Nam Đế Vạn Xuân – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (hồi 1)

1077

(Vanchuongphuongnam.vn) – Lời Từ sư phụ nói đến đâu, như từ trong huyết quản, tâm khí, mạch máu rần rật chạy trong tim óc các bậc lão trượng hương thôn tới đó. Ai cũng muốn ngay lập tức nắm chặt bàn tay người bên cạnh, gắn kết thành một khối, chỉ dạy cháu con nghe theo những lời nói như chắt ra từ gan ruột của vị sư trụ trì cổ tự.

Tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân

HỒI THỨ NHẤT 

Rừng Hắc Lâm hổ vàng rơi giọt lệ

Chùa Cổ Pháp thiền sư nhận học trò

Dưới chân con đường ngoằn ngoèo dẫn từ bìa rừng Hắc Lâm hướng về hương Cổ Pháp lúc chạng vạng chiều. Sương khói mịt mùng ảm đạm bay là là trên bờ cây ngọn cỏ càng khiến cảnh vật thêm vẻ thê lương. Trên nền trời xám xịt đang ngày càng ụp xuống sùm sụp, tiếng quạ kêu chiều chờn vờn hoang hoải. Trên khung cảnh ấy, một lữ hành độc bộ như cái chấm nhỏ nhấp nhô ẩn hiện trên con đường mờ mịt. Gần tới xóm Trại, xóm ngoài cùng của hương Cổ Pháp, vị khách khẽ dừng lại ngửa mặt nhìn lên nền trời xám ngoét rồi lặng lẽ men theo một lối mòn đi tắt về ngôi chùa gỗ nhỏ đã bắt đầu le lói ánh đèn. Trời càng tối càng lạnh. Gió bấc ù ụ thổi trên những tàng cây lòa xòa che phủ lối đi. Vị khách đi đường vận bộ vải thô màu xám lồ lộ những miếng vá to tổ bố song đường kim mũi chỉ gọn gàng lắm, chứng tỏ là một tay thuần thục vá may. Chiếc khăn vải thô màu đen quấn gọn trên đầu chỉ làm sáng thêm cặp mắt tinh anh thi thoảng sẽ chùng xuống như nghĩ ngợi điều gì mông lung vô định. Đứng trước chiếc cổng gỗ đẽo gọt sơ sài cũng là cổng sau của ngôi cổ tự, vị khách giơ nắm tay bình thản gõ luôn sáu bảy cái. Tiếng lộc cộc lẫn vào trong tiếng gió tưởng chừng như chẳng có ai trong cổ tự có thể biết được. Mà dường như ngôi cổ tự đã chìm hút trong màn sương giăng từ sẩm chiều chỉ còn le lói ánh đèn hạt đỗ. Vậy mà thoáng chốc, một bóng thiếu niên mảnh khảnh tay cầm chiếc đèn lồng nhỏ nhanh nhẹn bước về phía cánh cổng cúi đầu thi lễ cất giọng trang nghiêm:

– Bạch thầy đã về! Lý hương trưởng mấy hôm nay mong thầy về lắm!

Cánh cửa gỗ sơ sài được nhấc qua một bên rồi mau chóng đóng lại như ý chừng muốn ngăn ngọn gió lạnh đang thông thốc đuổi theo vị khách. Rảo bước vào trong, người thiếu niên là một chú tiểu trạc mười lăm mười sáu tuổi gương mặt sáng sủa vóc dáng thư sinh đã mau chóng bê một giành tích to sụ đặt trên chiếc bàn gỗ được ghép bằng những thân tre rắn chắc đã lên nước bóng loáng. Một chiếc chén gỗ sẽ sàng đặt trên bàn. Chú tiểu mau chóng rót đầy một chung trà bốc khói ấm sực hai tay bưng tới đặt trước thầy tươi tắn nói:

– Con mời thầy dùng trà. Trà của Lý hương trưởng chiều nay tới tìm thầy cúng vào chùa. Lý hương trưởng hình như đang có việc gì gấp lắm.

Vị khách trung niên bấy giờ mới nói:

– Tinh Thiều con, việc chùa gần một năm nay giao cho con ta đã yên tâm nhiều. Ở hương Cổ Pháp, Lý hương trưởng yêu thương dân, lại biết chỉ dạy chúng việc cấy cày, săn bắn, ăn ở lễ nghĩa ta cũng rất yên tâm. Sở dĩ ta phải đi xa một chuyến vì có hẹn với sư huynh. Nay Lý hương trưởng có ý tìm ta gấp chắc muốn gửi gắm điều gì hệ trọng. Nay ta hãy nghỉ ngơi, chờ trời sáng ta sẽ đích thân tới Lý gia trang xem ngài ấy cần nhờ vả việc gì. Trà ngon lắm, con hãy uống đi cho ấm bụng.

Vị tiểu tăng được sự cho phép của thầy bấy giờ mới lặng lẽ đi tìm chiếc chung gỗ lớn rót ra uống liền hai chung, đoạn mau chóng đi thu dọn căn buồng nhỏ phía bên trái ngôi cổ tự. Đã gần một năm, căn buồng nhỏ hôm nào tiểu tăng cũng quét dọn ngăn nắp dẫu biết sư thầy vẫn chưa về. Cái đức chăm chỉ của tiểu tăng khiến dân chúng hương Cổ Pháp thường đem ra răn dạy con em hàng ngày. Thắp xong ngọn đèn treo sát vách tường, vị tiểu tăng rút về căn phòng nhỏ bên phải ngôi cổ tự. Biết tính sư thầy rất kiệm lời, chỉ luôn theo lối tâm truyền. Thầy muốn nói gì thường chỉ qua hành động, đôi khi nói bằng mắt, bằng vẻ mặt đã kíp truyền đạt mọi việc, còn hiểu thấu tâm can người khác. Sống với thầy tròn mười năm, tiểu tăng đã học được kiến thức và khí độ của thầy đến sáu bảy phần. Gần một năm giao ngôi cổ tự một mình tiểu tăng coi sóc tuần tiết ma chay giỗ chạp cho dân chúng trong hương Cổ Pháp cũng là ẩn ý của sư thầy muốn rèn luyện đức tính độc lập cho tiểu tăng. Hiểu được cao ý của thầy, không chỉ gần một năm nay, mà từ trước đó, tiểu tăng luôn ngày đêm miệt mài tu tập, đặc biệt là luôn lấy gương thầy để tự rèn mình. Khi vắng sư thầy, tiểu tăng Tinh Thiều việc lớn việc nhỏ trong hương Cổ Pháp đều thực hiện hết sức nghiêm cẩn, nhất là lễ nghi trong các đám tang đều không quản thời tiết mưa nắng gió bão, đêm ngày lập đàn cầu kinh niệm Phật giải thoát cho người đã khuất, làm an lòng người còn sống nên rất được lòng dân chúng trong hương.

