Nam Đế Vạn Xuân – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (hồi 2)

1038

(Vanchuongphuongnam.vn) – Từ ngày vào cổ tự, tiểu tăng Lý Bí cùng sư huynh Tinh Thiều miệt mài tu tập. Từ sư phụ vốn không chỉ đạo hạnh cao thâm, tính tình khoáng đạt mà còn giỏi y thuật, chữ nghĩa, đặc biệt các việc tầm tang canh cử, thổ mộc, lục nghệ, sư phụ đều rất tinh thông. 

Tiểu thuyết lịch sử Nam Đế Vạn Xuân

Nam Đế Vạn Xuân – Tiểu thuyết lịch sử của Phùng Văn Khai (hồi 1)

HỒI THỨ HAI 

Rời Kiến Khang, Tiêu Tư ôm chí lớn

Đến đất khách, Tinh Thiều học thi thư

 

Kinh đô Kiến Khang triều đại Lương Vũ Đế năm thứ mười ba.

Lương Vũ Đế tên tục là Tiêu Diễn, vị hoàng đế khai quốc của triều Lương thời kỳ Nam – Bắc triều trong lịch sử Trung Quốc. Tiêu Diễn sinh năm Đại Minh thứ tám (464), đây là thời gian trị vì của Lưu Tống Hiếu Vũ Đế. Cha của Tiêu Diễn là Tiêu Thuận Chi, một trong những tướng giỏi của đại tướng Tiêu Đạo Thành. Họ Tiêu chính là hậu duệ của thừa tướng Tiêu Hà đời nhà Hán. Biết rõ biệt tài của Tiêu Thuận Chi, đại tướng Tiêu Đạo Thành đã tìm cách xin phong cho ông làm Lâm Tương huyện hầu, được làm tướng. Tiêu Diễn là con trai thứ ba của Tiêu Thuận Chi, vốn từ nhỏ đã thông minh đĩnh ngộ lại được học hành rất cẩn thận. Với biệt tài văn võ hơn người, chưa đầy hai mươi tuổi, Tiêu Diễn đã được đặc cách cho đi phụng sự việc đánh dẹp cùng với Ba Lăng vương Tiêu Tử Luân, con trai của Nam Tề Vũ Đế. Tiếp sau đó Tiêu Diễn phục vụ dưới quyền Vương Kiệm, một đại tướng lừng danh của nhà Nam Tề lúc bấy giờ. Ấn tượng trước tài năng văn võ của Tiêu Diễn, Vương Kiệm từng nói: Tiêu Diễn sẽ trở thành Thị trung trước năm ba mươi tuổi, sau đó sẽ dần dần có địa vị cao quý không thể nói được bằng lời. Cũng trong thời gian này, Tiêu Diễn kết giao với Cảnh Lăng vương Tiêu Tử Lương, một trọng thần đại tướng từng suýt đoạt được ngôi hoàng đế. Khi Tiêu Loan lật đổ hoàng thái tôn Tiêu Chiêu Nghiệp đã phong Tiêu Diễn làm tướng và phái đi trấn thủ thành Thọ Dương. Khi Tiêu Loan đăng cơ hoàng đế Nam Tề, Tiêu Diễn lại được phong làm Kiến Dương huyện Nam liên tiếp cầm quân Nam chinh bắc chiến giúp hoàng đế Tiêu Loan ổn định cục diện triều chính. Tiếp đó ông được tín nhiệm cử làm Thứ sử Ung Châu, nhận trọng trách trấn thủ thành Tương Dương và nắm giữ chức vụ này khi Nam Tề Minh Đế qua đời, con là Tiêu Bảo Quyển lên ngôi hoàng đế Nam Tề ở tuổi mười lăm (498), song quyền lực của vị hoàng đế trẻ tuổi theo lệnh vua cha trước lúc lâm chung đã bị kiềm chế bởi sáu vị đại thần.

Với tính tình hung bạo, hoàng đế Tiêu Bảo Quyển liên tục nghi kỵ và hãm hại các đại thần, tướng soái khiến triều chính vô cùng bất an. Với tài năng và tầm nhìn sâu sắc khác thường, Tiêu Diễn đã khôn khéo tự xây dựng thế lực của mình, kết giao với các Thứ sử, tướng lĩnh trẻ tuổi có thực lực trong triều ngoài biên, từng bước chuẩn bị cho việc đoạt ngôi báu.

Mùa xuân năm 502, khi Tiêu Diễn trên đường đưa hoàng đế Nam Tề trở về Kiến Khang, đến đất Cô Thục đã buộc hoàng đế phải ban thánh chỉ nhường ngôi cho mình kết thúc triều Nam Tề mở ra triều Lương đồng thời tự tấn phong là Lương Vũ Đế.

Lương Vũ Đế phong cho cựu hoàng đế Nam Tề tước hiệu Ba Lăng vương sau đó lập tức giết chết. Tuy nhiên với các hậu duệ cành nhánh Nam Tề Cao Đế và Nam Tề Vũ Đế, Lương Vũ Đế lại hết sức trọng dụng phân phong quan tước bởi ông cho rằng họ Tiêu xét cho cùng đều chung một gốc, đều là dòng dõi danh gia thế phiệt của nhà Hán. Bản thân Lương Vũ Đế là một người vô cùng tài giỏi cả hai đường văn võ, chính trị, bang giao. Bên ngoài hàng chục năm tự cầm quân đánh đông dẹp bắc mà trưởng thành. Bên trong khôn khéo tự gây dựng thực lực lên ngôi đế vị như trở bàn tay khiến người đời vừa kính sợ vừa tín phục.

Trong mười năm đầu trị vì, Lương Vũ Đế nhiều lần sai đại tướng đánh quân Bắc Ngụy khi thắng khi bại nhưng không có hao tổn lớn. Bên trong, Lương Vũ Đế chỉnh bị chính trị, khuyến khích dùng người hiền tài vào các vị trí chủ chốt, mở rộng giao thương, khuyến khích các nghề canh cửi. Những cải cách sâu rộng của ông khiến đất nước ngày càng cường thịnh.

Bấy giờ, ở Giao Châu, vùng đất trước đó nhà Tề từng phái các đại tướng giỏi chinh chiến xuống đánh dẹp đồng thời phong cho chức Thứ sử. Tề Minh Đế (494-498) sai đại tướng Lý Khải thay Phục Đăng Chi bấy giờ tuổi tác đã cao xuống Giao Châu làm Thứ sử. Lý Khải là người cơ mưu quyền biến, khi xuống Giao Châu đã mang theo tất thảy binh tướng bản bộ với dã tâm không nhỏ. Vùng đất phương Nam giàu khoáng sản tài vật lại xa cách kinh thành nhà Tề luôn tàng ẩn những dã tâm phản phúc của đám tướng soái. Dẫu đã biết trước như vậy, song nhà Tề khi đó đã rất suy yếu không còn gượng dậy được nữa, càng không thể tự ý điều khiển các Thứ sử ở nơi châu quận xa xôi. Chỉ bốn năm sau (502), khi Tiêu Diễn cướp ngôi Nam Tề cũng là lúc Lý Khải làm phản mưu đồ nghiệp riêng muốn hùng cứ phương Nam. Thấy rõ được dã tâm của đại tướng ngoài biên trấn cũng là tướng tài còn sót lại của nhà Nam Tề, Lương Vũ Đế một mặt củng cố ngai vàng một mặt cử đại tướng Lý Tắc phong làm Thứ sử Giao Châu đem quân bức hàng Lý Khải. Lý Khải không chịu khuất phục dàn quân huyết chiến với tướng Lương. Đánh nhau luôn mấy trận, do Lý Khải không được dân chúng Giao Châu ủng hộ, đám dân bản xứ đã đem hết thóc gạo dê ngựa giấu cả vào trong đầm lầy, rừng rậm khiến binh tướng của Khải cạn kiệt lương thực mà bị Lý Tắc bắt giết đi. Từ đó, Lý Tắc làm Thứ sử Giao Châu.

