhà Nghĩa cạnh tòa án, bên hông Nhà hát. Khác với các bạn cùng trang lứa, Nghĩa có cha làm quan gì đó trên tòa, nhà chỉ “Một cây một trái” nên hắn như công tử bột. Hắn có nước da trắng, đậm người, giọng nói như cá lóc táp hụt bông lúa trái me, nói tới đâu tay chân múa máy lung tung. Là con một nên hắn như tiên, bọn trẻ ở cái thị tứ heo hút này thèm khát cuộc sống quý tộc của cậu bé Nghĩa.

Nghĩa cũng đủ trò tinh nghịch của tuổi thơ, nhánh sông Rạch Ráng và nhịp giữa của cây Cầu Xanh là nơi in đầy dấu chân của nó và chúng bạn. Nhảy cầu, tắm sông, lặn ngụp dưới dòng nước là thói quen mỗi chiều của trẻ con xóm này. Không biết vì lý do gì mà Nghĩa lại trúng cái biệt danh “Năm Đất”.

*

Ngoài tắm sông, Năm Đất thích đá bóng trên sân cát của Ủy ban huyện, cũng chẳng với ai khác lạ ngoài tụi nhầng nhầng trong xóm. Chán tắm sông to, có lần tụi nó hè nhau vào tận ngã ba Đồn Cồi, Nghĩa rủ bạn Thảo học chung lớp tắm cùng.

– Ê! Nghĩa, sao tụi nó gọi mày Năm Đất vậy? Thanh hỏi.

– Hỏi chi mày?

– Cho biết.

– Biết chi, Rảnh quá he?

– He he he. Thanh cười thật to và ngạo nghễ.

Không biết vụ gì, chứ cứ hỏi Năm Đất là Nghĩa nóng đỏ mặt tía tai, hùng hổ như muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Nhưng dần dần rồi dường như mọi người quên đi cái tên Nghĩa mà quen thuộc với Năm Đất. Nghĩa cũng không còn buồn nữa, nó chấp nhận với trò chơi chắc sẽ theo nó hết đời.

Năm Đất rủ tụi trong xóm tắm sông kiểu gì… riết chỉ còn mỗi mình nó lặn ngụp. Đá banh xong… hứng lên nó đạp xe một mạch vào Đồn Cồi, lại rủ bạn Thảo tắm sông, mới học cấp 2 mà chẳng biết nó có ý đồ gì?

– Ê! Năm Đất, làm gì vô Đồn Cồi tắm sông hoài vậy mày? Gô hỏi.

– Ở trong đó nước mát.

– Thiệt không ạ?

– Sao không? Sạch nữa vì dưới sông nhóc bèo.

– Dzị sao? He he…

– Hư, mày rảnh. Nghĩa liếc Gô sắc lẹm.

*

Bẵng đi một thời gian không thấy Nghĩa đạp xe đi tắm sông Đồn Cồi nữa, nó chuyển qua luyện tập cầu lông rất say mê. Nghĩa trang bị vợt, giầy, cầu khá chuyên nghiệp, tập mọi lúc mọi nơi khi có thời gian. Chơi cầu lông, nhưng phải vào trong Nhà hát chơi với mấy nhỏ cạnh bên nó mới chịu.

– Bộ đoạt hết các bộ huy chương lội sông, móc sình non rồi nghỉ luôn hả Năm Đất? Cường Trắng gạ hỏi.

– Biếng quá! Đi mình buồn.

– Buồn gì, vô trỏng tắm với bé Thảo mà buồn gì mảy?

– Hui! Bèo không, tắm lên ngứa.

– Ngứa cái gì …à…. nghen. Thằng này nghi lắm.

– Nghi cái đầu mày á. Thằng quỷ.

Sau giờ học Nghĩa về nhà là tập chung luyện cầu lông, nó không nói chuyện ở trường ở lớp nữa, cũng chẳng nói chuyện ra cổng trường hẹn Thảo tắm sông. Cầu lông giờ với nó là “tín đồ”.

Thằng Gô hớt hải kể với Tân “hũ hoa” về nguyên nhân Năm Đất dừng bơi lội trên con sông Đồn Cồi. Thì ra anh chàng viết giấy gì đó nhét trong tập của bạn Thảo, về nhà mẹ Thảo thấy được. Thế là Năm Đất bị một trận tơi bời, nếu mà tái phạm thì mẹ Thảo sẽ cắt “trái cân” độc nhất vô nhị của nó ngay.

Nguyên nhân giấc mơ bơi lội của Nghĩa đã có hồi đáp, nó sợ tiệt giống nên đâu nghĩ đến “chuyệnđường đua xanh”. Hiện nay, vấn đề là tại sao nó chăm chỉ với cầu lông là điều quá đỗi ngạc nhiên. Nó chưa bao giờ làm gì mà không tính toán được hơn, con nhà Chánh án mà.

*

– Năm Đất ơi! Lên sân đi. Linh cầm vợt và ống cầu gọi với vào nhà Nghĩa.

– Đợi chút, ra liền.

– Ủa, có mình hả.

– Chứ ai nữa mày?

– Thúy đâu? Không chơi hả gì?

– Tao đâu biết, chắc ở nhà nó.

– Thôi đi nào! Linh hối bạn.

– Mày đi trước đi, tao đau bụng. Nói xong Nghĩa ôm bụng chạy vào nhà.

– Cái thằng… hết sức tào lao. Linh nói mà chẳng hiểu bạn mình.

*

Hai anh em Linh và Thanh kết thúc set đấu cũng là lúc Nghĩa ôm bụng khệnh khạng đi vào sân khấu Nhà hát. Nó vừa đi vừa xoa xoa cái bụng có vẻ như đã hết đau, Nghĩa đưa tay bật công tắc điện, cái sân sáng trắng.

– Tối thui rồi đánh với ai nữa Năm Đất? Thanh hỏi.

– Tụi mày đánh xong đi về tắm rửa, nhường sân cho tao.

– Mày đánh một mình hả?

– Khùng hả? Đánh với ai kệ ta.

– Với tao nè! Thúy vừa nói vừa bước từ cửa hông đi vào.

*

Từ đó về sau, bất cứ lúc nào rảnh rỗi là Nghĩa tập cầu lông, nó không chơi với tụi con trai trong xóm, chẳng ai nghĩ nó đánh một mình. Người lớn thì nghĩ bọn trẻ ở cùng xóm chơi thể thao với nhau. Nhưng không phải vậy, Nghĩa nó cầm vợt mà chắc có đánh cầu lông hay không thì hỏi nó! Mà nó đánh cũng lạ lắm, tới lúc cả nhóm chơi xong, tắt điện… nó mới ra sân, vì họ sợ “khung giờ linh” ập đến. Nhưng vào lúc đáng sợ nhất ấy thì lại có hai bóng đen bước từ trong Nhà hát đi ra. Không ngờ, Năm Đất và nhỏ Thúy là những đứa trẻ dũng cảm nhất khu này.

             T.B