Ngồi trên chiếc ghế gỗ đơn sơ nhấp trà, vị trụ trì nhìn lướt một vòng quanh ngôi chùa gỗ. Trong màn đêm tịch mịch, vẫn những vật dụng quen thuộc, hai hàng cau chạy tít thẳng ra cổng chính phía Đông Nam lặng lẽ vẽ lên nền trời đêm những nét gầy guộc, đơn sơ. Không cần nhìn xuống phía dưới, vị trụ trì cũng thấy thoang thoảng hương ngâu mùa cuối đông lặng lẽ len lỏi trong làn gió bấc. Loài hoa ngâu đến lạ, càng rét mướt, càng lặng lẽ tỏa hương thơm. Loài cây cho hoa sang tận cuối xuân mới bung hết sức. Chỉ những cây ngâu ngót trăm năm tuổi mới có hoa lúc đông lạnh. Mới hay tạo hóa không chỉ biết khắc nghiệt thử thách lòng dạ con người mà còn luôn ban tặng những món quà đầy thâm ý như nhắc nhở chúng sinh phải biết cần kiệm liêm trung, phải biết lấy đạo tu thân tích đức làm đầu mới tự vượt được mình, chứ chỉ cầu xin thánh thần trời Phật sẽ không bao giờ thành chính quả. Như dòng họ Lý ở đây, nối đời làm hương trưởng, luôn biết lấy đức làm đầu, tự mình làm việc khó trước, nhường nhịn sẻ chia cho dân chúng hương ấp Cổ Pháp mới được yên bình đến hôm nay. Ngay như ngôi chùa gỗ này cũng do họ Lý hưng công xây dựng từ hơn hai trăm năm trước. Đã biết kính Phật yêu dân tất phải là người thấu hiểu đạo lý ở đời. Ba năm trước, khi còn tại thế, hương trưởng Lý Cạnh là người khiến ta không chỉ tâm phục khẩu phục mà còn giúp ta rất nhiều chỗ chưa thông trong đạo được thông suốt. Chỉ riêng chuyện Lý gia nối đời chuyên tâm thờ Phật, thời điểm bước ngoặt nào cũng không quản đường xa dặm thẳm đi tìm bậc chân tu đạo hạnh tới trụ trì cổ tự nơi đây. Với đức độ của Lý gia, thực có thể cắt cử một người trong tôn tộc tới trụ trì cũng là nhất cử lưỡng tiện. Song họ Lý chưa bao giờ làm điều đó. Chính đó là một sự cân bằng, là đạo ở trong đạo vậy. Lấy người họ mình tới đảm đương vị trí trụ trì ngôi cổ tự do chính họ Lý hưng công xây dựng, dẫu công tâm đến mấy cũng không tránh khỏi điều tiếng xì xào trong dân chúng. Lý gia làm vậy là cao minh lắm. Là đã biết đặt chữ không cao hơn chữ , chữ tâm cao hơn chữ tài, chữ đức ở ngôi chính tâm mà bền gốc rễ lắm thay. Ngay như cuộc ta về đây trụ trì cũng là lời dặn của sư phụ cách đây đã tròn ba mươi năm. Khi ấy, Lý gia đã xin phép với sư phụ muốn thỉnh một cao tăng ở tận thành Gia Ninh về trụ trì để giáo hóa phật tử nơi đây còn muốn hưng công xây lại ngôi tự khang trang bề thế hơn. Khi biết ý dựng lại chùa của vị sư tăng sắp tới, sư phụ đã đàm đạo nửa ngày trời với hương trưởng họ Lý khi ấy là Lý Hoa. Chẳng biết sư phụ và Lý Hoa đã nói những gì với nhau. Chỉ biết rằng, sau cuộc đàm đạo ấy, Lý gia tuyệt nhiên không bao giờ nhắc đến việc dựng lại cổ tự nữa, càng không bao giờ tìm đón vị cao tăng ở Gia Ninh về mà nhất nhất theo lời sư phụ cho tìm ta khi ấy đang cùng sư huynh vừa tu tập vừa gây dựng ngôi chùa nhỏ mãi tận hương Màn Trò vùng Chu Diên. Không quản đường rừng đường sông, hùm beo rắn độc, hương trưởng Lý Hoa đã cho người vượt sông băng ngàn tìm ta về kịp lúc sư phụ lâm chung. Dẫu sư phụ không nói một lời thì Lý gia đã đồng lòng mời ta ở lại trụ trì ngôi cổ tự. Khi hương trưởng Lý Hoa theo về tiên tổ đã cầm tay con trai là Lý Cạnh dặn bảo tuyệt đối phải theo nguyên tắc tổ tông, sau này việc truyền sư trụ trì không được tự ý quyết định, càng không được lấy người họ Lý đưa vào. Lý Cạnh là người nhân đức nhưng yểu mệnh. Ta đã dốc hết tài y thuật cũng chỉ giữ được cho Lý hương chủ qua được tuổi bốn mươi. Lý Cạnh về với tổ tông, theo gia phong họ Lý, nếu người mất khi con trai dưới mười ba tuổi sẽ truyền tôn vị hương trưởng cho người em kế cận. Khi mất, ba con của Lý Cạnh là Lý Thiện, Lý Bí và Lý Hùng đều chưa đầy mười tuổi. Việc người em Lý Cạnh là Lý Khang giữ chức hương trưởng hương Cổ Pháp cũng là theo tộc truyền của Lý gia. Nay luôn mấy hôm, Lý hương trưởng cho tìm ta gấp hẳn có việc quan trọng gì chăng? Vừa miên man ngẫm ngợi, đến tận khuya, vị trụ trì mới lặng lẽ trở về căn buồng gỗ nhỏ sẽ sàng đặt mình xuống.

*

Lý gia trang lúc mờ sáng.

Khi tiếng gà gáy đầu canh năm căn nhà gỗ lớn của Lý gia trang đã sáng ánh đèn. Mùa đông đêm dài, lại đúng chặp mưa rét dầm dề đêm càng như miên man bất tận. Luôn mấy hôm trước, Lý trang chủ đồng thời cũng là hương trưởng hương Cổ Pháp mấy lần tới ngôi cổ tự tìm gặp sư trụ trì họ Từ chỉ có tiểu tăng Tinh Thiều đón tiếp. Không biết có việc gì mà Từ sư phụ rời tự đã ngót năm trời vẫn chưa trở về? Chắc là việc trọng đại với sư huynh Đỗ Khuông đang dựng chùa thuyết giảng đạo pháp nơi hương Long Đỗ. Biết tính nết của Từ sư phụ tuy phóng khoáng nhưng hết sức kiệm lời. Vậy mà hôm ngài rời cổ tự đã đích thân tới Lý gia trang ủy nhiệm việc giúp đỡ tiểu tăng những ngày ngài vắng tự. Lý trang chủ cũng không hỏi nguyên do chỉ lắng nghe lời dặn, đoạn sai bọn gia nhân soạn ít đồ chay để Từ sư phụ tiện lên đường. Lúc ngài đi cũng là buổi chớm đông. Sương mù mờ mịt sà xuống như cố ý chắn lối vị sư phụ vẫn rẽ sương tiến thẳng vào bìa rừng Hắc Lâm, nơi có đường mòn dẫn tới lối thượng du mà đám tộc khách phía bên kia núi vẫn đi ngựa xuống hương Cổ Pháp mang mật ong, ngà voi, sừng hươu đổi gạo muối mỗi dịp Tết đến. Từ sư phụ không chỉ đạo học cao thâm còn rất tinh thông võ học và y thuật. Không nhờ thuốc của Từ sư phụ, huynh trưởng Lý Cạnh khó có thể kéo dài mạng sống thêm được mấy năm liền. Từ nhỏ, Lý Cạnh đã có duyên Phật pháp. Nếu không phải con trưởng, lão gia Lý Hoa đã gửi vào cửa Phật không cho hoàn tục. Đã thành thông lệ, dẫu các sư trụ trì các đời nơi cổ tự đều do họ Lý không quản gian khó mời từ các nơi về trông coi song bao giờ họ Lý cũng vâng theo sự chỉ bảo của các cao tăng chùa Cổ Pháp. Con cháu Lý gia trang, nếu là con trai, khi mười tuổi nhất nhất đều đưa vào tự để sư trụ trì chỉ dạy. Đến năm mười tám tuổi đều cho rời tự hoàn tục trở về Lý gia tiện việc gia thất, cũng là cùng với dân chúng lấy đời làm đạo, khẩn hoang lập nghiệp, gia tăng nhân tài vật lực khiến vùng đất hương Cổ Pháp trù mật mãi lên. Việc này từ lâu đã thành nền nếp quy củ. Những ngày đầu thay sư phụ trụ trì cổ tự, Từ Học Lương dần dần hiểu được sự cao thâm của pháp giới đặc biệt nơi đây. Nối đời làm hương trưởng hương Cổ Pháp, họ Lý đã tìm được sự huyền diệu nơi đạo Phật chính là việc cân bằng giữa đời và đạo. Việc đạo pháp đã ngấm rất sâu vào những người chủ trì Lý gia trang từ lúc tóc còn để chỏm. Xuân thu nhị kỳ, vẫn là đời đấy mà đạo đấy. Cổ tự hương Cổ Pháp dẫu chỉ là dãy nhà gỗ đơn sơ đã trên hai trăm năm tuổi nhưng tiếng tăm của nó đã vang xa lắm. Mỗi dịp Tết nguyên đán, có những bậc danh sư tận ở Phong Châu, Cổ Loa, Long Biên, Tân Xương, Vũ Bình, Gia Ninh, Chu Diên, Ma Lôi… không quản hàng trăm dặm đến cùng giảng đạo pháp tương kính lắm. Có vị cao tăng mãi tận châu Phúc Lộc theo đường thượng đạo tìm về cổ tự đàm đạo với sư trụ trì nơi đây cả tuần trăng mới rời tự. Trước khi rời tự, vị cao tăng xin được tự mình đi thuyết giảng khắp các thôn cùng xóm vắng trong ngoài hương Cổ Pháp. Đi tới đâu ngài cũng ca ngợi công đức của Lý gia và các đời sư trụ trì cổ tự. Mới thấy sự nhiệm màu của đạo đã khăng khít với đời sống của dân chúng nơi đây rất tự nhiên vậy.