Khi đã yên ổn cục diện với nhà Bắc Ngụy, Lương Vũ Đế bắt đầu có thời gian để ý tới vùng đất Giao Châu. Được các mưu thần tin cậy hoạch định kế sách, Lương Vũ Đế cho gọi Vũ Lâm hầu Tiêu Tư, một tôn thất nhà Lương khi đó đang là trưởng sử vùng Vũ Lâm tới mật nghị riêng.

Tiêu Tư vốn dòng dõi tôn thất, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh, đa mưu túc kế, được người đời liệt vào hạng gian hùng. Lương Vũ Đế từ lâu muốn cử Tiêu Tư xuống Giao Châu, song trong bụng còn hồ nghi, sợ đưa Vũ Lâm hầu rời xa kinh thành sẽ khó bề chế ngự. Họ Tiêu khi đó chủ trì kiến lập nhà Lương song nội bộ vô cùng phức tạp. Các tướng họ Tiêu tranh giành quyền bính, đua nhau thoán đoạt không dứt khiến Lương Vũ Đế không khỏi không đề phòng. Nay đám mưu thần mật nghị Thứ sử Giao Châu Lý Tắc nhiều năm không chịu đưa của cải thóc gạo, vàng bạc châu báu, thợ giỏi gái đẹp về kinh đô Kiến Khang tấn hiến. Lương Vũ Đế nổi giận cho gọi Vũ Lâm hầu Tiêu Tư lập tức vào kinh lĩnh chỉ.

Nhận được thánh chỉ, Vũ Lâm hầu vội vã vào kinh.

Trong ngôi mật điện kinh đô Kiến Khang, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư đứng ngồi không yên, lo lắng không biết hoàng đế triệu kiến mình có việc gì. Tự kiểm điểm lại công việc của mình, Vũ Lâm hầu không thấy có điều gì sơ suất. Biết rõ tính đa nghi của Lương Vũ Đế, luôn mấy năm nay, Vũ Lâm hầu đã biết tự gọt giũa che chắn bớt đi khả năng của mình, giả vờ giả tảng, chờ thời thế nên chưa để xảy ra chuyện gì khiến Lương Vũ Đế nghi ngờ. Còn đang tự vấn đã thấy cánh cửa lớn phía trước từ từ mở ra, Lương Vũ Đế mặc bộ đồ lụa vàng trong tẩm cung thong thả bước tới chính giữa điện.

Vũ Lâm hầu vội vã quỳ mọp xuống hô:

– Hoàng thượng vạn tuế! Hạ thần Tiêu Tư xin thỉnh an hoàng thượng!

Lương Vũ Đế dường như vừa mới từ Đồng Thái tự trở về, khuôn mặt không gợn chút ưu tư. Hoàng đế tiến tới ngồi trên chiếc long ngai. Luôn mấy năm nay, Tiêu Diễn đột nhiên rất chăm chỉ vào chùa lễ Phật. Có dạo, Tiêu Diễn vào ở hẳn trong chùa cả tháng liền khiến triều đình lo sợ phải đem tiền vào chuộc Lương Vũ Đế mới trở lại chủ trì triều chính. Biết rõ như vậy, Vũ Lâm hầu mới bớt phần sợ hãi nhưng vẫn phủ phục chưa dám ngẩng mặt lên.

Lương Vũ Đế lướt nhìn kẻ phủ phục dưới đất chậm rãi khẩu dụ:

– Tiêu Tư! Khanh hãy bình thân! Đây không phải buổi thiết triều, trẫm ban cho khanh được ngồi mà nhận mệnh.

Lời hoàng đế vừa dứt, bọn hoạn quan đã bê tới một chiếc kỷ nhỏ đặt chếch về bên trái đồng thời khiêng ra hai chiếc kỷ lớn hơn đặt sát vào bên phải long ngai nơi chính điện.

Cánh cửa phía trước lại từ từ mở ra, hai vị đại quan phẩm phục rực rỡ bước vào tiến tới trước long ngai quỳ tấu:

– Hoàng thượng vạn tuế! Chúng thần kính chúc hoàng thượng an khang!

Lương Vũ Đế tươi nhuần nét mặt khẩu dụ:

– Chu ái khanh! Từ ái khanh mau bình thân. Trẫm đang đợi các khanh đến để xin cao ý.

Khi đám quần thần yên vị, thái giám bưng trà ra đặt bên cạnh nhưng chưa ai dám động tới. Lương Vũ Đế thấy thế bèn khẩu dụ:

– Trẫm ban trà các khanh cứ tự nhiên. Trẫm cho gọi các khanh đến để tuyên chỉ Vũ Lâm hầu sớm thụ mệnh Thứ sử Giao Châu, thay trẫm dẫn binh đi hỏi tội phản thần Lý Tắc. Không biết các khanh còn có cao ý gì không?

Lời Lương Vũ Đế đã dứt từ lâu, trong mật điện vẫn im phăng phắc.

Một lúc, Tiêu Tư mới từ từ đứng dậy thủ lễ run giọng nói:

– Hạ thần bất tài xin liều chết phụng mệnh hoàng thượng!

Vũ Lâm hầu vừa dứt lời, đại thần Chu Xả, một trong hai trọng thần cùng với Từ Miễn rất được Lương Vũ Đế tin dùng đứng ra thủ lễ nói:

– Hoàng thượng thánh minh! Tên Lý Tắc ở Giao Châu đã từ lâu có bụng làm phản triều đình. Luôn mấy năm nay, y ngang ngược tấu triết về triều cả hai đường thủy bộ giặc cướp hoành hành không thể chuyên chở tài vật về Kiến Khang được. Nói thế khác gì y cho rằng Lương triều bất an bất tài không trị nổi đám giặc cỏ. Nay trong bụng y đã nảy sinh dã tâm muốn hùng cứ phương Nam. Hôm trước, hạ quan đã xin với hoàng thượng cho Vũ Lâm hầu chức Thứ sử Giao Châu, cũng là mong Vũ Lâm hầu thay hoàng thượng hỏi tội Lý Tắc, vỗ về đám man di vậy.

Lời Chu Xả vừa dứt, đại thần Từ Miễn đứng dậy vuốt chòm râu bạc thi lễ tâu:

– Bẩm hoàng thượng! Cứ như ý của hạ thần, việc Vũ Lâm hầu dẫn binh xuống Giao Châu bắt bọn phản thần Lý Tắc, giáo hóa man di không chỉ tỏ rõ ân uy của Lương triều mà còn là dịp để triều đình trưng tập lương thuyền, gom góp thợ giỏi về Kiến Khang dựng đại điện cho hoàng thượng mau thành đế nghiệp. Vũ Lâm hầu tuổi trẻ chí lớn, xông pha hòn tên mũi đạn cũng là dịp để tôn thất Tiêu thị khẳng định tài năng của mình. Bọn Bắc Ngụy, Thổ Dục Hồn, Nhu Nhiên xưa nay vẫn cho rằng dòng tộc Tiêu thị chỉ quanh quẩn ở Trung Nguyên, nay Vũ Lâm hầu cầm trọng binh dẹp loạn man di phương Nam là dịp thể hiện khí phách của Tiêu thị vậy.