Trời còn chưa sáng hẳn, những luồng gió bấc thổi thông thốc vào gian nhà lớn khiến những tấm cửa gỗ dày vững cũng phải rung lên kêu cót két. Đã thạo nếp ăn ở của Lý trang chủ, tên gia nhân sau khi đem bình trà nóng đặt lên chiếc kỷ gỗ lập tức rời xuống gian nhà nhỏ cũng là gian bếp chuẩn bị bữa sáng cho chủ nhân.

Lý trang chủ trạc ngoài bốn mươi, vóc vạc đường bệ, ngài bận bộ quần áo vải chàm dày, cổ quấn khăn vải màu tím nhạt, chân đi đôi giày da báo uyển chuyển ngồi xuống chiếc kỷ gỗ tự tay rót luôn chung trà lớn vừa uống vừa nhìn ra ngoài. Bỗng ngài hơi sững lại khi thoáng nhìn thấy bóng người phía con đường mòn trước cổng thấp thoáng trong mờ sương. Cặp mắt tinh anh của Lý trang chủ đã kịp nhận ra dáng đi quen thuộc của Từ sư phụ.

Rất nhanh nhẹn, Lý trang chủ thoăn thoắt bước thẳng ra cổng lớn cũng là lúc Từ sư phụ dừng chân trước cổng.

Lý trang chủ vừa khum tay thi lễ vừa cất giọng trầm vững nhưng không kém phần vồn vã:

– Bạch Từ sư phụ! Sao sư phụ không sai tiểu tăng đến báo để Lý mỗ đến cổ tự thăm hỏi sư phụ? Sư phụ làm thế này khiến Lý mỗ áy náy quá!

Từ sư phụ khẽ rũ rũ đám sương đọng trắng trên vai áo thong thả đáp:

– Ta cũng mới về chập tối qua. Ngại đêm hôm đường đột không tiện tới Lý gia, đợi trời sáng mới đến. Không biết gần một năm qua Lý gia trang có bình an không? Dân chúng hương Cổ Pháp có được mùa không?

Lý trang chủ khoát tay mời Từ sư phụ vào trong nhà ngồi trên chiếc kỷ gỗ tự tay rót chung trà nóng bưng tới trước mặt mới nghiêm trang đáp:

– Bạch sư phụ! Nhờ Phật tổ phù hộ độ trì, dân chúng hương Cổ Pháp luôn mấy năm nay đều được mùa, thóc lúa đủ chi dùng trong vài năm không hết, khoai sắn hoa quả mùa nào thức nấy đều dồi dào cả. Vâng theo lời sư phụ, ta cùng đám tráng đinh từ đầu xuân đến nay đã cho đẵn gỗ kéo về đẽo xẻ ra phơi khô để đóng thuyền nơi vụng Đầm Bạch Long để tiện đón đám thương thuyền dưới xuôi đem dầu muối vải vóc lên đổi gạo củi, sản vật, ngà voi, thú rừng. Lại vâng theo lời chỉ dạy của sư phụ cho phường săn vào rừng Hắc Lâm tìm cây sơn đen lấy nhựa về trộn với chu sa quét trám lên khe gỗ khiến thuyền kín nước mà vững vàng lắm. Ta đang mong sư phụ về để hỏi thêm mấy việc. Thật may đúng lúc sư phụ trở về.

Lý trang chủ nói tới đó vừa lúc tên gia nhân đem tới một giỏ khoai lang luộc nghi ngút bốc khói, lại thêm bát muối mè giã ớt xanh đặt lên trên chiếc bàn gỗ. Tên gia nhân nhìn chủ nhân có ý muốn sai bảo, dò hỏi vị cao tăng có dùng bữa sáng hay không đã thấy Từ sư phụ khẽ mỉm cười thuận tay cầm luôn củ khoai còn bốc khói bẻ đôi vừa đưa cho Lý trang chủ vừa nói:

– Nào ta hãy cùng dùng bữa sáng! Món này lão tăng ăn từ tấm bé mãi đã thành quen mất rồi. Phật Tổ dạy có thực mới vực được đạo. Khoai lang đỏ luộc uống kèm với trà xanh mát ruột mà ấm lòng lắm. Trang chủ quả là người rành các vị thuốc ngay từ trong bữa ăn dân dã.

Lý trang chủ phá lên cười lớn. Ngài vẫn phục lăn tính khí khoáng đạt của Từ sư phụ. Từ ngày tới hương Cổ Pháp trụ trì cổ tự, Từ sư phụ thấy cơm là ăn thấy việc là làm thoải mái lắm. Mùa xuân mưa phùn ngài còn xắn quần xuống cày ruộng với dân chúng. Mỗi khi được mùa, những khoảnh ruộng quanh ngôi cổ tự ngài đều tự mình gặt lúa, dùng trục đá lăn lấy thóc rồi phơi phóng quạt sảy rất thành thạo không cần nhờ tới đám phật tử tới giúp. Trong hương ấp, có nhà nào chuẩn bị cất nóc nhà mới, ngài đều đến từ hàng tháng trước, tự tay đẽo rui, đục cột, chỉ bảo ngàm đố mộng mực con lăn thớt trên thớt dưới rất tỉ mỉ, khiến đám thợ mộc trong hương ấp rất kính phục. Cái nết ăn ở của sư phụ giống y như lão sư phụ trụ trì thuở trước, chẳng hề có khoảng cách giữ gìn với Lý trang chủ, càng chẳng bao giờ có khoảng cách với dân chúng nơi đây.

Nhấm nháp chung trà xanh nóng, Từ sư phụ thong thả nói:

– Lão tăng rất mừng khi Cổ Pháp lại được mùa năm nữa. Càng đáng mừng hơn khi Lý trang chủ biết chỉ bảo đám trai tráng xẻ gỗ đóng thuyền. Hương Cổ Pháp ta, tuy là dựa vào núi rừng đồng ruộng nhưng việc xẻ gỗ đóng thuyền là vô cùng đáng quý. Phải biết được khắp trong các vùng đất xứ Giao Châu, liên tiếp các vùng Phong Châu, Cổ Loa, Long Biên, Gia Ninh, Chu Diên, Phúc Lộc…, cư dân ở đâu cũng đều thành thạo sông nước cả. Người phương Nam chúng ta phải thuần thục thuyền bè sông nước mới mong tinh tiến bền vững được. Ta mới ở chỗ sư huynh Đỗ Khuông vùng cửa sông Đầm Vực hương Long Đỗ về đây. Khi đi đường thượng đạo không chỉ hùm beo rình rập cây đổ đá lăn khó bảo toàn mạng sống mà còn hao tổn thời gian sức lực. Khi trở về, sư huynh cho đám tiểu đồng dẫn đi theo đường thủy vừa thong thả an nhàn vừa giảm thiểu thời gian công sức. Hương Cổ Pháp ta, Lý trang chủ nay mai phải cho đám tráng đinh thăm dò luồng lạch Đầm Bạch Long xuôi theo hai nhánh Câu giang, Dã giang về mạn Bạch Hạc tìm đường ra sông Cái xuôi xuống mạn Cổ Loa, Gia Ninh, Giang Biên, Long Đỗ, Màn Trò, Chu Diên mới được. Cổ Pháp tuy là vùng đất truyền đời của Lý gia nhưng phải biết mở mang đi khắp nơi mới là ý chí của tiền nhân. Chẳng hay Lý trang chủ có suy nghĩ về điều đó không?

Trang chủ Lý Khang đột ngột sững sờ trước từng câu từng lời của Từ sư phụ. Từ thuở nhỏ, mỗi khi con cháu Lý gia rời cổ tự năm mười tám tuổi trở về Lý gia trang hoàn tục đều được các bậc cao niên đức cao vọng trọng họ Lý dành một tuần trăng để nói về truyền thống của Lý gia vùng Cổ Pháp. Họ Lý ở đây nối đời làm hương chủ, yêu dân mở đất đã hàng trăm năm. Tiếng là hương Cổ Pháp thực chất vùng đất được khai khẩn đã dài rộng vài chục dặm khắp vùng hạ trung thượng rừng Hắc Lâm, phía dưới trùm qua Đầm Bạch Long xuôi mãi dòng Câu giang, một ngả vươn theo dòng Dã giang cũng vài chục dặm. Các họ ở đây dẫu nhiều họ như họ Đinh, họ Cù, họ Triệu, họ Bạch suất đinh có tới hàng ngàn đều thần phục suy tôn họ Lý làm hương chủ. Lý gia trang từ lâu nghiễm nhiên là nơi hội họp bàn bạc quyết sách của hương Cổ Pháp. Các vị trưởng lão các họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái… luôn căn dặn đám con cháu đời sau phải biết tin phục Lý gia. Cũng chưa bao giờ Lý gia cậy thế cậy quyền ép các tộc họ khác. Bất luận việc khó khăn đến đâu, Lý gia đều cam tâm đi đầu gánh vác. Săn được voi hổ hươu hoẵng nhiều ít, Lý gia đều cho chia đều các tộc họ không phân biệt càng khiến dân chúng hương Cổ Pháp một dạ theo về. Trong buổi căn dặn cháu con khi rời tự lúc mười tám tuổi, các bậc cao niên họ Lý đều nói thẳng nói thật đường ăn nét ở của họ tộc mình để đám con cháu coi đó là gia quy mà thực hiện. Chính bởi vậy, ở hương Cổ Pháp, họ Lý được suy tôn nối đời làm hương chủ là vì thế.

Suy nghĩ một hồi như thế, Lý trang chủ trang nghiêm đáp:

– Bạch Từ sư phụ! Tổ tông Lý gia đã hàng chục đời an cư lập nghiệp ở đất này. Cũng may mắn được dân chúng quanh vùng đùm đậu mới có ngày nay. Lại nối đời được các trụ trì chùa Cổ Pháp giáo hóa chỉ dạy điều hơn lẽ thiệt. Cứ như thiển ý của Lý mỗ, vùng đất Cổ Pháp ta sở dĩ được yên bình trước hết bởi lòng người đồng thuận, các họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái… đều một lòng hướng về phật pháp, biết lẽ phải, chăm làm việc thiện ở đời. Nay sư phụ là người học nhiều hiểu rộng, lại mới đi khắp một vòng các vùng đất kinh kỳ đô hội hẳn đã có được nhãn quan dài rộng mà chỉ dạy cho Lý gia. Ta trộm nghĩ, việc sư phụ bày cho phép đóng thuyền ở Đầm Bạch Long hẳn là có ý để con cháu hương Cổ Pháp sau này tiện việc mở mang vùng bãi bồi, sông nước. Chủng tộc người Giao Châu vốn thành thạo sông nước đầm hồ. Nếu không biết tích cốc phòng cơ, ở nơi cao ráo không biết lo xa ngày mưa lũ là sớm hại đến thân vậy. Có được bè nhiều thuyền vững mới thuận tiện khi chuyên chở thóc gạo để đổi lấy dầu muối của đám thương thuyền dưới xuôi. Ta cũng đã cho dựng vài dãy nhà gỗ ở bãi đất rộng nơi bìa rừng Hắc Lâm để tiện việc tiếp đón trao đổi sản vật của dân chúng vùng thượng du về lấy gạo muối, đồ sắt đồ đồng. Luôn mấy năm nay, theo lời chỉ dạy của Từ sư phụ, việc dân chúng các nơi đến hương Cổ Pháp học đạo học nghề, trao đổi sản vật ngày càng đông đúc. Đám tráng đinh trong hương vì thế cũng được mở mang tầm mắt. Còn như sinh kế lâu dài bền vững, mong Từ sư phụ chỉ dạy thêm cho.

Lý trang chủ nói đến đâu, khuôn mặt Từ sư phụ thêm tươi nhuần ra đến đó. Sư phụ thong thả nói:

– Lý trang chủ thật là người biết lo cho dân chúng hương thôn, còn biết nhìn xa trông rộng, tích cốc phòng cơ, biết mở lòng với dân vùng thượng du, hạ bạn. Mọi việc như thế cũng là thuận theo ý Phật tổ. Chẳng hay luôn mấy ngày nay muốn tìm ta gấp có việc gì?

Lý trang chủ trầm ngâm nói:

– Bạch sư phụ! Đây là việc riêng của Lý gia chúng tôi. Ba năm trước, huynh trưởng chẳng may bạo bệnh qua đời, ba tiểu điệt còn nhỏ tuổi, Lý mỗ vạn bất đắc dĩ phải ngồi vào chức hương chủ Cổ Pháp cũng như ngồi trên tấm băng mỏng. Ngày đêm lo nghĩ sợ mình có gì khinh suất thật là mang tội với Lý gia. Từ ngày huynh trưởng quy tiên, đại tẩu Cù Nương đêm ngày thương tiếc đã kết thành bệnh trong tâm không thuốc nào chữa được. Nay đại tẩu đã yếu lắm, ngặt nỗi các tiểu điệt đều còn nhỏ tuổi khiến ta trăn trở không yên. Đại huynh ngày trước căn dặn sau này đại tẩu có mệnh hệ gì hãy đem an táng chung với người. Đây cũng là hợp với gia quy của Lý gia. Nay mọi việc đã gấp lắm rồi, Lý mỗ muốn thỉnh giáo cao ý của sư phụ.

Từ sư phụ đăm chiêu nói:

– Lão tăng ngày trước bốc thuốc trị bệnh cho hiền huynh ngài đã sớm biết sức khỏe của đại tẩu như ngọn đèn trước gió không được bao lâu nữa. Nay bệnh đã kết phát vào trong tim óc, chúng ta hãy cố nén lòng mà tính việc lâu dài cho ba người con của họ mới là việc nên làm. Trưởng tử Lý Thiện năm nay đã tròn mười tuổi ta sẽ gửi xuống cho sư huynh ở hương Long Đỗ rèn dạy. Xem tướng mạo Lý Thiện sau này công quả ắt thành. Thứ tử Lý Bí xem ra tướng mạo có chỗ phi phàm sau này ắt không phải người thường, trước mắt hãy tạm cho vào tự để ta rèn dạy, sau này tìm người tài giỏi xin theo học cũng chưa muộn. Duy thứ út Lý Hùng còn quá bé, trước mắt chỉ có thể để Lý trang chủ đùm đậu mới yên tâm được. Còn như việc đảm nhiệm chức hương chủ, xét về tài đức vị thế ngài đều xứng đáng chớ nên bận tậm nhiều. Hãy mau đưa ta tới thăm bệnh tình đại tẩu xem sao?