Thấy hai viên đại thần thân cận nói những lời khiến Lương Vũ Đế đẹp ý, Tiêu Tư không khỏi mừng thầm trong lòng. Xưa nay, sống gần vua như gần hổ, không biết mưa nắng thế nào. Dẫu rằng thời gian gần đây, Lương Vũ Đế đột nhiên tôn sùng đạo Phật, bản thân hoàng thượng rất chăm chỉ tới Đồng Thái tự lễ Phật, song mọi lo xa đều không thừa. Hoàng thượng nghe theo hai sủng thần Chu Xả và Từ Miễn quyết đẩy Lâm Vũ hầu ta xuống Giao Châu cũng là mở ra một phương trời mới cho Tiêu Tư ta vậy. Giao Châu tuy ở vào nơi cuối đất cùng trời song cư dân đông đúc, tài vật dồi dào, nhiều rượu ngon lắm gái đẹp lại cách xa Kiến Khang đến ngàn dặm cũng là nơi để ta thỏa chí anh hùng. Mai kia, vạn nhất binh tướng Bắc Ngụy huyết chiến với Lương triều thì chính là kế xa thành khỏi bị vạ lây. Còn như chẳng may Lương triều thất thủ, ta ở Giao Châu cũng đã là vua một nước, kẻ nào làm chủ Trung Nguyên cũng phải vỗ về ta. Cuộc đi lần này, bề ngoài các đại thần Lương triều tưởng dồn ta vào vùng đất khó song cũng là mở ra cho Tiêu mỗ thực hiện hùng tâm tráng trí của mình. Ở kinh thành, nhất cử nhất động của ta đều bị triều đình giám sát nghiêm ngặt. Trong triều thì soi xét nghi kỵ. Bên ngoài các tướng soái luôn gầm ghè giữ miếng cũng là cảnh cá chậu chim lồng mà thôi.

Vừa suy nghĩ trước sau, Vũ Lâm hầu vừa mạnh dạn đứng ra thủ lễ nói:

– Hoàng thượng thánh minh! Các vị đại thần thật có ơn sâu đã chỉ cho Tiêu Tư con đường sáng. Hạ thần đội ơn hoàng thượng cùng các vị đại nhân quyết bắt giết Lý Tắc, nêu cao ân điển của hoàng thượng ở Giao Châu.

Lương Vũ Đế bấy giờ bèn khẩu dụ:

– Tiêu ái khanh chớ quá lo lắng! Trẫm đã cho chuẩn bị binh lương đầy đủ để nay mai khanh thay trẫm thảo phạt Lý Tắc, vỗ về đám man di ở Giao Châu. Mọi việc còn có khó khăn gì, khanh hãy bàn bạc với Chu Xả và Từ Miễn. Trẫm đang trong tháng Phật đản, không tiện nói nhiều đến việc binh nhung. Mọi việc các khanh cứ theo ý trẫm là được.

Lời Lương Vũ Đế còn chưa dứt, ba vị quan nhân đưa mắt nhìn nhau ý chừng hẹn đến phủ riêng bàn bạc. Lương Vũ Đế nói xong rũ tay áo đứng dậy đi thẳng vào bên trong không nói thêm lời nào nữa. Đám đại thần đợi hoàng đế khuất dạng mới từ từ đứng dậy.

Hai vị đại thần tiến tới trước mặt Vũ Lâm hầu nói:

– Xin chúc mừng Tiêu đại nhân, chúc mừng Tiêu Thứ sử Giao Châu.

Lâm Vũ hầu Tiêu Tư chỉ biết cung kính đáp lễ.

*

Phủ đệ Vũ Lâm hầu Tiêu Tư ở Kiến Khang.

Bấy giờ, Lương triều vẫn đặt ra lệ các phủ đệ bọn Thái thú, trưởng sử, quan lại trong ngoài triều dã thường được đặt trong thành Kiến Khang. Đây cũng là mưu kế của đám đại thần hiến cho Lương Vũ Đế nhằm khống chế gia tộc vợ con quan lại tướng soái Lương triều. Nhiều vị bất bình song chưa ai dám công khai nói trong lúc nghị chính bởi quá biết tính nết đa nghi của Lương Vũ Đế.

Trở về từ ngôi mật điện, Vũ Lâm hầu vội cho triệu kiến thủ hạ tâm phúc tới thương nghị. Tiêu Tư bấy giờ cũng đã biết che chắn thực lực nên đám môn khách được tuyển chọn kỹ lưỡng lắm. Phủ đệ của Vũ Lâm hầu nằm khiêm nhường phía xa góc Tây Bắc thành Kiến Khang. Trước khi tới mật nghị trong cấm điện, Vũ Lâm hầu đã cố nén lo lắng căn dặn đám thủ hạ nếu có mệnh hệ gì tuyệt đối không được kêu oan làm loạn mà nhất nhất vâng theo thánh chỉ của hoàng thượng. Liên tiếp trước đó xảy ra mấy vụ tướng lĩnh đại thần đột ngột bị Lương Vũ Đế gọi vào mật điện tuyên tội giết cả nhà khiến bọn tâm phúc của Vũ Lâm hầu không khỏi sợ hãi. Nay thấy chủ nhân điềm nhiên trở về với vẻ mặt phấn chấn, các võ tướng tâm phúc Mã Phương, Thạch Đạt và hai vị mưu thần Lưu Thạo, Chu Liêm vội ra đón chủ nhân.

Khi đã yên vị trong phòng khách kín, nhìn vào vẻ mặt phấn chấn của Tiêu Tư, mưu thần Lưu Thạo nhanh nhẹn tiến ra nói:

– Tại hạ xin chúc mừng Vũ Lâm hầu mới được tấn chức! Ngài tuổi còn trẻ lại sớm được hoàng thượng tin dùng, sau này tất có đại nghiệp sử sách lưu danh. Xin chúc mừng!

Thấy khuôn mặt Vũ Lâm hầu càng nhuận sắc, mưu thần Chu Liêm lập tức cung kính chúc:

– Xin chúc mừng chủ nhân phúc lớn lộc lớn! Đám hạ quan theo chủ nhân cũng được mở mặt mở mày, thật không uổng công dùi mài kinh sử.

Hai viên võ tướng thấy hai vị quan văn đột ngột tiến ra chúc mừng còn chưa hiểu đầu đuôi câu chuyện. Chỉ thấy Vũ Lâm hầu tươi cười đón nhận lời chúc, còn việc thụ phong chức tước chưa biết thế nào đã thấy Vũ Lâm hầu đứng dậy thong thả nói:

– Là phúc không là họa. Là họa không tránh được. Hoàng thượng nghe theo hai vị đại thần vừa mới truyền chỉ phong ta làm Thứ sử Giao Châu. Ở nơi cuối đất cùng trời ấy không biết liệu có giữ được mạng sống mà trở về hay không? Đã là chỉ dụ của hoàng thượng, ta chỉ biết liều mạng nhận mệnh. Nay các ngươi có cao kiến gì hãy cứ nói thẳng ra.