Lý trang chủ nghe kỹ từng lời của Từ sư phụ. Khuôn mặt trang chủ đầy vẻ quan hoài nghiêm nghị. Từ sư phụ vừa dứt lời, Lý Khang mau chóng đứng lên dẫn sư phụ đi qua khu vườn rộng đầy cây ăn quả tiến tới khoảnh sân nhỏ phía trước có căn nhà gỗ cửa vẫn còn đóng, phía bên ngoài có tên gia nhân đang đứng ý chừng đợi người bên trong mở cửa.

Hai người bước tới giữa khoảng sân nhỏ đoạn ra hiệu cho tên gia nhân khẽ gõ vào cánh cửa gỗ đang khép kín.

Tên gia nhân gõ mãi, gõ mãi cánh cửa vẫn im lìm. Cảm thấy có sự lạ gì ở bên trong, Lý trang chủ ra hiệu cho tên gia nhân đẩy mạnh cánh cửa gỗ.

Cánh cửa đột ngột bị đẩy vào phía trong. Thì ra bên trong không hề cài then cửa. Tên gia nhân hơi chao người về phía trước đã mau chóng giữ lại được thăng bằng. Phía bên trong, ngọn đèn dầu đặt trên bàn vẫn le lói cháy. Khi ánh sáng bên ngoài ùa vào theo cánh cửa cũng là lúc ba người sững sờ nhìn thấy người đàn bà nhỏ bé nằm lọt thỏm trên chiếc giường gỗ có đắp tấm chăn mỏng, khuôn mặt đã xoám ngoét, mắt nhắm nghiền, búi tóc trắng xổ tung xòa trên gối.

Từ sư phụ khẽ niệm nam mô rồi từ từ tiến tới khẽ đưa bàn bay đặt hờ lên khuôn mặt người phụ nữ một lúc khá lâu mới chậm chạp quay ra nói khẽ:

– Đại tẩu đã quy tiên rồi!

Tên gia nhân bưng mặt òa khóc cứ thế đứng run cầm cập phía góc giường. Lý trang chủ nhìn khuôn mặt người quá cố lòa xòa tóc trắng không ngăn được hai giọt lệ rơi xuống đất. Cố nén nỗi đau, trang chủ khẽ nói:

– Đại tẩu cả đời vì Lý gia nay sung sướng chẳng có gì lại sớm theo hiền huynh về nơi cực lạc. Trước lúc lâm chung đại tẩu chỉ muốn gặp Từ sư phụ việc cũng không thành. Mẹ góa con côi đến bây giờ con nhỏ lại mồ côi cả cha lẫn mẹ. Ông trời sao nỡ bất công với Lý gia ta…

Lý trang chủ nói đến đó thì giọng đã nghẹn tắc lại chỉ còn nghe tiếng hức… hức… rất thê lương. Nước mắt lã chã chòm râu đốm bạc. Từ sư phụ luôn miệng niệm nam mô a di đà phật mặc tên gia nhân đã ngã khuỵu xuống tự bao giờ.

*

Hương Cổ Pháp luôn mấy ngày mưa phùn gió bấc liên miên không dứt.

Đám tang của Lý gia, các họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái tới rất đông để chia buồn. Theo phong tục hương Cổ Pháp, ba người con Lý Thiện, Lý Bí, Lý Hùng đều mình quấn vải trắng, đầu chít khăn trắng trên vấn nùn rơm, chân trần chống gậy tre đi lùi trước linh cữu. Theo di nguyện của người quá cố, thi hài Cù Nương được quấn chặt để trong chiếc quan tài gỗ mít đóng kín đặt trên chiếc xe bánh gỗ cọt kẹt kéo về chân núi Ông Hùm nơi bìa rừng Hắc Lâm. Núi Ông Hùm là một quả đồi đất lớn kéo thông lên dãy núi đá Tam Ngai phía Tây Nam hùng vĩ nơi có rừng rậm núi cao nhiều hổ báo được người dân truyền nhau gọi là núi Tam Vương rất thiêng. Ba năm trước, thi hài của Lý trang chủ Lý Cạnh cũng được chôn ở ngôi đất chân núi Ông Hùm. Hôm trước, đám tráng đinh theo chỉ dẫn của Lý gia đi đào huyệt mà phong tục họ Cù gọi là làm nhà mới cho Cù Nương tìm mãi không thấy ngôi mộ của Lý Cạnh đâu. Phải rất lâu người họ Lý mới xác định được chiếc gò không biết đã được mối đùn cao như một quả đồi từ bao giờ chính là mộ của Lý Cạnh. Mọi người ai cũng cố sức đào sâu huyệt đất mà đến tận sẩm chiều mới chỉ được một chiếc hố nhỏ nép bên cạnh mộ Lý Cạnh giờ đã như ngọn đồi hình như ngày càng âm thầm cao lên.

Khi trời tối hẳn, đoàn người đào huyệt mệt mỏi quay về hương Cổ Pháp.

Người đi đưa đám ma đông chật ních con đường đất ngoằn ngoèo dẫn ra đồi Ông Hùm. Trời lâm thâm mưa phùn. Gió càng thổi càng lạnh. Đám cờ phướn đi đầu người nào người nấy câm lặng trong mưa lạnh. Những rải cờ thấm mưa phùn rủ thõng xuống ẽo ợt dưới bầu trời xám xịt. Tiếp đến là đội kèn bát âm. Tiếng kèn, tiếng nhị, tiếng chiêng, tiếng trống ảo não càng tăng vẻ thê lương. Đi trước chiếc xe gỗ ậm ạch chở quan tài, ba cậu nhỏ cao thấp khác nhau toàn thân quấn vải trắng trên đầu đội mũ rơm chống chiếc gậy tre non thập thững bước lùi thi thoảng vấp ngã lăn dúi xuống rệ đường. Trưởng tử Lý Thiện đôi mắt như vô hồn đi giật lùi trước linh cữu mẹ dường như đã cạn nước mắt cố đứng vững. Thứ tử Lý Bí bặm chặt cánh môi nước mắt cứ thế giàn giụa trên gò má lạnh như đồng. Đôi chân Lý Bí đã tướp máu nhưng những bước giật lùi của họ Lý lại tỏ ra khá vững trãi. Cứ từng bước từng bước giật lùi mặc máu thấm trên con đường đất sỏi lồi lõm. Phía trước, trang chủ Lý Khang vừa rìu vừa thi thoảng nhấc bổng cậu bé Lý Hùng mới hơn ba tuổi không thể tự đi lùi được. Cứ dăm bảy bước cậu lại ngã lăn xuống vệ đường khiến mọi người ai cũng xót thương. Phía sau chiếc xe tang lọc cọc, đoàn người đông đúc đi sát vào nhau dưới trời mưa lạnh trên con đường ngoằn ngoèo tưởng chừng bất tận. Tiếng khóc hờ thi thoảng rộ lên át cả tiếng chiêng trống kèn nhị não nề. Khi đoàn người tiến sát đến bên huyệt đất đào hôm trước tất cả không khỏi kinh động khi chỉ sau một đêm không biết bằng cách gì chiếc hố như to rộng gấp ba bốn lần đám tráng đi đã đào hôm trước. Mọi người càng lấm lét khi nhìn thấy nhiều dấu chân hổ to như chiếc đấu hằn rõ trên nền đất mới.