Căn phòng chợt trở lên ắng lặng. Xưa nay vẫn nghe đồn Lương Vũ Đế dùng người rất khó lường, nhưng việc định quan đặt tước, thay đổi tướng soái của hoàng đế đều vô cùng vi diệu. Các đại thần chiến tướng được bổ nhiệm đều sớm lập đại công. Cũng không ít người lập công vẫn rơi vào chết thảm khiến nơi triều dã các triều thần luôn cẩn thận giữ mình. Nay Lương Vũ Đế đột ngột phong chức tước cho Tiêu Tư họa phúc quả là khó đoán.

Thấy hai viên quan văn còn do dự, võ tướng Thạch Đạt rướn cặp lông mày rậm rì nói lớn:

– Bẩm Vũ Lâm hầu! Tại hại nhiều năm theo ngài vào sinh ra tử nào có tiếc gì mạng sống. Nay ngài tuổi trẻ chí lớn lại đúng lúc được hoàng đế tin dùng còn gì bằng. Vẫn biết xứ Giao Châu man di mọi rợ nhưng cũng là vùng đất tài vật dồi dào. Nay ở Trung Nguyên cát cứ tranh hùng, quanh năm giao chiến với bọn Bắc Ngụy, Thổ Dục Hồn, Nhu Nhiên… mạng sống đám tướng sĩ chúng tôi cũng chỉ như giọt sương treo trên đầu ngọn cỏ. Việc ngài nhận mệnh dẫn trọng binh xuống phương Nam chính là ý trời. Mạt tướng tuy bất tài, xin nguyện được làm tiên phong đánh xuống Giao Châu.

Thấy Thạch Đạt hăng hái mở lời, võ tướng Mã Phương lập tức đứng dậy nói lớn:

– Mạt tướng xin được cùng với Thạch tướng quân dẫn binh xuống phương Nam theo hầu Thứ sử đại nhân!

Vũ Lâm hầu Tiêu Tư thấy đám văn võ thuộc hạ tâm phúc đều đồng lòng theo mình trong bụng cả mừng nhưng vẫn dè dặt nói:

– Việc binh là việc hiểm. Xưa nay chiến chinh ngàn dặm người đi có mấy kẻ về. Ta được các vị đồng lòng giúp sức quả là không uổng mối giao tình từ trước. Mọi việc từ nay phải hết sức cẩn thận mới được. Nay ta giao cho hai tiên sinh Lưu Thạo, Chu Liêm mau chóng thu xếp lụa là vàng bạc để ta tới phủ hai vị đại thần Chu Xả và Từ Miễn. Hai vị đã cố sức xin cho ta xuống trị nhậm Giao Châu chắc hẳn có đại kế vẹn toàn bước đường sau này. Mai kia, việc binh lương lợi hại có phải bẩm báo triều đình đều nhất nhất phải qua hai phủ Chu-Từ trước mới được. Còn như việc điểm binh chọn tướng, ta giao cả cho hai vị tướng quân đây. Các tướng hãy nhớ, nay mai hành binh xuống Giao Châu, tuyệt nhiên không được lấy việc đánh giết làm đầu mà phải biết dùng mưu lược, phải biết che kín bớt thực lực của mình mới có thể đứng vững nơi đất khách. Lý Tắc kia tài văn tài võ không phải kém sút ta đâu, song hoàng thượng đã sớm có kế trừ khử y từ lâu rồi. Ta đồ rằng giờ khắc này Lý Tắc cùng đám bộ hạ có khi đã hồn lìa khỏi xác rồi. Việc dùng kế hiểm thay ngựa giữa dòng xưa nay hoàng thượng làm kín nhẹm lắm. Các ngươi hãy dốc lòng vào việc trị nhậm lũ man di mọi rợ đất Giao Châu ta mới đặng an lòng.

*

Phủ đệ đại thần Từ Miễn.

Buổi tối, phía Tây thành Kiến Khang từng dãy đèn lồng hắt ánh sáng lung linh khắp đường phố. Phía tây cũng là các khoảnh đất dành cho các đại thần Lương triều xây phủ đệ. Bản thân Lương Vũ Đế rất công tâm trong việc phân phong đất đai phủ đệ cho các sủng thần. Thời gian đầu Lương triều khai quốc, Lương Vũ Đế rất tin dùng hai đại thần Chu Xả, Từ Miễn. Tuy Lương triều khi đó không thực hiện chế độ Thừa tướng, song tiếng nói và vị thế của Chu Xả, Từ Miễn luôn có sức nặng như tả, hữu Thừa tướng vậy.

Vũ Lâm hầu Tiêu Tư cùng Lưu Thạo, Chu Liêm với bốn tên gia nhân mang theo đám hòm xiểng dừng chân trước cánh cổng gỗ lớn phủ đệ quan đại thần Từ Miễn. Phải đợi khá lâu cánh cổng mới từ từ mở ra. Vượt qua khoảng sân rộng tới trước phòng khách lớn, đám người dừng lại đã thấy đại quan nhân Từ Miễn phẩm phục uy nghiêm dang tay có ý đón mời vừa nói:

– Lão phu từ chập tối thấy chim khách cứ kêu rối rít, biết sắp có khách quý. Không ngờ lại là Tiêu Thứ sử. Xin mời ngài vào trong tệ xá dùng trà.

Vũ Lâm hầu Tiêu Tư ra hiệu cho bốn tên gia nhân khiêng mấy chiếc hòm xiểng sang gian nhà gỗ phía sau đoạn thong thả vái chào Từ Miễn:

– Hạ quan được Từ lão bá không ngại tài sơ đức mỏng tuổi trẻ non nớt mà tấu xin hoàng thượng cất nhắc mới có được phúc phận ấy. Nay hạ quan vâng mệnh hoàng thượng chuẩn bị lên đường, mạo muội đến phủ đệ trước là cảm tạ lão bá, thứ nữa xin được chỉ dạy cho công cuộc sau này.

Từ Miễn vuốt chòm râu bạc nhìn thẳng vào Vũ Lâm hầu cùng với Lưu Thạo, Chu Liêm, đoán chừng là các mưu thần của họ Tiêu bèn thong thả nói:

– Đại Lương ta, xưa nay anh hùng xuất thiếu niên. Thánh chỉ phong Vũ Lâm hầu làm Thứ sử Giao Châu là ý của hoàng thượng chứ riêng gì công của lão phu. Có điều Vũ Lâm hầu đi chuyến này, đường xa vạn dặm, cách biệt kinh thành, tuy là làm chủ một phương nhưng phải nhớ gương các Thái thú ngày trước mà tạo lập ân uy của hoàng thượng với đám man di. Lại phải biết sớm vận chuyển tài vật của cải về Kiến Khang mới đẹp lòng hoàng thượng, lúc đó lão phu mới không mang tội.

Tiêu Tư thầm nghĩ trong bụng lão hồ ly già này với Chu Xả cứ như đi guốc ở trong bụng ta, lại sớm đe noi Tiêu mỗ. Tiến cử bày kế cũng là ngươi, giật dây cảnh báo Tiêu mỗ cũng là các ngươi cả. Ta ngặt nỗi thế lực còn quá mỏng lại bị kẹt giữa hoàng thượng và đám quyền thần chỉ còn biết vâng mệnh mà thôi.

Tiêu Tư mặt đầy biểu cảm thi lễ nói:

– Xin đa tạ lão bá đã chỉ dạy. Mạt tướng đi chuyến này cha mẹ gia quyến, của cải nhà cửa, mọi sự ở kinh thành đều mong lão bá giúp đỡ cho. Mạt tướng nguyện muôn chết vì Lương triều, vì lão bá. Có hai vị tiên sinh đây đi cùng giúp sức, mai kia mọi tấu triết đều được xin chuyển trước tới phủ lão bá để lão bá định liệu giúp cho.