Khi nấm mộ được vun đầy cũng là lúc trời chợt hửng lên se sẽ sáng. Gió bấc dường như thổi nhẹ hơn. Mưa phùn cũng đã ngừng rơi từ lúc chiếc quan tài gỗ được đám tráng đinh dùng dây thừng ròng hạ xuống đáy huyệt sâu tút hút. Những vật dụng được người các họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái thi nhau ném xuống dưới huyệt người quá cố. Ba cậu tang chủ nhỏ đứng sát vào nhau cắm ba chiếc gậy tre non xuống nền đất lạnh. Có ai đó đã quấn những tấm vải vào bàn chân tứa máu của ba cậu nhỏ. Cậu út Lý Hùng dường như chưa nhận ra điều gì hệ trọng đứng co ro bên cạnh hai người anh. Lý Bí đứng giữa, đôi chân quấn vải trắng đã rịn máu chuyển sang màu hồng choãi ra như cắm hẳn xuống lòng đất trước huyệt mộ đang lấp đất rào rào. Cậu nhìn thẳng vào lòng ngôi mộ rồi nhìn xuyên ra bìa rừng Hắc Lâm rồi lại nhìn sâu vào nơi giữa rừng cây cối rậm rạp ánh mắt rực lên rất lạ. Người con trưởng Lý Thiện cao vượt hẳn lên một cái đầu đứng nhìn đoàn người với con mắt thê lương.

*

Đêm khuya trong căn nhà gỗ lớn Lý gia trang.

Trước hương án thờ, hai cành tre non héo rũ rủ xuống nhang án. Tấm bài vị gỗ được khắc còn mới thơm mùi mực. Từ chiều, sau khi chôn cất xong xuôi cho người quá cố, Từ sư phụ đích thân khắc chữ vào chiếc bài vị đặt ngay ngắn trên án thờ. Ba năm trước, cũng tại căn phòng lớn này, cũng đích thân Từ sư phụ khắc những dòng chữ lên bài vị cho trang chủ Lý Cạnh. Mới thế mà Cù Nương đã đột ngột theo chồng xuống suối vàng bỏ lại ba con còn thơ dại. Ngày Lý Cạnh mất, Từ sư phụ đã phải vuốt mắt đúng bảy lần đôi mắt họ Lý mới chịu khép lại. Dường như Lý Cạnh có điều gì muốn nói mà không nói được nữa. Trước khi khép mắt, hai giọt lệ còn ứa ra khuôn mặt mới có đôi chút thanh thản. Lúc cùng với trang chủ Lý Khang vào thăm Cù Nương lần cuối, dù đã đi từ trước đó, sắc mặt Cù Nương cũng có được đôi phần thanh thản. Dù mái tóc không hiểu sao đã đột ngột bạc trắng như mây. Mới thấy ở đời bãi bể nương dâu. Con người làm được điều gì tốt hãy gắng sức mà làm. Từ sư phụ thong thả ngồi lên tấm chiếu trước bài vị Cù Nương thong thả vừa gõ mõ vừa nhẩm đọc những câu kinh đã thuộc từ lâu. Lời kinh đan trong tiếng mõ đều đều siêu sinh tịnh độ cho vong hồn người đã khuất.

Trên chiếc tràng kỷ gỗ lớn, trang chủ Lý Khang ngồi im như pho tượng. Lúc sẩm tối, khi tiễn đoàn các họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái về nhà sau bữa cơm chay cảm ơn mọi người, Lý trang chủ chỉ kịp căn dặn đám gia nhân chăm sóc tốt cho Lý Thiện, Lý Bí và Lý Hùng rồi chính ngài do quá mỏi mệt cũng đã thiếp đi trên kỷ gỗ lúc nào không biết. Chợt khi tỉnh giấc chỉ thấy hai ngọn bạch lạp chập chờn trên nhang án, phía dưới là Từ sư phụ đang đều đều gõ mõ tụng kinh.

Không muốn làm kinh động sư phụ, trang chủ khẽ khàng vươn vai đi vòng xuống căn nhà gỗ bên dưới, nơi các tiểu điệt Lý Thiện, Lý Bí, Lý Hùng và đứa con nhỏ năm tuổi của ngài được gia nhân đưa về đó nghỉ ngơi sau một ngày tang gia mệt mỏi. Ông khẽ đẩy tấm cửa gỗ, bên trong, thấp thoáng qua ngọn đèn vặn nhỏ, Lý trang chủ giật mình khi thấy trên chiếc giường gỗ có rải chăn ấm chỉ thấy có ba đứa trẻ. Ông khẽ dụi mắt nhìn thật kỹ nhẩm đếm cũng chỉ có ba người. Lý Khang xoay người vặn to ngọn đèn nhìn điểm mặt từng đứa bỗng thất kinh không thấy đứa cháu ruột là thứ tử Lý Bí đâu. Cứ để nguyên ngọn đèn cháy sáng, Lý trang chủ vội khép lại cánh cửa gỗ rồi lật đật trở về gian nhà lớn mặc kệ mấy đứa nhỏ vẫn ngủ say sau một ngày đầy biến động.

Trong căn phòng lớn có đặt nhang án, Từ sư phụ vẫn đều đều tiếng mõ như không hay biết Lý trang chủ đã quỳ sát bên cạnh giọng thảng thốt nói:

– Bạch sư phụ! Lý Bí không biết đã đi đâu mất rồi?

Từ sư phụ chợt dừng tay mõ.

– Lý trang chủ! Ngài vừa nói cái gì?

Lý trang chủ giọng càng thảng thốt hơn:

– Lý Bí không biết đã đi đâu mất rồi? Ta đã kiểm tra kỹ mà không thấy!

Từ sư phụ vội đứng lên, ôm gọn chiếc mõ tre vào lòng ra hiệu cho Lý trang chủ đi về phía chiếc kỷ gỗ rồi đăm chiêu nói:

– Có lẽ nào? Có lẽ nào tên tiểu tử này lại ra chỗ đó chăng?

Lý trang chủ bồn chồn lao lung mãi mới lắp bắp:

– Không thể nào?… Không thể nào…

Từ sư phụ nhìn sâu vào hương án chỉ thấy hương khói vẽ lên trần nhà những vệt khói trắng ngoằn ngoèo vô định. Tấm bài vị nước sơn còn mới. Những dòng chữ như những mũi dao cứa vào tâm can hai người đàn ông trong đêm đông lạnh. Ngoài trời sương rơi lộp bộp. Thi thoảng tiếng gió bấc thổi vào cánh cửa khiến chúng rung lên cọt kẹt.

Từ sư phụ nhìn sâu vào màn đêm nói quả quyết:

– Chắc chắn tên tiểu tử chỉ có thể đến đó mà thôi!

Nói đoạn, Từ sư phụ vấn chặt chiếc khăn nơi cổ quấn thêm hai vòng trùm kín đầu đặt chiếc mõ vào bị cói tùy thân thắt đôi giày vải đứng lên nói:

– Chỉ cần mình lão tăng ra đó là đủ. Lý trang chủ hãy ở nhà bảo toàn đám trẻ tránh việc cái sảy nảy cái ung. Lý gia đang trong lúc biến động ngài hãy nghe lời lão tăng mới được.

Lý trang chủ bần thần đáp:

– Mọi việc Lý mỗ xin theo sự sắp đặt của sư phụ.

*

Chân núi Ông Hùm nơi bìa rừng Hắc Lâm đêm đông tịch mịch.

Một khung cảnh dị thường đã bày ra phía trước ngôi mộ đất. Mấy gộc củi khô bắt lửa cháy liu riu phả ra từng đụn khói. Lửa nhập nhoạng lúc tỏ lúc mờ. Ngay sát đống lửa kề ngôi mộ đất, một thiếu niên chạc bảy tám tuổi cặp mắt mở to nhìn sâu vào lòng mộ không chớp. Toàn thân cậu bé được quấn trong một lớp vải trắng dày lấm láp đôi chỗ dính vài vệt máu đã xỉn lại. Cậu bé ngồi im, mắt nhìn sững vào lòng đất như oán hận điều gì chất chứa. Bên cạnh nấm mộ đất nhỏ, một nấm mộ đã xanh cỏ từ lâu cao tựa ngọn đồi như choán hết chân núi Ông Hùm. Ánh lửa nhập nhoạng, chợt khi cơn gió bấc thổi bùng lên hắt cái bóng của cậu bé trùm lên ngôi mộ đất. Giữa canh khuya, từng vạt sương lòa xòa đậu ướt khắp các cành cây ngọn cỏ thi thoảng rỏ xuống lộp bộp, có giọt sương bị gió thổi táp vào tàn lửa cháy xèo xèo. Mặc kệ tất cả, cậu bé vẫn ngồi im như tượng trước ngôi mộ đất.

Đã khuya lắm, chừng như quá mệt mỏi, cậu gục quỳ sát xuống ngôi mộ thiếp ngất đi. Bỗng đâu, lẫn trong tiếng gió lào xào, trong chờn vờn ánh lửa, một ông hổ vàng dài thườn thượt đến ngót một trượng uốn lượn tấm thân như sóng nhẹ nhàng từ trong rừng Hắc Lâm tiến thẳng tới ngôi mộ đất.

Cậu bé vẫn thiếp ngất chẳng hay biết điều gì đang sắp sửa xảy đến với mình. Ở vùng rừng Hắc Lâm khi ấy, nơi thượng du và cả vùng hạ bạn, không tuần trăng nào, dân chúng trong vùng không phải nộp mạng cho các ông hùm ở nơi đây.

Thật khác thường, trong ánh lửa giờ chỉ còn leo lét hắt ra những chùm sáng yếu ớt nơi chân mộ đất, ông hổ vàng khổng lồ to bằng hai con trâu mộng bỗng trườn thấp xuống rồi quỳ hẳn sát ngôi mộ. Hai sải chân móng vuốt được thu giấu ẩn tàng trong đám lông mịn như nhung xoãi thẳng về phía trước. Ông hổ khẽ lúc lắc chiếc bờm khoang trắng rũ rũ nhưng hạt sương đêm bám trên đó rồi đặt chiếc đầu khổng lồ lên hai sải chân chỉ cách cậu bé ba bốn thước. Trong ánh lửa xập xòe lúc mờ lúc lịm hẳn đi, hai giọt nước mắt hổ vàng – vị chúa sơn lâm từng gieo rắc bao kinh hoàng cho dân chúng khắp vùng se sẽ rịn ra, chảy qua hàng râu cọp trắng xóa rơi xuống đất.

Bên cạnh cậu bé đã thiếp ngủ từ lâu.

Ngược con đường đất dẫn tới chân núi Ông Hùm, vừa rảo bước dưới trời khuya lạnh, Từ sư phụ vừa ngẫm ngợi về phỏng đoán của mình. Khi lấp huyệt mộ Cù Nương, ánh mắt của tiểu tử Lý Bí đã rực lên rất lạ. Chắc chắn với cá tính khác thường ấy, tên tiểu tử đã tự một mình đến bên mộ mẹ cũng nên? Như thế quả là quá khác thường. Từ tấm bé, lão tăng đã linh cảm một điều gì đó rất đặc biệt của Lý Bí. Người cha Lý Cạnh mất khi cậu mới tròn năm tuổi khi ấy chỉ bặm môi không khóc. Năm tuổi đầu đã tự mình chống cây gậy tre đi lùi trước linh cữu người cha suốt chặng đường dài không hề vấp ngã cũng là một điềm lạ. Buổi sáng, khi chôn người đã khuất nơi huyệt mộ, ta đã linh cảm điều gì ghê gớm sẽ xảy đến khi thấy mộ huyệt đám tráng đinh đào bới chẳng được bao lăm hôm trước chỉ qua một đêm đã được đào sâu hoắm một cách khác thường. Xung quanh đầy vết chân cọp càng khiến mọi người lo lắng. Duy chỉ thứ tử Lý Bí không tỏ vẻ gì sợ hãi, cậu còn nhìn thẳng vào đám vết chân cọp in hằn trên nền đất mới với vẻ mặt thoáng đanh lại. Có lẽ nào cơ duyên run rủi cho Lý gia có bước khởi phát phi thường chăng? Hôm trước, khi ở với sư huynh, xem tuổi cho thứ tử Lý Bí ngài đã phán bảo sau này chắc chắn có sự khác thường.

Cứ thế, vừa miên man suy nghĩ, đôi bàn chân Từ sư phụ vừa thoăn thoắt ngược sương gió đêm đông hướng về phía núi Ông Hùm.

Còn cách vài chục bước chân, Lý sư phụ giật mình kinh động mấy lần dụi mắt nhìn kỹ cảnh tượng phía trước. Trong ánh lửa leo lét yếu ớt thi thoảng gặp gió khẽ bùng lên, một hình ảnh phi phàm như không có thực đập vào mắt vị sư trụ trì hương Cổ Pháp. Dưới chân ngôi mộ đất, thứ tử Lý Bí đã ngất thiếp gục hẳn xuống ngôi mộ. Ngay sát bên cạnh, một ông hùm bằng xương bằng thịt to lớn dị thường nằm phủ phục như đang canh giữ cậu chủ nhỏ. Không chút sợ hãi, Từ sư phụ khẽ khàng tiến đến sát đống lửa lặng lẽ quỳ xuống giở bị cói lấy chiếc mõ thân thuộc luôn theo sát bên mình đều đều gõ lên đó miệng lẩm nhẩm đọc kinh. Càng kỳ lạ hơn, ông hổ vàng vẫn nằm im không động cựa, chỉ cặp mắt bắt lửa xanh lét chập chờn hình như có giọt nước lăn ra khỏi hốc mắt. Phải rất lâu sau, trong tiếng mõ đều đều lốc cốc, ông hổ vàng từ từ ngấc đầu lên, thu hai sải chân đứng dậy, vặn tấm thân cuồn cuộn như sóng chậm rãi bước ngược vào rừng Hắc Lâm tối thẫm. Ông hổ vàng đi được một lúc, cậu bé gục xuống bên nấm mộ đất mới chợt giật mình thức giấc. Cảm giác được tiếng mõ cốc… cốc… cốc… đều đều quen thuộc, cậu bé mở mắt quay sang nhìn đống lửa chỉ thấy Từ sư phụ vừa gõ mõ vừa lầm rầm chậm rãi đọc kinh.

*

Một tuần trăng sau nơi sân chùa Cổ Pháp.

Hôm đó nhằm đúng ngày rằm tháng Chạp. Hương Cổ Pháp dân chúng đang tất bật chuẩn bị cho tết Nguyên Đán. Luôn mấy năm được mùa, dân trong vùng Cổ Pháp sung túc có của ăn của để. Các họ Lý, Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái… họ nào cũng có ngày chạp họ riêng nhưng đều thống nhất với nhau rằm tháng Chạp đều cử tộc trưởng họp mặt ở sân chùa Cổ Pháp. Ngày này hàng năm cũng là ngày Lý gia xuất tiểu tử vào tự khi vừa mười tuổi và đón tiểu tăng hoàn tục trở lại Lý gia trang khi tròn mười tám tuổi. Đây cũng là ngày trọng đại của Lý gia và cổ tự. Rằm tháng Chạp năm nay dường như báo hiệu một sự khác thường. Trong ngoài cổ tự đã được dân chúng quét tước sạch sẽ từ mấy hôm trước. Chiếc cầu ao nhỏ bằng tre ngâm nước bắc ra mặt ao chùa vươn lên mấy chiếc cọc tre hôm nay đã được điểm thêm hai chiếc đèn lồng nhỏ soi bóng xuống mặt ao buổi cuối đông se sắt trong veo. Trong sân gạch lát nghiêng nhuốm màu thời gian rêu phong ngôi cổ tự, hai dãy bàn gỗ thô mộc được kê nối vào nhau trên đặt những chiếc chung gỗ lớn sạch sẽ. Phía căn nhà gỗ nhỏ bên phải, tiểu tăng Tinh Thiều đang tất bật nấu nồi nước trà xanh nghi ngút khói. Khéo léo chuyên ra các giành tích đan bằng tre trúc bên trong chứa chiếc ấm gốm lớn, vị tiểu tăng mau chóng bê bốn chiếc giành tích chứa đầy trà lên đặt ngay ngắn trên hai dãy bàn gỗ cũng là lúc các lão trượng của các tộc họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái dẫn đầu là Lý trang chủ đẩy cánh cổng gỗ đĩnh đạc bước vào trong sân.