Từ Miễn cười rung chòm râu bạc ý chừng vừa lòng lắm bèn nói ngay:

– Ấy chớ! Các tiên sinh đây giúp Tiêu Thứ sử việc văn bút tấu triết ở Giao Châu phải biên chép thành hai bản, một gửi triều đình, một bản gửi trước cho lão phu là được. Cũng là để lão phu sớm có định liệu mà nói giúp mọi bề với hoàng thượng cho.

Vũ Lâm hầu cùng hai thuộc hạ tỏ vẻ thành kính lắng nghe một lát cả ba cáo từ rời khỏi phủ. Ngoài trời đèn hoa rực sáng, khu phủ đệ Từ đại nhân như một tòa thành nhỏ lung linh.

*

Phủ đệ đại thần Chu Xả.

Vẫn với cung cách ấy, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư cùng với Lưu Thạo, Chu Liêm mang theo đám gia nhân cùng hòm xiểng lọt vào bên trong cánh cổng uy nghiêm có lính canh suốt đêm ngày. Lại những lời đội ơn mưa móc, hứa cúc cung tận tụy. Lại những hòm vàng bạc lụa là được đám gia nhân khiêng vào căn nhà gỗ phía sau. Lại những lời răn dạy của vị lão bá họ Chu quyền lực nghiêng triều. Cuối cùng, cánh cửa gỗ lại mở ra, Vũ Lâm hầu Tiêu Tư dẫn đầu đoàn người lặng lẽ bước trên con đường đèn hoa rực rỡ trở về phủ của mình.

Ngoài trời khuya, tiếng tên lính cầm chiếc đèn lồng đi tuần rao đều đều trên đường phố:

– Tiết trời hanh khô! Cẩn thận củi lửa!

*

Hương Cổ Pháp mùa đông năm 516.

Sau cái chết của Cù Nương, trang chủ Lý Khang theo sự chỉ bảo của Từ sư phụ cùng tráng đinh các dòng họ trong hương không quản ngày đêm chia nhau lên rừng đẵn cây kéo về Đầm Bạch Long xẻ gỗ đóng thuyền. Nhiều năm liên tiếp được mùa, thóc gạo khoai sắn đầy bồ đầy kho chỉ đợi đám thương thuyền dưới xuôi đem sắt, đồng, dầu, muối lên đổi lấy. Họ Cù họ Bạch họ Đinh vốn thành thạo săn bắn đã được Lý trang chủ giao cho lập phường săn vào rừng Hắc Lâm vừa săn bắt muông thú vừa có ý canh chừng đám hổ báo luôn mấy năm táo tợn xuống tận thôn xóm bắt trâu bò còn dám bắt thịt cả người trong thôn. Do chăm chỉ làm lụng, lại được dẫn dắt bởi các tộc họ đứng đầu là Lý tộc, hương Cổ Pháp ngày càng trù mật đông đúc rộng mở mãi lên. Đội thuyền Đầm Bạch Long đã lên tới gần trăm chiếc ngày ngày được đám tráng đinh vừa thi nhau học bơi lặn, chèo thuyền, chuyển hàng, sửa bến, vừa thăm dò các luồng lạch mãi xuống tận cuối nguồn Câu giang, Dã giang. Những là vụng nước nông sâu, phàm là dòng xuôi dòng ngược, Lý trang chủ đều cho đo vẽ biên chép rõ ràng. Ngay như kinh nghiệm đi đường sông của đám thương thuyền dưới xuôi lên trao đổi sản vật, Lý trang chủ cũng mời họ giảng giải để đám tráng đinh thêm hiểu về sông nước. Họ Lý lại cho làm kho nổi ở trên những chiếc bè lớn phòng khi nước lên cao cũng không hề hấn gì. Bởi vậy suốt đêm ngày, bến sông Đầm Bạch Long nhộn nhịp tấp nập lắm.

Buổi sáng dưới chân núi Ông Hùm nơi bìa rừng Hắc Lâm.

Tuy là tiết giữa đông, song hôm nay trời hửng sáng và khá ấm. Con đường đất ngoằn ngoèo dẫn từ xóm trại thôn ngoài hương Cổ Pháp tới bìa rừng Hắc Lâm một ngả rẽ vào núi Ông Hùm luôn mấy ngày được dọn dẹp khá phong quang. Mỗi dịp mùa đông chuẩn bị đón tết Nguyên Đán cũng là ngày Lý gia sắp đặt làm giỗ cho Lý Cạnh và Cù Nương. Các tộc họ Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái đều cắt cử người dọn dẹp cây cối, sửa sang con đường mòn dẫn ra núi Ông Hùm. Từ ngày tận mắt thấy phần mộ kết phát của Lý gia ở nơi đây, các tộc họ hương Cổ Pháp càng dành nhiều sự kính trọng với họ Lý. Tiếng đồn lan xa, đám thương khách dưới Đầm Bạch Long ngày rỗi rãi chờ đợi chuyển hàng đã xin với Lý trang chủ lên thắp hương vừa để tận mắt chứng kiến ngôi mộ kết phát. Đã hơn ba năm, phần mộ của vợ chồng Cù Nương ngày càng cao dày mãi lên mà tuyệt không thấy dấu vết bồi đắp mới nào từ bên ngoài. Cỏ cây xanh miên man trải dài khắp xung quanh hai ngôi mộ bây giờ đang dần gom thành một đỉnh. Hai thanh đá lớn dựng thẳng đứng đề danh phần mộ cắm chắc xuống mặt đất hoa cỏ cũng tràn cả xung quanh càng khiến thêm vẻ cổ kính. Liền kề đồi mộ, Lý trang chủ cho trồng hẳn một vạt tùng lấy giống từ rừng núi Tam Ngai cũng đã lên cao đến hai ba đầu người. Cây nọ đan cành tán vào cây kia khăng khít lắm.

Trên con đường đất phong quang, hai tiểu tăng Tinh Thiều và Lý Bí vừa đi vừa trò chuyện. Tinh Thiều khoác giỏ trái cây lớn, giơ tay chỉ về phía bìa rừng Hắc Lâm nói:

– Tiểu sư đệ! Thế cũng đã gần bốn năm đệ xuất gia rồi. Hôm nay tảo mộ song thân, đệ có điều gì muốn nói với cha mẹ chăng?

Tiểu tăng Lý Bí sau mấy năm đã cao vổng lên suýt soát bằng sư huynh hai vai khoác đồ cúng tế thong thả đáp:

– Thưa sư huynh! Tiểu đệ chẳng may sớm mồ côi xuất gia vào cửa tự được sư phụ và sư huynh hết lòng chỉ dạy chẳng có mong muốn gì lớn. Chỉ mong ước sao cha mẹ còn sống để đệ được vài phần phụng dưỡng không mang tiếng là kẻ bất hiếu là may mắn lắm rồi. Ao ước đó giờ chỉ có nằm mơ mà thôi.