Hai mươi bảy tiếng chuông lần lượt vang lên, Từ sư phụ vận bộ cà sa màu tía trang nghiêm tay cầm gậy tổ truyền đĩnh đạc bước ra vái chào rồi thong thả nói:

– Thưa các bậc lão trượng cùng Lý trang chủ! Bần tăng hôm nay tuân theo đạo pháp của sư phụ làm lễ thu nhận đệ tử Phật gia. Phật tổ hoằng pháp cao thâm, ngài luôn độ trì cho muôn dân cùng với khắp mọi nhà hương Cổ Pháp đã hàng trăm năm cho đến nay mọi người đều yên ổn. Ngày nay, trong hương ấp ấm no đủ đầy cũng là do Phật tổ độ trì mà nên. Lý gia xưa nay luôn biết hướng tâm vun trồng gốc Phật, nối đời cúng dường Phật môn chưa bao giờ dứt. Lại biết sát cánh làm gương cùng các tộc Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái chăm lo mọi việc trong ngoài hương ấp. Nay Lý gia có sở cầu đưa thứ tử Lý Bí sớm xuất gia vào cổ tự tu tập. Sư phụ trước đều quy định phải mười tuổi mới được xuất gia, song lão tăng trộm nghĩ, gia cảnh Lý Bí hôm nay đã ở vào lúc mồ côi cả mẹ lẫn cha, việc sớm xuất gia cũng là thuận theo ý của Phật tổ. Dẫu là như thế, quy tắc không dễ gì dỡ bỏ mà phải được sự đồng thuận của chư vị. Nay trước Phật môn, đúng ngày trọng đại, lão tăng xin thỉnh thị ý kiến của các tộc xem có quyết cho Lý Bí được sớm xuất gia không?

Lời Từ sư phụ dứt đã lâu trong sân cổ tự mọi người vẫn im phăng phắc.

Mãi một lúc lâu, một lão trượng họ Cù cũng là trưởng tộc đồng thời là cụ bác ruột bên ngoại của Lý Bí thong thả đứng dậy vái khắp một lượt rồi run giọng xúc động nói:

– Kính thưa lão tăng trụ trì cổ tự! Kính thưa các vị lão trượng đại diện cho các tộc Lý, Đinh, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái có mặt hôm nay. Các tộc chúng ta, từ thời thượng cổ đều quây quần hướng về Lý gia, nối đời suy tôn họ Lý làm hương chủ Cổ Pháp. Từ xưa đến nay, họ Lý đều đồng cam cộng khổ với các tộc khác. Việc mất mát của họ Lý cũng là mất mát của các tộc họ trong hương. Ba cháu chắt về bên ngoại họ Cù chúng ta đau thương liên tiếp giáng xuống đầu khiến ai cũng thương xót. Nay gặp lúc phải rứt ruột đưa cháu chắt xuất gia để chúng sớm được tu tập cũng là phúc đức của Lý gia, của các tộc. Tổ tiên chúng ta đã dạy, sống ở đời không được câu chấp bảo thủ. Nay Lý gia đã quyết ý, các tộc khác đều bằng lòng để cho Lý Bí bảy tuổi được xuất gia vào chùa. Ta xin đại diện cho các tộc thỉnh với Từ sư phụ y nguyện cho.

Cù lão trượng nói chưa dứt lời đã có những giọt nước mắt rịn rơi xuống chòm râu bạc. Cậu bé Lý Bí mặt đầy biểu cảm đôi mắt không hề chớp nhìn thẳng vào Từ sư phụ, sát bên là Lý trang chủ cao to vạm vỡ khuôn mặt nghiêm trang.

Lặng yên một lát, Lý trang chủ mới thong thả tiến ra một bước thủ lễ bốn phía chậm rãi nói:

– Bạch Từ sư phụ! Kính thưa các vị trưởng lão, hương thôn. Lý gia ta đã mấy trăm năm ăn ở sinh sôi vùng đất này đều luôn tự răn mình phải lấy chữ nhân chữ đức làm đầu, luôn chân thành đoàn kết với các tộc họ khác cày cấy làm ăn. May mắn được các tộc suy tôn cho giữ chức hương trưởng luôn tự nhủ phải khiêm cung học hỏi, làm gương cho các tộc khác. Điều này các bậc lão trượng đều đã tận mắt nhìn thấy. Nay hiền huynh ta chẳng may mất sớm, để lại gánh nặng cho Lý mỗ nào dám lơ là. Ba đứa cháu ta, hai ba tuổi đã mất cha, sáu bảy tuổi đành lìa mẹ côi cút thật không gì đau đớn bằng. Hôm trước ta đã bạch với sư phụ cho trưởng tử Lý Hiền xuất gia nơi cửa Phật dưới chùa Long Đỗ nơi có sư huynh Đỗ Khuông trụ trì cũng đã dứt ruột một lần. Hôm nay, thứ tử Lý Bí mới vừa bảy tuổi đã quyết chí xuất gia theo Phật ta lại lần nữa rứt một khúc ruột khỏi thân mình. Còn đứa cháu út bốn tuổi ta đang cùng với gia nhân tự tay nuôi nấng chung với con ruột cũng ngày đêm không dám rời mắt. Lý gia có lời xin các tộc hãy cho phép Lý Bí xuất gia đầu phật, xin sư phụ dốc lòng rèn dạy để Lý gia có ngày được mở mặt mở mày ta có chết cũng không báo được hết ơn. Mọi chuyện xin sư phụ hãy định đoạt cho.

Lời Lý trang chủ còn chưa dứt, những chòm râu bạc lại rung lên rưng rưng xúc động. Từ sư phụ hiểu được tâm lý của mọi người, khẽ chống cây gậy tổ bước lên một bước nói:

– Lão tăng từng đi tu tập nhiều nơi song chưa thấy nơi đâu như hương Cổ Pháp, con người luôn ghi sâu đạo lý, đặt lễ nghĩa làm đầu cao hơn cả danh dự mạng sống như ở đây. Âu cũng là điềm mừng của vùng đất này. Các tộc họ ở đây người người khí khái, họ nào cũng biết nhường nhịn trước sau. Riêng với Lý gia không hổ là tộc dẫn đầu, luôn nêu gương chịu thiệt, tôn trọng tận cùng các tộc họ khác mới có được sự khăng khít môi răng như hôm nay. Việc Lý Bí bảy tuổi xuất gia cũng là một hysinh không nhỏ của Lý gia. Các bậc lão trượng, các vị hương thôn phụ lão hãy cứ an tâm giao việc này cho lão tăng mà giành nhiều tâm sức chỉ dạy đám tráng đinh trong họ ngoài thôn phải biết chăm chỉ việc cày cấy nông tang, mở mang săn bắn thuần dưỡng muông thú, lại phải dốc sức đẵn cây xẻ gỗ đóng nhiều thuyền bè mới được. Hương Cổ Pháp đã mấy trăm năm bền vững gốc rễ thì việc mở mang ra bốn phía cũng là lẽ thường. Sau này, con cháu các tộc họ Lý, Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái sẽ càng sum suê cành nhánh đi khắp năm con sông mười ngọn núi học hành tinh tấn mới là ao ước của tổ tiên các tộc họ cũng là ý nguyện của Phật tổ.

Lời Từ sư phụ nói đến đâu, như từ trong huyết quản, tâm khí, mạch máu rần rật chạy trong tim óc các bậc lão trượng hương thôn tới đó. Ai cũng muốn ngay lập tức nắm chặt bàn tay người bên cạnh, gắn kết thành một khối, chỉ dạy cháu con nghe theo những lời nói như chắt ra từ gan ruột của vị sư trụ trì cổ tự.

(Còn tiếp)

P.V.K