Thấy Lý Bí chợt xúc động khi nhớ về cha mẹ đã khuất, Tinh Thiều không khỏi mủi lòng ngẫm ngợi nói:

– Ta nào có hơn gì sư đệ! Cha mẹ ta cũng đã khuất núi từ lâu còn không biết mộ phần nằm ở nơi đâu. May được sư phụ đưa về nuôi dạy. Nay thôi thì ta xin phép cứ coi mộ phần song thân sư đệ như mộ phần phụ mẫu của ta mà tưởng nhớ ơn đức trời biển sinh thành. Ta cũng đến tuổi sắp rời tự, mai đây góc bể chân trời chưa biết còn mất ra sao. Mong đệ ở cổ tự chăm sóc sư phụ, hàng năm hương khói cho song thân cũng là để ta ấm lòng trong bước ra đi vậy.

Tiểu tăng Lý Bí thấy sư huynh đột nhiên xúc động nói những lời tự đáy lòng chợt dừng chân ứa hai hàng lệ nói:

– Tiểu đệ biết được chí lớn của sư huynh cao rộng khác người. Đệ ngặt vì tuổi còn nhỏ, theo gia pháp họ Lý chưa thể cùng sư huynh xuất sơn thật là đáng tiếc. Chỉ mong sư huynh sớm thỏa được chí bình sinh của mình, gây dựng phúc trạch dồi dào, cứu khốn phò nguy được rộng khắp muôn nơi, khi ấy đệ cũng thêm phần rạng rỡ.

Nói tới đó, hai vị tiểu tăng đã bước tới trước hai ngôi mộ đất giờ đã sừng sững dưới chân núi Ông Hùm. Cả hai lặng lẽ dọn sạch vạt cỏ phía trước ngôi mộ, sửa sang lau dọn phiến đá lớn chuyên để bày hương hoa oản quả, sắp đồ cúng lễ đoạn cùng nhau rót nước thắp hương rất thành kính.

Trên nền trời chan hòa ánh sáng, ngay nơi bìa rừng Hắc Lâm chim chóc nhảy nhót đùa giỡn yên bình, hai thiếu niên anh tuấn vận bộ đồ vải nâu, đầu chít khăn vàng, chân đi giày cỏ quỳ trước hai nấm mộ. Tiếng mõ lốc cốc vang lên đều đặn. Những câu kinh trong vắt như suối nguồn thể hiện tấm lòng thơm thảo của hậu nhân tưởng nhớ ơn đức bậc sinh thành. Những làn gió nhẹ lao xao vẫy lá cây rừng. Một lúc lâu, khi ở giữa con đường đất loáng thoáng bóng người tiến dần ra phía mộ hai vị tiểu tăng từ tốn thu cặp mõ để vào chiếc bị cói tùy thân đứng dậy còn nhìn mãi vào hai phiến bia đá hồi lâu mới chầm chậm cất bước về ngôi cổ tự.

Từ ngày vào cổ tự, tiểu tăng Lý Bí cùng sư huynh Tinh Thiều miệt mài tu tập. Từ sư phụ vốn không chỉ đạo hạnh cao thâm, tính tình khoáng đạt mà còn giỏi y thuật, chữ nghĩa, đặc biệt các việc tầm tang canh cử, thổ mộc, lục nghệ, sư phụ đều rất tinh thông. Thường ngày, sư phụ chỉ dạy cho hai học trò người nào việc nấy không ngơi tay. Thông qua từng việc nhỏ, sư phụ luận bàn vào đời vào đạo rất sâu sắc. Sau đêm chứng kiến ông hùm phủ phục bên mộ đất Cù Nương, sư phụ cứ ngẫm ngợi vân vi mãi. Việc huyền diệu ở trong đời, sư phụ đã chứng kiến không ít nhưng việc hổ rừng cam tâm phủ phục trước cậu bé bảy tuổi chắc chắn phải có một bí ẩn khác thường nào đó. Dòng họ Lý đã mấy trăm năm tu nhân tích đức, giúp rập dân chúng hương Cổ Pháp ắt hẳn trời đất đã cảm động phái cọp vàng xuống báo ra điềm lạ chăng? Lại thấy tiểu tăng Lý Bí tuy còn nhỏ song dung mạo khác thường, tay dài mặt lớn, mũi rộng tai vuông rất có khí độ của bậc anh hùng. Cứ xem tính khí dẫu còn nhỏ tuổi đã thâm trầm khác hẳn trẻ đồng niên khác. Tiếc là tiểu tăng sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, đường đời sau này chưa biết run rủi ra sao? Hôm Đỗ Khuông sư huynh có ý bảo ta đất Cổ Pháp sớm muộn cũng sinh hào kiệt hay là ứng vào tiểu tăng này chăng? Thiên cơ thật khó đoán nhưng việc tu nhân tích đức hành đạo làm việc thiện ở đời không thể vì dễ dàng hay khó khăn mà dừng ngang được. Tiểu tăng Tinh Thiều năm nay đã tròn mười tám tuổi. Trí tuệ, đức độ của Tinh Thiều cũng không hề kém ta ngày trước. Dường như mảnh đất hương Cổ Pháp đang tàng ẩn những điều kinh thiên động địa mà ta không biết hết được.

Ngồi trên chiếc ghế gỗ trong chùa, Từ sư phụ nhìn lên bài vị của các vị tổ sư miên man suy nghĩ mọi công việc trong ngoài cổ tự.

Bên ngoài, tiết trời mùa đông nhưng không hiểu sao mấy ngày nay trời rất ấm và sáng. Dường như trời đất cũng hân hoan khi dân chúng hương Cổ Pháp đã hàng chục năm yên ổn thái bình. Nghe sư phụ kể ngày trước, thi thoảng đám quan quân nhà Tề từ tận thành Gia Ninh, Long Biên, Cổ Loa theo đường thủy bộ đến tận đây cướp phá, bắt đi nhiều trai tráng, hãm hiếp phụ nữ, giết chóc người già trẻ con rất tàn bạo. Sau các vị sư phụ đã phải vận động toàn bộ phụ lão hương thôn Cổ Pháp giấu sẵn lương thực. Mỗi khi quan quân tới đầu Đầm Bạch Long tất cả khua chiêng trống báo động bế ẵm nhau trốn sạch vào rừng rậm đợi lũ quan quân kéo đi mới trở về hương thôn. Luôn nhiều lần như thế, đám quan quân nhà Tề thấy cũng chẳng cướp phá được gì không quay trở lại nữa dân chúng Cổ Pháp mới được yên ổn. Sau này bọn thuộc tướng của Lý Khải, tiếp đến là Lý Tắc của Lương triều cũng chẳng thèm nhòm ngó tới vì chúng cho rằng đây là vùng đất hoang dã, động tí dân chạy sạch vào rừng ở như loài muông thú chẳng có của cải gì đáng giá. Ở hương Cổ Pháp, mọi công to việc lớn các họ tộc đều nhất nhất theo lời sư trụ trì và Lý gia. Xưa nay, các tộc Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái theo tập tục riêng ít khi cho con cháu còn nhỏ xuất gia đầu Phật. Tuy vậy, các tộc họ đều dốc lòng thờ Phật và mời trụ trì tới giảng pháp. Bởi vậy, cổ tự dẫu vắng lặng do ít tiểu tăng song pháp độ vẫn được duy trì tận nơi thôn cùng xóm vắng. Thường buổi sáng, sư trụ trì và một tiểu tăng tới các dòng họ trong thôn giảng pháp. Từ khi có thêm Lý Bí, họ Lý thường được Từ sư phụ cho gọi theo bên mình. Tinh Thiều từ ngày có thêm sư đệ càng tỏ ra mẫu mực chín chắn, mọi việc lớn nhỏ trong tự đều hết sức chỉ bảo kỹ lưỡng cho tiểu đệ. Thấy hai đồ đệ khăng khít với nhau, Từ sư phụ trong bụng rất mừng. Cùng sư môn đồng đạo, cái gốc vững bền trước tiên là kết đoàn kiêm ái. Đã nơi cửa Phật, mọi suy nghĩ phải đến tận gốc rễ mới mong hoằng pháp thu phục nhân tâm.

Ngoài sân tự, hai vị đồ đệ đang khoác tay nhau chỉ trỏ về phía rừng Hắc Lâm như đang tranh luận điều gì. Thoáng thấy bóng sư phụ ngồi trong trai phòng, Lý Bí và Tinh Thiều thong thả tiến vào thủ lễ:

– Bạch sư phụ! Chúng tiểu tăng theo lệnh sư phụ đem hương hoa oản quả tới khu mộ núi Ông Hùm đã tụng đủ mười sáu bài kinh sư phụ dạy. Dọc đường còn gặp các vị hương thân phụ lão tới thắp hương ở đó. Cả hai ngôi mộ năm nay mối đùn cao hơn mấy năm trước nhiều lắm. Không biết đó là điềm gì xin sư phụ chỉ dạy.

Đợi hai học trò ngồi yên trên ghế gỗ uống xong bát trà xanh nóng trong giành tích, Từ sư phụ mới thong thả dạy:

– Tinh Thiều, Lý Bí! Luôn mấy năm gần gũi, ta cũng chưa chỉ bảo được nhiều cho các con. Song ta thấy các con vốn thông minh đĩnh ngộ, học đâu biết đấy. Đặc biệt Tinh Thiều theo ta đã mười năm, kinh kệ sách vở đã làu thông, việc đạo việc đời trong hương ấp đều có cái nhìn và thành tựu riêng cho mình. Việc kết phát hai ngôi mộ của Lý gia là ơn đức trời đất và Phật tổ ban tặng cho họ Lý. Ngay như các tộc họ khác đều đặn hàng năm đến thăm viếng hương hoa mộ phần cũng là đạo lý tốt đẹp ở hương Cổ Pháp. Có những việc rồi dần dần các con sẽ hiểu. Mấy năm nay, ta để ý thấy Tinh Thiều có ý muốn xuất sơn chu du đây đó để học tập. Không biết đó có phải là tâm ý của con không?

Tinh Thiều nghiêm trang nhìn thẳng vào sư phụ đáp:

– Sư phụ vẫn dạy con, người xuất gia không được nói dối. Xưa nay ở tự, con chưa việc gì không bẩm báo với sư phụ. Được sư phụ chỉ dạy không chỉ đạo pháp mà còn đạo lý rộng lớn ở đời. Từ ngày có thêm sư đệ, mấy năm nay con không chỉ học từ sư phụ mà học được cả từ sư đệ. Sư đệ tuy nhỏ tuổi nhưng suy nghĩ rộng lớn khác thường. Cái nghĩ của sư đệ không nghĩ riêng cho hương Cổ Pháp mà là toàn xứ Giao Châu. Dân ta không thể mãi trốn chạy vào rừng khi đám quan lại đến bách hại như thế được. Người Giao Châu càng không thể mãi làm tôi tớ trâu ngựa cho người phương Bắc. Sư phụ là người học rộng biết nhiều, mong hãy chỉ dạy cho chúng con. Từ ngày sư phụ chỉ cho Lý trang chủ mở đất đóng thuyền, dự trữ thóc gạo, sửa sang kho bãi, tích cực giao thương, lại luôn đặt việc cố kết các tộc họ Lý, Đinh, Cù, Triệu, Bạch, Ma, Vững, Giàng, Khái để hương Cổ Pháp ngày càng vững mạnh con đã dần ngộ ra cái ý cao thâm của sư phụ. Nay con đã đến tuổi phải rời tự, lại may có được tiểu sư đệ ở lại chăm sóc người, con quyết xin sư phụ cho xuất sơn. Con cũng giống như sư đệ, sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ, được sư phụ chăm nuôi từ nhỏ, công lao trời biển biết chẳng bao giờ có thể báo đáp, xin sư phụ định đoạt cho con.

Từ sư phụ xúc động nói:

– Tinh Thiều! Con ở với ta đã mười năm. Tâm tính đức độ tài năng của con ta đều biết rõ. Ta đang định sau mùa đông này gửi con xuống hương Màn Trò để sư huynh truyền thụ phật pháp thêm cho. Song thấy ý con đã quyết, ta cũng không giữ nữa. Chẳng hay khi xuất sơn con sẽ tới vùng đất nào?

Tiểu tăng Tinh Thiều trong lòng chợt dâng lên một cảm xúc khó tả. Bao năm ở nơi cổ tự, thấm đẫm nghĩa đất tình người bỗng chốc nói lời giã biệt sao thấy quá khó khăn.

Cố nén xúc động, vị tiểu tăng bình tĩnh nói:

– Con theo lời sư phụ chỉ dạy bấy lâu nay, thấy được điều căn cốt rằng, người Giao Châu chúng ta, về cơ bản vẫn hiếm khi tự giành lấy được nước mình, suốt ngàn năm là tôi tớ quận huyện của người phương Bắc. Từ thời Hùng Vương  xưng vương lập nước, kế đến các vị anh hùng thời sau như An Dương Vương, Cao Lỗ, Trưng Vương, Triệu Vương đều xưng vương lập nước nhưng cũng chẳng được lâu bền mà đều còn chóng bị người phương Bắc đàn áp dã man, khiến dân ta trăm bề cơ cực, lâm vào cảnh nước mất nhà tan thật là đau xót. Phật tổ dạy cứu khổ cứu nạn từ bi hỉ xả nhưng lũ người phương Bắc chưa bao giờ biết đến đạo lý ấy. Bởi vậy các anh hùng đất Giao Châu mới nối nhau vùng lên đánh đuổi chúng. Nay con muốn xin sư phụ xuất sơn, trước là đi một vòng khắp các vùng Phong Châu, Cổ Loa, Gia Ninh, Vũ bình, Long Biên, xem xét hình sông thế núi, lại dò vào lòng người xem hư thực ra sao. Tiếp đó, con muốn sang phương Bắc một chuyến, tới kinh đô Kiến Khang của nhà Lương học thi thư, thuật pháp, nghiên cứu quân chế, binh giáp, xem người phương Bắc có gì ưu việt mà ngàn năm nay chiếm cứ nước ta, ép ta mãi mãi làm quận huyện của chúng như thế.

Tiểu tăng Lý Bí ngồi nghe sư huynh nói như nuốt lấy từng lời.

Từ sư phụ lặng yên lắng nghe tâm tư của học trò trong bụng vừa ngạc nhiên vừa không khỏi mừng thầm.

Đợi cho đệ tử nói hết, Từ sư phụ mới nghiêm trang nói:

– Trước hết, sư phụ xin chúc mừng con đã sớm trưởng thành. Ta không ngờ con không chỉ tinh tấn Phật pháp, thuần thục công việc trong ngoài cổ tự mà nhãn quan và tấm lòng đều rất sâu sắc, rộng mở. Nay con sắp xuất sơn, ta nói để hai con cùng biết. Từ thượng cổ, khi hoàng đế nhà Chu dựng nghiệp đã cho rằng Giao Chỉ nằm ở ngoài cõi Bách Việt, không thể thống thuộc được, bèn chia ra giới hạn ở góc Tây Nam. Mãi về sau, dần dần hình thành nên các bộ lạc Việt Thường Thị; Vũ Ninh; Quận Ninh; Gia Ninh, Lục Hải; Ninh Hải; Thanh Tuyền; Tân Xương; Bình Văn; Cửu Chân; Nhật Nam; Hoài Hoan; Cửu Đức… đều nằm ngoài tầm cai quản của hoàng đế. Đến thời Trang vương nhà Chu thì người Giao Chỉ đã tự tôn xưng vua Hùng vương, định đô ở Văn Lang, lập ra quan văn quan võ, sửa sang phong tục thuần hậu, chăm sóc cư dân trên bến dưới thuyền rất có lễ nghĩa truyền tới mười tám đời. Tiếp đó đến đời Tần, Hán, Ngô, Tấn… người phương Bắc lại dùng vũ lực xua binh cai trị. Các quan lại phương Bắc được cử xuống cai trị Giao Chỉ từ thời Hán Vũ Đế như Thạch Đái, Chu Chương, Ngụy Lãng, Tô Định, Mã Viện đều dùng binh tướng tàn sát dân ta. Tiếp đó đến Chu Xưởng, Trương Kiều, Hạ Phương, Lưu Tháo, Chu Ngung, Chu Tuấn, Giả Tung, Nguyễn Tiến đều là những quan lại lỗ mãng quen thói vũ phu vô đạo. Phải đến khi Sĩ Nhiếp tự là Ngạn Uy sang làm Thái thú Giao Châu mới giữ nề nếp cai trị có phép tắc. Sĩ Nhiếp học vấn uyên thâm, chính sự trong ngoài nghiêm chỉnh, trong thời loạn lạc đã không hổ danh Thái thú hùng cứ một phương. Sĩ Nhiếp còn cho dân chúng học hành, giáo hóa lễ nghĩa. Ở cõi Giao Châu khi đó, Thái thú Sĩ Nhiếp đã dám dùng nghi vệ của bậc vương hầu, đi lại thì rung chuông, vào thành rước cờ, kèn vang trống nổi, rầm rộ trên đường, đến nỗi người đương thời cho rằng Triệu Đà cũng không bằng được. Sau Sĩ Nhiếp, đến bọn Đái Lương, Lữ Đại, Lục Doãn, Tôn Tư, Đặng Tuân, Ngô Hưng, Hoắc Đặc, Mã Dung, Dương Tắc, Lưu Tuấn, Đào Hoàng đều là những Thái thú được nhà Ngô cử sang kiêm quản Giao Châu nhưng hoặc là hèn nhát hủ hóa dẫn đến tự bại vong hoặc là đánh giết lẫn nhau mà tiếm quyền đều chẳng ra gì, chỉ khiến dân ta thêm khổ cực. Ví như chuyện Dương Tắc làm phản, Tôn Hạo vua nước Ngô đã phải sai đại tướng Đào Hoàng sang đánh Dương Tắc, rồi Đào Hoàng tự mình tấn tước đô đốc Giao Châu. Chuyện đại tướng bên ngoài tự tiếm tước khiến Tôn Hạo mất mặt bèn nhắm mắt phong Đào Hoàng làm Thứ sử Giao Châu cũng đã là mục nát lắm rồi. Quả liền sau đó, vua Ngô đầu hàng nhà Tấn, dòng họ Tư Mã cướp ngôi họ Tào đã khôn khéo xuống chiếu phong Đào Hoàng giữ chức Thứ sử Giao châu như cũ. Khi Đào Hoàng chết, nhà Tấn tiếp tục cử bọn Ngô Ngạn, Cố Bí, Đào Nguy, Đào Thục, Đào Tuy, Đào Khản đều là con cháu dòng giống của Đào Hoàng nhưng việc trị nhậm không bằng lúc trước khiến dân chúng Giao Châu đua nhau khởi nghĩa. Tiếp đó đến bọn Vương Lượng, Nguyễn Phóng, Nguyễn Phu, Chu Phu, Nguyễn Tốn, Đỗ Viện, Đỗ Tuệ, Đỗ Hoành Văn, Vương Huy đều chỉ là những Thái thú chăm chỉ vơ vét tài vật mà ít chú ý đến việc giáo hóa dân chúng. Đến các đời vua Tống cử bọn Đoàn Hòa Chi, Lưu Mục, Lưu Bột, Nguyễn Trường Nhân sang trị nhậm Giao Châu luôn dùng binh đàn áp dân ta. Thứ sử Giao Châu Đoàn Hòa Chi đời Tống Văn Đế còn đem binh vào tận Lâm Ấp đánh giết chém đầu hàng ngàn người. Quân khởi nghĩa phủ áo giáp lên voi kín mít xua quân giao chiến nhưng Thái thú họ Đoàn đã dùng binh sư tử giáp trận khiến phải sợ hãi bỏ chạy đều được Tống sử biên chép rõ. Tiếp đến nhà Tề, nhà Lương cử bọn Thẩm Hoán, Nguyễn Thúc Hiến, Lưu Khải, Phòng Pháp Tông, Phục Đăng Chi, Lý Khải, Lý Tắc sang cai quản Giao Châu cũng đều gây mầm họa cho dân ta. Mới hay thời nào cũng vậy, bọn người phương Bắc trước sau chỉ lăm le đàn áp người Giao Châu ta, biến đất đai ta thành quận huyện của chúng. Nay con lòng ôm chí lớn muốn đi một vòng thiên hạ, sang tận kinh đô phương Bắc quyết học thi thư, tìm hiểu căn cơ ngọn nguồn quả là đáng quý lắm thay. Ta chúc cho con chân cứng đá mềm, sớm thực hiện được hoài bão của mình, làm rạng danh người Giao Châu, sư phụ có chết cũng nhắm được mắt vậy.

Từ sư phụ nói đến đâu, Tinh Thiều và Lý Bí đều thấy như có một bầu máu nóng chạy rần rật trong huyết quản tới đó. Cả hai lặng người trước những lời nói từ tâm can gan ruột của sư phụ. Từ sư phụ dứt lời đã lâu, cả ba đều xúc động không nói nên lời.

Mãi sau, tiểu tăng Lý Bí đứng dậy cung kính trang nghiêm nói:

– Bạch sư phụ! Thưa sư huynh! Những lời sư phụ và sư huynh vừa nói khiến cho lòng con như vén được đám mây mù. Tổ tiên người Giao Châu không hiếm anh hùng hào kiệt. Người hiền đức thời nào cũng có mà sao đất ta dân ta cứ mãi là tôi tớ cho người, là quận huyện của người là do phương Bắc quá mưu mô tham tàn độc ác. Chúng đời vua nào cũng xua binh tướng xuống đánh giết cai trị nước ta. Nay sư huynh xuất sơn làm vị hành giả đi khắp thiên hạ hãy nhớ lời sư phụ răn dạy. Sư huynh sang phương Bắc, dẫu có học thi thư của chúng cũng chớ có quên mình là người hương Cổ Pháp xứ Giao Châu. Đệ ở lại cổ tự xin hứa với sư huynh sẽ chăm sóc tốt cho sư phụ, học hành tinh tấn đợi ngày sư huynh trở về.

Trong ngôi cổ tự thâm u trầm mặc, ba thầy trò nghiêm trang bàn luận mãi đến chính Ngọ mới dứt.

P.V.K